Về Amoris Laetitia – Chương III: Nhìn lên Chúa Giêsu - ơn gọi của gia đình (tiếp)

Gia đình trong các văn kiện của Hội thánh

Công Đồng Vatican II, trong Hiến Chế Gaudium et Spes đã định nghĩa hôn nhân là một cộng đoàn sự sống và tình yêu, đã nhấn mạnh đến “việc vợ chồng đặt nền móng trong Đức Kitô”. Chúa Kitô hiện diện với họ trong bí tích Hôn phối (48) và ở lại với họ: khi nhập thể, Ngài mặc lấy, thanh tẩy và đưa tình yêu nhân loại đến chỗ hoàn tất. Nhờ Thần khí, Ngài ban cho vợ chồng khả năng sống tình yêu ấy, bằng cách thấm nhập mọi thành phần của đời sống tin, cậy, mến của họ. Nhờ thế, họ được thánh hiến, họ xây dựng Thân mình Đức Kitô và làm nên Hội thánh địa phương (x. Lumen Gentium, 11), đến độ muốn hiểu mình cách trọn vẹn, Hội thánh phải nhìn vào gia đình Kitô giáo, là nơi đang thể hiện Hội thánh cách đích thật”[1].

Chân phước Phaolô VI, với Thông điệp Humanae Vitae, đã đưa ra mối quan hệ nội tại giữa tình yêu vợ chồng và việc sản sinh sự sống: ‘Tình phu phụ đòi vợ chồng ý thức đầy đủ những bổn phận của mình trong vấn đề làm cha mẹ có trách nhiệm, tức nhận ra các bổn phận của mình đối với Thiên Chúa, với chính mình, với gia đình và xã hội loài người’ (số 10). Trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi, Đức Phaolô VI cũng nhấn mạnh đến tương quan giữa gia đình và Hội thánh”[2].

“Thánh Gioan Phaolô II, trong thư gửi cho các gia đình Gratissimam Sane, cách riêng trong Tông huấn Familiaris Consortio, đã định nghĩa gia đình là ‘con đường của Hội thánh’, đã cho thấy một cái nhìn chung về ơn gọi yêu thương của con người và đã đưa ra những chỉ dẫn căn bản về việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình trong xã hội và  mô tả vợ chồng phải sống ơn gọi nên thánh của mình ra sao”[3].

Đức Thánh Cha Benedicto XVI, trong Thông điệp Deus Caritas Est, đã nhấn mạnh rằng hôn nhân được xây dựng trên một tình yêu riêng biệt và rõ ràng bao giờ cũng là biểu tượng chói ngời của mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân Ngài, và ngược lại (11). Còn trong Thông điệp Caristas in Veritas, ngài đã coi tình yêu là nguyên tắc sống trong xã hội (x. 44), là nơi ta học được kinh nghiệm về công ích[4].

Bí tích hôn phối

Kinh thánh và truyền thống cho thấy gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa, là sự hiệp thông của các ngôi vị. Chúa Giêsu đã biến hôn nhân thành bí tích của tình yêu Ngài dành cho Hội thánh (x. Mt 19, 1 – 12; Mc 10, 1 – 12; Ep 5, 21 – 32). Trong gia đình nhân loại do Đức Kitô qui tụ, ‘hình ảnh và việc giống’ Chúa Ba Ngôi đã được phục hồi (x. St 1, 26)[5]

Bí tích hôn phối là ân sủng giúp cho “việc vợ chồng thuộc về nhau trở thành một biểu tượng đích thật của mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội thánh. Vì thế vợ chồng là một gợi nhớ muôn đời về những gì đã xảy ra trên thập giá đối với Hội thánh; họ là những chứng nhân của ơn cứu độ họ đang được tham dự, cho nhau và cho con cái mình”[6]. Hôn nhân là một ơn gọi, nên quyết định kết hôn và có một gia đình phải là kết quả của một tiến trình biện phân ơn gọi[7].

Ân sủng của bí tích hôn phối giúp vợ chồng sống tốt hơn lời cam kết: hoàn toàn hiến mình cho nhau, trung thành với nhau và mở ra cho sự sống mới.Trong bí tích này, chính Đức Kitô “đang gặp gỡ, ở với và ban sức mạnh cho các vợ chồng Kitô hữu để vác thập giá theo Ngài, để trỗi dậy sau khi té ngã, để tha thứ cho nhau, mang gánh nặng của nhau”[8]. Nhờ được nên một xương một thịt, họ trở thành hiện thân của cuộc kết hợp với bản tính nhân loại của Con Thiên Chúa, “được nếm trước tiệc cưới Chiên Con ngay khi còn ở trên trần gian này”[9]. Dù việc so sánh giữa cuộc hôn nhân của con người với cuộc hôn nhân của Đức Kitô với Hội thánh còn “khập khiễng”[10], nhưng vẫn thôi thúc ta nài xin Chúa tuôn đổ dẫy tràn tình yêu Thiên Chúa của Ngài xuống trên mỗi vợ chồng[11].

Sự kết hợp tình dục – kết quả của việc chấp nhận nhau, hiến mình cho nhau, chia sẻ cuộc sống cách trọn vẹn – chính là con đường cho vợ chồng lớn lên trong đời sống ân sủng, một ân sủng trào ra từ sự sung mãn của tình yêu Thiên Chúa, được bày tỏ nơi mầu nhiệm vượt qua, nên vợ chồng luôn được mời không ngừng cầu khẩn sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng hiến thánh cuộc hôn nhân của họ, để họ có thể cảm được ân sủng của Ngài trong mọi hoàn cảnh mới họ gặp phải[12].

Theo truyền thống của Hội thánh Latinh, các thừa tác viên của bí tích hôn phối chính là hai người kết hôn[13]. Vì thế, khi hai vợ chồng không phải là Kitô hữu đón nhận bí tích Thánh tẩy, họ không cần phải canh tân lời thề hứa hôn nhân. Giáo luật cũng công nhận sự thành sự của một số cuộc hôn nhân được cử hành mà không có sự hiện diện của các thừa tác viên có chức thánh[14]. Hội thánh có thể đòi phải cử hành đám cưới công khai, với sự hiện diện của các nhân chứng và những điều kiện khác nhưng đòi hỏi ấy vẫn không đánh mất tư cách là thừa tác viên của hai người cưới nhau[15].

Đaminh Nguyễn Đức Thông

[1]Relatio Synodi 2014, 17; Amoris Laetitia, số 67

[2]Relatio Finalis 2015, 43. Amoris Laetitia, số 68

[3]Relatio Synodi 2014, 18; Amoris Laetitia, số 69

[4]Relatio Finalis 2015, 38; Amoris Laetitia, số 70

[5]Amoris Laetitia, số 71

[6] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn,  Familiaris Consortio (22.11.1981), 13: AAS 74 (1982), 94.

[7]Amoris Laetitia, số 72

[8]Ibid.

[9]Ibid.

[10]Ibid

[11]Amoris Laetitia, số 73

[12]Amoris Laetitia, số 74

[13] Cf. Đức XII, Tông huấn,  Mystici Corporis Christi (29 June 1943): AAS 35 (1943), 202: “Matrimonio enim quo coniuges sibi invicem sunt ministri gratiae …”

[14] Cf. Bộ Giáo luật, cc. 1116; 1161-1165; Bộ Giáo luật Hội thánh Đông phương, 832; 848-852.

[15]Amoris Laetitia, số 75

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube