Amoris Laetitia - Chương I: Trong ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa

 

Dựa vào những câu chuyện trong Kinh thánh về gia đình bắt đầu từ chuyện của gia đình Adam và Eva (St 4) tới lễ cưới của Tân Nương và Chiên Con (Kh 21, 2, 9)[1], Đức Thánh Cha  đã làm bật lên những nét chính yếu của hôn nhân gia đình:

Gia đình thể hiện kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa khi tạo dựng họ theo hình ảnh Ngài là nam là nữ (St 1, 26 – 27; Mt 19, 4). Đó cũng là thực tại sâu thẳm nhất của vợ chồng nhân loại. Điều gây ấn tượng là “hình ảnh Thiên Chúa” ở đây ám chỉ tới cặp đôi, “nam và nữ”. Sự phong nhiêu của vợ chồng nhân loại chính là “hình ảnh” sống động, là dấu chỉ hữu hình của hành vi sáng tạo của Thiên Chúa[2] và là biểu tượng  của sự sống nội tại của chính Thiên Chúa (x. St 1, 28; 9, 7; 17, 2 – 5, 16; 28, 3; 35, 11; 48, 3 – 4)[3].

Gia đình là phản ảnh của mầu nhiệm Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần và gia đình với ba thành phần: cha mẹ và con cái chính là phản ảnh sống động của sự hiệp thông ấy[4]. Thánh Phaolô lại liên kết vợ chồng với “mầu nhiệm” sự hiệp thông giữa Đức Kitô và Hội thánh[5].

Gia đình là kết quả của một sự gắn bó giữa người với người, đem lại sự xoa dịu nỗi cô đơn và một sự sinh hạ mới làm phát sinh gia đình[6]. Sự gắn bó này là sự hòa hợp sâu sắc, một sự gần gũi cả thể lý lẫn nội tâm –  từ ngữ ấy bao giờ cũng được dùng để mô tả sự hiệp thông của ta với Thiên Chúa: “Trót cả tâm tình con cùng Ngài gắn bó” (Tv 63, 8) – khiến họ “thành một xương, một thịt” cả về thể lý lẫn trong sự hiệp thông tâm hồn và cuộc sống, và cuối cùng, là sự hiệp thông trong người con, là người sẽ không chỉ chia sẻ về mặt di truyền mà còn cả về mặt tinh thần trong “xác thịt” của cả cha mẹ[7].

Gia đình là Hội thánh tại gia (x. 1 Cr 16, 19; Rm 16, 5; Col 4, 15; Plm 2). Không gian để gia đình sống có thể biến thành một Hội thánh địa phương, thành khung cảnh để cử hành Thánh Thể, nơi ắp đầy sự hiện diện của Thiên Chúa và ắp đầy việc cầu nguyện chung và mọi phúc lành[8]. Gia đình là nơi con cái được nuôi dạy trong đức tin. Cha mẹ trở thành người thầy đầu tiên của con cái trong đức tin (Xh 13, 14)[9], có trách nhiệm quan trọng trong việc giáo dục con cái (x. Kn 3, 11 – 12; 6, 20 – 22; 13, 1; 22, 15; 23, 13 – 14; 29, 17). Con cái cũng được kêu gọi chấp nhận và thực hành điều răn này: “Hãy thảo kính cha mẹ” (Xh 20, 12)[10]. Nhưng con cái vẫn có cuộc sống riêng, một cuộc sống có thể đòi hỏi một sự chia ly vì Nước Thiên Chúa (x. Mt 10, 34 – 37; Lc 9, 59 – 62). Chính Chúa Giêsu năm mười hai tuổi, đã nói với Đức Maria và thánh Giuse rằng Ngài có một sứ mạng quan trọng hơn phải hoàn tất ở bên ngoài gia đình trần thế này (x. Lc 2, 48 – 50)[11]

Gia đình cũng là con đường đau khổ và máu. Vì tội lỗi, mối tương quan của tình yêu giữa người nam và người nữ bắt đầu nẩy sinh gai góc (St 3, 16)[12]. Gia đình đầy những bi kịch và bạo lực[13]. Chúa Giêsu cũng đã được sinh vào trong một gia đình bình thường, chẳng mấy chốc đã phải trốn sang Ai cập. Ngài cảm được và cảm thông những đớn đau của gia đình nhân loại: bệnh hoạn,  tang tóc, chết chóc; con cái đi hoang … (x. Mc 1, 30 – 31; Mc 5, 22 – 24, 35 – 43; Ga 11, 1 – 44; Lc 7, 11 – 15; Mc 9, 17 – 27;  Mt 9, 9 – 13; Lc 19, 1 – 10; Lc 7, 36 – 50; Lc 15, 11 – 32). Nhưng lời Thiên Chúa cũng là nguồn an ủi và là sự đồng hành với mọi gia đình đang trải qua gian nan hay khốn khó[14].

Bổn phận của con người trong gia đình

Cũng dựa vào Kinh thánh, Đức Thánh Cha cho thấy con người được mời gọi lao động để khai thác trái đất, kiểm soát các thế lực của thiên nhiên, sản xuất ra cơm bánh (Tv 127, 2), và vun trồng các năng khiếu và tài năng của mình[15]; để làm cho xã hội phát triển và ổn định. Bổn phận này quan trọng đến độ thánh Phaolô phải tuyên bố: “Ai không làm việc thì đừng ăn” (2 Thes 3, 10; x. 1 Thes 4, 11)[16].

Thế nhưng, tuy đã bị các ngôn sứ và chính Chúa Giêsu lên án, hiện nay vẫn đang có nạn thất nghiệp và nạn thiếu việc làm, đang có nạn tàn phá  thiên nhiên cách ích kỷ và thậm chí dã man đưa tới tình trạng hoang mạc hóa trái đất (x. St 3, 17 – 19) và những bất quân bình về xã hội và kinh tế này đã bị các ngôn sứ lên án, khởi đầu với Êlia (x. 1 V 21)[17]

Sau cùng, để gia đình có thể trở thành một hình ảnh và phản ảnh của gia đình Ba Ngôi, Đức Thánh Cha kêu gọi: các gia đình cần coi luật yêu thương, lòng xót thương, sự tha thứ[18] và việc hiến mình cho tha nhân như dấu chỉ đặc trưng của người môn đệ Ngài (x. Mt 22, 39; Ga 13, 34). Các gia đình cần họp nhau cầu nguyện hằng ngày, đọc lời Thiên Chúa, tham dự sự hiệp thông Thánh Thể, lớn lên trong tình yêu và trở thành đền thờ cho Chúa Thánh Thần ngự ngày một trọn vẹn hơn[19]. Mỗi gia đình phải hướng đến hình ảnh của Thánh gia Nazaret, đương đầu với những thách thức của gia đình mình với sự can đảm và an tĩnh, lúc thuận, lúc nghịch và giữ lại trong lòng những điều trọng đại Thiên Chúa đã làm (x. Lc 2, 19, 51)[20]

Đaminh Nguyễn Đức Thông, C.Ss.R.

Chú thích:

[1]Amoris Laetitia, số7

[2]Amoris Laetitia, số10

[3]Amoris Laetitia, số11.

[4]Đức Gioan Phaolô II, Bài giảng khi cử hành Thánh Thể tại Puebla de los Ángeles (28.1.1979), 2: AAS 71 (1979), 184.

[5]Amoris Laetitia, số11.

[6]Amoris Laetitia, số12 và 13

[7]Amoris Laetitia, số14

[8]Amoris Laetitia, số15

[9]Amoris Laetitia, số16

[10]Amoris Laetitia, số17

[11]Amoris Laetitia, số18

[12]Amoris Laetitia, số19

[13]Amoris Laetitia, số20

[14]Amoris Laetitia, số21

[15]Amoris Laetitia, số23

[16]Amoris Laetitia, số24

[17]Amoris Laetitia, số25

[18]Amoris Laetitia, số26

[19]Amoris Laetitia, số29

[20]Amoris Laetitia, số31

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube