Về Amoris Laetitia – Chương III: Nhìn lên Chúa Giêsu - ơn gọi của gia đình

Trong và giữa các gia đình, kerygma, cốt lõi của sứ điệp Tin mừng, phải luôn âm vang, phải chiếm chỗ trung tâm trong mọi hoạt động loan báo tin mừng[1]. Không gì vững chắc, sâu sắc, an toàn, ý nghĩa và khôn ngoan hơn sứ điệp ấy. “Mọi nền đào tạo Kitô giáo đều bao gồm việc ngày một đi sâu hơn vào lời rao giảng này”[2]

Mầu nhiệm của gia đình Kitô giáo chỉ có thể hiểu được cách trọn vẹn dưới ánh sáng của tình yêu vô biên của Thiên Chúa Cha được mặc khải trong Đức Kitô, Đấng đã hiến mình vì ta và vẫn tiếp tục ở lại giữa ta. Bây giờ tôi muốn hướng nhìn về Đức Kitô hằng sống, Đấng luôn ở tại trung tâm của nhiều câu chuyện tình, và luôn khơi lên ngọn lửa Thần khí trong mọi gia đình trên trần gian[3].

Theo các nghị phụ Thượng Hội Đồng, thì Giáo huấn Kitô giáo về hôn nhân và gia đình có thể bắt đầu với cái nhìn yêu thương và âu yếm của Chúa Giêsu, khi Ngài cùng đi với họ và công bố Nước Thiên Chúa trong sự thật, kiên nhẫn và xót thương[4]. Hôm nay Chúa cũng ở với ta, khi ta tìm cách thực hành và chuyển giao Tin mừng này cho các gia đình[5].

Chúa Giêsu phục hồi và hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa

Tân ước dạy rằng “mọi sự Thiên Chúa tạo dựng đều tốt” (1 Tim 4, 4); hôn nhân là “một quà tặng” của Chúa (1 Cr 7, 7), quà tặng này gồm cả tình dục: “Vợ chồng đừng từ chối nhau” (1 Cr 7, 5), nên “mọi người phải tôn trọng hôn nhân, chớ làm cho loan phòng ra ô uế” (Hr 13, 4).

Chúa Giêsu đã[6]:

– công bố ý nghĩa của hôn nhân như sự viên mãn của mặc khải, và phục hồi kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa (x. Mt 19, 3)[7] khi tái khẳng định sự hợp nhất vô phương tháo gỡ của vợ chồng. Đó không phải là ‘cái ách’ đè trên con người, mà là ‘một quà tặng’ được ban cho những ai hợp nhất với nhau trong hôn nhân. Thiên Chúa luôn chữa lành và biến đổi các tâm hồn chai đá, đưa họ trở về với thuở ban đầu nhờ con đường thập giá[8].

– cứu chuộc và phục hồi hôn nhân và gia đình (x. Ep 5, 21 – 32) theo hình ảnh của Chúa Ba Ngôi và đã đem lại cho hôn nhân ý nghĩa trọn vẹn của nó trong cuộc tình của Người với Hội thánh.

– ban cho hôn nhân và gia đình ân sủng cần thiết để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa và để sống đời hiệp thông[9].

Tin mừng về gia đình mở rộng lịch sử thế giới này, từ lúc tạo thành con người theo hình và giống Thiên Chúa (x. St 1, 26 – 27), tới lúc hoàn tất mầu nhiệm giao ước trong Đức Kitô vào ngày tận thế với Tiệc Cưới Chiên Con (x. Kh 19, 9)[10].

“Gương sáng của Chúa Giêsu chính là nền tảng của Hội thánh… Ngài khởi sự thừa tác vụ công khai với phép lạ tại tiệc cưới Cana (x. Ga 2, 1 – 11), tham dự những khoảnh khắc nghĩa tình mọi ngày với gia đình Lazarô và các chị ông (x. Lc 10, 38) và gia đình thánh Phêrô (x. Mc 8, 14), thông cảm với các cha mẹ đau buồn và phục hồi sự sống cho con cái họ (x. Mc 5, 41; Lc 7, 14 – 15). Ngài thể hiện ý nghĩa đích thật của lòng xót thương nhất là khi nói chuyện với người phụ nữ Samarita (x. Ga 4, 1- 30) và người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình (x. Ga 8, 11)[11].

Việc Ngôi Lời nhập thể vào trong gia đình nhân loại đã thay đổi lịch sử thế giới này. Trong những ngày đầu đời, Chúa Giêsu đã chia sẻ kinh nghiệm bị lưu đầy, bắt bớ và  sỉ nhục của dân Người. Trong suốt ba mươi năm đằng đẵng, Người đã phải nhọc nhằn kiếm sống, đã đọc các kinh nguyện truyền thống, đã diễn tả và  học biết đức tin của tổ tiên cho tới khi làm cho đức tin sinh hoa trái trong mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm Giáng sinh và ẩn dật tại Nazaret, ứa tràn vẻ tuyệt mỹ của cuộc sống gia đình, hiện vẫn  không ngừng đổ tràn niềm hoan lạc và hy vọng trên các  gia đình[12].

Giao ước tình yêu và trung thành Thánh Gia Nazaret đã sống giúp mọi gia đình đương đầu cách tốt hơn với những thăng trầm của cuộc sống và lịch sử, để trở thành ánh sáng chiếu tỏa trong những tối tăm của thế giới hôm nay. ‘Nazaret dạy ta ý nghĩa của cuộc sống gia đình, sự hiệp thông yêu thương, nét đẹp giản dị và chân phương, tính chất thánh thiêng và bất khả xâm phạm của sự sống[13].

Đaminh Nguyễn Đức Thông

Chú thích

[1]Ibid., 164: AAS 105 (2013), 1088

[2]Ibid. 165: AAS 105 (2013), 1089; Amoris Laetitia, số 58

[3]Amoris Laetitia, số 59

[4]Relatio Synodi 2014, 12.

[5]Amoris Laetitia, số 60

[6]Amoris Laetitia, số 61

[7]Ibid, 14

[8]Amoris Laetitia, số 62

[9]Amoris Laetitia, số 63

[10]Ibid., 16.

[11]Relatio Finalis 2015, 41; Amoris Laetitia, số 64

[12]Amoris Laetitia, số 65

[13]Ibid., 38; Phaolô VI, Address in Nazareth, 5.1.1964; Amoris Laetitia, số 66.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube