Trung Quốc yêu sách 'một Trung Quốc' trong các cuộc đàm phán với Vatican

Cờ Trung Quốc, Đài Loan và Vatican (Ảnh: Shutterstock)

Quốc kỳ Trung Quốc, Đài Loan và Vatican (Ảnh: Shutterstock)

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân (Wang Wenbin), đã nhấn mạnh sự khảng định của nước này rằng Đài Loan không được công nhận là một quốc gia có chủ quyền khi trả lời câu hỏi về mối quan hệ dân chủ của đảo quốc này với Tòa Thánh.

Tòa Thánh duy trì sự công nhận ngoại giao đầy đủ đối với Đài Loan, chính thức được gọi là Trung Hoa Dân Quốc, và Vatican là cường quốc ngoại giao quan trọng cuối cùng làm như vậy. Chính phủ đại lục, chính thức được gọi là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tuyên bố Đài Loan là một tỉnh nổi dậy, mặc dù hòn đảo này chưa bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của Cộng sản.

Kể từ những năm 1970, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã khẳng định rằng Liên Hợp Quốc và các quốc gia thành viên chỉ công nhận “một Trung Quốc”, dưới sự quản lý của chính quyền đại lục.

Năm 2018, Tòa Thánh và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận kéo dài hai năm nhằm mục đích hợp nhất Giáo hội Công giáo hầm trú ở Trung Quốc với Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc do Cộng sản quản lý, và hợp tác về việc bổ nhiệm các Giám mục ở các Giáo phận Trung Quốc. Thỏa thuận đó đã hết hạn vào ngày 22 tháng 9 nhưng dự kiến sẽ được gia hạn bởi cả hai bên.

Phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 22 tháng 9, ông Uông Văn Bân đã trả lời câu hỏi về việc gia hạn thỏa thuận dự kiến từ Hãng thông tấn Kyodo Nhật Bản.

“Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, Vatican đã quyết định gia hạn thỏa thuận tạm thời giữa Trung Quốc và Tòa Thánh về việc bổ nhiệm các Giám mục”, phóng viên của hãng tin Kyodo cho biết. “Theo quan điểm của cái gọi là‘ quan hệ ngoại giao ’giữa Vatican và ‘Trung Hoa Dân Quốc’ [Đài Loan], liệu việc gia hạn thỏa thuận có ảnh hưởng đến tương lai của các mối quan hệ ngoại giao giữa các bên?”.

Trả lời câu hỏi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh “trước hết” rằng “Đài Loan là một phần lãnh thổ bất khả xâm phạm của Trung Quốc”, và các phóng viên không nên đề cập đến Trung Hoa Dân Quốc mà thay vào đó sử dụng thuật ngữ “Đài Loan- Trung Quốc”.

“Liên quan đến vấn đề bạn đã đề cập”, ông Wenbin tiếp tục, “trong hai năm qua, kể từ khi ký kết hiệp định tạm thời về việc bổ nhiệm Giám mục giữa Trung Quốc và Vatican, với nỗ lực chung của cả hai bên, thỏa thuận đã được thực hiện suôn sẻ và sự nghiệp của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc đã phát triển lành mạnh”.

“Hai bên sẽ tiếp tục duy trì liên lạc và tham vấn chặt chẽ, đồng thời cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình cải thiện các mối quan hệ này. Trung Quốc và Vatican đã duy trì mối liên hệ tốt đẹp. Trung Quốc chân thành và tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Vatican. Trung Quốc cũng cởi mở và hoan nghênh các hoạt động trao đổi giữa hai bên”.

Việc Tòa Thánh trở thành cường quốc ngoại giao quan trọng cuối cùng công nhận Đài Loan đã trở thành nguyên nhân của các cuộc thảo luận liên tục trong các cuộc đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican.

 Các quan chức Vatican đã phát biểu với các nhà báo rằng việc thay đổi quan hệ pháp lý là có thể xảy ra, thậm chí ngay cả khi Vatican đã đảm bảo với Đài Loan rằng thỏa thuận với Bắc Kinh đề cập đến vấn đề tôn giáo, chứ không phải vấn đề chính trị toàn cầu.

Vào tháng 7, tờ South China Morning Post của Hồng Kông dẫn lời một nguồn tin của Vatican nói rằng Tòa Thánh thậm chí có thể chuyển đại sứ quán của mình từ Đài Loan đến đại lục.

“Đài Loan không nên bị xúc phạm nếu đại sứ quán ở Đài Bắc được chuyển về địa chỉ ban đầu ở Bắc Kinh”, nguồn tin từ Vatican cho biết.

Vào tháng 7, Đức Tân Tổng Giám mục của Đài Loan, Đức Cha Thomas An-Zu Chung, cho biết rằng động thái như vậy “có thể sớm xảy ra nếu chính phủ Trung Quốc đại lục có tư tưởng cởi mở và dễ tiếp thu hơn đối với Giáo hội Công giáo La Mã”.

Bộ Ngoại giao Đài Loan đã phát biểu với các nhà báo rằng Vatican đã tìm cách hạ thấp khả năng tương tự.

“Vatican đã nhiều lần đảm bảo với chúng tôi rằng thỏa thuận về việc bổ nhiệm Giám mục với Trung Quốc là một vấn đề mang tính tôn giáo chứ không phải mang tính chất ngoại giao”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết tại một cuộc họp báo vào ngày 15 tháng 9, theo hãng tin quốc gia Đài Loan.

“Chúng tôi đã theo dõi chặt chẽ các mối tương tác giữa Vatican và Bắc Kinh, và chúng tôi duy trì mối liên hệ hòa nhã với Tòa Thánh”.

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cho biết vào tuần trước rằng mục tiêu của Vatican trong các cuộc đàm phán đó là “bình thường hóa” đời sống của Giáo hội tại Trung Quốc.

“Với Trung Quốc, mối bận tâm hiện tại của chúng tôi đó là bình thường hóa đời sống của Giáo hội hết mức có thể, để đảm bảo rằng Giáo hội có thể sống một cuộc sống bình thường, mà đối với Giáo hội Công giáo cũng là việc duy trì quan hệ với Tòa Thánh và với Đức Giáo hoàng”, Đức Hồng y Parolin cho biết vào ngày 14 tháng 9.

Trong khi chính phủ Trung Quốc khẳng định rằng thỏa thuận năm 2018 đã được thực hiện suôn sẻ, các quan chức chính phủ ở nhiều khu vực khác nhau của Trung Quốc vẫn tiếp tục chiến dịch dỡ bỏ Thánh giá và phá dỡ các tòa nhà nhà thờ, đồng thời các giáo sĩ và giáo dân Công giáo thuộc cộng đồng hầm trú tiếp tục báo cáo về việc bị sách nhiễu và bị giam giữ.

Trong đại dịch coronavirus, Hiệp hội Công giáo yêu nước Trung Quốc trực thuộc nhà nước và ủy ban quản lý giáo dục Công giáo Trung Quốc của tỉnh Chiết Giang đã ban hành quy định mới về việc mở cửa trở lại các nhà thờ yêu cầu phải thêm “lòng yêu nước” của người Trung Quốc vào việc cử hành phụng vụ.

Trong khi thỏa thuận nhượng lại biện pháp kiểm soát việc bổ nhiệm Giám mục cho chính quyền Cộng sản, cũng có hơn 50 Giáo phận không có Giám mục ở Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông – vốn đã chứng kiến một cuộc đàn áp khắc nghiệt đối với quyền tự do dân sự kể từ khi áp dụng Luật An ninh Quốc gia mới vào tháng Bảy.

Tuy nhiên, đồng thời, một số nguồn tin của Vatican đã đề cập với CNA rằng, kể từ khi thỏa thuận được ký kết, không có cuộc tấn phong bất hợp pháp nào đối với các Giám mục được lựa chọn mà không có sự chấp thuận của Rome, một động thái được coi là một dấu hiệu của sự tiến bộ.

Vatican, và Đức Giáo hoàng Phanxicô, đã hạn chế bình luận của công chúng về việc chính phủ tiếp tục ngược đãi các tín hữu Công giáo Trung Quốc trong suốt hai năm của thỏa thuận. Tòa Thánh cũng đã giữ im lặng trước hành động giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong một mạng lưới các trại tập trung ở tỉnh Tân Cương, nơi mà các nhóm nhân quyền gọi là “tội ác diệt chủng” và chiến dịch “thanh trừng sắc tộc”.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Hai 21/9 với CNA, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen), nguyên Giám mục Địa phận Hồng Kông, cho biết rằng những nỗ lực của Giáo hội trong việc đàm phán gia hạn thỏa thuận năm 2018 với Trung Quốc đang làm tổn hại đến công cuộc truyền giáo của đất nước này, đặc biệt là vì sự im lặng của Vatican đối với các hành vi vi phạm nhân quyền.

 “Sự im lặng sẽ làm tổn hại công cuộc truyền giáo”, Đức Hồng y Zen nói. “Mai này, khi mọi người sẽ cùng nhau quy tụ để lập kế hoạch xây dựng một Trung Quốc mới, Giáo hội Công giáo có thể không được chào đón”.

Khi được hỏi liệu vị Giám chức có thấy bất kỳ triển vọng nào về sự cải thiện đối với Giáo hội địa phương sau các cuộc đàm phán giữa Vatican với chính quyền Cộng sản hiện tại hay không, Đức Hồng y Zen nói: “Tuyệt nhiên không”.

“Có lựa chọn nào giữa việc giúp chính phủ triệt hạ Giáo hội hay chống lại chính phủ để giữ Đức tin của chúng ta không?”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube