Tại sao Thiên Chúa không ngăn chặn đại dịch? Bởi vì việc chữa lành bệnh tật là điều Thiên Chúa mong muốn nơi chúng ta

FAD83315-62A7-4612-8399-72854F1819C9

Những người có niềm tin tôn giáo tự hỏi liệu Thiên Chúa có quyền phép đối với những gì chúng ta đang chịu đựng do đại dịch mà chúng ta đang trải qua hay không. Thiên Chúa có phải là Đấng có quyền quyết định sau cùng trong vấn đề này?

Để trả lời câu hỏi này, điều đầu tiên chúng ta nên ghi nhớ đó là Thiên Chúa là “Đấng siêu việt”. Nghĩa là, Thiên Chúa “trổi vượt”, hay nói cách khác, Ngài “vượt ra ngoài tất cả mọi thứ” mà chúng ta có thể tiếp cận hoặc hiểu biết.

Thiên Chúa không chỉ là “Đấng Toàn Năng vô biên”. Trên hết, Thiên Chúa là “Đấng tuyệt đối”. Thánh Gioan trong Tin Mừng đã trình bày điều này trong phần mở đầu Tin Mừng của mình: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả” (Ga 1, 18). Và Thánh Tôma Aquinô đã khẳng định điều đó một cách rõ ràng: “Thiên Chúa trổi vượt trên tất cả những gì chúng ta có thể nói hoặc hiểu” (“Supereminentius quam dicatur aut intelligatur”. De Potentia, q. VII, a. V).

Đây chính là lý do tại sao chúng ta, những kẻ phàm trần phải chết, khi chúng ta nói về Thiên Chúa, không thể nói về “Thiên Chúa trong chính Ngài”, như trong thực tế, những gì chúng ta nói và những gì chúng ta nghĩ đến là “những cách diễn tả” về Thiên Chúa mà chúng ta tự tạo ra.

Đó là lý do tại sao có rất nhiều “vị thần”. Và có rất nhiều tôn giáo. Với mối nguy hiểm không thể tránh khỏi mà mọi nền văn hóa, mọi quốc gia và thậm chí mọi cá nhân sẽ diễn tả Thiên Chúa khi điều đó liên quan hoặc phù hợp với họ. Đó chính là lý do tại sao thật hợp lý khi nghĩ rằng đôi khi chúng ta nói về một “Thiên Chúa đã bị làm méo mó” (Thomas Ruster).

Trọng tâm của vấn đề đó là tâm trí con người không thể nghĩ khác hơn ngoài việc “cụ thể hóa” những gì họ nghĩ. Ý nghĩ chính là một “đối tượng khách thể về tâm linh”. Với điều đó – và từ đó – nó theo sau bằng việc “Đấng tuyệt đối” bị biến thành “một thứ gì đó”; nghĩa là, trở thành một “đối tượng khách thể về tâm linh”(Paul Ricoeur).

Do đó, xác quyết điều chúng ta đang nghĩ về Thiên Chúa, trong thực tế những gì chúng ta đang mang trong tâm trí của mình đó là “sự diễn tả” mà chúng ta tạo ra về Thiên Chúa. Tin Mừng của Thánh Gioan quả là hoàn toàn chính xác: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả” (Ga 1, 18).

Lời giải mà Kitô giáo đã đưa ra đối với vấn đề sâu sắc và phức tạp này là điều mà chúng ta những người Kitô hữu gọi là “Mầu Nhiệm Nhập Thể” của Thiên Chúa. Đó chính là “sự nhập thể làm người” của Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa (Ga 1, 18). Do đó, qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy Thiên Chúa.

Như chính Chúa Giêsu đã nói với một trong các môn đệ của mình: “Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’?” (Ga 14: 9). Và do đó, cũng có thể nói rằng Ngày Phán xét chung (hay Ngày Cánh Chung) sẽ là “một cuộc phán xét dựa trên cảm xúc” (atheistic judgment): “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25: 40). Cách chúng ta cư xử với anh chị em của mình cũng chính là cách chúng ta cư xử với Thiên Chúa.

Vâng, tại thời điểm này, chúng ta có thể tự hỏi: Chúa Giêsu đã cư xử thế nào với các cư dân Palestine trong thế kỷ đầu?

Theo các trình thuật Tin Mừng, Chúa Giêsu đã chữa lành bệnh tật. Nhưng Ngài không chữa lành tất cả mọi bệnh tật. Do đó, chúng ta có thể chắc chắn rằng Chúa Giêsu (Thiên Chúa) là “Đấng có quyết định cuối cùng” về vấn đề sức khỏe, điều khiến tất cả chúng ta bận tâm rất nhiều?

Chắc chắn, có thể nói rằng không có bất kỳ ghi chép nào về việc Thiên Chúa đưa ra quyết định cuối cùng trong việc chữa lành bệnh tật của chúng ta.

Tiếng nói chung cuộc của Thiên Chúa, như được diễn tả qua Chúa Giêsu, là mối bận tâm trước hết của chúng ta, trong cuộc sống này, nên là mối bận tâm của chúng ta đối với sức khỏe của con người, đặc biệt là những người thiếu thốn nhất.

Đó là những gì Chúa Giêsu đã làm. Đó là những gì Thiên Chúa mong muốn. Và đó là tiếng nói chung cuộc của Thiên Chúa về đại dịch này và tất cả mọi đại dịch khác có thể xảy ra trên thế giới này.

Chúng ta đừng chất thêm gánh nặng trách nhiệm của chúng ta lên Thiên Chúa. Trong vấn đề này, một cách rất nghiêm túc và quyết đoán, các Giám mục của chúng ta cần phải hết sức nghiêm ngặt và rõ ràng như khi nói đến việc bảo vệ các đặc quyền về thuế và việc đảm bảo Nhà nước cấp cho họ số tiền thuế thu nhập phù hợp.

Minh Tuệ (theo Novena)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube