Sứ mạng Dòng Chúa Cứu Thế trong Bệnh viện dã chiến

hands-2168901_640

Bài báo của Linh mục Jose Rafael Prada Ramirez về Cuộc khủng hoảng: Sự thất bại hay Cơ hộilà một sự gạn đục khơi trong đáng hoan nghênh về ý nghĩa của cuộc khủng hoảng và cách chúng ta có thể hy vọng vào những phát triển xã hội tốt đẹp khi chúng ta thoát ra khỏi các biện pháp cách ly xã hội, với việc coronavirus được kiểm soát về mặt y tế. Như chúng ta thường nghe từ các chuyên gia, coronavirus có thể tồn tại bên cạnh chúng ta trong một khoảng thời gian rất dài. Chúng ta sẽ phải điều chỉnh để nhận ra điều này và tuân thủ những khuyến cáo y tế. Trong khi đó, nhiều người sống sót trên khắp thế giới sẽ phải đau buồn trước sự mất mát của các thành viên trong gia đình và bạn bè thân thiết của họ. Họ có thể cảm thấy bị tổn thương vì mất công ăn việc làm và thậm chí có thể mất cả nhà cửa của họ. Một số người trong số họ có thể đã vỡ mộng với cuộc sống và giờ đây đang chất đầy sự chua xót. Họ vẫn chưa sẵn sàng để nhìn về tương lai với hy vọng. Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ tái khôi phục niềm hy vọng của họ?

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong cuộc phỏng vấn với Linh mục Antonio Spadaro SJ, biên tập viên của tạp chí Dòng Tên, đã cho chúng ta thấy một hình ảnh hết sức nổi bật về mục vụ của Giáo Hội. Đức Thánh Cha nói: “Tôi nhận thức một cách rõ ràng rằng điều mà Giáo hội cần nhất hiện nay đó là khả năng chữa lành những vết thương và sưởi ấm tâm hồn các tín hữu; họ rất cần sự đồng hành và sự gần gũi. Tôi xem Giáo hội như một bệnh viện dã chiến sau trận chiến. Quả là sẽ hết sức vô ích nếu hỏi một người bị thương nghiêm trọng xem liệu anh ta có bị cholesterol cao hay không và về mức độ đường trong máu của anh ta! Bạn phải chữa lành vết thương cho anh ấy. Sau đó, chúng ta mới có thể nói về những thứ khác. Hãy chữa lành những vết thương, phải chữa lành những vết thương. Và bạn phải bắt đầu lại từ đầu” (Phỏng vấn trên tạp chí America, ngày 19 tháng 8 năm 2013).

Một trong những món quà tuyệt vời của Giáo hội dành cho thế giới là sứ mạng chữa lành của mình. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói, để thi hành sứ mạng này, chúng ta cần “sự gần gũi và đồng hành” cùng với những người đau khổ. Chúng ta không đợi họ đến với chúng ta. Chúng ta tìm kiếm họ, chữa lành những vết thương và tiếp tục hỗ trợ họ. Sau đó, như Đức Thánh Cha Phanxicô “chúng ta mới có thể nói về những thứ khác”. Đó chính là trình tự đúng đắn, mang tính mục vụ: trước hết lắng nghe, kế đến chữa lành và sau đó mới nói về những thứ khác. Đáng buồn thay, sự cám dỗ đó là nói về những thứ khác và để lại những vết thương chưa lành.

Các thừa tác viên Kitô giáo được ủy thác nhiệm vụ loan báo Thiên Chúa là Đấng chữa lành “cõi lòng tan vỡ và băng bó những vết thương của họ” (Tv 147,3). Ngày nay, chúng ta phải nghiêm túc xem xét dấu chỉ mà Chúa Giêsu nói sẽ đồng hành với các tín hữu: “họ sẽ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16, 18). Sự phục hồi này có thể là về vật chất hoặc tinh thần. Khi người ta mang những vết thương và những phiền muộn nội tâm của họ đến với vị Linh mục, Phó tế hoặc thừa tác viên giáo dân trong Giáo xứ, họ biết rằng họ không đến với một nhà trị liệu tâm lý mà là đến với vị đại diện của Chúa Giêsu Kitô. Họ có thể không diễn đạt bằng lời điều mà họ đang tìm kiếm, nhưng những anh chị em mà họ tìm đến để chia sẻ vết thương lòng của họ nên biết rằng họ đang đến để xin thêm lời cầu nguyện, xin được chữa lành. Các thừa tác viên giáo sĩ hay giáo dân biết rằng họ đang cầu xin một điều gì đó mà chính họ, bằng sức riêng của mình, không thể ban cho họ, nhưng Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã thôi thúc những người đau khổ đến với Giáo hội của Người, muốn ban cho. Sau khi lắng nghe sự đau khổ của người đó, họ có thể nói “giờ đây chúng ta hãy phó dâng tất cả đau khổ của bạn cho Thiên Chúa”. Lúc nào người đó cũng sẽ nói sẵn sàng và bắt đầu thinh lặng. Vị thừa tác viên giờ đây được tự do để đáp lại với sự bầu cử của Chúa Thánh Thần và phó dâng tất cả những đau khổ và đau đớn mà người đó đã mang đến với mình lên Thiên Chúa. Với sự cho phép của người đó, họ có thể đặt tay lên đầu hoặc vai của người đó, cầu xin Chúa Giêsu chữa lành mọi vết thương nội tâm mà họ đã phải chịu đựng, đổ tràn đầy niềm hy vọng, trút bỏ mọi oán hận và ban cho họ ơn tha thứ từ trong tâm hồn cho những người đã gây ra sự tổn thương. Sự bình an của Thiên Chúa sẽ tuôn đổ trào tràn xuống trên người đó, và họ sẽ ra đi với tâm hồn bình an. Trong đại dịch này, trong khi việc giãn cách xã hội vẫn là một quy định, thì việc đặt tay không phải là điều cần thiết.

Tất nhiên, Bí tích Thánh Thể là Bí tích huyền diệu của sự chữa lành nội tâm. Chỉ cần suy ngẫm về ý nghĩa của phần Dâng lễ vật trong Thánh lễ. Bánh và rượu được mang lên Bàn thờ và vị Linh mục dâng lên Thiên Chúa. Bánh và rượu là biểu tượng của chính chúng ta. Chính chúng ta đang được dâng Thiên Chúa dưới hình bánh và rượu. Cũng như Chúa Giêsu đã hiến tế chính mình cho Chúa Cha trên Thập giá để cứu độ chúng ta, vì vậy trong phần Dâng lễ vật trong Thánh lễ, chúng ta đang dâng lên Thiên Chúa toàn thể con người của chúng ta, với tất cả niềm vui và tất cả mọi nỗi buồn, với tất cả sự đau đớn, phiền muộn và mất mát mà chúng ta đã trải qua, đặc biệt là do virus coronavirus. Trên bánh và rượu tượng trưng cho chính chúng ta, vị Linh mục đặt tay và cầu nguyện: “Vì thế, chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hóa những của lễ này, để trở nên cho chúng con, Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. Bánh và rượu tượng trưng cho chúng ta, và mọi thứ thuộc về chúng ta, được Chúa Thánh Thần biến đổi trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu và chúng ta được biến đổi về mặt tâm linh. Đây có thể trở thành thời điểm của sự chữa lành nội tâm sâu sắc. Nhưng đáng buồn thay, nhiều tín hữu Công giáo chưa bao giờ nhận được sự chỉ dẫn về ý nghĩa của việc dâng bánh và rượu và về việc đó chính là biểu tượng của lễ vật mà họ đang dâng chính mình lên Thiên Chúa. Khi họ được khuyến khích dâng trọn cuộc đời mình, với tất cả những đau đớn, thất vọng và sự tan vỡ ảo tưởng của mình cho Thiên Chúa, Thánh lễ trở thành thời khắc chữa lành tuyệt vời nhất đối với họ.

Thánh Phao-lô viết: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12, 1). Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI giải thích: “Chính sự tồn tại thể lý của chúng ta phải được thấm nhuần bằng lời nói và phải trở thành một món quà cho Thiên Chúa … Sự cao cả của tình yêu thương của Đức Kitô được tỏ lộ chính qua việc Ngài gánh lấy tất cả sự khốn cùng của chúng ta, bằng hiến tế sống động và thánh khiết của Ngài, để chúng ta thực sự trở nên thân thể của Người” (Chúa Giêsu thành Nazareth, Quyển 2, tr.237). Đó chính là toàn bộ sự tồn tại thể lý của chúng ta, “toàn thân tôi”, như Thánh Vịnh 103 đã nói, khi chúng ta dâng lên Thiên Chúa trong phần dâng lễ vật. Chúng ta không chỉ dâng niềm vui của chúng ta mà còn dâng tất cả mọi nỗi buồn của chúng ta. Đó là lý do tại sao Bí tích Thánh Thể lại là Bí tích huyền nhiệm vĩ đại của sự chữa lành nội tâm.

Bí tích Hòa giải là một Bí tích tuyệt diệu khác của sự chữa lành nội tâm. Việc chúng ta xưng tội không chỉ là tội lỗi của chính chúng ta mà còn do những tội lỗi của người khác đối với chúng ta ảnh hưởng đến chúng ta. Căn nguyên của nhiều tội lỗi gây đau khổ cho con người là vết thương do tội lỗi của người khác gây ra cho họ. Họ đang cần sự chữa lành hơn là sự tha thứ. Tội lỗi của họ là một hành động tái diễn trong đau đớn hơn là một hành động ác ý. Khi mang những vết thương nội tâm này đến với Thiên Chúa nơi Tòa Cáo Giải, họ sẽ nhận được ân sủng để tha thứ từ tận đáy lòng. Và, khi họ tha thứ từ tận đáy lòng của mình, họ sẽ cảm thấy tâm hồn trở nên thanh thoát. Tội của những người khác gây ra cho họ sẽ mất hết sức mạnh để gây thương tích cho họ bởi vì họ sẽ làm theo những điều Chúa Giêsu truyền dạy: “Hãy tha thứ bảy mươi lần bảy” (Mt 10, 21).

Bài báo khai sáng của Linh mục Jose Rafael Prada Ramirez về Cuộc khủng hoảng: Sự thất bại hay Cơ hội trên trang Scala mang lại cho chúng ta niềm tin để nhìn về tương lai với hy vọng. Như Cha Ramirez nói: “Cuộc khủng hoảng trở thành cơ hội cho hy vọng, cho một cuộc sống mới, để canh tân những con đường trổ sinh những hoa trái tươi tốt hơn”. Đồng thời, Dòng Chúa Cứu Thế sẽ dấn thân trong sứ vụ mục vụ trong “bệnh viện dã chiến”, mang tình yêu chữa lành của Chúa Kitô cho những người đã phải chịu sự mất mát nặng nề và bị tổn thương bởi đại dịch. Họ sẽ cần sự chữa lành đó trước khi họ có thể nhìn về tương lai với hy vọng.

Lm. Jim McManus C.Ss.R

Minh Tuệ (theo Scala News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube