Phỏng vấn ĐHY Sarah: Sứ vụ truyền giáo của Giáo hội tại Châu Phi

Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cho biết ‘Châu Phi đã luôn luôn nhìn nhận Giáo hội như một gia đình – gia đình của Thiên Chúa’ 

Trong một cuộc phỏng vấn với Tổ chức từ thiện Công giáo quốc tế Trợ giúp các Giáo Hội đang cần được giúp đỡ (ACN), Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự – ĐHY Robert Sarah – đã chia sẻ về sự đóng góp của Giáo Hội tại Châu Phi đối với Giáo Hội Hoàn Vũ, về Hồi Giáo tại Châu Phi và thế giới, về mối tương quan giữa Giáo hội với vấn đề chính trị cũng như những thách đố mà Giáo hội tại Châu Phi phải đối diện. ĐHY Sarah nhấn mạnh rằng “Giáo hội cần có sự hiệp nhất trong đức tin, sự thống nhất về mặt học thuyết, cũng như sự thống nhất về những Giáo huấn mang tính luân lý. Giáo hội cần đến tính ưu việt của Đức Giáo Hoàng”.

unnamed-18-658x493Mối quan hệ giữa Giáo hội Phi châu và Giáo Hội Hoàn Vũ là gì?

Câu hỏi của anh, như anh đã trình bày với tôi, đã đặt ra cho tôi một chút khó khăn, bởi vì trong thực tế, Giáo Hội tại Châu Phi là một phần của Giáo Hội Hoàn vũ và do đó nó hình thành cùng với Giáo Hội độc  nhất và duy nhất. Do đó, không có cái gọi là “Giáo Hội Phi Châu” và, khác biệt với nó, là “Giáo Hội Hoàn Vũ”. Câu hỏi của anh khiến cho Giáo Hội Phi Châu xuất hiện như thể khoa nghiên cứu về Giáo hội học phụ thuộc vào sự hiệp thông giữa các Giáo hội, và trong điều này thì anh hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng Giáo Hội Hoàn Vũ không phải là một loại liên kết bao gồm các Giáo hội địa phương. Giáo hội Hoàn vũ được tượng trưng và đại diện bởi Giáo hội Rôma, với người đứng đầu là Đức Giáo Hoàng – Đấng kế vị Thánh Phêrô và là Tông đồ Trưởng; chính vì thế, chính Giáo hội Hoàn vũ đã khai sinh ra tất cả các Giáo Hội địa phương và nuôi dưỡng các Giáo Hội địa phương trong sự hiệp nhất của đức tin và tình yêu. Như Thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã nói với chúng ta (khoảng năm 110 sau công nguyên), Giáo Hội Rôma là một “Giáo Hội toàn vẹn nắm quyền tối cao trong đức ái”. Vì vậy, đó chính là lời tuyên xưng đức tin chung của chúng ta cũng như sự trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Người, trong tinh thần hiệp nhất với Đức Giáo Hoàng, cho phép Giáo Hội sống trong sự hiệp thông.

Đây có phải là điều tối cần thiết để tránh sự nhầm lẫn? Có thể nào cũng không tồn tại các Giáo hội Quốc gia? 

Nếu không có đức tin chung, Giáo Hội sẽ bị đe doạ bởi sự mập mờ, và dần dần, Giáo Hội có thể rơi vào tình trạng phân tán và ly khai. Ngày nay, có một nguy cơ nghiêm trọng đối với sự phân tán của Giáo Hội, phá vỡ Mầu nhiệm Thân Thể Chúa Kitô bằng cách nhấn mạnh các đặc tính quốc gia của các Giáo Hội và do đó cũng nhấn mạnh về khả năng tự đưa ra quyết định cho mình, nhất là trong lĩnh vực quan trọng về giáo lý và luân lý. Như Nguyên Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã nói với chúng ta: “Rõ ràng là Giáo Hội không phát triển bằng cách trở nên cá nhân hóa, bằng cách tách biệt trên bình diện quốc gia, bằng cách tự khép mình trong một bối cảnh văn hoá cụ thể, bằng cách tự tạo ra một phạm vi hoàn toàn thuộc văn hoá hoặc quốc gia; thay vào đó, Giáo Hội cần phải đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin, hiệp nhất về mặt giáo lý, và sự hiệp nhất trong những giáo huấn về luân lý. Giáo Hội cần đến tính ưu việt của Đức Giáo Hoàng, và sứ mạng của Ngài đó chính là củng cố đức tin của các tín hữu”. Bên cạnh đó, châu Phi luôn xem Giáo hội như là một gia đình – gia đình của Thiên Chúa.

Và sự đóng góp của Giáo Hội tại Châu Phi đối với Giáo Hội Hoàn Vũ hiện nay là gì?

Chúng ta nhớ lại những lời trong Thư gửi tín hữu Êphêsô: “Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Eph 2, 19). Và mặc dù Giáo Hội tại Bắc Phi là một Giáo Hội rất lâu đời, nhưng ngày nay Giáo Hội ở vùng hạ Sahara Châu Phi, tự coi mình là hoa trái truyền giáo và là con cái của các Giáo hội Tây phương. Giáo Hội nơi đây vẫn cần phải dựa vào những kinh nghiệm về thần học, phụng vụ, tâm linh, cũng như sự hỗ trợ tài chính của các Giáo Hội của cộng đồng Kitô giáo cổ xưa thuộc Tây phương. Về phần mình, Giáo Hội tại Châu Phi có thể khiêm tốn cung cấp cho Giáo Hội Tây phương những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Giáo Hội thông qua Chúa Thánh Thần cũng như những khó khăn mà Chúa Giêsu vẫn tiếp tục chịu đựng nơi những đau khổ và những nhu cầu vật chất của các tín hữu nơi đây.

Nhu cầu của Giáo Hội ở Châu Phi là gì?

Cần phải kể đến rất nhiều thứ: bệnh tật, chiến tranh, nghèo đói, sự thiếu hụt nghiêm trọng các cơ sở hạ tần về giáo dục và chăm sóc sức khoẻ. Và rồi có những cám dỗ hết sức nguy hại của các ý thức hệ sinh ra ở phương Tây – chủ nghĩa cộng sản, hệ tư tưởng giới … Châu Phi đã trở thành một bãi rác của các sản phẩm tránh thai, vũ khí hủy diệt hàng loạt. Và đây cũng là nơi xảy ra những vụ trộm cắp có tổ chức các nguồn tài nguyên khoáng sản trọng yếu: do đó, chúng tổ chức và lên kế hoạch cho các cuộc chiến tranh và xúi giục sự hỗn loạn trên lục địa châu Phi. Vì vậy, chúng tận diệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên nơi đây bất chấp mọi quy tắc hoặc luật lệ. Các cường quốc kinh tế thế giới phải chấm dứt việc cướp phá đối với các nước nghèo. Họ tận dụng sự nghèo đói và thiếu giáo dục của các nước này, sử dụng công nghệ riêng và nguồn tài chính dồi dào của mình để gây ra các cuộc chiến tranh và cướp đi sự giàu có thiên phú của các quốc gia yếu thế hơn vốn không các có nguồn tài chính.

Hồi giáo có phải là mối đe dọa đối với sự sống còn của Giáo hội Công giáo ở Châu Phi?

Trong nhiều thế kỷ, Hồi giáo tại Châu Phi hạ Saharan đã cùng tồn tại một cách hòa bình và hài hòa với Kitô giáo. Mặt khác, Hồi giáo có hình thức của một tổ chức chính trị, nhằm mục đích áp đặt Hồi giáo trên toàn thế giới, thực sự là một mối đe dọa, và không chỉ riêng đối với châu Phi. Trên thực tế, hơn hết nó là mối đe dọa đối với các xã hội ở lục địa Châu Âu vốn thường không còn có một bản sắc hay một tôn giáo. Những quốc gia từ chối các giá trị về truyền thống, văn hoá và tôn giáo của họ bị lên án vì đã không tồn tại, vì họ đã đánh mất tất cả mọi động lực, mọi sức mạnh và thậm chí cả ý chí chiến đấu để bảo vệ căn tính của mình. 

Làm thế nào để ACN, với tư cách là một ntổ chức thuộc về Giáo Hoàng, vẫn có thể giúp đỡ cách tốt hơn đối với Giáo hội ở Châu Phi?

unnamed-19-413x275Ngày nay, tất cả các tổ chức từ thiện, kể cả các tổ chức Công giáo, đều tập trung đơn phương vào việc giải quyết các tình huống về tình trạng nghèo đói, nhưng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, những còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” như Chúa Giêsu đã truyền dạy chúng ta (x. Mt 4, 4). Do đó, tôi khuyến khích tổ chức ACN hãy trợ giúp cho công việc đào tạo các linh mục, chủng sinh, các tu sĩ nam nữ, cho các giáo lý viên, xây dựng các nhà thờ và các chủng viện cũng như các trung tâm tĩnh tâm dành cho các Giám mục và Linh mục. Tôi tha thiết mong rằng mọi bằng hữu cũng như các ân nhân của tổ chức ACN tiếp tục hào phóng ủng hộ cho công việc truyền giáo của ACN trên khắp thế giới và đặc biệt là tại Châu Phi. Bởi vì có một thực tế rằng nhiều Giám mục và linh mục đã không dành thời giờ – ít nhất là một vài ngày – để đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự cô tịch, thinh lặng và cầu nguyện, họ đã phải đối diện với nguy cơ của việc đời sống thiêng liêng không còn gắn bó, hoặc ít nhất, đời sống thiêng liêng nội tâm đã trở nên khô cằn. Bởi vì họ sẽ không còn khả năng cung cấp của ăn thiêng liêng cho các tín hữu đã được ủy thác cho họ nếu như họ không thường xuyên kín múc nguồn sức mạnh từ Thiên Chúa.

Liệu chúng ta cũng nên nói về những vấn đề liên quan đến chính trị?

Giáo Hội đang bị nhầm lẫn về bản chất của cuộc khủng hoảng thực sự nếu như Giáo Hội nghĩ rằng nhiệm vụ thiết yếu của nmình đó chính là đưa ra các giải pháp cho tất cả các vấn đề chính trị liên quan đến công lý, hoà bình, nghèo đói, tiếp nhận người di cư,.. trong khi lại bỏ bê việc Phúc Âm hóa. Chắc chắn, cũng giống như Chúa Kitô, Giáo Hội không thể tách rời khỏi những vấn đề liên quan đến con người. Bên cạnh đó, Giáo Hội đã luôn luôn giúp đỡ cho người dân nơi đây thông qua các trường học, các trường đại học, các trung tâm đào tạo, các bệnh viện cũng như các phòng khám bênh và trạm phát thuốc. Tuy nhiên, tôi muốn trích dẫn cho anh chị em một vài lời của một người đàn ông gốc Ý đã chuyển đổi sang đạo Hồi (và có hơn một trăm ngàn người giống như ông tại Ý). Tên của người đàn ông này là Yahya Pallavicini, và ngày nay ông trở thành một imam, và Chủ tịch của CO.RE.IS (cộng đồng Hồi giáo) và một giáo sư tại Đại học Công Giáo tại Milan: “Nếu Giáo hội, với nỗi ám ảnh ngày nay về những giá trị công lý, các quyền xã hội và cuộc đấu tranh chống nghèo đói, chấm dứt như là kết quả cuộc việc quên đi một tâm hồn suy tư của mình, Giáo hội sẽ thất bại trong sứ mạng của mình và sẽ bị nhiều tín hữu của mình rời bỏ, bởi vì thực tế là họ sẽ không còn nhận ra nơi Giáo Hội điều mà hình thành nên sứ mạng đặc trưng của Giáo Hội”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

 

***

ACN (Aid to the Church in Need) là một tổ chức từ thiện Công giáo quốc tế dưới sự hướng dẫn của Tòa Thánh, trợ giúp cho những Giáo Hội đau khổ và hiện đang bị bách hại tại hơn 140 quốc gia. www.churchinneed.org (Hoa Kỳ); www.acnuk.org (Anh); www.aidtochurch.org (Úc), www.acnireland.org (Ireland); www.acn-aed-ca.org (Canada).

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube