Nhà lãnh đạo Công giáo cảnh báo về nạn đói kém gia tăng trên toàn cầu, ca ngợi biện pháp mới của Hoa Kỳ

Ba người con của Consuelo Pascacio; Estiben 4 tuổi, Estefany, 11 tuổi và Javier, 14 tuổi, đang ngấu nghiến món cơm gà hầm mà chị nhận  được từ một “bếp ăn cộng đồng”, tại nhà của họ ở khu phố Nueva Esperanza, Lima, Peru, thứ Hai, ngày 8 tháng 6 năm 2020 (Ảnh: Rodrigo Abd/AP)

Ba người con của Consuelo Pascacio; Estiben 4 tuổi, Estefany, 11 tuổi và Javier, 14 tuổi, đang ngấu nghiến món cơm gà hầm mà chị nhận được từ một “bếp ăn cộng đồng”, tại nhà của họ ở khu phố Nueva Esperanza, Lima, Peru, thứ Hai, ngày 8 tháng 6 năm 2020 (Ảnh: Rodrigo Abd/AP)

YAOUNDÈ, Cameroon – Khi tình trạng suy dinh dưỡng toàn cầu đạt đến mức báo động, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật theo kiểu lưỡng đảng vốn có thể mang lại cứu cánh trong cuộc chiến chống nạn đói, đặc biệt là ở lục địa châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Đạo luật tái ủy quyền an ninh lương thực toàn cầu” (GFSRA), đã được Bill O’Keefe, phó Chủ tịch điều hành của Tổ chức Truyền giáo, Huy động và Vận động của Dịch vụ Cứu trợ Công giáo, cơ quan nhân đạo quốc tế của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, mô tả là “một chiến thắng lập pháp to lớn cho cuộc chiến chống nạn đói toàn cầu”.

“Bằng việc thông qua dự luật này, Quốc hội đã thừa nhận một cách đúng đắn những tác động tiêu cực của thời tiết khắc nghiệt đối với vấn đề an ninh lương thực, càng trở nên tồi tệ hơn trong thời đại biến đổi khí hậu”, ông O’Keefe nói.

Khi được ký thành luật, biện pháp này sẽ tái ủy quyền sáng kiến “Nuôi dưỡng Tương lai”, sáng kiến tập hợp các đối tác lại với nhau để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của nạn đói ở các quốc gia dễ bị tổn thương bằng cách thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp, khả năng phục hồi và dinh dưỡng. Luật mới cũng sẽ tăng mức ủy quyền tài trợ của sáng kiến này lên 1,2 tỷ đô la, tăng từ mức xấp xỉ 1 tỷ đô la.

Trong các bình luận độc quyền với Crux, ông O’Keefe cho biết sáng kiến sẽ cung cấp một cứu cánh cho nông dân, đặc biệt là ở Châu Phi nơi nạn đói đã lên đến mức nghiêm trọng.

“Bằng cách tái ủy quyền sáng kiến ‘Nuôi dưỡng Tương lai’, Đạo luật Tái ủy quyền An ninh Lương thực Toàn cầu sẽ giúp các cộng đồng ứng phó tốt hơn với tác động của vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách cải thiện quản lý tài nguyên thiên nhiên và bằng cách đa dạng hóa các cơ hội kinh tế cho những người ít phụ thuộc hơn vào những thay đổi của khí hậu”, ông O’Keefe phát biểu với Crux.

Ông cho biết các vấn đề mang tính hệ thống đang cản trở người nông dân phải được giải quyết để nông dân của lục địa phát huy hết tiềm năng sản xuất của họ.

Dưới đây là trích đoạn của cuộc phỏng vấn đó…

Nói một cách rất đơn giản, dự luật này có ý nghĩa gì đối với cuộc chiến chống nạn đói toàn cầu?

Việc thông qua Đạo luật tái ủy quyền về an ninh lương thực toàn cầu tái lập cam kết của chính phủ Hoa Kỳ trong việc giải quyết nạn đói và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức, điều rất quan trọng vào thời điểm khi số người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực đã tăng lên hơn 800 triệu người trên toàn thế giới.

Luật này rất quan trọng vì nó tái ủy quyền Sáng kiến Nuôi dưỡng Tương lai, giúp tăng sản lượng lương thực ở các cộng đồng dễ bị tổn thương bằng cách dạy cho nông dân các phương pháp phát triển bền vững đồng thời kết nối họ với thị trường, điều đặc biệt quan trọng đối với những người phụ nữ nông dân.

Những kiểu chương trình như vậy giúp phá vỡ chu kỳ khủng hoảng liên tiếp bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của nạn đói và suy dinh dưỡng.

Theo lời kêu gọi nhân đạo mới nhất của Liên Hợp Quốc, hơn 200 triệu người ở 53 quốc gia sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng vào cuối năm 2022. Thậm chí nghiêm trọng hơn, 45 triệu người ở 37 quốc gia có nguy cơ chết đói. Châu Phi đứng ở đâu trong bức tranh này?

Chắc chắn là triển vọng mất an ninh lương thực ở Châu Phi ảm đạm hơn so với các nơi khác trên thế giới. Ví dụ, trong số sáu quốc gia mà Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã xác định là có “mối quan ngại cao nhất” về tình trạng mất an ninh lương thực, thì có bốn quốc gia ở Châu Phi – Ethiopia, Nigeria, Nam Sudan và Somalia. Ở mỗi quốc gia này, một phần đáng kể dân số có nguy cơ bị chết đói.

Mặc dù tình trạng mất an ninh lương thực ở nhiều khu vực của Châu Phi không phải là một hiện tượng mới, nhưng vấn đề mới là quy mô và tốc độ phát triển của nó, được thúc đẩy bởi cái mà chúng tôi gọi là bốn “c”: chi phí gia tăng, biến đổi khí hậu, xung đột và COVID-19 . Thật không thể tưởng tượng được rằng các cộng đồng ở Somalia đã phải đối mặt với 5 mùa mưa thất bát liên tiếp và tình trạng hạn hán không có hồi kết.

Các quốc gia được WFP liệt kê không phải là mối lo ngại duy nhất?

Các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi như Ethiopia, Somalia, Nam Sudan và Kenya là mối bận tâm cao nhất. Bên ngoài vùng Sừng châu Phi, Nigeria và Burkina Faso cũng là những mối bận tâm rất lớn.

Mỗi quốc gia này đều có những bộ phận dân số có nguy cơ bị chết đói. Đối với các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ – với 5 mùa mưa thất bát liên tiếp – đang dẫn đến nạn đói kém chưa từng có, cùng với tác động của xung đột và chi phí ngày càng tăng của các mặt hàng thiết yếu như lúa mì và dầu thực vật cũng như phân bón.

Châu Phi sẽ được hưởng lợi như thế nào từ luật mới?

Bằng cách tái ủy quyền sáng kiến Nuôi dưỡng tương lai, Đạo luật tái ủy quyền an ninh lương thực toàn cầu sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các cộng đồng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu bằng cách cải thiện việc quản lý tài nguyên thiên nhiên và bằng cách đa dạng hóa các cơ hội kinh tế cho những người ít phụ thuộc vào những thay đổi của khí hậu.

Ngoài ra, USAID đã công bố một loạt quốc gia mục tiêu mới trong năm nay, tất cả đều ở Châu Phi, vốn sẽ mở rộng chương trình Nuôi dưỡng Tương lai từ 12 lên 20 quốc gia. Những quốc gia mới này sẽ được ưu tiên nhận các khoản đầu tư phát triển hỗ trợ nông dân sản xuất nhỏ ở nông thôn. Đạo luật tái ủy quyền an ninh lương thực toàn cầu giúp các khoản đầu tư này trở nên khả thi.

Một phần của cuộc khủng hoảng đói ở Châu Phi là do cuộc chiến ở Ukraine. Tại sao Châu Phi, một lục địa chiếm 60% diện tích đất trồng trọt trên thế giới, lại phải phụ thuộc vào lương thực như vậy?

Mất an ninh lương thực ở Châu Phi cực kỳ phức tạp và do nhiều yếu tố chi phối. Tình trạng hạn hán tái diễn và các sự kiện khí hậu khác, việc quản lý yếu kém, thị trường kém phát triển, xung đột và nghèo đói cản trở nông dân phát huy hết tiềm năng của họ. Cho đến khi những thách thức này được giải quyết, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến tình trạng mất an ninh lương thực trở nên tồi tệ hơn ở vùng Sừng châu Phi và các nơi khác.

Nói chung, khi những tác động kinh tế nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine đã cho chúng ta thấy, hệ thống lương thực toàn cầu vô cùng mong manh. Nếu chúng ta không củng cố hệ thống lương thực bằng cách đầu tư thông minh hơn trong ngắn hạn, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng lương thực kéo dài hơn sắp tới.

Ví dụ, chúng ta cần cải thiện cách vận chuyển, phân phối và bảo quản thực phẩm. Chúng ta cũng cần cải thiện sinh kế của nông dân sản xuất nhỏ, những người tạo thành xương sống của hệ thống lương thực toàn cầu. Chỉ riêng ở châu Phi, 33 triệu trang trại sản xuất nhỏ nuôi sống hơn 70% dân số. Chúng ta cũng cần giải quyết vô số thách thức liên quan đến việc quản trị yếu kém và tăng cường đầu tư vào tài chính khí hậu để các cộng đồng ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu không chìm sâu hơn vào cảnh nghèo đói.

Ông nghĩ trong tương lai, sự phụ thuộc vào lương thực này nên được giải quyết như thế nào?

Nhiều quốc gia đang trải qua các cuộc khủng hoảng kéo dài – cho dù là do thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu, bất ổn chính trị, thách thức kinh tế hay tác động hạ nguồn của COVID-19 đối với chuỗi cung ứng và các nguồn lực của chính phủ.

Để giải quyết những thách thức này, chúng ta cần các phương pháp tiếp cận tổng thể xem xét các phần liên kết với nhau trong hành trình của thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn – một ưu tiên của sáng kiến ‘Nuôi dưỡng Tương lai’. Mặc dù các luật như Đạo luật tái ủy quyền an ninh lương thực toàn cầu chắc chắn đưa chúng ta đi đúng hướng để giải quyết những vấn đề này, nhưng chúng ta còn một chặng đường dài phía trước trước khi hệ thống lương thực toàn cầu đi vào ổn định.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube