Ngập mặn ĐBSCL: Trụi trơ vườn cây giống, nông dân trắng tay

Từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng thấy cây giống bị hư hại vứt bỏ la liệt. Trước mỗi ngôi nhà là một khoảng sân trụi trơ, xơ xác.

rungngapman (2)

Bến Tre là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng xâm nhập mặn, gây thiệt hại trầm trọng về cây trồng, vật nuôi, hàng trăm nghìn dân thiếu nước sinh hoạt.

Tại huyện Chợ Lách và Mỏ Cày Bắc, những địa danh nổi tiếng với nghề ươm cây giống và cây kiểng, các nông hộ dường như mất trắng.

Từ đầu làng đến cuối làng, nhìn đâu cũng thấy cây giống bị hư hại vứt bỏ la liệt. Trước mỗi ngôi nhà là một khoảng sân trơ trụi, xơ xác. Những cây ăn trái đã trưởng thành như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… “ngửi” thấy hơi mặn cũng chết, huống chi những cây giống yếu ớt này.

rungngapman (5)

Chị Mến, một chủ vườn ươm (xã Phú Sơn – Huyện Chợ Lách) đã bỏ đi hơn 1.000 cây tắc, giá 8.000đ/cây. Chị Mến cho biết, đến tết, những cây tắc sẽ bán với giá từ 30-40 ngàn đồng/cây. Bây giờ trồng lại cũng chẳng kịp cho mùa tết. Những loại cây giống khác, mỗi loại gia đình chị cũng phải vứt đi vài trăm cây. “Đang tính trồng xoài, nhưng sợ xoài cũng chết. Bây giờ không biết sống thế nào nữa… Cứ nghĩ năm nay Trời thương, bao nhiêu vốn liếng đổ vô vườn hết… có ai ngờ!” – Chị Mến lo âu.

Chú Ba, cũng ở Huyện Chợ Lách đã phải vứt bỏ hơn 2.000 cây bơ con (7.000 đ/cây), hơn 6.000 cây chanh (7.000 đ/cây). Đất để cho vào bịch ươm giống đã ‘ngửi’ hơi mặn cũng không còn sử dụng được.

Vườn ươm của cô Sen gần đó, cũng bị thiệt hại tương tự. Cô đón tôi từ ngoài cổng, xót xa: “Cái sân này, ngày trước là cây, bây giờ nó trống trơn như thế này này!” Cô Sen đã phải vứt 5.000 cây xoài 1 tuổi (15.000 đ/cây), thiệt hại khoảng 75 triệu đồng.

rungngapman (6)

Anh Nguyên (xã Phú Huyện, Mỏ Cày Bắc) là một nông dân có nhiều kinh nghiệm ươm cây cũng nằm trong hoàn cảnh trên. Anh cho cho biết: Từ dịp tết đến nay, anh phải đổ khoảng 13.000 cây mít, 5.000 cây sầu riêng, 20.000 cây bơ ghép, 15.000 cây chôm chôm,… Thiệt hại khoảng 80 triệu.

Chị Hồng, vợ anh Nguyên băn khoăn: “Năm ngoái thì lụt, trồng bao nhiêu trôi hết. Năm nay, nghĩ là được mùa, có tiền tô cái nhà, lợp tôn cho khỏi dột. Con bé nhỏ cứ nói, sao má không tô nhà cho đẹp. Có ai muốn ở như vậy đâu! Chắc cả năm đói rồi”.

Thiệt hại như vậy nhưng chính quyền địa phương hầu như không hỗ trợ gì đối với những vườn ươm cây giống, trong khi đối với cây trồng trên đất bị hư hại do ngập mặn thì được hỗ trợ (dù chẳng đáng là bao) 300.000 đồng/công (1000m2).

rungngapman (7)

Xót xa hơn, người dân nơi đây cũng đang phải sử dụng chính nguồn nước xâm nhập mặn ô nhiễm này trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Nhiều giếng khoan hơn chục triệu đồng bị bỏ phế bởi để có nước đảm bảo vệ sinh, họ phải khoan xuống hơn 100m, mất khoảng 100 triệu đồng. Những gia đình khá giả thì đi đổi nước một can 20 lit với giá 10.000 đồng về dùng. Còn không, đành múc nước dưới kênh cho vào lu sành, đợi lắng phèn và cặn rồi dùng.

Cô Thơm chỉ tay xuống dòng kênh, nói: “Từ tết đến giờ, cô cứ uống như vậy đó. Đi mua vừa xa mà cũng tốn tiền… Hy vọng có mưa, cho nó bớt mặn đi!”.

Cố gắng uống hết một ly nước đã đun sôi, tôi giật mình: “Cô ơi, sao mặn quá!”. Cái vị mặn đó cứ theo tôi, nghẹn bứ ở cổ đến tận bây giờ.

 

Khiêm Nhu

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube