Thảm họa Vũng Áng: Cán bộ tắm biển, ăn cá – bá tánh không tin

Sau gần một tháng xảy ra thảm họa môi trường tại các tỉnh Duyên Hải Miền Trung từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng, biết không thể che giấu được sự thật bằng những lối hành xử trước đây, như lệnh cho báo chí ngưng đưa tin về thảm họa, cho một vài quan chức lên tiếng lấy lệ…, có vẻ nhà cầm quyền đang thật sự lúng túng trong việc tìm ra giải pháp để giải quyết cơn khủng hoảng ngày càng lan rộng.

Cán bộ tắm biển, nghỉ ngơi, xơi cá

Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng cùng các quan chức tắm biển sáng 30/4. Ảnh Internet

Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng vui cười tắm biển cùng các quan chức sáng 30/4. Ảnh Internet

Không biết từ nguồn cơn nào, trong những ngày nghỉ lễ 29-30/4, đồng loạt các quan chức lãnh đạo tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng kéo nhau xuống tắm biển, rồi mời người dân, phóng viên cùng ăn cá và mua cá được cho là “đã rõ nguồn gốc”.

Tại Đà Nẵng, sáng 30/4, Giám đốc sở Tài Nguyên và Môi Trường (TNMT) Nguyễn Điểu cùng các quan chức của Sở đã xuống biển ngâm mình nhằm chứng minh biển sạch. Buổi chiều cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố cũng đã xuống biển tắm, lệnh cho các “quan chức phải ăn cá để làm gương cho dân”.

Tại Nghệ An, nơi không chịu ảnh hưởng của thảm họa lần này, vì dòng hải lưu đang di chuyển vào phía Nam, chiều ngày 29/4, cán bộ Thị xã Cửa Lò cũng đã cùng rủ nhau xuống tắm với mục đích – như báo chí đã trích lời ông Chủ tịch Thị xã Doãn Tiến Dũng: “Đến thời điểm này chúng tôi khẳng định tắm biển trên biển Cửa Lò rất an toàn”.

Tại Hà Tĩnh, nơi đầu tiên phát hiện cá chết hàng loạt do độc tố, chiều ngày 30/4, Giám đốc Sở TNMT, các quan chức và gia đình đã ra tận ngoài bãi biển Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên tắm biển. Bãi biển này nằm cách Vũng Áng khoảng 30km về phía Bắc, nơi không thể bị ảnh hưởng bởi dòng hải lưu đang xuôi Nam.

Quan chức xơi cá nhằm chứng minh không có độc tố. Ảnh internet

Quan chức xơi cá nhằm chứng minh không có độc tố. Ảnh internet

Không thấy cán bộ nào tại Quảng Bình đi tắm biển, có lẽ vì vùng biển Quảng Bình là nơi, theo ghi nhận của nhiều nhà khoa học, bị ảnh hưởng độc tố mạnh nhất. Nhưng, trưa ngày 30/4, sau khi làm việc với chính quyền địa phương, ông Trương Minh Tuấn – Bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông, đã mời tất cả các phóng viên tham dự cuộc họp báo đi ăn cá biển tại một nhà hàng sang trọng trong vùng; đồng thời yêu cầu cơ quan báo chí trong khi chờ đợi các cơ quan chuyên môn có kết luận chính thức, phải khuyến cáo người dân để không còn tâm lý lo ngại, tẩy chay cá có nguồn gốc rõ ràng.

Bá tánh cười buồn; chẳng mấy ai tin

Trong bối cảnh thảm họa nhiễm độc ngày càng lan rộng có thể lan xuống tới Phú Quốc, trong lúc chính quyền bế tắc, thiếu minh bạch trong việc công bố nguyên nhân gây ra thảm họa với những hành xử khó hiểu, bao che cho công ty Formosa – nghi vấn chính trong vụ biển Miền Trung bị nhiễm độc, thì việc các quan chức “rủ nhau” đi tắm biển và mời dân ăn cá, không những không làm cho người dân an tâm mà còn gây nên những phê phán trái chiều tỏ rõ sự bất bình của người dân với các quan chức.

Đa phần các phản hồi tỏ ý nghi ngờ thiện ý nhà nước

Đa phần các phản hồi tỏ ý nghi ngờ thiện ý nhà nước

Nhà báo Trương Duy Nhất  đã viết trên Blog những nhận định của mình:

Trấn an dư luận. Bằng cách ngồi nhai cá và cởi quần lao xuống biển, trong lúc chưa xác định được thảm hoạ môi trường do dâu, vì đâu cá chết – là hành động ngu quá mức cần thiết.

Vấn đề, cũng không phải ở việc chi tiền mua hết cá cho dân. Bởi mua xong, bán cho ai? Càng không phải, ngồi chồm hổm ăn cá biểu diễn để kêu gọi. Ăn vào toi mạng, ai chịu trách nhiệm? Xúi dân nuốt thuốc độc à?

Ý thức quan chức. Trong chuyện này, không phải là ngồi nhai cá, hay cởi áo tụt quần lao xuống biển.

Toàn loại… đầu đất! Hay nói theo cách bọn trẻ giờ: ngu quá mức cần thiết!

Vấn đề cốt lõi là phải trả lời ngay, rõ ràng cho dân biết: vì sao cá chết? Cá chết do đâu?

Trao đổi với BBC, ngày 1/5/2016, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13, khẳng định cách các quan chức xuống tắm biển, ăn cá để trấn an người dân là một việc làm “không có cơ sở khoa học”. Ông nói: “Nếu khi chúng ta chưa kết luận rõ ràng, mà lãnh đạo làm như thế thì tôi nghĩ đó là việc làm không khoa học và thậm chí nếu như vùng biển đó vẫn là vùng biển có những độc hại, thì việc làm ấy nguy hiểm” – BBC trích lời.

Có ai tin không thì giơ tay

Có ai tin không thì giơ tay

Không chỉ các nhà báo, các nhà trí thức phê phán việc làm “thiếu cơ sở khoa học”, “kém hiểu biết”, “ngu quá mức cần thiết”, “nguy hiểm” của các quan chức liều lĩnh “tụt quần” xuống tắm biển khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng, đa số cư dân mạng đều tỏ rõ sự nghi ngờ cái gọi là “thiện chí” của các quan chức.

Trên báo Tuổi trẻ, phản hồi về việc các quan chức “ăn cá để dân ăn”, trong tổng số hàng trăm phản hồi, điều dễ nhận thấy là đa số các phản hồi tỏ rõ sự nghi ngờ và mong muốn chính quyền phải thiện chí:

Biết là hành động của các vi lãnh đạo rất thiết thực, nhưng nếu các vị chưa biết được nguyên nhân cá chết mà cố tình ăn, giấu diếm, là có tội với dân chứ không phải là công trạng gì đâu” – một độc giả khách quan nhận định.

Trước khi Chủ tịch và các lãnh đạo sở ngành ăn cá thì đã có cơ quan chức năng đo, kiểm trước. Nhưng người dân ăn thì ai sẽ đo kiểm đây?” – một độc giả khác tỏ ra thiếu tin tưởng.

Quá khôi hài! Chả biết làm gì hay nói gì? Thôi thì rủ nhau đi tắm biển!!! Nhìn các quan vừa tắm vừa hân hoan, vui cười, trong khi cả Miền Trung chết dở vì cá chết, ảnh hưởng trực tiếp tới miếng cơm manh áo hằng ngày, làm quan thời nay sướng thế? Phản cảm, cực kỳ phản cảm?” – một độc giả bức xúc.

Ngay cả khi thông tin về kết quả quan trắc biển tại 4 tỉnh Miền Trung được công bố “đạt chuẩn an toàn”, thì người dân vẫn nghi ngờ kết quả:

Ai đầu độc biển? Ảnh internet

Ai đầu độc biển? Ảnh internet

Kết quả quan trắc trong suốt thời điểm trước và sau khi cá chết (cách đây 20-25 ngày) sao không thấy đưa để biết được thông số nào biến đổi cực đại (như Cr+6, Cu, …) từ đó xác định nguồn gây ô nhiễm dựa vào ngành nghề sản xuất của các nhà máy ven biển. Thông số hiện tại chỉ cho thấy chất lượng nước hiện tại đã tốt lên nhưng chưa biết lấy mẫu quan trắc ở đâu, khu vực nào nên cũng chưa khẳng định được chất lượng nước khu vực Vũng Áng và lân cận an toàn cho nuôi trồng thuỷ sản. Cần bổ sung bản đồ vị trí lấy mẫu, cao độ, thời điểm lấy mẫu dài hơn.” – độc giả có tên Hằng Nga nêu quan điểm của mình.

Một câu hỏi cũ dân chúng tôi vẫn bảo lưu: Nguyên nhân thực sự cá chết là gì? Formosa có xả chất độc ra biển không? Chất độc loại gì? Lượng xả bao nhiêu mỗi ngày? Ai phải chịu trách nhiệm? Mong các ngài trả lời sớm để chúng tôi có đối sách!” – một độc giả khác thực tế hơn đã đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Dân cần biển sạch và sự minh bạch thông tin

Trong bối cảnh người dân ngày càng bức xúc, niềm tin không còn, đặc biệt sau cuộc biểu tình nổ lớn sáng ngày 1/5/2016, với hàng ngàn người tham gia tại hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo lãnh đạo các tỉnh phải “nhanh chóng điều tra nguyên nhân gây ra thảm họa này”, không được dung túng bao che cho các đơn vị, tổ chức hay cá nhân vi phạm.

Dân cần nước sạch, cần minh bạch thông tin

Dân cần nước sạch, cần minh bạch thông tin

Sự can thiệp của người đứng đầu Chính phủ, dù quá chậm chễ sau khi cá chết cả gần tháng trời tại bờ biển Miền Trung, là một việc làm đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, điều người dân cần lúc này, không phải là những chỉ đạo, những “công lệnh miệng lên giây cót tinh thần”, nhưng là một môi trường biển sạch và sự minh bạch thông tin: Nguyên nhân thực sự cá chết là gì? Formosa có xả chất độc ra biển không? Ai là người chịu trách nhiệm…?

Người dân không cần các quan chức phải khổ sở cởi quần xuống tắm hay bấm bụng ăn cá trong nỗi lo sợ, cũng chẳng cần những lời hứa hão huyền hay những khẩu lệnh, bởi họ đã quá kinh nghiệm về thể chế chính trị trong đất nước này: từ công lệnh tới hiện thực luôn là một quãng đường rất xa.

2/5/2016

Gioan Nguyễn Thạch Hà

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube