Thảm họa Vũng Áng: Rất nghiêm trọng – cá chết xếp lớp dưới đáy biển Quảng Bình

Thảm họa Vũng Áng đã kéo dài một tháng trời. Nguyên nhân vì sao cá chết vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ trong “nỗ lực” tìm kiếm của các cấp chính quyền và của các nhà khoa học được nhà nước chỉ định.

Formosa là một sự kiện hết sức nghiêm trọng

Chính phủ họp phiên thường kỳ thang 4/2016, khẳng định "vụ việc hết sức nghiêm trọng". Ảnh Internet

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2016, khẳng định “vụ việc hết sức nghiêm trọng”. Ảnh Dân Trí

Chiều ngày 5/5/2016, trả lời báo chí sau phiên họp thường kỳ  – tháng 4/2016, của Chính phủ, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Một sự kiện như Formosa là một vụ việc hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tâm lý, cả nền kinh tế”.

Mặc dù ông không nói rõ, nhưng qua những số liệu ông cung cấp cho báo chí, người ta có thể hiểu được phần nào sự nghiêm trọng mà ông muốn nói tới.

Theo số liệu ông cung cấp, cả năm 2015 và tính đến thời điểm 2/5/2016, Formosa đã nhập khẩu gần 384 tấn hóa chất với tổng cộng 103 loại hóa chất khác nhau; chỉ riêng từ đầu năm 2016 đến nay, Formosa được các cấp có thẩm quyền cấp phép chấp thuận cho nhập khẩu 224 tấn hóa chất gồm 43 loại hóa chất với mục đích nhằm làm sạch bề mặt kim loại, hóa chất khử khuẩn, chất keo tụ để xử lý nước, hóa chất ổn định, nước làm mát để ức chế ăn mòn hóa học, ổn định độ PH của môi trường nước…

Từ đầu năm tới nay, công ty Formosa đã sử dụng 51 tấn hóa chất thải ra môi trường, theo lời ông Đỗ Thắng Hải.

Việc công ty Formosa đã sử dụng các hóa chất ấy thế nào, quy trình xử lý nước thải khi thải ra biển ra sao, thì không thấy ông nói tới. Nhưng khi được hỏi Bộ Công thương quản lý, kiểm soát số hóa chất độc hại mà Bộ cấp phép cho Formosa nhập về như thế nào, thì ông cho rằng đó là trách nhiệm của  Bộ Tài nguyên và Môi trường phải kiểm tra, tổng hợp và báo cáo lên Chính phủ.

Vệt nước mầu đỏ không phả là "thủy triều đỏ". Ảnh Dân trí

Vệt nước mầu đỏ không phả là “thủy triều đỏ”. Ảnh Dân trí

Đây không phải là lần đầu, các cơ quan quản lý nhà nước lúng túng trong việc xử lý các vấn đề xã hội.

Khi tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan thị trường, đến với người tiêu dùng không thể kiểm soát, người dân bất bình. Chính phủ bế tắc, lúng túng trong việc đưa ra các giải pháp có tính đồng bộ mà một trong những nguyên chính là do cơ chế quản lý chồng chéo, không biết ai, bộ ngành nào chịu trách nhiệm.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan trong cuộc trả lời phỏng vấn VTC News sáng 25/3/2016 bên hành lang Tòa nhà Quốc hội, sự chồng chéo trong quản lý đã khiến không ai chịu trách nhiệm về sự lưu thông tràn lan của thực phẩm độc hại. Theo bà, trong cơ chế quản lý xã hội hiện nay: “Thực phẩm nếu đang gieo trồng thì nó thuộc Bộ Nông nghiệp, khi lưu thông trên thị trường thì nó thuộc Bộ Công thương, cuối cùng lên mâm cơm thì thuộc Bộ Y tế.”

Việc yếu kém trong khâu xử lý các vấn đề, việc chồng chéo trong cơ chế quản lý gây hậu quả nghiêm trọng không ai chịu trách nhiệm, có lẽ, cũng là một sự việc nghiêm trọng hiện nay.

Cá chết xếp lớp dưới đáy biển Quảng Bình

Nguyên nhân gây nên thảm cảnh cá chết hàng loạt mà nghi can “thủy triều đỏ” được các cơ quan báo chí nhà nước công bố khi xuất hiện dải nước mầu đỏ dọc bờ Biển Quảng Bình những ngày qua, đã chính thức bị loạt bỏ.

Lưới sau khi thả xuống biển bỗng trở nên như mới. Ảnh: Dân Việt

Lưới sau khi thả xuống biển bỗng trở nên như mới. Ảnh: Dân Việt

Sáng nay (6/5/2016), Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, Viện Hải dương học Nha Trang, sau khi cùng các đồng nghiệp phân tích hơn 10 mẫu nước lấy trực tiếp từ vùng nước đỏ xuất hiện ở Quảng Bình hai hôm trước, đã khẳng định: “Khảo sát dưới kính hiển vi cho thấy không có tế bào tảo trong nước nên dải nước đỏ không phải là hiện tượng thủy triều đỏ. Thành phần mẫu nước chưa phát hiện có gì đặc biệt. Khả năng do phù sa hoặc những vật liệu màu, như đất đỏ tạo thành, cần quan sát thêm các yếu tố cảnh quan để xác định nguồn gốc của vệt nước màu đỏ này” – Vnexpress trích lời.

Trong khi đó, nhiều ngư dân tại Quảng Bình cho biết hiện tượng biển bốc mùi thối, tắm gây mẩn ngứa, cá lờ đờ như “bị say, bị dại” đã từng xảy ra những ngày gần đây. Hiện tượng bờ biển Quảng Bình xuất hiện vệt nước mầu đỏ, chỉ là một hiện tượng tự nhiên bình thường xảy ra thường xuyên mỗi khi trời đổi gió.

Sáng nay, ngư dân các xã bãi ngang ven biển Quảng Bình cho biết: họ phát hiện cá chết xếp lớp dưới đáy biển cách bờ từ 1 đến 6 hải lí. Bên cạnh đó, rạn san hô bị phủ một lớp bùn đen kịt khác với ngày xưa, nước dưới tầng sâu có hiện tương vẩn đục, đặc biệt có ngư dân còn cho biết, ngư cụ – nhất là lưới, sau khi thả xuống biển bỗng nhiên được tẩy sạch như mới – theo báo Tiền Phong.

Như vậy, nguyên nhân cá chết do “thủy triều đỏ” đã bị loại trừ. Người dân, nhất là ngư dân cần biết đâu là nguyên nhân đích thực gây ra thảm họa môi trường biển dọc các tỉnh duyên hải Miền Trung những ngày qua.

Một khi lòng dân đã không thuận, thì chính sự giấu giếm, bưng bít thông tin, sự dối trá sẽ là thứ độc tố, là cơn “thủy triều đỏ” nhấn chìm tất cả.

6/5/2016

Gioan Nguyễn Thạch Hà

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube