Luca: Chúa Giêsu thương xót người nghèo

Lc 14,13.21: Đức Giêsu tỏ bày lòng thương xót đối với những người nghèo khó, những người thu thuế, những người bị xã hội ruồng bỏ và những người tội lỗi.

Luca Lc 14,13.21Ngoài Lc 4,18-19, trong Tin Mừng Lc có hai đoạn văn nữa liên kết một cách trực tiếp đến trích dẫn từ Is 61. Cả hai đều xuất hiện trong chương 14 và cả hai đều được trình bày trong một bữa ăn tối của Đức Giêsu tại nhà của một thủ lãnh nhóm Pharisêu (Lc 14,12-14; 14,21). Chức vị của ông ta như một nhà thông luật, có lẽ ám chỉ đến ông ta thuộc thành viên của Thượng Hội Đồng (x. Lc 14,1).

Trong Lc 14,12-14

12 Rồi Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”

Đức Giêsu nói trực tiếp với chủ nhà, người đã mời Đức Giêsu và những người khác đến nhà ông ta dùng bữa. Ngài nói ông đừng mời bạn bè, họ hàng hay những người láng giềng giàu có, nghĩa là những người có thể và sẽ mời lại mình. Thay vào đó, Đức Giêsu đề nghị ông khi đãi tiệc hãy mời những người nghèo khổ, tàn tật, què quặt, đui mù, nghĩa là những người không có khả năng để mời lại ông ta. Danh sách những người dự tiệc này song song với “người nghèo và người mù” của Is 61,1-2 và tương tự như “người nghèo, người mù và người què quặt” của Lc 7,22.

Trong đoạn văn phía trước, sau khi Đức Giêsu tranh luận về ngày Sabbath với nhà thông luật và những người Pharisêu (14,1-6), Ngài đưa ra giáo huấn thứ nhất với các khách được mời (14,7-11). Phải chăng Đức Giêsu đơn giản chỉ dạy người ta cách xử sự cần phải có trong khi dự tiệc? Hay qua giáo huấn này, Đức Giêsu muốn nói với con người một điều gì khác đến từ Thiên Chúa? Đáng chú ý là cuối phần giáo huấn này, hai động từ  “tapêinothesêtai” và “hupsothesêtai” được dùng ở thể “thụ động thần học”, nói cách khác Thiên Chúa là chủ thể của hành động.

Với một cấu trúc song song với cấu trúc của giáo huấn ở Lc 14,7-11 nói với các khách được mời, giáo huấn thứ hai (Lc 14,12-14) nói với chủ nhà về việc chọn các thực khách để mời. Giáo huấn thứ hai này gợi nhớ giáo huấn đã được nói đến trong Lc 6,32-35. Giáo huấn này dựa trên một nhận định: xã hội “ưu tú” gồm các tiến sĩ luật và các người Pharisêu thường mời lẫn nhau. Kiểu nói minh triết của Đức Giêsu nói ở câu 21 không phải là không có trong văn chương Aram, ví dụ: “Hãy nhận vào nhà bạn kẻ thấp hơn bạn và kẻ nghèo hơn bạn; nếu anh ta ra đi và không trả ơn bạn thì Chúa sẽ trả cho bạn” (Khôn ngoan của Ahikar 3,31). Nhưng lời Đức Giêsu còn triệt để hơn: Ngài khuyên đừng mời các bạn hữu có phương tiện để họ mời lại, thay vào đó hãy mời những kẻ bị loại trừ.

Bốn hạng người bất hạnh được kể ở cc. 13.21 là những kẻ không có tiền bạc hoặc khả năng. Họ không có chỗ giữa những kẻ được trọng nể. Họ thuộc giai cấp thấp và bị loại ra khỏi xã hội. Dựa vào Lv 21,17-21 và 2QS 5,8, một bản văn Essêniên của Qumran xác định một cách đặc biệt rằng: những hạng người như thế là những kẻ không có quyền lực và không được hưởng những đặc ân. Họ bị loại ra khỏi cộng đoàn các bậc vị vọng, nghĩa là họ bị loại ra khỏi đời sống tôn giáo Israel. Nhưng chính những con người bị loại ra khỏi đời sống xã hội cũng như tôn giáo này lại là những người mà Đức Giêsu đến công bố Tin Mừng cho họ.

Trong Lc 14,21:

  21 “Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: “Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây”.

Dụ ngôn về bữa đại tiệc (Lc 14,15-24) cũng có trong Mt 22,1-10. Lc kể tên những người được mời dự tiệc lần thứ hai là “người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt” (c.21). Rõ ràng Lc đã biên soạn lại danh sách các hạng người so với Mt: “Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách” (Mt 22,10). Danh sách khách mời của Lc phù hợp với Lc 14,13, ngoại trừ sự đảo ngược trật tự người mù và người què quặt.

Hiển nhiên, sau đó Lc đã nối kết những hạng người được kể ở 14,13 với những hạng người được kể ở 14,21, như đã làm ở 7,22, là những người được đón nhận Tin Mừng dựa trên nền tảng của Is 61,1-2. Họ là mẫu điển hình của những người sống trong cảnh nghèo đói khủng khiếp, những người đau khổ vì nghèo nàn và bệnh tật, những người không có đất để sống, nghĩa là không có gì để đáp trả lại những người đã ban tặng cho họ.

Hơn thế nữa, chúng ta chú ý đến tình trạng xã hội và tôn giáo của “người nghèo, người tàn tật, người mù, người què quặt và người phong hủi” trong ngày của Đức Giêsu.

Ở Qumran, những người què quặt, đui mù và tật nguyền đã hoàn toàn bị loại ra khỏi cộng đoàn và đã bị coi là những người chắc chắn không xứng đáng gia nhập cuộc chiến đấu cánh chung giữa những người được tuyển chọn và các đạo binh của Satan. Cũng vậy, trong văn chương các Rabbi thời đó, những người đau yếu và nghèo hèn bị nghi ngờ. Chính bên trong xã hội Palestin, những người phong hủi đã bị loại ra khỏi xã hội và những người mù, điếc, câm và ăn xin đã bị cấm đến nơi thánh trong Đền Thờ.

Vì vậy đây là một đám đông quần chúng gồm những người bị loại ra khỏi đời sống xã hội lẫn đời sống tôn giáo, và họ sống hoàn toàn tùy thuộc vào lòng tốt của những người khác. Vì thế, Tin Mừng phải đem đến cho họ một điều gì đó để làm thay đổi tình trạng của họ, cả trong tương quan với Thiên Chúa lẫn trong mối tương giao bằng hữu với anh em đồng loại.

Mặt khác, ẩn bên dưới danh sách các hạng người được Lc liệt kê ở 14,13.21 là quan niệm của Lc về người nghèo và về những người bị bỏ rơi, khi danh sách ấy được mở rộng với những người thường được coi là “những người bị ruồng bỏ và những kẻ tội lỗi”. Đồng thời, theo truyền thống, người nghèo và người đau yếu thường được phân biệt với những người thu thuế và những người tội lỗi, nhưng Lc đã gộp họ chung với nhau. Thí dụ, trong chương 7, sứ vụ của Đức Giêsu đến với người nghèo và người đau yếu vừa là dấu chỉ của triều đại Mêsia vừa là nguyên nhân khiến Gioan Tẩy Giả và những người khác ngờ vực (Lc 7,18-23). Cũng tương tự như thế, trong chương 7, cả sự nhiệm nhặt của Gioan và tình bằng hữu của Đức Giêsu với những người thu thuế và những người tội lỗi đều là nguyên nhân làm chướng tai gai mắt những người đương thời (Lc 7,31-35).

Ở những chỗ khác trong Tin Mừng, Lc hình như có ý ám chỉ những người bị ruồng bỏ và những người tội lỗi như người đau yếu cần thầy thuốc (Lc 5,31), hoặc bị coi như “đã mất” (Lc 19,10). Thực tế, Lc trình bày toàn bộ sứ vụ công khai của Đức Giêsu trong hai câu nói mang tính Kitô học: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (5,32), và “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (10,19). Đáng chú ý, sự nhấn mạnh đến những người bị ruồng bỏ và những kẻ tội lỗi được tìm thấy trong nhiều đoạn Tin Mừng Lc, như cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với người phụ nữ tội lỗi tại nhà ông Simon thuộc nhóm Pharisêu (Lc 7,36-50), hoặc một dụ ngôn nổi tiếng giữa người Pharisêu “đạo đức” với người thu thuế hối cải (Lc 18,9-14), hay chuyện ông Dakêu (Lc 19,1-10).

Tuy nhiên, trung tâm của việc trình bày về chủ đề này là ở Lc 15, khiến cho đôi khi chương này được mô tả như “Tin Mừng trong Tin Mừng”.

Rất nhiều học giả cho rằng: ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa trong Lc 15 chính là những lời công bố của Đức Giêsu nhằm trước hết liên đới với những người bị ruồng bỏ.

Luca mở đầu các dụ ngôn như câu trả lời của Đức Giêsu cho những người chỉ trích Ngài (Lc 15,2). Sự bênh vực của Ngài chỉ đơn giản hệ tại ở chỗ là Ngài hành động như Thiên Chúa sẽ hành động. Việc Đức Giêsu chấp nhận những người bị ruồng bỏ và những người tội lỗi tương ứng với việc Thiên Chúa chấp nhận và tha thứ cho họ.

Chính bởi vì điều này mà Ngài đã trực tiếp chống đối những kẻ “đạo đức”, tức là những người tự loại mình ra khỏi việc tham dự vào lòng thương xót của Thiên Chúa và vào niềm vui được thừa hưởng vương quốc: người con cả không thể vui mừng vì em của mình trở về (Lc 15,25-32), người Pharisêu cầu nguyện với thái độ tự mãn (Lc 18,11), hoặc Simon thuộc nhóm Pharisêu nghi ngờ tính chất xác thực của Đức Giêsu như vị ngôn sứ bởi vì Ngài chấp nhận lòng yêu mến của cô gái điếm (Lc 7,39). Cả ba trường hợp này đều thuộc về một lối sống tôn giáo đạo đức giả hiệu, và vì vậy, họ tự loại mình ra khỏi niềm vui được hưởng tình yêu của Cha.

Ngược lại, Đức Giêsu chấp nhận những con người này như những người bạn, để Ngài tạo nên một cộng đoàn mới gồm những con người trước đây bị loại ra khỏi đời sống xã hội lẫn tôn giáo. Chính trong ý nghĩa này, ta mới hiểu những kẻ đầu hết sẽ nên cuối hết và những kẻ cuối hết sẽ nên đầu hết nghĩa là gì, và hiểu lời hứa của Thiên Chúa đảo ngược tình trạng cánh chung dành cho người nghèo đã thực sự trở nên trong hiện tại nơi sứ vụ của Đức Giêsu.

Tóm lại, dụ ngôn minh họa việc loại trừ Đức Giêsu, việc loại trừ do tầng lớp ưu tuyển của xã hội và tôn giáo gây ra. Dụ ngôn này cảnh giác các tiến sĩ Luật và các người Pharisêu. Họ là những người có địa vị cao trong xã hội và tôn giáo, nhưng theo Luca, họ có thể bị loại ra khỏi cuộc sống với Thiên Chúa dù họ cứ tưởng là họ được tham dự vào. Có một ghi chú Kitô học tiềm ẩn ở đây: sự từ chối lời rao giảng của Đức Giêsu lúc này sẽ có những hậu quả vĩnh viễn. Nhưng dụ ngôn cũng nhắc nhở rằng những kẻ bị loại trừ được mời tham dự vào Vương Quốc một cách bất ngờ, và chỉ cho con người cách thế phải hành xử đối với người nghèo, bằng cách bắt chước hành động của Thiên Chúa. Quả vậy, những hạng người bị xã hội và tôn giáo ruồng bỏ lại chính là đối tượng lòng xót thương của Thiên Chúa.

Martino Vũ Tùng, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube