Hoan nghênh cam kết của 5 quốc gia hạt nhân ngăn chặn chiến tranh và chạy đua vũ trang

Tàu USS Abraham Lincoln, một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, được nhìn thấy ở San Diego, California, ngày 3 tháng 1 năm 2022. (Nguồn: CNS photo / Mike Blake, Reuters)

Tàu USS Abraham Lincoln, một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, được nhìn thấy ở San Diego, California, ngày 3 tháng 1 năm 2022 (Ảnh: CNS / Mike Blake, Reuters)

Chủ tịch Ủy ban Công lý Quốc tế và Hòa bình của các Giám mục Hoa Kỳ hoan nghênh cam kết của 5 cường quốc hạt nhân nhằm ngăn chặn sự phổ biến của các loại vũ khí hạt nhân và các cuộc chạy đua vũ trang mới.

Đức Giám mục David J. Malloy Địa phận Rockford, Illinois, cho biết trong một tuyên bố vào ngày 6 tháng 1 rằng cam kết từ Trung Quốc, Pháp, Nga, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ “là một sự hoan hô nhiệt liệt đối với sự cần thiết cần phải ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và tránh các cuộc chạy đua vũ trang”.

“Tuyên bố nguyên tắc này khẳng định rằng ‘một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể thắng thế và không bao giờ được tiếp tục’ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các cam kết và thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân”, Đức Giám mục Malloy nói.

Năm quốc gia này là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Cam kết của các quốc gia có vũ khí hạt nhân được đưa ra một ngày trước khi dự kiến bắt đầu Hội nghị Rà soát lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân lần thứ 10. Các quan chức Liên Hợp Quốc đã trì hoãn việc bắt đầu hội nghị lần thứ ba vì sự gia tăng của đại dịch COVID-19.

Hội nghị rà soát dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 1-26 tháng 8 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York.

Những người ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân, bao gồm các quốc gia phi hạt nhân hóa, Tòa Thánh và những người ủng hộ hòa bình Công giáo, đang thúc đẩy một tuyên bố mạnh mẽ đưa ra từ hội nghị rà soát nhằm đạt được việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân như hiệp ước yêu cầu.

5 quốc gia này cho biết vào ngày 3 tháng 1 rằng họ “coi việc tránh chiến tranh giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân và giảm thiểu rủi ro chiến lược là trách nhiệm hàng đầu của chúng tôi”.

Tuyên bố, được đăng trên trang web của Nhà Trắng, cho biết việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ có “những hậu quả sâu rộng” và họ khẳng định rằng “các loại vũ khí hạt nhân – chừng nào chúng còn tồn tại – nên phục vụ mục đích phòng thủ, ngăn chặn hành vi xâm lược và ngăn chặn chiến tranh”.

“Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng cần phải ngăn chặn việc phổ biến rộng rãi hơn nữa các loại vũ khí như vậy”, tuyên bố cho biết thêm.

Các quốc gia cũng cho biết họ vẫn tiếp tục cam kết thực hiện các yêu cầu của hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, bao gồm nghĩa vụ tiến tới việc giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Điều VI của hiệp ước yêu cầu các quốc gia ký kết “theo đuổi các cuộc đàm phán một cách thiện chí về các biện pháp hiệu quả liên quan đến việc chấm dứt chạy đua vũ trang hạt nhân ngay từ sớm và giải trừ vũ khí hạt nhân, và về một hiệp ước về giải trừ vũ khí chung và hoàn toàn dưới sự kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả của quốc tế”.

 Tuy nhiên, các quốc gia phi hạt nhân đã bày tỏ sự thất vọng về việc thiếu sự tiến triển trong việc đạt được các mục tiêu của hiệp ước. Các quốc gia đó, bao gồm Vatican, đã dẫn đầu nỗ lực thông qua Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, vốn có hiệu lực vào tháng 1 năm 2021.

Cuộc họp đầu tiên của các bên ký kết Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân sẽ được triệu tập từ ngày 22 đến 24 tháng 3 tại Vienna.

Tuyên bố của 5 quốc gia bao gồm cam kết tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn “việc sử dụng trái phép hoặc không dự tính đối với vũ khí hạt nhân”. Họ cũng tái khẳng định rằng “không có vũ khí hạt nhân nào của chúng ta là mục tiêu nhắm vào nhau hoặc bất kỳ quốc gia nào khác”.

Các cường quốc hạt nhân giải thích rằng họ mong muốn làm việc với tất cả các quốc gia để tạo ra một môi trường “thuận lợi hơn cho tiến trình giải trừ quân bị với mục tiêu cuối cùng là một thế giới không có vũ khí hạt nhân với an ninh không giảm bớt cho tất cả mọi người”.

Trong tuyên bố của mình, Đức Giám mục Malloy nhắc lại thông điệp của mình đã được gửi vào tháng 9 cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken rằng các cuộc đàm phán nhằm giảm bớt kho vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới sẽ sớm bắt đầu. Vị Giám chức đã trích lời của Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Thông điệp “Fratelli Tutti, về Tình huynh đệ và Tình bạn xã hội” rằng “hòa bình và sự ổn định quốc tế không thể dựa trên cảm giác sai lệch về vấn đề an ninh, dựa trên mối đe dọa hủy diệt lẫn nhau hoặc hủy diệt hoàn toàn”.

Đức Giám mục Malloy kết thúc tuyên bố của mình bằng cách kêu gọi người dân Hoa Kỳ “tiếp tục cầu nguyện và ủng hộ các nhà lãnh đạo của chúng ta nhằm thúc đẩy các mục tiêu quan trọng của việc giải trừ quân bị”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube