Giáo hội tìm kiếm những đường hướng mới cho hòa bình và đối thoại tại Châu Á

Đức Hồng y Charles Bo Địa phận Yangon, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC)

Đức Hồng y Charles Bo Địa phận Yangon, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC)

Giáo hội ở châu Á đã bắt đầu quá trình tìm kiếm những cách thức mới để hoạt động vì hòa bình, đối thoại và truyền giáo ở lục địa đa tôn giáo, nơi mà quần chúng phải chịu tình trạng bạo lực và nghèo đói, một Hồng y hàng đầu châu Á cho biết.

“Chúng tôi đang lên kế hoạch cho một tương lai. Chúng tôi sẽ đi theo một lộ trình, hoặc các lộ trình khác nhau, đặc biệt là trong các lĩnh vực hòa bình, đối thoại và hòa giải, như một đường hướng mới của công cuộc Tân Phúc Âm hóa”, theo Đức Hồng y Charles Bo thuộc Địa phận Yangon, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC).

Lãnh đạo FABC đã trò chuyện với giới truyền thông vào ngày 24 tháng 10 tại Bangkok, giữa cuộc họp kéo dài hai tuần của các Giám mục châu Á, những người đang thảo luận về các thực tế đang nổi lên của châu Á trong nỗ lực điều chỉnh các kế hoạch mục vụ cũng như các ưu tiên cho Giáo hội ở châu Á.

Khi lắng nghe các đại biểu đến từ tất cả các quốc gia Châu Á, “chúng tôi nhận thấy sự đa dạng, những quần chúng đau khổ đang kêu la phản đối”, theo Đức Hồng y Bo, cũng là người đứng đầu Giáo hội tại Myanmar, nơi bạo lực vẫn tiếp diễn khi chính phủ quân đội tiếp tục đàn áp sự kêu gọi dân chủ của người dân.

Đại hội đồng, lần đầu tiên như vậy tại FABC bắt đầu vào ngày 12 tháng 10 có khoảng 226 đại biểu, trong đó có 20 Hồng y, 120 Giám mục, 37 Linh mục, và 49 giáo dân trong đó có 8 Nữ tu.

Các Đạo sĩ đã đến chiêm bái Hài nhi Giêsu cách đây 2000 năm, “thực sự đến từ phương đông, từ châu Á và họ đã chọn những con đường khác nhau” khi quay trở về, Đức Hồng y Bo nói về chủ đề hội nghị, “Cùng nhau thực hiện cuộc hành trình với tư cách là các dân tộc tại châu Á… và họ đã chọn một con đường khác”.

Đức Hồng Y Bo nói rằng cần có những “lộ trình khác nhau” cho các Giám mục châu Á để giải quyết các vấn đề đa dạng và phổ biến mà các cộng đồng ở các khu vực khác nhau của châu Á phải đối mặt.

Trong các cuộc thảo luận, các Giám mục cũng giống như Mô-sê trước bụi gai đang cháy, Đức Hồng Y Bo nói, đề cập đến sự kiện trong Kinh Thánh nói về việc Mô-sê nhìn thấy bụi gai đang cháy, bị ngọn lửa thiêu đốt khi ở trên Núi Horeb.

“Trong những ngày diễn ra cuộc họp, chúng ta đã chứng kiến những bụi gai đang cháy của sự bóc lột, chiến tranh hạt nhân, hối lộ, kinh tế, nạn tàn sát, di cư, chiến tranh, thảm họa do con người tạo ra. Và giống như Mô-sê, chúng ta hỏi: ‘Làm sao lại như vậy được?’”, Đức Hồng Y Bo nói.

Đức Hồng Y Bo cho biết Giáo hội ở châu Á không phải do các hoàng đế xây dựng, không phải bởi các triết gia, cũng không phải những vĩ nhân. “Nhưng được xây dựng bởi những người mục đồng như Mô-sê và những người đánh cá như Thánh Phêrô và Phaolô”, vị Hồng y Dòng Salêdiêng, một người thuộc dân tộc Miến Điện, cho biết.

Đức Hồng Y Bo cho biết dân số Công giáo nhỏ bé ở châu Á không “làm nản lòng” các Giám mục bởi vì “mặc dù chúng tôi chỉ là một nhóm thiểu số nhưng sự hiện diện của chúng tôi ở toàn châu Á vô cùng sống động và chúng tôi đang trải qua cuộc hành trình này với cuộc đối thoại ba khía cạnh với người nghèo, với văn hóa của họ, và với các tôn giáo”.

Giáo hội Châu Á hướng đến Nam Mỹ

Ngoại trừ Philippines và Timor-Leste, người Công giáo chiếm dưới 5% dân số ở hầu hết các quốc gia châu Á, một số quốc gia có dân số thậm chí chưa đến 1%, thường bị chi phối bởi các tôn giáo như Phật giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo.

Đức Hồng y Oswald Gracias thuộc Địa phận Mumbai, người đứng đầu việc tổ chức hội nghị các Giám mục Á châu tại Bankok

Đức Hồng y Oswald Gracias Địa phận Mumbai, người đứng đầu việc tổ chức hội nghị các Giám mục Á châu tại Bangkok

Đức Hồng y Oswald Gracias thuộc Địa phận Mumbai, người đứng đầu việc tổ chức hội nghị, cho biết hội nghị đầu tiên như vậy được truyền cảm hứng từ hội nghị CELAM của Nam Mỹ tương đương với FABC bắt đầu vào năm 1955, 15 năm trước khi FABC bắt đầu vào năm 1970.

Trong khi CELAM triển khai các kế hoạch mục vụ được lập thành văn bản cho lục địa của họ trong các hội nghị 10 năm một lần, dựa trên nhiều cuộc thảo luận cấp quốc gia và cấp Giáo phận, FABC đã có 11 hội nghị toàn thể thảo luận về một chủ đề cụ thể với các Giám mục và đại biểu của họ.

“Chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi sẽ được lợi rất nhiều nếu tổ chức một hội nghị tương tự (giống như hội nghị CELAM), chứ không phải một hội nghị toàn thể, vốn chọn một chủ đề. Một đại hội đồng, số lượng Giám mục lớn hơn, quyền sở hữu lớn hơn và do đó có cái nhìn toàn cảnh”, Đức Hồng y Gracias phát biểu trong cuộc gặp gỡ báo chí.

CELAM “thực sự là một lực lượng mạnh mẽ đầy cảm hứng ở Nam Mỹ. Nhưng họ có một lợi thế. Họ đồng nhất hơn nhiều so với châu Á”, Đức Hồng y Gracias nói khi đề cập đến sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo ở châu Á.

Đức Hồng Y Gracias cho biết đây là “cuộc tụ họp lớn nhất của các Giám mục châu Á” trong lịch sử của FABC. “Hội nghị tại Bangkok có nhiều Giám mục hơn so với khi chúng tôi bắt đầu FABC cách đây 50 năm trước”, Đức Hồng Y Gracias nói.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube