Giáo hội khuyến khích phụ nữ tại Nam Sudan vượt qua những rào cản về văn hóa

Các em thiếu nhi hát và vẫy cờ Vatican khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nhà thờ Thánh Têrêsa ở Juba, Nam Sudan, thứ Bảy, ngày 4 tháng 2 năm 2023 (Ảnh: Ben Curtis/AP)

Các em thiếu nhi hát và vẫy cờ Vatican khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nhà thờ Thánh Têrêsa ở Juba, Nam Sudan, thứ Bảy, ngày 4 tháng 2 năm 2023 (Ảnh: Ben Curtis/AP)

JUBA – Tại Nam Sudan, những kỳ vọng về văn hóa đối với phụ nữ rất rõ ràng: Họ phải kết hôn khi còn trẻ, sinh con và ở nhà chăm sóc và hỗ trợ gia đình, ít quan tâm đến những thứ như học hành và nghề nghiệp.

Theo Nữ tu Orla Treacy, một nhà truyền giáo người Ireland đã sống ở Nam Sudan gần 20 năm và điều hành một trường trung học dành cho nữ sinh, khoảng 10% thiếu nữ 15 tuổi ở nước này đã kết hôn, và khoảng 52% thiếu nữ 18 tuổi đã có gia đình.

Tỷ lệ phụ nữ Nam Sudan học hết cấp hai là “rất thấp”, có lẽ từ 3 đến 4%, Nữ tu Treacy nói. Nhiều cô gái thậm chí còn phải vật lộn để học xong tiểu học trước khi vướng vào công việc gia đình, Nữ tu Treacy cho biết, hoặc phải chịu áp lực từ gia đình để kết hôn.

Tuy nhiên, phụ nữ Nam Sudan ngày càng bị đẩy lùi.

Martha Malok Acingath, 18 tuổi, tốt nghiệp trường trung học mà Nữ tu Treacy điều hành ở Rumbek, và háo hức bắt đầu các lớp đại học ở Kenya trong một năm tới, với tham vọng theo đuổi bằng luật hình sự.

“Lý do tôi quyết định đi học là vì tôi nhận thấy phụ nữ có học thức chủ yếu điều hành mọi việc, và trong cộng đồng của tôi, phụ nữ không có tiếng nói”, Acingath phát biểu với Crux, đồng thời cho biết phụ nữ trong nền văn hóa của mình thường không được hưởng những quyền tương tự như đàn ông, và được kỳ vọng “ngồi ở nhà và làm bảo mẫu cho con cái của họ”.

“Nhưng khi tôi nhìn thấy trên khắp thế giới rằng phụ nữ đang làm tất cả mọi việc – họ là nhà báo, họ là luật sư, họ là cảnh sát – họ thực sự trang nhã và tôi cũng muốn trở thành một phần trong đó”, Acingath nói.

Acingath cho biết mẹ và dì của em chưa bao giờ có cơ hội đến trường, trong khi em được lớn lên trong thời đại mà phụ nữ có thể được đi học, “và các cơ sở hỗ trợ như Loreto Mission, họ giáo dục, họ trao quyền cho các thiếu nữ để đạt được nhiều hơn và trở thành những con người tốt đẹp nhất. Tôi đã được đặc quyền”.

 Trường Loreto Mission được giám sát bởi Nữ tu Treacy, một thành viên của Dòng Đức Trinh Nữ Maria, còn được gọi là Dòng Nữ tử Loreto, và phục vụ với tư cách là người đứng đầu Phái bộ Truyền giáo Loreto Rumbek ở Maker Kuei, Nam Sudan, nơi Sơ giám sát một trường trung học nội trú dành cho các nữ sinh, một trường tiểu học đồng giáo dục và một cơ sở chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em.

Mặc dù hiện tại chỉ có 3-4% nữ sinh học hết cấp hai, nhưng khi Hội dòng của Nữ tu Treacy đặt chân đến đây vào năm 2006, thành lập trường Loreto Mission và trường cấp hai chỉ 2 năm sau đó, vào năm 2008, tình hình còn tồi tệ hơn nhiều, Nữ tu Treacy nói, và đồng thời cũng cho biết rằng họ chỉ có 8 nữ sinh trong lớp tốt nghiệp đầu tiên của họ và 10 nữ sinh trong lớp thứ hai.

Vào thời điểm đó, chỉ có một trường trung học ở đất nước của họ, và tổng cộng có hai trường ở Lake State, nơi đặt trụ sở truyền giáo, vì vậy vị Giám chức đã đưa họ đến muốn thành lập một trường trung học khác dành cho nữ sinh.

“Cả đời tôi cũng không thể hiểu được tầm nhìn đó xuất phát từ đâu, bởi vì khi chúng tôi đến, mọi người đều nói với chúng tôi rằng điều đó là không thể, các cô gái thậm chí còn không được học tiểu học chứ đừng nói đến trường trung học”, Nữ tu Treacy phát biểu với các nhà báo.

“Đó là một sự khởi đầu rất chậm chạp”, nhưng tính đến hôm nay, có 10 trường trung học trong quận của họ, và đối với nhiều trường, có một danh sách chờ bao gồm những phụ nữ trẻ muốn vào học. Tại Loreto Mission, hiện có khoảng 50- 60 nữ sinh trong mỗi lớp tốt nghiệp, với 70 nữ sinh trong niên khóa năm 2023.

Treacy cho biết cô hy vọng con số này sẽ tăng gấp đôi trong vòng 3 đến 4 năm tới, một phần nhờ vào dự luật mới được thống đốc địa phương ký cam kết bảo vệ các bé gái và phụ nữ trẻ chống lại vấn nạn hôn nhân sớm và hôn nhân cưỡng bức.

“Điều đó đã thay đổi tất cả mọi thứ đối với chúng tôi”, Nữ tu Treacy nói, đồng thời cho biết Loreto Mission cũng cung cấp chương trình thực tập hai năm cho những phụ nữ trẻ tốt nghiệp và sau khi hoàn thành chương trình thực tập đó, họ sẽ được gửi đến trường đại học trong nước hoặc ở Kenya, với sự hỗ trợ tài chính của phái bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh việc đưa ra dự luật, vốn báo hiệu một bước tiến mới về não trạng văn hóa đang thay đổi, bản thân các bé gái cũng ngày càng quan tâm đến việc tự thể hiện bản thân và đang đẩy lùi áp lực gia đình để tuân theo các chuẩn mực văn hóa hiện tại.

Sarah Adut Makender Makech, 19 tuổi, là một trong những người mới tốt nghiệp, hiện đang thực tập năm thứ hai và chuẩn bị học nha khoa tại Đại học Nairobi ở Kenya.

Makech, một trong 26 người con, có cha có 6 người vợ, cho biết em chọn học trường Loreto vì gia đình không đủ khả năng cho tất cả các con đi học, nhưng em phải phản đối chống lại áp lực từ gia đình.

Makech, người cũng chuẩn bị bắt đầu các lớp học tại Đại học Nairobi ở Kenya, cho biết em thường xuyên bị nói rằng nếu học đại học, “nó sẽ trở nên kiêu ngạo, nó sẽ không nghe lời người lớn. Lựa chọn đúng đắn đó là kết hôn và có thêm những chú bò về cho gia đình”.

Tuy nhiên, Makech vẫn quyết tâm đi và nói rằng em có những người chị gái cũng đã học đại học và rất muốn được như vậy.

Makech cho biết em quyết định học nha khoa vì chỉ có một nha sĩ duy nhất ở bang của họ, “và ông ấy đã già”, vì vậy em muốn tiếp bước và cung cấp dịch vụ đó.

“Ở Loreto, có rất nhiều thứ được dạy”, Makech chia sẻ sau khi tốt nghiệp và bắt đầu giai đoạn thực tập. “Tôi làm việc ở trường tiểu học, tôi đã có được những trải nghiệm khác, tôi cũng đã làm việc trong phòng khám, và chúng tôi cũng có các khóa học khác nhau. Chúng tôi được dạy các kỹ năng sống ở Loreto, vì vậy đó là một nơi tuyệt vời để đặt chân đến”.

Nữ tu Treacy cho biết họ đưa ra quyết định gửi các nữ sinh đến trường đại học ở Kenya vì ở Nam Sudan, có cảm giác rằng “chúng tôi vẫn cần xây dựng nền tảng giáo dục chất lượng, và để xây dựng nền tảng chất lượng, chúng tôi vẫn cần xuất khẩu người sang các nước khác để đào tạo trình độ cho họ và sau đó quay trở lại”.

“Vì vậy, việc gửi các nữ sinh ra ngoài để họ tiếp xúc với những phụ nữ trẻ châu Phi ở các nền văn hóa khác – họ đến Kenya và họ thấy những phụ nữ trẻ châu Phi lái ô tô, sở hữu nhà cửa, điều hành doanh nghiệp. Họ không thể thấy điều đó ở Nam Sudan vào lúc này”, Nữ tu Treacy nói, đồng thời cho biết mục tiêu là để những phụ nữ trẻ mà họ gửi đi học để chứng kiến những thứ này, sau đó “trở về nhà, và sau đó họ sống với điều đó. Đó thực sự là niềm hy vọng mà chúng tôi có”.

Trò chuyện với Crux, Acingath cho biết em không chỉ muốn trở thành một luật sư “mà tôi còn muốn đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ, tôi cũng muốn truyền cảm hứng cho những người khác để họ có thể phát huy hết tiềm năng của họ”.

Ngày càng có nhiều phụ huynh bắt đầu đưa con cái của họ, bao gồm cả các bé gái, đến trường, Acingath nói, đồng thời cũng cho biết rằng Loreto Mission đã trở thành một điểm tham chiếu quan trọng đối với giáo dục trong cộng đồng.

“Nếu được trao cơ hội đến trường, tôi chỉ có thể nói rằng hãy tận dụng điiều đó thật tốt, vì không phải ai cũng được đi học, không phải ai cũng được vào một ngôi trường tốt như Loreto Mission”, Acingath nói.

Acingath cho biết em cũng đánh giá cao sự ủng hộ nhất quán của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với phụ nữ – những người thường là nạn nhân của vấn nạn bạo lực tình dục và bạo lực giới tính ở Nam Sudan – và nhiều lời kêu gọi của ngài thay mặt họ trong suốt chuyến viếng thăm của ngài.

Trong một bài phát biểu trước những người tản cư trong nước hôm thứ Bảy tuần trước, Đức Thánh Cha nói rằng phụ nữ “chính là chìa khóa để chuyển đổi đất nước”.

“Nếu họ nhận được những cơ hội thích hợp, thông qua sự cần cù siêng năng và năng khiếu tự nhiên của họ trong việc bảo vệ sự sống, họ sẽ có khả năng thay đổi bộ mặt của Nam Sudan, mang lại cho nó một sự phát triển hòa bình và gắn kết”.

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu mọi công dân Nam Sudan nỗ lực làm việc để đảm bảo “rằng phụ nữ phải được bảo vệ, tôn trọng, đánh giá cao và tôn vinh”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Xin hãy bảo vệ, tôn trọng, đánh giá cao và tôn vinh mọi phụ nữ, mọi bé gái, những phụ nữ trẻ, những người mẹ và những người bà. Nếu không, sẽ không có tương lai”.

Gọi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nam Sudan là “một phúc lành”, Acingath cho biết em cảm thấy vinh dự được gặp gỡ ngài từ năm 18 tuổi, vì nhóm của em đã có mặt bên ngoài cuộc gặp gỡ của ngài với các Linh mục và Tu sĩ trong nước vào ngày 4 tháng 2.

“Sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô còn hơn cả thông điệp của ngài. Tôi không thể diễn tả niềm vui của mình, nhưng tôi rất xúc động”, Acingath nói, đồng thời cũng cho biết rằng sự ủng hộ của Đức Thánh Cha đối với phụ nữ “phá vỡ các rào cản, bởi vì nền văn hóa của chúng tôi có một bức tường lớn mà phụ nữ không được vượt qua, rất nhiều ranh giới, nhưng ngài đã phá vỡ các ranh giới đó để chúng tôi được tự do”.

Treacy, Acingath, và Makech là thành viên của một nhóm khoảng 70 người đã thực hiện một “cuộc hành hương hòa bình” kéo dài 9 ngày, đi bộ gần 200 dặm từ Rumbek đến Juba để tham dự chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Họ đã được chụp ảnh với Đức Thánh Cha Phanxicô sau cuộc gặp gỡ của ngài với các Giám mục, Linh mục và Tu sĩ của đất nước hôm thứ Bảy tuần trước, cùng với Đức Giám mục của họ đến từ Rumbek, Đức Cha Carlo Carlassare, người đã bị bắn ngay sau khi được bổ nhiệm, nhưng đã bình phục và hiện đang cai quản Giáo phận.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube