Fatima, Công đồng Vatican II, và việc thánh hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Trinh Nữ Maria

Các Giám mục tại Công đồng Vatican II (Ảnh: Lothar Wolleh/ Wikimedia)

Các Giám mục tại Công đồng Vatican II (Ảnh: Lothar Wolleh/ Wikimedia)

Dịp kỷ niệm 60 năm khai mạc Công đồng Vatican II không phải là sự kiện kỷ niệm đáng chú ý duy nhất hiện đang được Giáo hội tổ chức.

Cách đây gần 80 năm, vào ngày 31 tháng 10 năm 1942, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã thánh hiến Giáo Hội và nhân loại cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Trinh Nữ Maria trong một thông điệp phát thanh gửi đến Bồ Đào Nha nhân dịp Năm Thánh Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

10 năm sau, vào năm 1952, Đức Piô XII cũng đã thánh hiến các dân tộc ở Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Trinh Nữ Maria.

Tuy nhiên, hiện nay ít ai nhớ rằng yêu cầu nhắc lại việc thánh hiến thực sự xuất phát từ Công đồng Vatican II và đã được Đức Giáo hoàng Phaolô VI chấp thuận.

Chân dung chính thức của Thánh Phaolô VI

Chân dung chính thức của Thánh Phaolô VI

Trong thời gian diễn ra Công đồng Vatican II, 510 Tổng Giám mục và Giám mục đến từ 78 quốc gia đã ký tên vào lời thỉnh cầu Đức Thánh Cha thánh hiến toàn thể thế giới, đặc biệt và rõ ràng là Nga và các quốc gia khác bị chủ nghĩa cộng sản thống trị, cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Trinh Nữ Maria. Vào cuối phiên họp thứ ba của Công đồng Vaticanô II vào ngày 21 tháng 11 năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã trao phó toàn thể nhân loại cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Trinh Nữ Maria.

Trong bài phát biểu vào cuối phiên họp thứ ba của Công đồng, Đức Phaolô VI nói: “Lạy Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Rất Thánh Đồng Trinh của Thiên Chúa, chúng con xin trao phó toàn thể nhân loại cho Mẹ; xin dẫn dắt nhân loại nhận ra Chúa Cứu Thế Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất và đích thực; bảo vệ nhân loại khỏi những tai họa mà tội lỗi quyến luyến và mang lại cho nhân loại sự bình an, vốn được xây dựng trên chân lý, công lý, tự do và tình yêu”.

Hành động thánh hiến đó cũng có ý nghĩa theo một nghĩa khác.

Việc tôn sùng Thánh Tâm Đức Trinh Nữ Maria là chủ đề của các cuộc tranh luận và tranh cãi công khai tại Công đồng Vatican II. Một số nghị viên coi đó là một tập tục cổ xưa, gần như là một hành động mê tín.

Trong “Nhật ký về Công đồng”, Cha Yves Congar (1904–1995) lưu ý: “Tôi đang thực hiện chiến dịch cực điểm có thể chống lại việc thánh hiến thế giới cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên Tội Đức Trinh Nữ Maria vì tôi thấy sự nguy hiểm của một phong trào theo nghĩa này đang được hình thành”.

Lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Trinh Nữ Maria lan truyền rộng rãi sau các cuộc hiện ra tại Fatima vào năm 1917.

Lời yêu cầu thánh hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Trinh Nữ Maria được bày tỏ ở bí mật thứ hai trong ba Bí mật Fatima.

“Khi nào các con trông thấy một đêm tối được chiếu soi bằng một luồng sáng khác thường, thì các con hiểu rằng, đó là dấu chỉ Thiên Chúa sắp trừng phạt thế giới vì những tội ác, bằng chiến tranh, đói khát và cuộc bách hại chống lại Giáo Hội và Đức Thánh Cha. Để ngăn chặn cuộc chiến này, Mẹ sẽ đến yêu cầu thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ và yêu cầu rước lễ đền tạ các Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng. Nếu người ta nghe lời Mẹ yêu cầu, thì nước Nga sẽ trở lại và người ta sẽ được hưởng thanh bình. Nếu không, nước Nga sẽ gieo rắc lầm lạc khắp thế giới, gây ra chiến tranh và bách hại chống Giáo Hội. Những người lành bị giết chết, Đức Thánh Cha phải đau khổ, nhiều quốc gia bị tiêu diệt. Sau cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ dâng nước Nga cho Mẹ. Nước Nga sẽ trở lại và một thời kỳ hòa bình sẽ được ban cho thế giới”.

Nữ tu Lucia Dos Santos

Nữ tu Lucia Dos Santos

Vào ngày 13 tháng 6 năm 1929, Nữ tu Lucia đã có một thị kiến tuyệt vời về Ba Ngôi Cực Thánh và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Trinh Nữ Maria, trong đó Đức Mẹ nói với chị rằng “đã đến lúc Mẹ muốn thánh hiến nước Nga để hiệp cùng Giáo hội và lời hứa của Thiên Chúa để hoán cải nước Nga”.

Theo Nữ tu Lucia, Đức Mẹ nhấn mạnh rằng “thời khắc đã điểm khi Thiên Chúa yêu cầu Đức Thánh Cha, hiệp ý với tất cả các Giám mục trên thế giới, thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, hứa hẹn bằng cách này sẽ cứu chị. Có rất nhiều linh hồn đã bị công lý của Thiên Chúa kết án vì những tội lỗi đã gây ra đối với Mẹ, vì vậy Mẹ đến để kêu gọi sự ăn năn đền bồi: hy sinh hãm mình và cầu nguyện theo ý chỉ này”.

Nữ tu Lucia, thông qua các Cha giải tội của mình và Đức Giám mục Địa phận Leiria, đã chuyển lời yêu cầu của Đức Mẹ đến Đức Giáo Hoàng Piô XI, người đã hứa sẽ xem xét.

Nữ tu Lucia cho biết rằng sau đó, Đức Mẹ đã than phiền với chị rằng việc thánh hiến nước Nga đã không được thực hiện. “Họ không muốn lắng nghe lời yêu cầu của Ta. Giống như vua nước Pháp, họ sẽ phải ăn năn hối hận, và họ sẽ thực hiện việc đó. Nhưng sẽ quá muộn màng. Lúc đó nước Nga đã gây ra những sai lạc của nó trên thế giới, gây ra chiến tranh và đàn áp Giáo hội. Đức Thánh Cha sẽ phải chịu đau khổ rất nhiều”.

Đức Mẹ đã ám chỉ Vua nước Pháp Louis XIV, người được gọi là “Vua Mặt trời”.

Năm 1668, Thánh Margaret Mary Alacoque đã yêu cầu Thánh Tâm Chúa Giêsu phải được đưa vào các cờ phướn của hoàng gia. Tuy nhiên, Vua Louis XIV đã không làm như vậy, và triều đại của ông đã chấm dứt và bị đưa lên máy chém.

Nữ tu Lucia đã viết một số lá thư về lòng sùng kính Thánh Tâm. Cuối cùng, vào ngày 2 tháng 12 năm 1940, Nữ tu Lucia đã viết thư trực tiếp cho Đức Thánh Cha, thỉnh cầu ngài ban phép lành cho việc sùng kính Thánh Tâm vào các ngày Thứ Bảy đầu mỗi tháng.

Và như vậy, vào ngày 31 tháng 10 năm 1942, trong thông điệp phát thanh gửi đến Bồ Đào Nha nhân dịp Năm Thánh Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Đức Piô XII đã thánh hiến Giáo Hội và toàn thể nhân loại cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Trinh Nữ Maria.

Điều này được tiếp nối vào năm 1952 bằng việc thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Trinh Nữ Maria. Và điều đó đã dẫn đến yêu cầu của các Giám mục trong Công đồng – và cuối cùng là hành động thánh hiến của Đức Phaolô VI.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube