Đức Tổng Giám Mục Welby: ‘Cuộc hành hương của chúng tôi cùng với nhau là một dấu chỉ cho thế giới’

Đức Tổng Giám mục Anh giáo Justin Welby (phải) với Mục sư Iain Greenshields trên chuyến bay Giáo hoàng (Ảnh: Truyền thông Vatican/ Divisione Foto)

Đức Tổng Giám mục Anh giáo Justin Welby và Mục sư Iain Greenshields trên chuyến bay Giáo hoàng (Ảnh: Truyền thông Vatican/ Divisione Foto)

Đức Tổng Giám mục Canterbury, Đức Cha Justin Welby, đã chia sẻ những suy tư của mình khi kết thúc chuyến hành hương đại kết cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nam Sudan, và đồng thời cũng cho biết rằng các Kitô hữu đã trở nên quen với việc sống xa cách nhau, thay vì cùng cộng tác làm việc với tư cách là một Giáo hội.

“Chúng ta cần được nhắc nhở liên tục, và tôi hy vọng chuyến viếng thăm này nhắc nhở mọi người rằng Giáo hội cùng cộng tác làm việc như là một là điều bình thường”.

Đức Tổng Giám mục Canterbury, Đức Cha Justin Welby, đã chia sẻ những suy tư đó với Vatican News trên chuyến bay từ Juba trở về Rôma.

Sau cuộc họp báo chung, Đức Tổng Giám mục Welby đã trả lời cuộc phỏng vấn sau đây về cuộc hành hương đại kết vì hòa bình mà ngài đã thực hiện cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và Người điều hành Đại hội đồng Giáo hội Scotland, Mục sư Iain Greenshields.

Kính thưa Đức Tổng Giám mục Welby, Đức Tổng có ấn tượng gì khi kết thúc chuyến viếng thăm Nam Sudan này, một cuộc hành hương được thực hiện cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và Người điều hành Đại hội đồng của Giáo hội Scotland, nhằm thúc đẩy hòa bình và hòa giải ở một đất nước bị tàn phá bởi nội chiến và tình trạng nghèo đói?

Tôi thiết nghĩ chuyến đi có ảnh hưởng ở cấp độ địa phương Nam Sudan, nơi tôi sẽ quay lại, và ảnh hưởng trên toàn cầu. Việc ba nhà lãnh đạo tôn giáo này lần đầu tiên đi cùng với nhau, chắc chắn kể từ thời của Cuộc Cải cách, là một dấu chỉ hy vọng cho hòa bình và hòa giải trên toàn thế giới.

Nếu những người đã trải qua suốt 150 năm giết hại lẫn nhau và 300 năm tiếp theo lên án nhau giờ đây có thể tìm thấy chính họ đang cùng nhau tìm kiếm hòa bình và hòa giải, thì bất kỳ ai cũng có thể làm được.

Tôi không thường đeo trên tay, nhưng hiện tại tôi đang đeo chiếc nhẫn mà Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã tặng cho Michael Ramsey vào những năm 1960 như dấu chỉ đầu tiên của mối liên kết giữa các Giáo hội của chúng ta. Và mối liên kết đó – chiếc nhẫn đó – và sau đó là cây gậy mục vụ mà Đức Thánh Cha đã trao cho tôi vào năm 2016, những thứ đó cùng nhau nói lên một cách mạnh mẽ về sự thay đổi trái tim.

Điều đó đưa tôi đến Nam Sudan. Chúng ta cần một sự thay đổi của trái tim. Hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các Giáo hội, đặc biệt là nhiều hoạt động trong phong trào Đặc Sủng, tôi muốn gợi ý, và những hoạt động giữa các cộng đoàn ở cấp độ địa phương, đã phá vỡ nhiều rào cản giữa chúng ta và giúp chúng ta sống theo chủ nghĩa đại kết, vì vậy phong trào đại kết đã diễn ra.

Chiến tranh thế giới thứ II và kể từ đó, Bức màn sắt và Chủ nghĩa cộng sản đã mang đến cho chúng ta chủ nghĩa đại kết của đau khổ. Và phong trào đại kết mang Tin Mừng hòa bình, cả hòa bình vật chất trong chiến tranh lẫn hòa bình trong tâm hồn con người, là điều thứ ba.

Và ở Nam Sudan, lời kêu gọi và lời cầu nguyện của tôi là thay đổi trái tim con người của giới lãnh đạo. Khi tôi phát biểu ở đó vài ngày trước, quý vị có thể nghe thấy tiếng reo hò la hét từ đám đông khi bất kỳ ai trong chúng tôi đề cập đến hòa bình, sự an toàn của phụ nữ và nhu cầu chấm dứt vấn nạn tham nhũng. Người dân Nam Sudan đang kêu gọi hòa bình. Các nhà lãnh đạo phải mang lại hòa bình.

Cuộc hành hương chung này là một dấu chỉ tuyệt vời cho thế giới, cũng như cho phong trào đại kết, như ngài đã nói. Nó có thể có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai, đối với các quốc gia khác và các tình huống khác không? Có lẽ đó là một cách thức mới để các Kitô hữu cùng nhau nỗ lực làm việc vì hòa bình và tinh thần hòa giải, ngay cả khi họ bị chia rẽ thành các Giáo hội và niềm tin khác nhau?

 Nếu đây là một cuộc đối thoại, tôi sẽ đặt lại cho bạn câu hỏi: ‘Có bao nhiêu người đã sống lại từ cõi chết vào Chúa Nhật Phục Sinh?’. Chỉ có một. Vậy làm sao chúng ta lại có thể có nhiều Giáo hội?

Vì vậy, chúng ta đã làm điều gì về điều đó? Chỉ có một Sự Phục Sinh, là nguồn mạch sự sống của chúng ta. Chỉ có một Thiên Chúa, Đấng chịu đóng đinh, là nguồn mạch ơn tha thứ cho chúng ta. Chỉ có một Chúa Thánh Thần, như Thánh Phao-lô nói trong 1 Cô-rin-tô, là nguồn mạch sự sống của Giáo hội và ân sủng của chúng ta.

Thiên Chúa đã làm mọi thứ để chúng ta có thể hòa giải. Chỉ có lòng kiêu hãnh của con người chống lại điều đó. Cũng có một mức độ mà nó không phải là một sự kiêu hãnh có ý thức, nhưng nó giống như những cặp vợ chồng mà tôi đã gặp khi tư vấn về vấn đề hôn nhân, những người đã thực sự sống cuộc sống riêng biệt trong nhiều năm. Và họ đã quen với việc xa cách nhau. Họ coi đó là chuyện bình thường.

Chúng ta cần được nhắc nhở liên tục, và tôi hy vọng chuyến viếng thăm này nhắc nhở mọi người rằng Giáo hội cùng cộng tác làm việc với nhau như là một là điều bình thường. Điều bất thường đó là chúng ta ganh đua với nhau.

Tôi không biết phong trào đại kết đã tiến triển sâu rộng đến mức nào. Nó rất rộng lớn, nhưng tôi không chắc rằng nó đủ sâu trong trái tim của nhiều nhà lãnh đạo Kitô giáo trên khắp thế giới.

Tất cả chúng ta đều cần đối diện với Chúa Kitô, Đấng kêu gọi chúng ta và nói: ‘Hãy theo Thầy’, chứ không phải theo tôi và người này người kia, v.v.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube