Đức Tổng Giám mục Gallagher với LHQ: Nhân quyền bất khả xâm phạm phải được bảo vệ

Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh

Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh

Ngoại Trưởng Tòa Thánh đã gửi một thông điệp video tới Liên Hợp Quốc, và đồng thời nhấn mạnh bản chất bất khả xâm phạm của nhân quyền vốn cần phải được tôn trọng, ngay cả trong bối cảnh các biện pháp được thực hiện nhằm kiềm chế đại dịch Covid-19 đang diễn ra.

Ngoại Trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, đã kêu gọi Liên Hợp Quốc “tái khám phá nền tảng của nhân quyền, để thực hiện chúng theo cách thức chân thực”, khi thế giới tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm chống lại đại dịch Covid -19.

Đức Tổng Giám mục Gallagher đã đưa ra lời kêu gọi này trong một thông điệp video trong phiên họp thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC), bắt đầu vào thứ Hai tại Geneva, Thụy Sĩ. Phiên họp kéo dài bốn tuần lễ, được tổ chức trực tuyến do tình trạng khẩn cấp về y tế đang diễn ra, bắt đầu bằng phân đoạn cấp cao kéo dài 3 ngày khi các nguyên thủ quốc gia và chức sắc đại diện cho các quốc gia và khu vực khác nhau sẽ phát biểu trước hội đồng với một video.

Trong hơn một năm nay, Đức Tổng Giám mục Gallagher lưu ý, “đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống, gây ra nhiều thiệt hại và tạo ra sự nghi ngờ đối với hệ thống kinh tế, xã hội và y tế của chúng ta”. Đồng thời, “nó cũng thách thức cam kết của chúng ta đối với việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền phổ quát, đồng thời khẳng định sự liên quan của chúng”.

Nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp ‘Fratelli Tutti’ mới nhất của Ngài, Đức Tổng Giám mục Gallagher nhấn mạnh sự liên quan của nó đối với thời đại của chúng ta, đồng thời lưu ý rằng “bằng cách thừa nhận phẩm giá của mỗi con người, chúng ta có thể góp phần vào việc tái sinh khát vọng phổ quát đối với tình huynh đệ”.

Nhân quyền mang tính chất vô điều kiện

Đức Tổng Giám mục Gallagher nhấn mạnh rằng phần Lời mở đầu của Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền tuyên bố rằng “việc công nhận phẩm giá vốn có của tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại và các quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình”. Tương tự như vậy, Hiến chương Liên Hợp Quốc khẳng định “lòng tin vào các quyền cơ bản của con người, vào phẩm giá và giá trị của con người, vào các quyền bình đẳng của nam giới và phụ nữ, của các quốc gia lớn và nhỏ”.

Đức Tổng Giám mục Gallagher chỉ ra rằng hai tài liệu này thừa nhận một sự thật khách quan – rằng mỗi con người đều được ban tặng phẩm giá một cách bẩm sinh và phổ quát. Chân lý này, Đức Tổng Giám mục Gallagher nhấn mạnh thêm, “không bị ràng buộc bởi thời gian, không gian, văn hóa hay bối cảnh”.

Thừa nhận rằng cam kết nghiêm túc này “dễ tuyên bố hơn là đạt được và thực hiện”, Đức Tổng Giám mục Gallagher than phiền rằng những mục tiêu này “vẫn còn chưa được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy trong mọi tình huống”.

Các quyền cơ bản của con người không tách rời các giá trị phổ quát

Đức Tổng Giám mục Gallagher tiếp tục khẳng định rằng việc thúc đẩy thực sự các quyền cơ bản của con người phụ thuộc vào nền tảng cơ bản mà chúng xuất phát.

Do đó, Đức Tổng Giám mục Gallagher cảnh báo rằng bất kỳ thực hành hoặc hệ thống nào đề cập đến các quyền theo kiểu trừu tượng – tách biệt khỏi các giá trị phổ quát và tồn tại từ trước – đều có nguy cơ làm suy yếu lý do tồn tại (raison d’être) của chúng, và trong bối cảnh như vậy, “các thể chế nhân quyền trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi những thói quen thịnh hành, những tầm nhìn hay hệ tư tưởng thịnh hành”.

Đức Tổng Giám mục Gallagher tiếp tục cảnh báo rằng “trong bối cảnh của các quyền lợi không có giá trị như vậy, các hệ thống có thể áp đặt các nghĩa vụ hoặc hình phạt chưa bao giờ được các quốc gia thành viên hình dung, điều này có thể mâu thuẫn với các giá trị mà họ được cho là họ đang thúc đẩy”. Đức Tổng Giám mục Gallagher cũng cho biết thêm rằng họ thậm chí có thể “giả định để tạo ra cái gọi là các quyền ‘mới’ vốn thiếu nền tảng khách quan, do đó đánh mất mục đích của họ là phục vụ phẩm giá con người”.

Quyền được sống

Minh họa tính không thể tách rời của các quyền khỏi các giá trị bằng ví dụ về quyền được sống, Đức Tổng Giám mục Gallagher hoan nghênh rằng nội dung của nó đã được “mở rộng dần dần bằng cách chống lại các hành vi tra tấn, cưỡng bức mất tích, và án tử hình; và bằng cách bảo vệ những người lớn tuổi, những người di cư, bà mẹ và trẻ em”. Đức Tổng Giám mục Gallagher cho biết những tiến triển này là sự mở rộng hợp lý đối với quyền được sống vì chúng duy trì nền tảng cơ bản của chúng trong những điều tốt đẹp vốn có của sự sống, và cũng bởi vì “sự sống, trước khi là một quyền, trước hết là một tốt đẹp cần phải được nâng niu và bảo vệ”.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám mục Gallagher nhấn mạnh rằng có nguy cơ về việc “làm suy giảm giá trị mà một quyền được đự định để duy trì khi nó bị tách biệt khỏi nền tảng cơ bản của nó”. Ví dụ như, Đức Tổng Giám mục Gallagher lưu ý, một tiền lệ đáng tiếc trong nhận xét chung 36 của Ủy ban Nhân quyền về quyền được sống, vốn “không bảo vệ sự sống và phẩm giá của con người, cố ý làm sai ý nghĩa của nó để hàm ý quyền được trợ tử và kết thúc sự sống của những đứa trẻ chưa chào đời”.

Các biện pháp Covid-19 và nhân quyền

Đối mặt với đại dịch Covid-19 hiện nay, Đức Tổng Giám mục Gallagher nhấn mạnh rằng một số biện pháp do các cơ quan công quyền thực hiện để đảm bảo sức khỏe cộng đồng đã cản trở việc tự do thực thi nhân quyền.

Về vấn đề này, Đức Tổng Giám mục Gallagher đề xuất rằng “bất kỳ hạn chế nào đối với việc thực hiện nhân quyền để bảo vệ sức khỏe cộng đồng đều phải xuất phát từ tình huống hết sức cần thiết”, bởi vì “một số người, tự nhận thấy mình trong các tình huống dễ bị tổn thương – chẳng hạn như những người cao tuổi , những người di cư, những người tị nạn, những người bản địa, những người di cư trong nước và trẻ em – đã bị ảnh hưởng một cách không tương xứng bởi cuộc khủng hoảng hiện tại”.

Bất kỳ giới hạn nào được đặt ra trong tình huống khẩn cấp, Đức Tổng Giám mục Gallagher nhấn mạnh, “phải tương xứng với tình hình, được áp dụng theo cách không phân biệt đối xử và chỉ được sử dụng khi không còn phương tiện nào khác”.

Tự do tôn giáo

Đức Tổng Giám mục Gallagher cũng nhắc lại sự cấp thiết của việc bảo vệ quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo, đặc biệt lưu ý rằng “niềm tin tôn giáo và việc thực hành tôn giáo, nằm ở cốt lõi của phẩm giá con người nơi lương tâm của họ”.

Nhấn mạnh rằng phản ứng toàn cầu đối với đại dịch Covid-19 tiết lộ rằng “sự hiểu biết sâu sắc về tự do tôn giáo này hiện đang bị xói mòn”, Đức Tổng Giám mục Gallagher nhắc lại sự nhấn mạnh của Tòa Thánh rằng “quyền tự do tôn giáo cũng bảo vệ việc công khai làm chứng và tự do thực hành tôn giáo, cả về phương diện cá nhân và tập thể, công khai và riêng tư, dưới các hình thức thờ phượng, giữ đạo và giảng dạy” như nhiều công cụ nhân quyền công nhận.

Vì vậy, để tôn trọng giá trị vốn có của quyền này, Đức Tổng Giám mục Gallagher khuyến nghị các cơ quan chính trị cần phải bắt tay cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo, cũng như các nhà lãnh đạo của các tổ chức dựa trên đức tin và xã hội dân sự cam kết thúc đẩy quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm.

Tinh thần Huynh đệ Nhân loại và Chủ nghĩa đa phương

Đức Tổng Giám mục Gallagher lưu ý rằng cuộc khủng hoảng hiện nay mang đến cho chúng ta một cơ hội duy nhất để tiếp cận chủ nghĩa đa phương “như một biểu hiện của một ý thức mới về tinh thần trách nhiệm toàn cầu, về sự liên đới dựa trên nền tảng công lý và đạt được hòa bình và sự thống nhất trong gia đình nhân loại, vốn là kế hoạch của Thiên Chúa dành cho thế giới”.

Nhắc lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp ‘Fratelli Tutti’ khuyến khích tất cả mọi người thừa nhận phẩm giá của mỗi con người nhằm thúc đẩy tinh thần huynh đệ phổ quát, Đức Tổng Giám mục Gallagher khuyến khích tất cả mọi người hãy sẵn sàng vượt qua những điều gây chia rẽ chúng ta để chống lại những hậu quả của các cuộc khủng hoảng khác nhau một cách hiệu quả.

Kết luận thông điệp của mình, Đức Tổng Giám mục Gallagher tái khẳng định cam kết của Tòa Thánh trong việc hợp tác hiệu quả để đạt được mục tiêu này.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube