Đức Phanxicô và sự toàn cầu hóa vị thế giáo hoàng

Sự toàn cầu hoá vị thế giáo hoàng đã tương tác với việc toàn cầu hóa Giáo hội theo một cách thức mới.

20170308 vi the giao hoang

Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục đóng một vai trò tích cực trên vũ đài toàn cầu khi Vatican nỗ lực dấn thân cho hòa bình tại các quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh.

Trong chuyến viếng thăm cộng đồng Anh giáo tại Roma hôm 26/2 vừa qua, Đức Thánh Cha cho biết ngài đang cân nhắc khả năng có thể sẽ tới thăm quốc gia Nam Sudan cùng với Đức Tổng Giám mục Canterbury – Đức Cha Justin Welby.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sẽ gặp gỡ các vị nguyên thủ quốc gia từ các nước thuộc Liên minh Châu Âu vào ngày 24/3 sắp tới tại Vatican. Các nhà lãnh đạo sẽ có mặt tại Roma để kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Roma, chính thức thành lập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu.

Sự kiện này xảy ra chưa đầy một năm sau khi Đức Phanxicô được trao giải thưởng chính trị danh giá nhất châu Âu – giải thưởng “Karlspreis”. Nhân dịp này, cũng tại Vatican, Đức Phanxicô – một người Công giáo Argentina – về cơ bản đã đề nghị các thành phần ưu tú của châu Âu khôi phục dự án châu Âu với cốt lõi văn hoá và tinh thần ban đầu của nó.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về xã hội, và nhiều người đang kỳ vọng vào sự đóng góp của ngài đối với tình hình hết sức nguy hiểm (và đối với một số quốc gia như Nam Sudan) trên thế giới hiện nay.

Điều này đặc biệt đúng với sự phát triển của tình hình quốc tế trong năm qua, chẳng hạn như vấn đề Brexit và cuộc bầu cử tổng thống Donald Trump, cũng như những lo ngại liên quan đến năm 2017, chẳng hạn như các cuộc bầu cử quan trọng tại Pháp, Hà Lan và Đức.

Sự kiện nhiều tín hữu Công giáo Hoa Kỳ liên tục viện dẫn giáo huấn của Đức Thánh Cha để phản đối ông Trump, chỉ là một ví dụ điển hình và là dấu hiệu của những kỳ vọng đó.

Thế nhưng những hy vọng đó không phải lúc nào cũng tính đến hai thay đổi lớn đã xảy ra trong mối quan hệ giữa vị thế giáo hoàng và thế giới – những thay đổi đã bắt đầu trước khi Đức Phanxicô trở thành Giáo hoàng, nhưng đã trở nên đặc biệt rõ ràng trong suốt triều đại của ngài.

Sự thay đổi đầu tiên là sự toàn cầu hoá Giáo hội Công giáo và cái giá mà Giáo hội phải trả.

Sự toàn cầu hóa vị thế giáo hoàng đã có ít nhất là từ Công đồng Vatican II (1962-1965). Nhưng chính Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đầu tiên phân phối lại quyền lực trong Giáo hội Công giáo từ Roma đến các khu vực khác nhau trên thế giới. Ngài đã thực hiện điều này đặc biệt bằng việc bổ nhiệm thêm nhiều vị hồng y mới đến từ các quốc gia khác nhau và bằng việc ủy quyền cho Thượng Hội đồng Giám mục giải quyết các vấn đề hôn nhân và gia đình.

Quan trọng nhất, sự toàn cầu hoá vị thế giáo hoàng đã tương tác với việc toàn cầu hóa của Giáo hội theo một cách thức mới. So với trước đây, chức vị giáo hoàng dưới thời Đức Phanxicô đã trở nên gần gũi hơn đối với tất cả các Giáo hội trên toàn thế giới. Đây chính là vai trò địa -chính trị và địa – thần học của việc Đức Thánh Cha nhấn mạnh các khu vực ngoại vi.

Hiện nay vị thế giáo hoàng đang “lan rộng” trên khắp hoàn cầu. Và điều này có thể đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong lịch sử của Giáo hội Công giáo.

Tuy nhiên, sự toàn cầu hoá đó của vị thế giáo hoàng và của Giáo hội cũng có cái giá của nó. Vị thế giáo hoàng không còn khép kín nơi một quốc gia hoặc một khu vực trên thế giới. Chắc chắn vị thế giáo hoàng cũng chẳng còn đặc biệt gắn bó với những khu vực từng đóng vai trò then chốt trong lịch sử trước đây của Giáo hội.

Điều này là đặc biệt hiển nhiên đối với những người Công giáo Ý đang trải qua quá trình chuyển đổi chính trị hết sức lộn xộn. Nước Ý không còn có thể trông đợi vào một đội ngũ các chính trị gia Công giáo – những người rõ ràng đã được truyền cảm hứng bởi đức tin cũng như nền văn hoá Công giáo của họ. Nước Ý cũng không còn có thể dựa vào một vị Giáo hoàng hiểu được những điều bí ẩn của các nhà chính trị Ý và châu Âu.

Đức Phanxicô sẽ không thể giúp nước Ý cứu bản thân họ theo cách thức mà những vị tiền nhiệm của ngài đã thực hiện trong hai cuộc chiến tranh thế giới cũng như trong giai đoạn khủng bố chính trị trong nước vào những năm 1970.

Đây cũng là một lời nhắc nhở cho người Công giáo Hoa Kỳ. Đức Phanxicô không phải là vị Giáo hoàng đến từ Đại Tây Dương hay xuyên Đại Tây Dương, và triều đại của ngài quan tâm nhiều việc khác hơn là cứu nước Mỹ khỏi Donald Trump.

Có một thay đổi thứ hai mang tính lịch sử vốn rất quan trọng, cần được lưu ý, nếu chúng ta muốn hiểu được triều đại Giáo hoàng hiện tại.  Đó là cuộc khủng hoảng của cả Giáo hội lẫn nhà nước theo nghĩa là các quốc gia-nhà nước không còn chi phối chính trị nữa trong khi các giáo hội định chế cũng như các tổ chức của họ cũng không còn kiểm soát chính trị nữa.

Một trong những sử gia quan trọng nhất về Giáo hội thời kì cận đại – Paolo Prodi (1932-2016) – đã giải thích điều này một cách đầy đủ trong một trong những bài báo mới được đăng trên các tạp chí khoa học của ông. 

Sử gia Prodi ghi nhận rằng, cho đến thế kỷ 20, Kitô giáo phương Tây là sản phẩm của thời kỳ giữa thế kỉ XV và thế kỉ XVII, vốn bao gồm ba diễn viên: Giáo hội, Nhà nước và Thị trường.

Thị trường đã trở thành một điều gì đó hoàn toàn khác so với giai đoạn cận đại. Nhưng từ quan điểm thần học – lịch sử, sự chuyển đổi căn bản nhất là sự chuyển đổi hiện đang ảnh hưởng trên Giáo hội và Nhà nước.

Sử gia Prodi nói rằng 500 năm sau cuộc cải cách Tin Lành, sự phân chia công việc giữa các giáo hội và các quốc gia – nhà nước, không còn nữa. Sự hợp tác của họ, cùng với Hiệp ước Westphalia năm 1648 đã đẩy các cuộc chiến tranh tôn giáo kéo dài hàng thế kỷ tại châu Âu đến hồi kết thúc.

Quyền lực chính trị giờ đây đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các quốc gia – nhà nước, và sức mạnh tôn giáo cũng đã vượt tầm kiểm soát của các Giáo hội và tôn giáo có tổ chức.

Trong lịch sử lâu dài của phương Tây, có một mối liên kết chặt chẽ giữa “sự thánh thiêng và quyền lực” cũng như giữa “Giáo hội và nhà nước”. Hiện nay những thực tại đó đã trở nên tách biệt nhau. Điều này không những đúng đối với Kitô giáo mà còn đối với cả các tôn giáo khác, dưới nhiều hình thức khác nhau – bao gồm cả Hồi giáo. Cuộc khủng hoảng về vấn đề đa văn hóa và về chủ nghĩa thế tục là một phần trong bức tranh này.

Điều này giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của Triều đại Giáo hoàng Phanxicô, ngoài các vấn đề nổi tiếng khác như việc cải cách Giáo triều Rôma hay sự thực hành mục vụ mới mẻ đối với vấn đề hôn nhân và gia đình (tuy nhiên, cả hai đều rất quan trọng).

Điều đáng chú ý là hiện nay vị thế giáo hoàng không chỉ là vấn đề hậu – Kitô giới (post-Christendom), tức là vượt khỏi thời kỳ tôn giáo là một trụ cột chính đối với vấn đề quyền lực chính trị và đối với một mô hình xã hội nhất định.

Dưới thời của Đức Phanxicô, đó cũng là vấn đề hậu – tôn giáo (post-confessional).

Điều này không chỉ theo nghĩa ranh giới giữa các Giáo hội khác nhau giờ đây đã khác hẳn so với thời những vị tiền nhiệm của ngài, mà còn theo nghĩa vị Giáo hoàng hiện tại nhìn nhận như thế nào về tôn giáo trên bản đồ thế giới – nơi mà biên giới các quốc gia không còn ý nghĩa so với những điều đã từng có ý nghĩa thậm chí chỉ một vài năm trước đây.

Trong một cuốn sách mới của Đức Tổng Giám mục Charles Chaput  Giáo  phận Philadelphia, nỗi sợ hãi được loan báo về vấn đề hậu – Kitô giáo rõ ràng đã khiến người ta bỏ lỡ một bức tranh lớn hơn. Tương tự, phần lớn là không chính xác khi so sánh chủ nghĩa dân túy của cả Đức Phanxicô lẫn tổng thống Donald Trump với quan điểm về mối liên hệ giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa toàn cầu.

Đúng là chúng ta đang nói về một tương lai hậu – tự do (a post-neoliberal future). Theo nghĩa này, cuộc bầu cử Trump là một “dấu chỉ thời đại” và là một điều mà Giáo hội phải tránh khi bàn về những lợi ích hay những thiệt hại ngắn hạn.

Sự thay đổi thực sự, nói theo các thuật ngữ thần học – lịch sử, chính là sự chấm dứt của sự phân chia công việc giữa Giáo hội và nhà nước, và đồng thời là sự kết thúc của thuyết đẳng cấp thể chế (institutional isomorphism) và sự song hành của Giáo hội và Nhà nước.

Một sự pha trộn các yếu tố của cả hai chế độ quân chủ và quý tộc. Đối với Giáo hội Công giáo, điều đó có nghĩa là vị thế giáo hoàng và các giám mục.

Cuộc khủng hoảng của Giáo hội và Nhà nước đã gây ra sự “thần học hoá chính trị”, khi những sự khác biệt về chính trị trở nên hỗn độn và khiến người ta tuyệt thông nhau, chẳng hạn như giữa những người Cộng hòa và những người Dân chủ tại Hoa Kỳ.

Nó cũng gây ra một sự “ý thức hệ hóa Giáo Hội”, chẳng hạn như, sự khai triển giáo lý hoặc việc thực hành mục vụ đối với những người ly hôn và tái hôn được xem xét dưới lăng kính là chính thống hoặc là dị giáo tùy theo cái khả năng phục vụ cho những cuộc đấu tranh chẳng mấy quan trọng về ý thức hệ của Kitô giáo với thế giới thế tục.

ĐTC Phanxicô đã bác bỏ những ý thức hệ tân – Constantinô (neo-Constantinian ideologies) hiện đang nỗ lực tìm kiếm vị hoàng đế mới để bảo vệ Kitô giáo bằng chính quyền Vladimir Putin hay Donald Trump (hoặc, trong một số trường hợp, cả Putin lẫn Trump). Và điều này xuất phát từ sự hiểu biết của Đức Giáo hoàng đối với bức tranh lớn hơn về lịch sử và thần học.

Đức Phanxicô là một tu sĩ Dòng Tên và ngài có thể ý thức cách sâu xa những ý nghĩa to lớn về thần học và chính trị trong cuộc bách hại Dòng Tên giữa những năm từ 1773 đến 1814.

Đó là khởi đầu của “thế kỷ thứ 19 dài đằng đẵng” trước Công đồng Vatican II. Không phải ngẫu nhiên mà đây là thời kỳ mà nhiều người phản đối Đức Giáo hoàng muốn quay trở lại.

Massimo Faggioli

Minh TuệVũ Hùng chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube