Đức Hồng y Parolin: “Con người phải ở trung tâm của hệ sinh thái học toàn diện và nền kinh tế nhân văn”

Trong hội nghị quốc tế trực tuyến do ‘Centesimus Annus pro Pontifice Foundation’ tổ chức, Đức Hồng Y Parolin đã phát biểu về hệ sinh thái học toàn diện và nền kinh tế nhân văn trong bối cảnh lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô để thay đổi tiến trình của các sự kiện của nhân loại.

Đức Hồng Y Parolin đã đặt chủ đề của hội nghị ‘Centesimus Annus’ năm nay trong bối cảnh lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thời khắc đặc biệt của buổi cầu nguyện vào ngày 27 tháng Ba. “Các mốc quan trọng của một hệ sinh thái toàn vẹn vì một nền kinh tế nhân văn”, Đức Hồng Y Parolin nói, là một sự đáp trả lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp đó nhằm “đặt lại hướng đi của con thuyền của chúng ta hướng về Thiên Chúa và hướng tới tha nhân, bằng việc hợp tác và xây dựng, cam kết và tái khám phá sự thuộc về chung của chúng ta với tư cách là anh chị em với nhau”.

Cả sinh thái học toàn diện và kinh tế nhân văn, Đức Hồng Y Parolin tiếp tục, đều là những khái niệm quan trọng cần thiết để thay đổi đường lối của nhân loại.

Hệ sinh thái toàn diện

Khi sinh thái học mang tính toàn diện, nó vẫn đúng với hai từ “oikos” và “logo” trong tiếng Hy Lạp. Do đó, sinh thái học là một nghiên cứu hay một sự phản ánh về ngôi nhà chung của chúng ta. Khi được nhìn dưới góc độ của một khối đa diện, Đức Hồng Y Parolin nói, sinh thái học toàn diện “có thể đưa chúng ta đến với một tầm nhìn mới về thế giới và phân tích các vấn đề và thách thức mà nhân loại ngày nay đang phải đối mặt”. Trọng tâm của tầm nhìn mới này là con người. Điều này giả định một “nền văn hóa của sự quan tâm chăm sóc” hơn là “nền văn hóa thải loại”.

Việc đặt con người làm trọng tâm thừa nhận quyền của mỗi cá nhân đối với “sự phát triển cá nhân (…) và sự phát triển của ý thức liên đới trong xã hội nói chung và với các thế hệ tiếp theo”. Để đạt được điều đó, “giáo dục trong một hệ sinh thái toàn vẹn” là cần thiết vì nó liên quan đến “một sự chuyển đổi đích thực dẫn đến sự thay đổi não trạng và cách nhìn”.

Nền kinh tế nhân văn

Tương tự, khi xem xét ý nghĩa của những từ ngữ này từ gốc Hy Lạp của nó, “oikos” và “nomos”, Đức Hồng Y Parolin lưu ý, với “oikos” là “nhà” và “nomos” là “quy tắc” hay “quy luật”, nghĩa là “quy tắc quản lí gia đình”. Nền kinh tế nhân văn cũng phải tập trung vào con người trong một nền văn hóa quan tâm chăm sóc. Do đó, một hệ thống kinh tế nhân văn phải “cải thiện – chứ không phá hủy – thế giới của chúng ta”. “Tầm quan trọng cơ bản của lao động là một yếu tố cần thiết cho sự tồn tại của con người phù hợp với phẩm giá”. Hơn nữa, mọi người cần có khả năng “nuôi dưỡng những hạt giống mà Thiên Chúa đã gieo” trong lòng họ.

Thế giới chính trị và kinh doanh cần góp phần của mình để đảm bảo rằng những món quà của mọi người có thể được đóng góp trong một xã hội đảm bảo việc làm có thu nhập. Trong nền kinh tế toàn cầu, các mối quan hệ quốc tế trở thành nguồn động lực mới “nhằm tăng cường chủ nghĩa đa phương và sự hợp tác giữa các quốc gia”.

Do đó, nền kinh tế nhân văn cũng vậy, khi tầm nhìn của nó mang tính đa diện, đặt con người làm trọng tâm, thông qua nền văn hóa của sự quan tâm chăm sóc, và đòi hỏi cần phải có giáo dục, Đức Hồng y Parolin nói. “Nó sẽ cam kết nâng cao thiện ích chung toàn cầu và sự liên đới giữa các thế hệ và liên thế hệ”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube