Điều gì đằng sau những lời đồn đoán liên quan đến việc Đức Phanxicô sẽ từ nhiệm?

pope-francis-1

Bất chấp những tin đồn đang diễn ra, không có xác nhận nào về việc Đức Thánh Cha Phanxicô đang soạn thảo một văn kiện xác định vai trò và nhiệm vụ của một vị Nguyên Giáo hoàng. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sớm từ bỏ Sứ vụ Phêrô, như Đức Bênêđíctô XVI đã làm trước ngài.

Tuy nhiên, một số nguồn tin ở Vatican tiếp tục tin rằng những viễn cảnh này có thể xảy ra, đặc biệt là vì chúng dường như đan xen nhau: những tin đồn về việc từ chức của Đức Thánh Cha Phanxicô nảy sinh từ những lời đồn đoán về một tài liệu khả dĩ về tư cách pháp lý của vị Nguyên Giáo hoàng, điều này cũng thúc đẩy một thảo luận về một mật nghị cuối cùng.

Nếu như một tài liệu về vai trò và chức năng của vị Nguyên Giáo hoàng đang được nghiên cứu, thì đó là một bí mật được giữ kín. Một nguồn tin đáng tin cậy của Vatican cho biết rằng không thể loại trừ cam kết như vậy vì có khả năng Đức Thánh Cha Phanxicô đang đích thân soạn thảo tài liệu và ngài sẽ trình nó cho các cơ quan chịu trách nhiệm xuất bản chỉ khi bản thảo được hoàn thành.

Những áp lực để xác định rõ hơn tư cách pháp lý của một vị Nguyên Giáo hoàng đã bắt đầu từ một thời gian trước. Có lúc, thần học gia Andrea Grillo thậm chí còn đi xa đến mức yêu cầu thiết lập một “cái chết mang tính thể chế” đối với vị Nguyên Giáo hoàng, than phiền những tuyên bố liên tục của Đức Nguyên Giáo hoàng Beneđictô XVI, mà theo ông, là “một sự can thiệp”.

Sự cần thiết phải điều chỉnh tốt hơn hình ảnh của một vị Nguyên Giáo hoàng xuất phát từ các giới tin rằng họ là những người ủng hộ Đức Thánh Cha Phanxicô và lo ngại rằng tuyên bố công khai của Đức Nguyên Giáo hoàng Beneđictô XVI có thể tạo ra sự nhầm lẫn xung quanh thẩm quyền của Đức Phanxicô. Nhóm này đặc biệt chỉ trích khi Đức Tổng Giám mục Georg Gaenswein, Thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI, mô tả tình hình hiện nay là “ngoại lệ”, vì điều mà ngài mô tả là một “Triều đại Giáo hoàng đang hoạt động” và một “Triều đại Giáo hoàng chiêm niệm”.

Đức Beneđictô XVI quyết định không lập pháp về vai trò của mình sau khi từ nhiệm. Nhưng ngài quyết định tiếp tục mặc phẩm phục trắng và lấy “Nguyên Giáo hoàng” làm tước hiệu. Điều này khác với ý tưởng truyền thống rằng một vị Giáo hoàng sẽ quay trở lại làm Hồng y một khi ngài từ bỏ Triều đại Giáo hoàng. Đức Piô XII, người đã để lại một lá thư từ nhiệm nếu Đức Quốc xã thực hiện kế hoạch bắt cóc ngài, đã từng nghĩ như vậy. “Khi họ đến nơi, họ sẽ đưa Đức Hồng Y Pacelli đi, chứ không phải Đức Giáo hoàng Piô XII”, Đức Piô XII được cho là đã nói như vậy.

Theo thần học gia người Ý Giovanni Cavalcoli, Đức Bênêđíctô XVI tiếp tục mặc phẩm phục trắng vì ngài coi chức vụ Giáo hoàng là một cuộc tấn phong Giám mục lần thứ hai. Cuối cùng, các nguyên Giám mục cũng vẫn giữ các Biểu tượng và Khẩu hiệu Giám mục của họ. Điều này cũng xảy ra với vị Nguyên Giáo hoàng, theo cách giải thích này.

Bằng cách này, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđíctô XVI cũng đảm bảo không ảnh hưởng đến mật nghị bầu chọn người kế vị. Một Hồng y, mặc dù nguyên là Giáo hoàng, có thể tham gia vào các cuộc họp tiền mật nghị của các Hồng y và do đó, chỉ đạo sự lựa chọn người kế vị. Đức Bênêđíctô XVI chắc chắn là đã không làm điều đó.

Điều Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện vẫn còn là một bí ẩn. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô chưa bao giờ muốn xác định hình ảnh của vị Nguyên Giáo hoàng theo quan điểm pháp lý. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn duy trì mối quan hệ thân tình với Đức Bênêđíctô XVI và luôn tán thành khi ngài đề nghị về khả năng tự bày tỏ điều gì đó. Trong một trong những cuộc phỏng vấn đầu tiên với Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2014, ngài nói rằng: “Nguyên Giáo hoàng không phải là một bức tượng và luôn tham gia vào đời sống của Giáo hội”.

Vậy tại sao ý tưởng thể chế hóa hình ảnh của vị Nguyên Giáo hoàng lại được đưa ra vào lúc này?

Dường như có nhiều lý do. Điều đầu tiên liên quan đến tình hình sức khỏe của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau cuộc phẫu thuật ruột kết vào ngày 4 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xuất trong tình trạng khỏe mạnh và khá năng động trong các buổi tiếp kiến chung và các giờ Kinh Truyền Tin trong tháng Tám. Ngoài ra, Đức Thánh Cha Phanxicô đang chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Budapest và Slovakia. Mặc dù vậy, những tin đồn về việc Đức Thánh Cha Phanxicô có thể mắc căn bệnh “thoái hóa” và “mãn tính” (theo cách nói của trang Il Sismografo) đã thúc đẩy các cuộc thảo luận về bản chất của Mật nghị tiếp theo.

Việc thúc đẩy cải cách các quy tắc Mật nghị Hồng y bắt đầu từ các tác giả ủng hộ Đức Thánh Cha Phanxicô. Đầu tiên, nhà sử học Giáo hội Alberto Melloni và sau đó là nhà sử học Giáo hội, Giáo sư Thần học và Tôn giáo Massimo Faggioli lập luận ủng hộ một Mật nghị với sự cô lập kéo dài đối với các Hồng y, ngay từ các cuộc họp trước Mật nghị, vốn diễn ra bán công khai trong một tuần lễ trước khi diễn ra các thủ tục bí mật tại Nhà nguyện Sistine. Cả hai cũng tranh cãi trong một khoảng thời gian giữa việc tuyên bố người được bầu chọn và sự chấp thuận của vị đó để vị Giáo hoàng được bầu chọn có thể được xem xét kỹ lưỡng vì “những bộ hài cốt trong tủ” (ý muốn nói đến những bí mật không được tiết lộ) vốn có thể làm tổn hại đến Triều đại Giáo hoàng của vị đó.

Sau đó, có một cuộc thảo luận pháp lý đang diễn ra liên quan đến những gì một số chuyên gia cho là những thiếu sót nghiêm trọng. Giáo sư người Ý về Giáo luật tại Đại học Bologna Geraldina Boni đã soạn thảo một nghiên cứu về chủ đề này.

Giáo sư Boni, trong nghiên cứu của mình, vốn đã được thảo luận trong các nhóm tại Vatican, trình bày “lý do cho sự cần thiết và cấp bách của sự can thiệp từ nhà lập pháp tối cao của Giáo hội (Giáo hoàng) để lấp đầy hai lỗ hổng pháp lý”: các quy định của Tông Tòa khi Giáo hoàng không thể thực thi sứ vụ của mình, tạm thời hoặc vĩnh viễn, vì “một trở ngại không thể đảo ngược”, và các quy định về “tư cách pháp lý của một vị Giáo hoàng La Mã đã từ nhiệm sứ vụ của mình”.

Tóm lại: phải làm gì khi một vị Giáo hoàng mắc một căn bệnh ảnh hưởng đến trí tuệ và sự hăng say của ngài? Và tư cách của vị Nguyên Giáo hoàng là gì?

Các cuộc trò chuyện ngày càng gia tăng về bài luận của Giáo sư Boni đã dẫn đến những tin đồn về việc từ nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô. Logic là thế này: Nếu chúng ta đã bắt đầu thảo luận về tư cách pháp lý của vị Nguyên Giáo hoàng, thì có nghĩa là Đức Thánh Cha Phanxicô muốn từ nhiệm.

Thực tế là chưa bao giờ có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Đức Thánh Cha Phanxicô muốn từ bỏ sứ vụ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu với tờ Nelson Castro, trong một cuộc phỏng vấn trong cuốn “La Salud de los Papas” (“Sức khỏe của các Giáo hoàng”), rằng ngài thấy mình sẽ qua đời “với tư cách là Giáo hoàng, hoặc tại vị hoặc với tư cách là Nguyên Giáo hoàng”.

Theo một vị linh mục người Argentina, người đã biết Đức Thánh Cha Phanxicô từ những ngày còn ở Buenos Aires, “chỉ có một lý do khiến Đức Thánh Cha Phanxicô từ chức: để ngài có thể tác động đến quá trình bầu chọn người kế vị”.

Đó là một cách hiểu hơi gay gắt về tính cách của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tuy nhiên, nếu các quy tắc được cho là mới quy định rằng vị Nguyên Giáo hoàng nằm trong hàng ngũ các Hồng y, thì sự hiện diện của ngài trong các đại hội đồng trước Mật nghị Hồng y chắc chắn có thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn của các Hồng y đồng nhiệm của ngài.

Bao nhiêu trong số tất cả những điều này là tin đồn, và bao nhiêu là sự thật? Trước hết, đúng là sức khỏe của Đức Thánh Cha Phanxicô bị giáng một đòn nặng nề và bản thân ngài đã bắt đầu đẩy nhanh một số quyết định phòng khi có chuyện gì đó xảy ra.

Các nguồn tin của Vatican phát biểu với CNA rằng hiện họ mong đợi quá trình cải tổ Giáo triều dường như không bao giờ kết thúc, vốn có thể xảy ra trong khoảng thời gian từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10; một Mật nghị mới để bổ nhiệm 5 hoặc 6 tân Hồng y vào đầu tháng 10; và sau đó là “một loạt các quyết định với tinh thần gay gắt”, tương tự như việc công bố Tự sắc “Traditionis Custodes”.

Theo một nguồn tin, “không ai mong đợi một vị Giáo hoàng sớm qua đời hoặc từ chức. Nhưng mọi người đang chuẩn bị để không bị bất ngờ khi điều đó xảy ra”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube