Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh Vatican gọi cuộc bỏ phiếu phá thai ở EU là một ‘cuộc tấn công quyết liệt’ nhắm vào sự sống

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Trong một cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều vấn đề, nhà ngoại giao hàng đầu của Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết cuộc bỏ phiếu gần đây của Nghị viện Châu Âu coi việc phá thai là một quyền cơ bản đã cấu thành một “cuộc tấn công triệt để” nhắm vào sự sống con người.

“Khi sự sống bị tấn công một cách quyết liệt như vậy, quý vị thực sự phải hỏi chúng ta muốn xây dựng kiểu tương lai như thế nào”, Đức Hồng Y Pietro Parolin người Ý, Quốc Vụ Khanh Vatican nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng tình hình này đã gây ra “nỗi buồn lớn lao trong sâu thẳm trái tim tôi”.

Các bình luận trên được đưa ra trước cuộc bầu cử vào tháng 6 của Nghị viện Châu Âu, khi quyền phá thai được cho là một trong những vấn đề bỏ phiếu.

Trên các mặt trận khác, Đức Hồng Y Parolin cho biết đang có “phong trào quy mô lớn” hướng tới việc trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine, đồng thời xác nhận Vatican sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc chiến đó, ở Trung Đông và bất cứ nơi nào xung đột đang diễn ra.

Đức Hồng y Parolin, 69 tuổi, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Avvenire, tờ báo chính thức của Hội đồng Giám mục Ý, khi đang có mặt tại Rimini để tham dự hội nghị quốc gia của Cuộc Canh tân trong Chúa Thánh Linh, phong trào đặc sủng Công giáo hàng đầu của Ý.

Hướng tới cuộc bầu cử ở Châu Âu, Đức Hồng y Parolin đã được hỏi về cuộc bỏ phiếu vào ngày 11 tháng 4 của quốc hội để đưa việc phá thai vào một trong những quyền cơ bản được Hiến chương EU công nhận.

Đây phần lớn được coi là một kết quả mang tính biểu tượng, vì việc sửa đổi hiến chương sẽ cần có sự đồng ý của tất cả 27 quốc gia thành viên và cả Ba Lan và Malta đều đã cho biết rằng họ sẽ không chấp thuận thay đổi này. Tuy nhiên, kết quả khá áp đảo, với 336 phiếu ủng hộ, 163 phiếu chống và 39 phiếu trắng, và với sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Đức Hồng y Parolin đã bày tỏ sự chua xót trước động thái này.

“Khi sự sống bị tấn công một cách quyết liệt như vậy, quý vị thực sự phải hỏi chúng ta muốn xây dựng kiểu tương lai như thế nào. Tôi cảm thấy một nỗi buồn lớn lao trong sâu thẳm trái tim mình và tôi thậm chí không có lời nào để diễn tả nó một cách thỏa đáng”, Đức Hồng y Parolin nói.

“Tôi nhắc lại, tôi cảm thấy vô cùng đau buồn khi phải đối mặt với cách tiếp cận tình huống này. Làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng phá thai là một quyền? Làm sao chúng ta có thể nghĩ rằng nó có thể đảm bảo một tương lai cho xã hội của chúng ta?”, Đức Hồng y Parolin đặt câu hỏi.

“Tôi không hiểu”, Đức Hồng y Parolin nói. “Tôi thực sự không hiểu”.

Liên quan đến Nga và Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tận dụng bài phát biểu Phục sinh Urbi et Orbi của mình để kêu gọi trao đổi tù nhân toàn diện. Đức Hồng y Parolin cho biết ngài tin rằng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha đã có hiệu quả.

“Tôi không có thông tin chính xác, nhưng từ những gì tôi nghe được thì thấy có rất nhiều chuyển động theo hướng này”, Đức Hồng y Parolin nói. “Vì vậy, lời kêu gọi của Đức Thánh Cha đã được lắng nghe và tuân theo”.

“Chúng tôi coi đó là một dấu hiệu tích cực, bởi vì chúng tôi tin rằng dự án do Đức Hồng Y Matteo Zuppi thực hiện vào năm ngoái trong quá trình thực hiện sứ mệnh do Đức Thánh Cha giao phó cho ngài có giá trị rất lớn”.

Đức Hồng Y Parolin đề cập đến các chuyến đi năm ngoái tới Kyiv, Moscow, Washington và Bắc Kinh của Đức Hồng Y Matteo Zuppi Địa phận Bologna, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha, trong nỗ lực mở ra các kênh đối thoại.

“Đương nhiên, chúng tôi nghĩ rằng việc tập trung vào các khía cạnh nhân đạo – liên quan đến cả các tù nhân lẫn trẻ em – có thể tạo điều kiện để đi đến các cuộc đàm phán, chúng tôi hy vọng, để kết thúc chiến tranh”, Đức Hồng Y Parolin nói.

Đức Hồng Y Parolin cũng chỉ ra rằng nhiệm vụ của Đức Hồng Y Zuppi có thể chưa kết thúc.

“Tôi không tin rằng mọi chuyện đã kết thúc, theo nghĩa là ngài đã giúp đưa ra một cơ chế trao đổi trẻ em”, Đức Hồng Parolin nói. “Sứ mệnh về cơ bản tập trung vào khía cạnh này, nhưng nó vẫn mở cho bất kỳ sự tiến triển nào có thể xảy ra”.

Về cuộc chiến ở Gaza, Đức Hồng y Parolin tái khẳng định sự ủng hộ lâu dài của Vatican đối với giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel – Palestine.

“Tòa Thánh có các mối liên hệ ở nhiều cấp độ khác nhau. Chúng tôi đang chuyển sang cấp độ ngoại giao nhằm nỗ lực tìm ra chiến lược rút lui. Chắc chắn, tình hình vô cùng phức tạp”, Đức Hồng y Parolin nói.

“Nhưng đối với tôi, trên thực tế, có thể có những giải pháp. Khi chúng tôi nghĩ về công thức hai nhà nước, sẽ có một đề xuất cụ thể mà chúng tôi nên hướng tới”, Đức Hồng y Parolin nói. “Có lẽ điều này có thể giúp tìm ra một giải pháp dứt khoát. Chắc chắn, điều đầu tiên là chấm dứt chiến sự và đảm bảo ít nhất một thỏa thuận ngừng bắn”.

Đức Hồng y Parolin cũng nhắc lại sự sẵn sàng của Vatican trong việc đóng vai trò trung gian hòa giải nếu được yêu cầu giúp đỡ.

“Chúng tôi luôn nói, trong mọi tình huống có thể xảy ra, rằng ở đâu các bên tin rằng Tòa Thánh có thể hữu ích, thì sự hiện diện của Giáo hội sẽ được hoan nghênh, thì chúng tôi đang và sẽ luôn sẵn sàng”, Đức Hồng y Parolin nói.

“Chẳng hạn, tôi muốn nhắc lại điều Đức Thánh Cha đã nói khi bắt đầu cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, cách đây hơn 2 năm trước, một cách rõ ràng đề nghị sự hòa giải của Tòa Thánh. Sự sẵn sàng đó có giá trị trong mọi bối cảnh chiến tranh”, Đức Hồng y Parolin nói.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube