Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô nhằm tái khẳng định ơn gọi thực sự của người dân Timor

Một nữ tu xức tro lên trán một phụ nữ trong Thứ Tư Lễ Tro tại Nhà thờ Motael ở Dili, Timor-Leste, vào ngày 26/2/2020 (Ảnh: AFP)

Một nữ tu xức tro lên trán một phụ nữ trong Thứ Tư Lễ Tro tại Nhà thờ Motael ở Dili, Timor-Leste, vào ngày 26/2/2020 (Ảnh: AFP)

Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ đến thăm Timor Leste vào tháng 9 năm nay. Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha này vào tháng 10 năm 1989, khi đất nước này vẫn còn nằm dưới sự chiếm đóng của Indonesia.

Đó quả là một khoảnh khắc lịch sử. Đức Gioan Phaolô II đã cử hành Thánh lễ công khai ở thủ đô Dili. Chuyến viếng thăm của ngài đã đưa nguyện vọng của người dân Timor lên bản đồ thế giới và chương trình nghị sự quốc tế. Vị Giáo hoàng đầu tiên và duy nhất đến thăm Timor-Leste đã giúp người dân nước này tìm ra hướng đi, giúp họ giành được độc lập vào năm 2002, mặc dù sau một cuộc chiến tranh tàn khốc.

Với 98% người dân theo đạo Công giáo, Giáo hội đã đóng một vai trò then chốt trong cuộc đấu tranh giành độc lập và thiết lập nền dân chủ ở quốc gia nhỏ bé mới mẻ của Timor Leste. Mọi người hy vọng chuyến viếng thăm từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 9 của Đức Thánh Cha Phanxicô, 35 năm sau chuyến Tông du đầu tiên, sẽ củng cố đức tin của họ và giúp biến đổi một đất nước đã phải gánh chịu nhiều khó khăn về kinh tế xã hội như nghèo đói, thất nghiệp, thiếu chăm sóc sức khỏe và các thách thức về kinh tế và chính trị.

Chuyến viếng thăm diễn ra vào thời điểm khi các tu sĩ Dòng Tên kỷ niệm 225 năm hiện diện trên đảo quốc kể từ khi họ đặt chân đến đây dưới thời thuộc địa Bồ Đào Nha. Nhân dịp đặc biệt này, Bề trên Tổng quyền Dòng Tên Arturo Sosa đã đến thăm Timor-Leste. Trong chuyến viếng thăm, ngài đã tham gia đối thoại cởi mở với giới trẻ, các nhà lãnh đạo Giáo hội và các nhà lãnh đạo chính trị, trong đó có Thủ tướng Xanana Gusmão. Giờ đây, một chuyến Tông du khác sẽ hoàn thiện lịch sử của Timor.

Có những khác biệt nổi bật giữa hai chuyến Tông du. Khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Timor, người dân đang đau khổ và ở trong một tình huống đầy thử thách. Họ giống như dân Israel chịu sự bắt bớ của Pha-ra-ô trong Cựu Ước. Mọi người đấu tranh để tiếng nói của họ được lắng nghe và danh tính, phẩm giá và quyền của họ được công nhận.

Thực tế giờ đây đã khác sau khi người dân Timor giành được độc lập về mặt chính trị. Tôi tin rằng, hơn bất cứ điều gì, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ giúp tái khẳng định điều đã được Đức Gioan Phaolô II tuyên bố – Timor-Leste và người dân ở đây được kêu gọi trở thành quốc gia Mặt trời mọc thực sự, ánh sáng cho thế giới và muối cho trần gian. Đức Thánh Cha sẽ khẳng định, tái khẳng định và xác nhận ơn gọi này của người dân Timor, mời gọi họ làm chứng cho Tin Mừng.

Những thách thức mà người dân Timor phải đối mặt hiện nay cũng khác so với cách đây 35 năm trước. Họ khác nhau không chỉ về mặt Giáo hội mà còn về mặt văn hóa và chính trị.

Sau khi giành được tự do, Timor có bản sắc chính trị riêng. Giáo hội có 3 Giáo phận và một Hội đồng Giám mục. Chúng tôi đã có các khía cạnh cấu trúc và cơ sở. Vì vậy, chuyến viếng thăm này của Đức Thánh Cha có một khía cạnh mục vụ và thiêng liêng hơn.

Chúng tôi đã trải nghiệm khía cạnh mang tính chính trị nhất với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: ngài đã đến thăm quê hương của chúng tôi và chúc lành cho Timor. Đức Gioan Phaolô II khuyến khích chúng tôi chiến đấu với tư cách là một quốc gia văn minh và đoàn kết với tư cách là một dân tộc, một quốc gia.

Đức Thánh Cha Phanxicô có một mối quan hệ rất đặc biệt với các quốc gia, với các dân tộc, với những thực tế vẫn còn mơ hồ. Tôi không có ý nói rằng Timor đang đau khổ giống như khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến thăm chúng tôi. Đây đã là một quốc gia độc lập và đã có một số tiến bộ: nó đã phát triển như một quốc gia và một nền kinh tế, đồng thời đã có một số phát triển về cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu người dân mong muốn điều gì hơn với tư cách là một quốc gia.

Chuyến viếng thăm Timor của Đức Thánh Cha Phanxicô được kỳ vọng sẽ biến đổi não trạng của người dân bằng một bản sắc dân tộc mới. Vấn đề não trạng là sự biến đổi thái độ đối với đời sống tâm linh, một chiều kích quan trọng của việc đào sâu và cải thiện tâm linh.

Chúng tôi cần một Giáo hội không trì trệ với những gì chúng tôi đã trải qua và những gì chúng tôi đã có, nhưng một Giáo hội thực sự có thể đi ra ngoài, đối thoại nhiều hơn và gặp gỡ với tâm trí và trái tim rộng mở, tiếp tục tái truyền giáo, tái hội nhập văn hóa các giá trị Tin Mừng, và tái giáo dục hoặc tái trí thức hóa người dân Timor, sống một cuộc sống mang các giá trị Tin Mừng, hướng tới một chân trời mới của nền văn minh với tư cách là dân Chúa.

Lm. Venâncio Pereira

** Cha Venâncio Pereira là một Linh mục Dòng Tên người Timor. Bài viết này là phiên bản dịch và chỉnh sửa của một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Bồ Đào Nha được xuất bản bởi tuần báo Công giáo Ma Cao, Jornal O-Clarim, vào ngày 29 tháng 4 năm 2024. Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm biên tập chính thức của UCA News.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube