Đại dịch coronavirus: kêu gọi liên đới với những người dễ bị tổn thương nhất

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 29-03-2020 | 21:13:19

Maltese-Catholic-groups-sound-COVID-19-alarm-for-poor

Hôm 26/03, một nhóm các tổ chức Kitô giáo tại Malta đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi thực thi liên đới với những người dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19.

Dưới đây là lược tóm những nội dung quan trọng của lời tuyên bố này.

Trong thời kỳ khủng hoảng này, được nhiều người mô tả là một cuộc chiến tranh có ý nghĩa lịch sử, khi đất nước đóng cửa và chuẩn bị cho những ngày sắp tới, chúng tôi đề nghị chính quyền thực hiện các biện pháp cụ thể hơn nữa để đảm bảo rằng những người sống trong nghèo đói không bị bỏ rơi đến độ thiếu những điều cần thiết cơ bản cho một cuộc sống xứng hợp với con người.

Chúng tôi vô cùng lo lắng về tác động của sự bùng phát coronavirus đối với các thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta. Mặc dù bệnh tật không phân biệt đối xử giữa người với người dựa trên tình trạng tài chính, xã hội, sức khỏe hay trình độ, nhưng không có nghi ngờ gì về việc kinh tế sẽ khó khăn vì đại dịch, và người bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là những người nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất.

Công việc của chúng tôi mang lại cho chúng tôi liên hệ hàng ngày với những người mà sự sống còn là một cuộc đấu tranh – những người mắc bệnh tâm thần hoặc khuyết tật, những người đấu tranh với nghiện ngập, những cựu tù nhân, những người sống sót sau bạo lực gia đình đang cố gắng xây dựng lại cuộc sống, những người tị nạn, những người lao động di cư hoặc những gia đình đông người sống bằng một thu nhập duy nhất.

Hầu hết họ chỉ kiếm được ít hơn mức lương tối thiểu, chỉ đủ để trả tiền thuê nhà, thực phẩm, tiền nước và tiền điện. Nhiều người không có bất kỳ khoản tiền nào để dành cho họ trong suốt thời gian thất nghiệp kéo dài hàng tháng, hoặc có thể lâu hơn.

Mặc dù một số có thể có quyền nhận các phúc lợi xã hội, nhưng đây chỉ là những trường hợp ít ỏi.

Chúng tôi đánh giá cao rằng, trong những ngày kể từ khi trường hợp đầu tiên được xác định, Chính phủ đã đưa ra một số dịch vụ hỗ trợ cho các cá nhân dễ bị tổn thương, như đường dây nóng hỗ trợ, và cung cấp thực phẩm cho những người già không thể đi mua sắm.

Chính phủ cũng đã công bố một loạt các biện pháp giúp các doanh nghiệp không sa thải nhân viên và hỗ trợ những người mất việc do đại dịch, như tăng trợ cấp thất nghiệp tạm thời và gia hạn chương trình trợ cấp tiền thuê nhà.

Mặc dù những sáng kiến ​​này rất quan trọng, nhưng ngày càng rõ ràng rằng các biện pháp như vậy sẽ không đủ để đảm bảo tất cả đều có thể sống xứng với nhân phẩm trong những tháng tới.

Để điều này xảy ra, điều cần thiết là phải thực hiện các bước để cung cấp sự hỗ trợ tài chính và vật chất cho tất cả những người không đủ khả năng chi trả tiền nhà, tiền thực phẩm hoặc thuốc men. Quyền được hỗ trợ này và các dịch vụ cơ bản, như chăm sóc y tế, nên dựa trên nhu cầu chứ không dựa trên các tiêu chí khác, chẳng hạn như tình trạng nhập cư.

Trong những tuần gần đây, chúng tôi đã được truyền cảm hứng từ nhiều hành động liên đới cá nhân: chủ nhà giảm tiền thuê nhà, chủ nhân cung cấp chỗ ở, người trẻ giúp người già mua sắm và những người khác nấu ăn cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe đang dũng cảm chống lại đại dịch.

Hành động của họ mang đến một thông điệp rõ ràng: làm cho người khác điều bạn muốn họ làm cho bạn.

Chúng tôi tin rằng các nhà hoạch định chính sách nên lặp lại thông điệp hy vọng này, bằng cách đặt con người vào trung tâm và ưu tiên các nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất trong số chúng ta.

Lời kêu gọi hành động này dựa trên niềm tin vững chắc của chúng tôi rằng phản ứng công bằng duy nhất đối với đại dịch toàn cầu này, đại dịch vạch trần sự bất bình đẳng trong xã hội của chúng ta, phải dựa trên sự công bằng và tình liên đới.

Theo lời của Thánh Gioan Phaolô II, liên đới không phải là một cảm giác từ bi mơ hồ hay đau buồn hời hợt trước những bất hạnh của rất nhiều người, gần gũi cũng như xa lạ. Trái lại, liên đới là có một quyết tâm kiên định và bền bỉ muốn dấn thân vì thiện ích chung; tức là lo cho thiện ích của tất cả và của mỗi cá nhân, bởi vì tất cả chúng ta đều thực sự có trách nhiệm về tất cả mọi người’ (Solicitudo Rei Socialis, 38).

Về phần chúng tôi, chúng tôi nhắc lại sự sẵn sàng hỗ trợ chính quyền thực hiện các nhiệm vụ này, với khả năng tốt nhất của chúng tôi trong hoàn cảnh hiện tại.

Nguyễn Hoàng Tâm tóm lược

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube