Đặc phái viên Palestine tại Vatican kêu gọi ngừng bắn ở Gaza trong tháng Ramadan và Lễ Phục Sinh

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 02-03-2024 | 12:58:59
Người dân Palestine đi ngang qua các tòa nhà bị phá hủy trong cuộc ném bom của Israel vào al-Zahra, ngoại ô thành phố Gaza (Ảnh: Ali Mahmoud/AP)

Người dân Palestine đi ngang qua các tòa nhà bị phá hủy trong cuộc ném bom của Israel vào al-Zahra, ngoại ô thành phố Gaza (Ảnh: Ali Mahmoud/AP)

Hôm thứ Hai, Đại sứ Palestine tại Tòa Thánh, ông Issa Kassissieh, đã gặp gỡ một quan chức hàng đầu của Vatican về cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ nhân đạo ngay lập tức và kêu gọi ngừng bắn trước những ngày thiêng liêng nhất trong lịch Kitô giáo và Hồi giáo.

“Có một cuộc khủng hoảng thực sự ở Gaza liên quan đến nạn đói và không có thức ăn, nước uống, thuốc men, không bệnh viện, không trường học… trẻ em, các bà mẹ và người già là những người phải trả giá cao”, ông Kassissieh nói, đồng thời cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì đã liên tục cầu nguyện và kêu gọi ngừng bắn.

Khi tháng chay Ramadan của người Hồi giáo và Lễ Phục sinh của Kitô giáo đang đến gần, “chúng tôi hy vọng rằng đến ngày hôm nay sẽ có lệnh ngừng bắn, để đặc biệt là người dân ở Gaza sẽ nhìn thấy ở cuối đường hầm một tia hy vọng, nếu có chút hy vọng nào”, ông Kassissieh nói với Crux.

Ông Kassissieh cũng kêu gọi Israel chú ý đến lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế và “thậm chí cả các đồng minh của họ”, đồng thời ho biết rằng họ nên nhớ rằng “họ đang sống ở Trung Đông, giữa thế giới Ả Rập và Hồi giáo, vì vậy chủ nghĩa cực đoan sẽ không đạt được kết quả nào cho bât kỳ ai”.

Tình hình hiện tại, ông Kassissieh nói, đòi hỏi “sự lãnh đạo hiệu quả và cần có sự khôn ngoan, khôn ngoan trong hoàn cảnh khó khăn mà tất cả chúng ta đang gặp phải”.

Vào ngày 26 tháng 2, ông Kassissieh đã gặp gỡ Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher người Anh, Ngoại Trưởng Vatican, để thảo luận về cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza và các vấn đề khác có tầm quan trọng trong khu vực.

Ông Kassissieh cảm ơn Đức Tổng Giám mục Gallagher vì những lời kêu gọi hòa bình ở Gaza của Đức Thánh Cha và những tuyên bố của các quan chức cấp cao khác của Vatican về cuộc chiến, cũng như những nỗ lực “không ngừng nghỉ” của Tòa Thánh nhằm thúc đẩy một nền hòa bình lâu dài ở Thánh địa.

Trong số những tuyên bố gần đây được đưa ra về Gaza có nhận xét của Quốc Vụ Khanh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, người đã mô tả hành động trả đũa của Israel đối với cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 của Hamas là không tương xứng, khiến đại sứ quán Israel tại Tòa Thánh đã chỉ trích nhận xét của Đức Hồng y Parolin là “đáng tiếc”.

Cuộc trò chuyện giữa ông Kassissieh và Đức Tổng Giám mục Gallagher cũng đề cập đến tình trạng đặc biệt của Giêrusalem và sự cần thiết phải đảm bảo quyền tiếp cận các địa điểm linh thiêng, chẳng hạn như đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa và Nhà thờ Mộ Thánh, khi cả tháng Ramadan lẫn Lễ Phục sinh đều đang đến gần, để đảm bảo rằng Giêrusalem luôn là trái tim tinh thần của các tôn giáo độc thần.

Với tư cách là trưởng đại sứ Ả Rập tại Tòa Thánh, ông Kassissieh đã gửi một lá thư cho Đức Tổng Giám mục Gallagher thay mặt cho Liên đoàn các quốc gia Ả Rập được Tòa Thánh công nhận nêu chi tiết về những tiến triển hiện tại trong khu vực và đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine (UNRWA), vào thời điểm tổ chức này chịu trách nhiệm về phần lớn phản ứng nhân đạo ở Dải Gaza, cung cấp đường giao thông huyết mạch cho hàng triệu người tị nạn Palestine trên khắp khu vực.

Trong cuộc phỏng vấn với Crux, ông Kassissieh lưu ý rằng Tòa án Công lý Quốc tế vào hồi tháng 1 đã kêu gọi Israel ngăn chặn một cuộc diệt chủng tiềm tàng ở Gaza, và đồng thời lặp lại lời lên án nhiều lần của Đức Thánh Cha Phanxicô về chiến tranh “như một sự thất bại” đối với tất cả những người liên quan.

Về tình hình nhân đạo ở Gaza, ông Kassissieh cho biết ông đã nói với Đức Tổng Giám mục Gallagher rằng tại cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Dải Gaza, những xe tải chở đầy hàng viện trợ nhân đạo đã bị chặn khi ở bên trong Gaza, “nạn đói hoành hành và tình hình hoàn toàn hỗn loạn, hệ thống y tế hoàn toàn sụp đổ”.

“Người dân chẳng có nơi nào để đi, trong khi bên ngoài chúng tôi có hơn 2.000 xe tải chở đầy viện trợ y tế, thực phẩm và đồ đạc, nhưng họ không thể vào được. Vì vậy, điều trớ trêu là, cũng ở nơi đó, bên trong người dân phải chịu nạn đói này, và bên ngoài lại có tất cả các xe tải đang chờ vào”, ông Kassissieh nói.

Ông Kassissieh cho rằng cộng đồng quốc tế và đặc biệt là thế giới phương Tây cần phải có ý chí mạnh mẽ hơn để đảm bảo rằng người dân Gaza được tiếp cận viện trợ nhân đạo.

“Mọi người đang xem TV và họ nhìn thấy nỗi đau khổ trong ánh mắt của những đứa trẻ. Con cái của chúng tôi đã chịu đủ đau khổ rồi, sự tổn thương mà chúng gặp phải quả không thể tưởng tượng nổi”, ông Kassissieh nói, “thảm họa mà chúng tôi đang gặp phải cần nhiều năm để chữa lành”.

“Gaza đã trở thành nghĩa địa đối với con cái của chúng tôi. Vì vậy, chúng ta cần yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới đánh động lương tâm của họ, như trường hợp của Đức Thánh Cha”, ông Kassissieh nói, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng “với ý Chúa, cuộc tàn sát này sẽ chấm dứt”.

Ông Kassissieh cũng đã ca ngợi mạng lưới các tổ chức và tổ chức từ thiện của Giáo hội như Pontifical Missions và Caritas, cũng như những nỗ lực của Tòa Thượng Phụ Latinh nhằm giúp đỡ những người gặp khó khăn, và ông ca ngợi Đức Thánh Cha vì đã liên lạc thường xuyên với Linh mục của Giáo xứ Công giáo Thánh Gia Gaza, hiện đang che chở khoảng 600 người trong bối cảnh của những lời kêu gọi sơ tán.

“Họ đang sống trong nỗi kinh hoàng; họ nghe thấy tiếng pháo kích và tiếng của các cỗ máy quân sự, và hiện nay những âm thanh này còn lấn át của tiếng chuông, và Tòa Thánh muốn thấy lệnh ngừng bắn ngay lập tức và mang lại hy vọng cho người dân”, ông nói.

Cũng được thảo luận trong cuộc gặp gỡ với Đức Tổng Giám mục Gallagher là những hạn chế đối với các thánh địa ở Giêrusalem trước tháng Ramadan và Lễ Phục sinh, điều mà ông Kassissieh nói là “cách thức dẫn đến sự suy thoái nhiều hơn và gây ra nhiều sự giận dữ hơn”.

“Chúng tôi hy vọng rằng Israel theo Công ước Geneva sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhưng không gây phức tạp”, ông Kassissieh nói, đồng thời cho biết việc tiếp cận các thánh địa “là quyền cơ bản của các tín hữu để được đến các thánh địa của họ và cầu nguyện mà không có bất kỳ sự hạn chế nào”.

Ông Kassissieh cho biết ông đã đề nghị Đức Tổng Giám mục Gallagher giúp đảm bảo các Kitô hữu ở Bethlehem, Ramallah và các khu vực khác của Bờ Tây có thể vào Giêrusalem mà không bị hạn chế cũng như “thực hành đức tin và tổ chức lễ Phục sinh”, vì việc được tiếp cận các địa điểm thờ phượng một cách tự do và an toàn là quyền lâu dài của họ, ông Kassissieh nói, đồng thời cho biết rằng những hạn chế “sẽ tạo ra nhiều sự tức giận hơn, nhiều sự thất vọng hơn, nhiều sự hận thù hơn”, và điều này phải tránh vì lợi ích của mọi người.

Nhu cầu và ước muốn mạnh mẽ của mọi người cần được tôn trọng, “nếu không thì tương lai sẽ rất u ám”, ông Kassissieh nói, “cần có một người nào đó giống như Đức Tổng Giám mục Gallagher để giữ hy vọng và giữ cho ánh sáng luôn bừng lên, giữ cho ngọn nến luôn cháy sáng, không đẩy mọi thứ đến tình trạng xuống cấp hơn nữa”.

Về vai trò của Tòa Thánh trong cuộc xung đột hiện nay, ông Kassissieh cho biết ông kêu gọi Giáo hội tiếp tục “những nỗ lực mang tính xây dựng với các đối tác của họ, với các nhà lãnh đạo thế giới, để đảm bảo lệnh ngừng bắn và viện trợ nhân đạo”, đồng thời giúp triển khai một lộ trình với chiến lược tàn cuộc, bao gồm khung thời gian rõ ràng để đạt được giải pháp hai nhà nước.

Ông Kassissieh nhấn mạnh rằng các quốc gia khác phải tuân theo quyết định của Tòa Thánh và công nhận Nhà nước Palestine dựa trên đường biên giới năm 1967, điều mà ông cho rằng đó là cách duy nhất để đạt được một nền hòa bình toàn diện.

Ông cũng cho biết sự ủng hộ của Tòa Thánh trong việc duy trì hiện trạng “lịch sử và pháp lý” của Giêrusalem cũng như các thánh địa của nó là điều quan trọng, và địa vị của nó phải được quốc tế đảm bảo vì tầm quan trọng đặc biệt của Giêrusalem đối với các tôn giáo độc thần.

Mối quan hệ đặc biệt giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cũng được nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện.

Về tình trạng của Giêrusalem, ông Kassissieh cho biết: “Tôi thiết nghĩ điều này cần được triển khai hơn nữa và chủ yếu là với Giáo hội địa phương, với các Thượng phụ và người đứng đầu các Giáo hội ở Giêrusalem, để họ có một tầm nhìn thống nhất về tương lai của Giêrusalem”.

“Ở đây có một vai trò quan trọng đối với Tòa Thánh”, ông Kassissieh nói, đồng thời cho biết cuộc thảo luận của giáo hội về vấn đề này phải dựa trên các nghị quyết của Liên Hợp Quốc liên quan đến vấn đề Palestine.

Ông Kassissieh cũng đã nói về sự phân biệt đối xử gia tăng đối với các Kitô hữu ở Thánh địa. “Sự hiện diện của Kitô giáo ở Đông Giêrusalem không ở mức tốt nhất. Hiện nay có rất nhiều vụ việc xảy ra bởi những người định cư cực đoan”.

Ông Kassissieh cho biết rằng ông và Đức Tổng Giám mục Gallagher đã đồng ý về sự cần thiết phải “duy trì vẻ đẹp của bức tranh khảm của Thành phố cổ Giêrusalem và đảm bảo rằng di sản Kitô giáo được bảo tồn ở khu vực này”.

Thông điệp của Đức Tổng Giám mục Gallagher gửi tới người dân Palestine, ông Kassissieh nói, là nhắc nhở họ về những lời cầu nguyện và lời kêu gọi liên tục của Đức Thánh Cha về việc ngừng bắn, đồng thời đảm bảo với họ rằng Tòa Thánh nhận thức được sự đau khổ của họ.

Sự cần thiết phải tổ chức bầu cử ở Palestine cũng đã được thảo luận, ông Kassissieh cho biết, và đồng thời đồng ý với Đức Tổng Giám mục Gallagher về điểm này, nhưng cảnh báo rằng “không ai có thể nói về mốc thời gian cho các cuộc bầu cử trong lộ trình chính trị trước khi chúng tôi có lệnh ngừng bắn và sự can thiệp nhân đạo nghiêm túc”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube