“Chính Tôi là Bánh Hằng Sống” (Ga 6,51-58 – Lễ Mình Máu Thánh)

Bài Tin Mừng hôm nay (Ga 6,51-58) trích trong diễn từ về bánh đem lại sự sống của Chúa Giêsu tại hội đường Capharnaum. Nội dung của đoạn trích này khẳng định Đức Giêsu chính là bánh đem lại sự sống hiểu theo khía cạnh bí tích.

btutroi-large-1

Mở đầu bài Tin Mừng, Đức Giêsu quả quyết: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” (c.51a). Đức Giêsu nói về sứ mạng của Người là mang lại sự sống đích thực cho nhân loại (“Tôi là bánh hằng sống”), và sứ mạng đó có nguồn gốc thần linh (“từ trời xuống”). Chính vì thế, ai đón nhận Người và nên một với Người thì có sự sống đời đời (“Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”).

“Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (c.51b). Đức Giêsu chuyển từ hình ảnh bánh sang hình ảnh con chiên, nhưng vẫn không đi ra khỏi hệ thống biểu tượng của cuộc xuất hành – vượt qua. Cả hai hạn từ bánh và thịt, quả thực, đều thuộc về trường ngữ nghĩa thực phẩm.

Ơn huệ sự sống mà Đức Giêsu ban tặng là chính “thịt” của Người. Điều đó có nghĩa là Thần Khí và sự sống thần linh không được ban tặng bên ngoài thực tại nhân loại của Chúa Giêsu: “thịt của Đức Giêsu” diễn tả sự sống ấy và thông ban sự sống ấy. “Thịt” ở đây ám chỉ Ngôi Lời Nhập Thể, tức là chỉ toàn diện con người cụ thể của Đức Giêsu. Nhờ “thịt của Đức Giêsu”, sự sống của Thiên Chúa trở thành thực tại cụ thể, lịch sử và hiện thực cho con người chúng ta.

Vì thế, “thịt của Chúa Giêsu” không chỉ là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa thế gian, mà còn là ơn huệ của chính Chúa Giêsu tự hiến ban mình cho thế gian và là ơn huệ của tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian (3,16: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”). Sự hiện diện của “thịt Chúa Giêsu”, như thế, là một sự hiện diện tìm kiếm một cuộc gặp gỡ, là một khao khát thông ban chính mình của Thiên Chúa tình yêu cho thế gian. Thiên Chúa thực hiện sự hiệp thông sâu xa với con người ngay trên bình diện nhân loại, nơi Đức Giêsu và nhờ Đức Giêsu.

Khác với ở 6,41, những lời tuyên bố của Đức Giêsu ở đây đã không tạo nên một làn sóng chỉ trích, mà chỉ gây nên một cuộc tranh luận sôi nổi giữa những người Do Thái với nhau. Tác giả Tin Mừng viết: “Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (c.52). Họ không hiểu được ngôn ngữ của Đức Giêsu. Cách nói “thịt tôi” đã làm cho họ bối rối. Khi Đức Giêsu sử dụng ẩn dụ bánh hay manna, họ nghĩ rằng họ vẫn còn hiểu được những gì Người muốn nói, vì họ có thể cho rằng Người trình bày vấn đề theo kiểu những hiền nhân do Thiên Chúa sai đến. Nhưng Đức Giêsu lại khẳng định một cách tường minh và rõ ràng rằng bánh đó chính là thịt của Người chứ không phải là đạo lý hay những lời khôn ngoan. Họ không thể hiểu được ý nghĩa của lối nói “ăn thịt tôi đây”. Tất nhiên đối với các độc giả thuộc cộng đoàn Gioan thì ý nghĩa của những lời Đức Giêsu nói ở đây không khó hiểu, nhất là trong khung cảnh của các buổi cử hành Thánh Thể. Nhưng với những người Do Thái thì khác. Họ thảo luận với nhau, tức là họ tìm cách giải thích, nhưng không thành công.

Đức Giêsu nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (cc.53-54). Đức Giêsu chuyển sang lời tuyên bố thứ hai của mình, lời tuyên bố này giải thích lời tuyên bố trên kia. Ở đây, thêm vào yếu tố “thịt” là yếu tố “máu”, và như thế, “thịt” ở đây không còn chỉ toàn diện con người cụ thể của Đức Giêsu như trong câu 51c nữa, mà là yếu tố đối chiếu với “máu”. Đàng khác, sự tách rời “thịt” và “máu” diễn tả cái chết thảm khốc trên thập giá của Người. Đức Giêsu cho con người được ăn thịt và uống máu của Người khi Người đi vào cái chết hiến mình của Người. Khi bạo lực và sự gian ác thế gian đã tách lìa thịt và máu của Người bằng cách đẩy Người đi vào cái chết thập giá thảm khốc, thì lại chính là lúc tình yêu tuyệt hảo của Người được thể hiện và thông ban trọn vẹn, đồng thời Thần Khí, sự sống, tình yêu và vinh quang được trao ban đến mức độ tận cùng.

Đức Giêsu khẳng định rằng ai ăn thịt và uống máu của Người, kẻ đó sẽ có sự sống đời đời nơi mình và sẽ được sống lại trong ngày sau hết. Ngược lại, kẻ chối từ lãnh nhận thịt và máu Đức Giêsu sẽ không có sự sống nơi mình. Họ sẽ chỉ tìm được cái chết và sự diệt vong đời đời. Tại sao? Câu trả lời thật rõ ràng: “Vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (c.55). Bí tích Thánh Thể là ngữ cảnh của lời giải thích này.

Rồi Người nói tiếp: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (c.56). Sự gắn bó với Đức Giêsu không dừng lại ở thực tại bên ngoài. Người không phải chỉ là gương mẫu để chúng ta noi theo và bắt chước, nhưng là một thực tại thâm sâu để chúng ta ở lại trong đó, và Người sẽ ở lại trong chúng ta. Khi chúng ta ăn thịt và uống máu Người, chúng ta đi vào một cuộc trao đổi kỳ diệu, vì chính Người thực hiện cuộc trao ban thâm sâu và hữu hiệu chính cái thực tại phong phú bên trong của Người cho chúng ta và với chúng ta.

Thực tại thâm sâu bên trong đó chính là sự sống mà Người có tự nơi Cha, và Người hoàn toàn sống nhờ Cha. Tương quan thần linh đó cũng chính là khuôn mẫu và nền tảng của việc thông ban sự sống của Người cho những ai ăn thịt và uống máu Người. Quả thật, chính Chúa nói: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (c.57).

Gợi ý suy niệm và chia sẻ

  1. Nhân tính của Ngôi Lời, tức là con người toàn diện, cụ thể, lịch sử và hiện thực của Đức Giêsu được ban tặng làm lương thực cho chúng ta được sống muôn đời. Chính Người đã quả quyết như thế khi nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (c.51).
  2. Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (c.55). Phân biệt máu với thịt, Đức Giêsu có ý nói đến cái chết thập giá đau thương của Người. Ân huệ Thánh Thể có nền tảng trong chính cái chết thập giá của Đức Giêsu, trong chính sự hiến dâng chính mạng sống của Người vì sự sống thế gian, sự hiến dâng đã được thực hiện như là bằng chứng tuyệt hảo của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho thế gian. Chính Đức Giêsu, Đấng đã hiến ban sự sống của Người trên thập giá, là Đấng ban cho chúng ta thịt của Người làm của ăn và máu của Người làm của uống.
  3. Đức Giêsu lá bánh sự sống. Ai tin vào Người sẽ có sự sống nơi mình và sẽ được sống đời đời. Không có một Giêsu khác với Đấng đã hiến dâng chính sự sống mình trên thập giá và nay đang tự hiến thịt và máu Người làm của ăn và thức uống trong bí tích Thánh Thể. Chính Đức Giêsu đó đang nói với chúng ta: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (c.54).
  4. Đức Giêsu nói rõ rằng ai ăn thịt và uống máu của Người, kẻ đó sẽ có sự sống đời đời nơi mình và sẽ được sống lại trong ngày sau hết. Ngược lại, kẻ chối từ lãnh nhận thịt và máu Đức Giêsu sẽ không có sự sống nơi mình. Họ sẽ chỉ tìm được cái chết và sự diệt vong đời đời. Đức Kitô Thánh Thể là mối dây liên kết chúng ta. Không ăn thịt của Người, chúng ta chắc chắn sẽ tan rã.

Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube