Các tín hữu Công giáo Hoa Kỳ hồi tưởng Đức Bênêđictô XVI với tư cách là một Thần học gia, Thầy dạy và Mục tử

Đức Giáo hoàng Benedict XVI vẫy tay sau khi đến sân bay Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 29 tháng 11 năm 2006. Khi Đức Hồng y Joseph Ratzinger trở thành Giáo hoàng Benedict XVI và bước theo dấu chân của vị tiền nhiệm yêu quý và có sức cuốn hút của mình, ngài cho biết rằng ngài cảm thấy một chiếc máy chém đã giáng xuống mình Vatican thông báo hôm thứ Bảy, ngày 31 tháng 12 năm 2022 rằng Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI đã qua đời ở tuổi 95 (Ảnh: Andrew Medichini/AP)

Đức Giáo hoàng Benedict XVI vẫy tay sau khi đến sân bay Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 29 tháng 11 năm 2006. Hôm thứ Bảy, ngày 31 tháng 12 năm 2022, Vattican thông báo  rằng Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI đã qua đời ở tuổi 95 (Ảnh: Andrew Medichini/AP)

NEW YORK – Khi tin tức về cái chết của Đức Giáo nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI lan truyền đến Hoa Kỳ, một trong những phản ứng đầu tiên xuất phát từ Đức Hồng y Seán O’Malley Địa phận Boston, người đã hồi tưởng về “sự chăm sóc mục vụ sâu sắc” mà Đức Bênêđictô XVI đã thể hiện trong cuộc gặp gỡ với các những nạn nhân của vấn nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục trong chuyến viếng thăm mục vụ tới Hoa Kỳ vào năm 2008.

Đó là một thời điểm quan trọng không chỉ trong Triều đại Giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI mà còn trong lịch sử của Giáo hội, vì đây là lần đầu tiên một vị Giáo hoàng gặp gỡ và xin lỗi những nạn nhân của vấn nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục.

“Thật là một đặc ân lớn lao đối với tôi khi được có mặt tại cuộc họp này, vì Đức Thánh Cha, theo những cách thức rất riêng, đã thể hiện sự quan tâm mục vụ sâu sắc của mình đối với những nạn nhân sống sót”, Đức Hồng y O’Malley nói.

“Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã thừa nhận nỗi đau của những nạn nhân sống sót và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lạm dụng”, Đức Hồng y O’Malley tiếp tục. “Lúc đó, Đức Bênêđictô XVI vẫn luôn cam kết với Giáo hội hỗ trợ hành trình chữa lành vết thương của họ và nỗ lực làm tất cả những gì có thể để đảm bảo bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên và những người lớn dễ bị tổn thương”.

Lời nhận định trên là một trong số nhiều nhận xét xuất phát từ các giáo sĩ Công giáo Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo giáo dân về cái chết của Đức Bênêđictô XVI, với nhiều những lời cầu nguyện, mô tả ảnh hưởng của ngài với tư cách là một thần học gia và một học giả, đồng thời ca ngợi Đức cố Giáo hoàng là một người yêu mến Thiên Chúa và Giáo hội.

Đức Tổng Giám mục Timothy Broglio, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, đã gọi Đức Bênêđictô XVI là “nhà thần học lỗi lạc” và là “thầy dạy đức tin có tầm ảnh hưởng sâu sắc”.

“Với tư cách à một Linh mục, Giáo sư đại học và Thần học gia, Tổng Giám mục và Hồng y, tiếng nói của Đức Bênêđictô XVI trong việc đào sâu một sự hiểu biết đích thực đã dẫn tất cả chúng ta đến một lòng yêu mến sâu sắc hơn đối với sự thật và mầu nhiệm của Thiên Chúa”,  Đức Cha Broglio, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Nghĩa vụ Quân sự, Hoa Kỳ, cho biết trong một tuyên bố.

“Sẽ mất nhiều năm để chúng ta nghiên cứu sâu hơn về kho tàng kiến thức phong phú mà ngài đã để lại cho chúng ta”, Đức Tổng Giám mục Broglio nói.

Đức Tổng Giám mục Broglio cũng nhấn mạnh quyết định từ chức Giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI vào năm 2013, và việc quyết định này “đã tiếp tục giáo huấn của ngài về lòng can đảm, sự khiêm tốn và lòng yêu mến đối với Giáo hội”.

“Đức Bênêđictô XVI đã nhận ra những đòi hỏi to lớn đối với ngài với tư cách là Mục tử lãnh đạo Giáo hội Hoàn vũ gồm một tỷ tín hữu Công giáo trên toàn thế giới và những hạn chế về thể chất của ngài đối với một nhiệm vụ to lớn như vậy”, Đức Tổng Giám mục Broglio nói. “Ngay cả khi đã nghỉ hưu, rút lui về sống một cuộc đời thầm lặng cầu nguyện và học hỏi nghiên cứu, Đức Bênêđictô XVI vẫn tiếp tục dạy chúng ta cách thức làm thế nào để trở thành người môn đệ chân chính của Đức Kitô trong khi vẫn tiếp tục đóng góp vào di sản của ngài”.

“Các thế hệ sẽ tiếp tục được làm phong phú thêm bởi những cuốn sách, các bài diễn văn và bài giảng của Đức Bênêđictô XVI”, Đức Tổng Giám mục Broglio cho biết thêm. “Tất cả những điều đó đều cho thấy chiều sâu của việc học hỏi và suy ngẫm, điều cần thiết cả trong thời đại của chúng ta lẫn trong tương lai”.

Đức Hồng Y Timothy Dolan Địa phận New York cho biết rằng Đức Bênêđictô XVI là một “người uyên bác, khôn ngoan và thánh thiện, người nói lên sự thật bằng tình yêu”. Đức Hồng y Dolan cũng cho biết thêm rằng Giáo hội thương tiếc sự ra đi của ngài, “trong khi đồng thời tri ân món quà mà ngài đã để lại với tư cách là một Mục tử nhân lành và một Giáo hoàng”.

Tổng thống Joe Biden, bản thân là một người Công giáo, đã nhớ đến sự hào phóng nồng hậu mà Đức Bênêđictô XVI đã dành cho ông khi ông đến thăm Vatican vào năm 2011. Tổng thống Biden cho biết Đức Bênêđictô XVI sẽ được nhớ đến như một “nhà thần học nổi tiếng, cả đời tận tụy với Giáo hội, được hướng dẫn bởi các nguyên tắc và đức tin của ngài”.

“Như Đức Bênêđictô XVI đã nhận xét trong chuyến viếng thăm Nhà Trắng năm 2008, ‘sự cần thiết về sự liên đới toàn cầu là điều cấp bách hơn bao giờ hết, nếu tất cả mọi người đều phải sống sao cho xứng đáng với phẩm giá của mình’”, Tổng thống Biden cho biết trong một tuyên bố. “Chớ gì sự chú trọng của Đức Bênêđictô XVI vào việc mục vụ bác ái tiếp tục là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta”.

Đức Hồng Y Blase Cupich Địa phận Chicago, trong một tuyên bố, lưu ý rằng Đức Bênêđictô XVI là vị Giáo hoàng cuối cùng tham dự Công đồng Vatican II, và cùng với điều đó, “là cầu nối đến tương lai, nhắc nhở tất cả chúng ta rằng công cuộc cải cách và đổi mới Giáo hội đang diễn ra”.

Peter Kilpatrick, Hiệu trưởng Đại học Công giáo Hoa Kỳ, cũng bình luận về sự đóng góp của Đức Bênêđictô cho Công đồng Vatican II, đồng thời cũng cho biết rằng ngài là một trong những “nghị phụ vĩ đại” của Công đồng.

“… Đức Bênêđictô XVI đã tìm cách thông qua giáo huấn và các bài viết của mình để giáo dục mọi người cách tôn kính, đọc và hiểu Kinh Thánh – và phần lớn sứ vụ và Triều đại Giáo hoàng của ngài đều được dành riêng cho mục đích đó”, ông Kilpatrick nói trong một tuyên bố.

“Đức Bênêđictô XVI sẽ được nhớ đến như vị Giáo hoàng đã truyền cảm hứng cho các tín hữu nhận thức sâu sắc hơn về Bí tích Thánh Thể như là ‘nguồn mạch và đỉnh điểm’ của đức tin Công giáo, thúc đẩy việc đổi mới Bí tích cực thánh này như là trung tâm điểm của đức tin, bày tỏ tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với mọi người nam giới và phụ nữ”.

John McGreevy, Charles và Jill Fischer tại Đại học Notre Dame, người gần đây đã xuất bản cuốn sách Giáo hội Công giáo: Lịch sử toàn cầu từ Cách mạng Pháp đến Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhận xét rằng theo một cách nào đó, cái chết của Đức Bênêđictô XVI đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên hậu Công đồng Vatican II.

McGreevy nhấn mạnh rằng Đức Bênêđictô XVI là nhân vật quan trọng cuối cùng còn sống của Công đồng Vatican II, và đồng thời ghi nhận “ảnh hưởng to lớn” của ngài đối với một số tài liệu chung kết. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng theo thời gian, “Đức Bênêđictô XVI đã trở thành người lãnh đạo của những người chống đối những thay đổi tiếp theo được thực hiện”.

Những bình luận chỉ trích khác liên quan đến di sản của Đức Bênêđictô XVI sau khi ngài qua đời liên quan đến bản báo cáo vào tháng 2 năm 2022 ám chỉ ngài trong việc bao che hành vi giáo sĩ lạm dụng tình dục khi ngài còn là Tổng Giám mục Địa phận Munich từ năm 1977 đến năm 1982. Đức Bênêđictô XVI trước đây thừa nhận rằng đôi khi ngài không hành động kiên quyết đối mặt với những kẻ xâm hại.

Phản ứng trước cái chết của Đức Bênêđictô XVI, Francis DeBernardo, Giám đốc điều hành của New Ways Ministry – một tổ chức hoạt động nhằm quy tụ Giáo hội và cộng đồng LGBTQ+ – cho biết sự đóng góp của Đức Bênêđictô XVI, khi còn là Hồng y Joseph Ratzinger, đối với nhiều tài liệu lên tiếng chống lại vấn đề đồng tính luyến ái đã và đang gây ra “sự tổn hại về mặt mục vụ nghiêm trọng” đối với cộng đồng Công giáo LGBTQ+ và các đồng minh của cộng đồng này. Ông cũng cho biết thêm rằng các tài liệu cũng khiến nhiều người Công giáo rời bỏ Giáo hội.

Tuy nhiên, phần lớn tình cảm của các nhà lãnh đạo Giáo hội đối với cái chết của Đức Bênêđictô XVI có thể được tóm tắt bằng dòng kết thúc những hồi tưởng của Đức Hồng y O’Malley: “Tôi sẽ nhớ nhung luyến tiếc Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube