Các nhà lãnh đạo tôn giáo từ các quốc gia có chiến tranh: Tôn trọng sự thiêng liêng của sự sống và các địa điểm thờ phượng

Lời kêu gọi được đưa ra trong tuyên bố chung kết của Hội nghị bàn tròn về Hòa bình quy tụ các Phật tử, các Kitô  hữu, các tín đồ Ấn giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo ở Tokyo theo sáng kiến Các Tôn giáo vì Hòa bình. “Chúng ta cầu nguyện và bày tỏ tình liên đới với những người đang phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh và bạo lực đang diễn ra. Chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực làm việc để thăng tiến công ích”.

ReligionsforPeace

Các nhà lãnh đạo của 5 tôn giáo khác nhau (Phật giáo, Kitô giáo, Ấn giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo) từ 15 quốc gia khác nhau bị đánh dấu bởi chiến tranh và xung đột. Cùng nhau quy tụ quanh hội nghị bàn tròn để suy ngẫm về nhiệm vụ của họ với tư cách là những người có đức tin trong việc thúc đẩy hòa bình trong tuần trước tại Tokyo như một phần của Hội nghị bàn tròn thứ hai vì Hòa bình.

Hội nghị bàn tròn được triệu tập bởi tổ chức Các Tôn giáo vì Hòa bình cùng với Liên minh các nền văn minh của Liên Hợp Quốc do Liên Hợp Quốc thúc đẩy. Bốn ngày thảo luận có sự hiện diện của các nhân chứng quan trọng bao gồm Đức Tổng Giám mục Chính thống giáo Emmnauel Adamakis Địa phận Chalcedon, giáo sĩ Hồi giáo Abdallah Bin Bayyah, Chủ tịch hiệp hội Rabbis vì Nhân quyền Avi Dabush của Israel, và Đức nguyên Giám mục Lutheran Mounib Yunan tại Thánh địa.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những đau khổ không thể tưởng tượng được mà người dân đang phải chịu đựng ở các khu vực xung đột trên khắp thế giới, bao gồm Haiti, Trung Đông, Myanmar và Ukraine”, các nhà lãnh đạo tôn giáo viết trong tuyên bố chung kết được đưa ra vào cuối hội nghị.

“Chúng tôi nhận thấy rằng nền tảng của hòa bình và an ninh đang bị đe dọa ở mọi khu vực trên thế giới, trong khi những người dễ bị tổn thương nhất – phụ nữ, trẻ em và những nhóm dân cư bị thiệt thòi – đang bị vướng vào làn đạn và phải chịu đựng bạo lực nghiêm trọng, bị buộc phải di tản và các hành vi vi phạm nhân quyền khác.

Được truyền cảm hứng từ những giáo huấn thiêng liêng của tôn giáo của mình, các tham dự viên tham gia hội nghị đã cùng nhau tái khẳng định một số nguyên tắc cơ bản nhưng ngày nay đã bị suy yếu nghiêm trọng trong bối cảnh chiến tranh: sự thiêng liêng của sự sống và phẩm giá con người phải luôn được đề cao và bảo vệ; trách nhiệm chung của các nhà lãnh đạo tôn giáo trong việc thúc đẩy hòa bình tích cực bằng cách thúc đẩy lòng từ bi và sự hiểu biết về nhân tính chung của chúng ta; ý tưởng rằng việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột phải được phi chính trị hóa và đặt nền tảng trên việc khôi phục hòa bình, an ninh, công lý và phẩm giá con người.

“Cùng với nhau”, họ tiếp tục viết, “chúng tôi kêu gọi chấm dứt và chuyển đổi tất cả các cuộc chiến tranh, xung đột đang diễn ra cũng như việc sử dụng bạo lực và vũ khí (bao gồm cả vũ khí hạt nhân, vũ khí thông thường và vũ khí mạng cũng như các thiết bị nổ tự tạo) trên cơ sở trách nhiệm tập thể của chúng ta trong việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình nhằm duy trì và bảo vệ sự thiêng liêng của sự sống và phẩm giá con người, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương nhất. Nó cũng kêu gọi ‘việc gìn giữ và bảo vệ sự tôn nghiêm của các địa điểm thờ phượng và các địa điểm linh thiêng cũng như việc tiếp cận các địa điểm đó một cách tự do và an toàn, cả trong thời chiến và xung đột cũng như trong thời bình và hòa hợp’”.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo tôn giáo hiện diện cam kết huy động các cộng đồng của họ nhằm “cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo cho các cộng đồng bị chiến tranh tàn phá, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương nhất, và thúc đẩy sự hợp tác liên tôn vì công ích và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta”, đồng thời “xây dựng nền hòa bình tích cực” thông qua các quá trình hàn gắn và hòa giải lâu dài nhằm ngăn chặn sự tái diễn và kéo dài của chiến tranh và bạo lực.

“Chúng tôi, các nhà lãnh đạo tôn giáo”, Tuyên bố của Hội nghị Bàn tròn về Hòa bình Tokyo kết luận, “dâng những lời cầu nguyện chân thành và biểu lộ sự liên đới kiên định với những người phải chịu gánh nặng của chiến tranh và bạo lực đang diễn ra. Chúng tôi tái khẳng định cam kết tiếp tục cầu nguyện và nỗ lực làm việc theo cách thức đa tôn giáo cho một nền văn hóa hòa bình nhằm thúc đẩy công ích, dựa trên sự tôn trọng sự thánh thiêng của sự sống và phẩm giá con người”.

Minh Tuệ (theo Asia News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube