Bao Giờ Mới Thôi Cầu Nguyện Cho Công Lý Và Hòa Bình?

Khi phẩm giá con người và công ích bị đe dọa, cần phải gióng lên một tiếng nói tiên tri

IMG_0715-300x168Cầu nguyện cho công lý và hòa bình đã trở nên cần thiết, quen thuộc, như sự hô hấp cần thiết để duy trì sự sống. Để trả lời cho câu hỏi ấy, phải đặt lại vấn đề, bao giờ mới có công lý và hòa bình? “Sứ mệnh của kitô hữu là không mệt mỏi cầu nguyện cho thế giới, cầu bầu cho tha nhân, loan báo, làm chứng cho Chúa Kitô và noi gương Chúa nối liền đất với trời.” ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên trong bài giảng thánh lễ Chúa Thăng Thiên, ngày 27 tháng 5 tại quảng trường Kennedy của thành phố Genova, miền bắc Italia, truớc sự hiện diện của hơn 100.000 tín hữu.

Một thế giới không tách lìa khỏi tình yêu của Thiên Chúa, một nhân loại luôn có chỗ trong lòng thương xót của Thiên Chúa, và cả thế giới cùng nhân loại sống trong đó đã được Đức Kitô Cứu chuộc.

Sống trong thế gian, không thuộc về thế gian, nhưng người Kitô hữu vẫn liên đới với những người khác, đặc biệt với những người đồng đạo. Có thể nói, không có gì xảy ra cho con người, cho anh chị em mình mà người Kitô hữu không cảm thấy chạm vào chính bản thân mình. Vì thế, lời cầu nguyện của người tín hữu thật sự trở nên cầu nối giữa con người với Thiên Chúa, giữa anh chị em mình, trong mầu nhiệm một Thân thể, với Chúa Kitô, là Đầu của Thân thể đó.

Đương đầu với sự dữ trong mọi hình thức, ra sức xây dựng một xã hội dựa trên những giá trị chân thật của Tin mừng, của nhân loại, là sứ mạng của người tín hữu. Với ý thức Chúa Kitô đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất, và quyền đó được thi thố qua những hành vi kiến tạo nền hòa bình trong công lý, người Kitô hữu dấn thân trong mọi lãnh vực của cuộc sống.

Vì thế, Lời Kinh Hòa Bình luôn được dịu dàng, nhưng không kém phần hùng tráng, cất lên thay cho những tiếng thét uất nghẹn của những nạn nhân của những bất công, hoặc những lời nguyền rủa những kẻ gian ác, trong những hoàn cảnh bi thương vang dội tiếng cười ngạo mạn, đắc thắng của những kẻ thủ ác.

Vì thế, trong tinh thần thánh thiện, ôn hòa và tôn trọng sự thật, người Kitô hữu đương đầu với những bất công, đấu tranh không ngừng nghỉ, không khoan nhượng với những cái xấu và cái ác, như lời cụ Nguyễn Trãi: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo.”

Đại nghĩa đây là cái tình nước non, nghĩa đồng bào, dân tộc. Với người Kitô hữu, đó còn là vì Chúa Kitô đã chiến thắng thế gian hung bạo, tạo nên sức mạnh và sự can đảm cho họ (Ga 16,33), và chí nhân là gì nếu không phải là cầu nguyện trong sự xót thương cho những kẻ đang bách hại mình biết hổ thẹn với lương tâm về những hành vi cầm thú xâu xé sự an nguy của dân tộc, sự bình an của từng gia đình, mà quay trở về nẻo chính đường ngay.

Lời cầu nguyện cho công lý và hòa bình của người Kitô hữu không đơn độc. Trong thánh lễ cầu nguyện cho những người đang bị bách hại, cho các tù nhân lương tâm và những người phải chịu những hàm oan đang rên xiết thấu đến trời cao, Hội thánh cử hành lễ tế của chính Đức Giêsu trong tư cách là Đầu của Hội thánh và Thủ lãnh của nhân loại.

Người đang đau cùng với những nỗi đau thể xác và tâm hồn của con cái, của con người đang bị áp bức; Người thấu hiểu những nỗi oan ức, vì chính Người cũng đã từng bị kết án oan sai, bị hành hạ và kêu lên Chúa Cha những lời cầu xin thống thiết bi ai và bị giết chết.

Không một tiếng kêu nào, không một nhục hình nào của bất cứ ai, trong số những con người khốn khổ, xưa cũng như nay mà không được Đức Giêsu lồng vào trong lời cầu nguyện của Người. Vì Người mãi mãi Hiện Diện với nhân loại mọi ngày cho đến tận thế.

Lời cầu nguyện không thể thay thế cho hành động, nhưng tạo nên sự hứng khởi, nung nấu lòng nhiệt thành, duy trì niềm hy vọng và tăng cường tình bác ái cho mọi tín hữu, cùng với Chúa Kitô ra đi xây dựng hòa bình bằng những viên gạch của đức tin, “vì không có Thầy anh em không làm gì được” (Ga 15,5), giữa những hoang tàn của một dân tộc đang tiến về cõi chết vì chủ trương phát triển kinh tế bất chấp sự hủy hoại môi trường; vì sự tham lam của nhà cầm quyền đang bán dần quê hương; vì sự độc ác sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn và bạo lực để trấn áp, cướp đoạt.

Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng số 218 có nói: “Hoà bình trong xã hội không thể được hiểu như là sự bình định hay vắng bóng bạo lực, do sự thống trị của một bộ phận xã hội trên các bộ phận khác. Hoà bình cũng không phải là cái cớ để biện minh cho một cơ cấu xã hội làm cho người nghèo phải câm miệng, hay phải cam phận, để cho những kẻ giàu có hơn có thể ung dung hưởng thụ nếp sống của họ, đang khi những người khác phải cố sống được thế nào hay thế ấy.

Những đòi hỏi về sự phân phối của cải, sự quan tâm tới người nghèo và các quyền con người, không thể được dập tắt bằng cái vỏ bọc tạo ra một sự đồng thuận trên giấy tờ, hay một thứ hoà bình tạm bợ cho một thiểu số mãn nguyện. Phẩm giá con người và công ích giữ vị trí cao hơn sự tiện nghi của những người không chấp nhận từ bỏ những đặc quyền của mình.

Khi những giá trị này bị đe doạ, cần phải gióng lên một tiếng nói tiên tri.”

Thánh lễ cầu nguyện cho công lý và hòa bình chính là những tiếng nói tiên tri ấy.

                                                                                    Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube