Theo dòng lịch sử của Giáo Hội, Chúa nhật thứ II sau Lễ phục sinh được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau: Chúa nhật tám ngày sau lễ Phục sinh, Chúa nhật “Áo trắng” (in Albis), bởi vì các tân tòng cởi chiếc áo trắng mà họ đã lãnh nhận khi lãnh các bí tích khai tâm vào đêm Vọng Phục sinh, đánh dấu việc kết thúc giai đoạn huấn giáo khai tâm. Trong suốt tuần bát nhật Phục Sinh, họ đều mang áo trắng để tham dự các buổi phụng vụ thánh, đặc biệt là Thánh lễ. Trong Năm Thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II đã ấn định rằng trong toàn thể Hội thánh, Chúa nhật sau lễ Phục sinh, ngoài danh hiệu Chúa Nhật Áo trắng, sẽ còn được đặt tên là Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót.
Riêng đối với các nhà truyền giáo DCCT trên vùng đất Tây Nguyên, Chúa nhật thứ II sau lễ Phục sinh đã thành “ngày truyền thống” dành cho các anh chị em tân tòng người Jrai. Anh chị em tân tòng Jrai sẽ được quý Cha trong vùng quy tụ lại một nơi để chia sẻ cảm nghiệm gặp gỡ Chúa và cùng nhau cử hành Thánh lễ tạ ơn. Những chứng từ của ơn biến đổi rất phong phú, sống động trở thành động lực thúc đẩy việc truyền giáo và gia tăng lòng tin cho anh chị em.
Năm nay, Cộng đoàn DCCT Cheoreo tổ chức ngày “Chúa nhật áo trắng” tại Giáo xứ Chrôh Ale, thuộc địa bàn thị trấn Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Trong đêm Vọng phục sinh vừa qua (thứ bảy 30/03/2024), quý Cha phục vụ tại các Giáo xứ trong vùng đã cử thành các bí tích khai tâm Kitô giáo cho đông đảo anh chị em Jrai: Giáo xứ Plơi Athai 197, Giáo xứ Bon Ama Djơng 59, Giáo xứ Bon Ơi Nu 25, Giáo xứ Plơi R’Ngôl Ama Drung 56, Giáo xứ Phú Túc 2 (người Kinh), Giáo xứ Chrôh Ale 49, Giáo họ Ia R’sai 20, Giáo họ Chư Ngọc 32 em thiếu nhi. Tổng cộng là 360 anh chị em Jrai và 2 người Kinh, 32 em thiếu nhi trở thành con cái Chúa.
Trong bầu không khí vui mừng của ngày “áo trắng” vào lúc 9g00, anh chị em Jrai đã lên chia sẻ cảm nghiệm về “ơn gọi” theo Chúa. Mỗi người có xác tín riêng nhưng tất cả đều chung một đức tin và đều nhận lãnh lòng thương xót vô bờ của Chúa. Thánh lễ tạ ơn được cử hành vào lúc 10g00, chủ tế là Cha Bề trên Bart. Nguyễn Đức Thịnh, đồng tế có Cha Phó bề trên Phaolô Nguyễn Đình Thi, Cha Chánh xứ Chrôl Ale GB. Nguyễn Văn Hùng. Trong bài giảng Tin Mừng (Ga 20,19-31), Cha phó bề trên Phaolô nhấn mạnh đến ơn của lòng tin, như Lời Chúa nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin !”. Nhưng “mối Phúc” này lại được đặt trong bối cảnh ông Tôma tuyên xưng đức tin, sau lần không gặp Chúa Phục Sinh cùng các môn đệ khác. Tôma đã rời cộng đoàn và phải nhờ các môn đệ khác mời gọi, quy tụ, cầu nguyện thì ông mới được gặp Đức Giêsu Phục Sinh. Không thể gặp Chúa Giêsu Phục Sinh ngoài cộng đoàn, mà cộng đoàn ở đây chính là Hội Thánh.
Quả thật, Chúa Giêsu phục sinh đã cho ông Tôma và muốn tất cả chúng ta chạm vào các vết thương trên thân thể Người. Các vết thương còn mãi muôn đời trên thân thể của Đấng Phục Sinh là dấu chứng cho lòng thương xót vô bờ của Chúa dành cho nhân loại. Các dấu đinh, nhất là cạnh sườn mở toang tuôn đổ máu và nước đến cạn kiệt là nguồn mạch của các bí tích cứu độ. Thân thể Đức Giêsu Phục Sinh giờ đây được bẻ ra hằng ngày trong các Thánh lễ để dân Chúa được no thoả sự sống đời đời ngay khi còn ở thế gian.
Những chiếc áo trắng, khăn kỷ niệm ngày được lãnh Bí tích thanh tẩy của anh chị em giờ thấm đẫm mồ hôi vì thời tiết nóng bức. Nhưng đó cũng lại là dấu chỉ của lòng tin, về sự hiệp nhất của anh chị em Jrai khi quy tụ về đây trong “ngày áo trắng”. Tình thương Chúa lan tràn, tuôn đổ trên những người con của núi rừng, những người tưởng chừng bị lãng quên, bị bỏ rơi. Nay Chúa kêu gọi anh chị em theo Người để phục sinh anh chị em, gia đình, buôn làng anh chị em trong sự sống mới và đời sống mới là Kitô hữu. Nguyện xin Lòng Thương Xót của Chúa ở cùng anh chị em luôn mãi. Amen.
Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT
(Chrôl Ale 07/04/2024)