Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày cách sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển của Dòng Chúa Cứu thế trên đất cố đô Huế, để thấy được sự nỗ lực, cố gắng, những sáng kiến đầy táo bạo và sáng tạo của các tiền nhân trong công cuộc loan báo Tin Mừng, đồng thời cũng là để thấy cánh tay Thiên Chúa quan phòng sắp đặt mọi sự trật tự trong ý định hằng có của Người.
DÒNG CHÚA CỨU THẾ TRÊN ĐẤT HUẾ
(Trích trong “Dòng Chúa Cứu Thế và Công Cuộc Truyền Giáo Tại Huế” của Văn phòng Tông Đồ – Năm 2020)
Nhà Huế là tu viện cổ kính nhất của Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam.
Ngày 14/10/1925, ba vị thừa sai tiên khởi đã rời quê hương Canada sang Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ cao cả mà Hội thánh đã ủy thác, gồm các cha: Hubert Cousineau (1890-1964), Eugène Larouche (1892-1978) và thầy Thomas saint-Pierre Barnabé (1883-1961).
Ngày 30/11/1925, ba vị đến Huế. Các ngài được đấng bản quyền địa phương là đức cha Allys (Lý) đón tiếp nồng hậu và mời về tạm trú tại Tòa giám mục Huế bao lâu tùy theo kế hoạch của nhà Dòng.
Những ngày đầu tại Huế, ba vị thừa sai đã dành thời gian thăm viếng các linh mục của giáo phận, thăm Đại Chủng viện, nhất là đi hành hương Đức Mẹ La Vang để dâng công cuộc loan báo Tin Mừng của Dòng tại Việt Nam cho Đức Mẹ, cũng như để thực địa mảnh đất La Vang nơi các vị hữu trách trong giáo phận đề nghị nên lập tu viện ở đó.
Ngày 8/12/1925, ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, bổn mạng của Dòng, cha Hubert Cousineau đã dâng thánh lễ, có sự tham dự của tất cả các anh em, để cầu nguyện cho sứ vụ lập Dòng tại Việt Nam.
Những ngày sau đó, các thừa sai tiếp tục công cuộc thăm viếng nhiều nơi, như: thăm họ Đá Hàn và lăng Khải Định (10/12/1925), thăm họ đạo Nước Ngọt (12/12/1925) và quan trọng nhất là học tiếng. Theo ký sự do các thừa sai để lại, chỉ 14 ngày sau khi đến Huế, ngày 14/12/1925, các ngài đã khởi sự học tiếng Việt[1] với thầy Tống Viết Toại – con cháu của thánh tử đạo Tống Viêt Bường, giáo sư trường Quốc học Huế và kết quả là chỉ sau 9 tháng, ngày 15/8/1926, cha Eugène Larouche đã có thể giảng bài giảng đầu tiên bằng tiếng Việt tại Dòng Kín Carmelo Huế, với đề tài: “Đức Bà là Mẹ nhân từ yêu dấu của ta.”
Ngày 22/8/1926, sau thời gian tá túc tại Tòa giám mục, mặc dù được các đấng bản quyền giúp đỡ, nhưng vì kế hoạch lâu dài, và cũng có đôi chút bất tiện, các thừa sai tiên khởi của dòng đã tìm và chọn được một gia đình có nhà rộng rãi nằm gần đường sắt, thuộc Phủ Cam, để làm nơi tạm trú. Đó là nhà ông Đinh Doãn Sắc. Ngày 01/10/1926, các cha dọn về nhà mới.
Những ngày đầu mới đến Việt Nam, mặc dù còn xa lạ với vùng đất mới, một mặt vừa phải lo tìm nơi xây dựng cơ sở, vừa phải lo học tiếng, nhưng không vì thế mà các thừa sai chểnh mảng bổn phận quan trọng nhất mà vì đó mà họ nhận lời tới Việt Nam. Trong thư gửi cha bề trên cả Patrice Murray, Đức Hồng y Van Rossum – Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, đã gửi gắm niềm mong ước của Giáo hội khi đề nghị Dòng Chúa Cứu Thế đến lập dòng tại Đông Dương là để “giảng đại phúc và các cuộc cấm phòng cách riêng cho hàng giáo sĩ để khơi dậy tinh thần và lòng nhiệt thành linh mục”[2] Vì thế, chỉ bốn ngày sau khi đến Huế, các thừa sai đã nhận những đơn đặt hàng đầu tiên từ các giám mục thuộc các giáo phận Hưng Hóa, Phát Diệm, xin tổ chức cấm phòng cho các linh mục và giáo phận Huế xin giúp cấm phòng cho các thừa sai ngoại quốc và các sư huynh La San, dòng Carmêlô, Dòng Đức Bà Truyền Giáo. Đầu năm 1926, sau hai tháng thăm viếng các nơi, hai thừa sai tiên khởi (cha Hubert Cousineau và Eugène Larouche) đã bắt đầu những kỳ giảng cấm phòng cho các thừa sai tại các giáo phận, cũng như cho các cộng đoàn người Pháp.
Lịch giảng trong năm 1926 của hai cha Hubert Cousineau và Eugène Larouche, được các cha ghi lại trong ký sự,[3] cho thấy sức hoạt động và lòng nhiệt thành tông đồ của các ngài: ngày 02/02/1926, cha Larouche giảng cho các sư huynh La-san, tại Huế; ngày 17/03/1926, cha Larouche giảng tại nhà nguyện Carmêlô; ngày 21-23/03/1926, cha Larouche đi Hà Nội giảng cấm phòng cho các nữ tu dòng kín Carmêlô và giúp cấm phòng cho cộng đoàn tín hữu Pháp; ngày 02/9/1926, cha Cousineau giảng tĩnh tâm cho giáo xứ Pháp ở Huế; ngày 4-7/7/1926 cha Cousineau giảng tĩnh tâm cho các thừa sai giáo phận Kontum và sau đó là kỳ cấm phòng cho các thừa sai thuộc giáo phận Sài Gòn từ ngày 18-25/7/1926; ngày 04/9/1926, cha Larouche giảng tại Đá Hàn và đầu tháng 11/1926, tại Đà Nẵng. Trong năm 1926, một mình cha Cousineau, còn tổ chức năm cuộc cấm phòng liên tiếp cho các thừa sai tại giáo phận Huế từ ngày 7-11/01/1926, tại Phát Diệm từ ngày 14-19/01/1926, tại Hưng Hóa từ ngày 22-27/01/1926, tại Kẻ Sở – giáo phận Hà Nội, từ ngày 30/01 đến 04/02/1926 và cấm phòng cho các nữ tu dòng Đức Bà Truyền giáo tại Phát Diệm, từ ngày 7-14/02/1926.
Cuộc kinh lược của cha bề trên giám tỉnh tỉnh Saint – Anne – de – Beaupré, từ ngày 12/11/1926 đến ngày 17/01/1927, đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam, cách riêng tại thành phố Huế. Trong chuyến kinh lược này, ngài không chỉ mang đến Huế hai linh mục và một thầy trợ sĩ[4] để bổ sung cho đoàn thừa sai, mà còn đưa ra những quyết định quan trọng cho tương lai của Dòng, như: các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế Canada sẽ ở lại Đông Dương và sẽ thiết lập tu viện đầu tiên tại ngoại thành Huế, chứ không phải tại La Vang như đề nghị của đức cha Allys (Lý);[5] ngoài việc thiết lập tu viện, trong thời gian trước mắt có ba việc quan trọng phải được ưu tiên: học tiếng Việt, tuyển mộ ơn gọi và đi giảng.[6]
Sau cuộc kinh lược của cha bề trên giám tỉnh Pital, các thừa sai đã tiến hành tìm đất để xây tu viện và mảnh đất hình tam giác rộng 14.225 m2 tại khu An Cựu đã được chọn. Số tiền phải trả là 5.600 đôla. Việc mua bán gặp một số khó khăn về thủ tục, nhưng cuối cùng nhờ ơn Chúa, công việc mua bán cũng hoàn tất. Ngày 20/9/1927, mảnh đất – chỗ hiện nay là nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, vĩnh viễn thuộc về nhà Dòng.[7]
Sau một thời gian lo các thủ tục xây dựng, ngày 28/01/1928, các thừa sai khởi công xây tu viện. Ngày 13/03/1928, đức cha Allys làm phép viên đá đầu tiên. Ngày 21/4/1928, đổ sàn tầng một. Ngày 30/5/1928, lợp mái. Ngày 8/01/1929, khánh thành tu viện. Ngày 13/03/1929[8], tu viện được chính thức thành lập theo giáo luật và ngày 25/03/1929, nhằm ngày lễ Truyền tin cho Đức Mẹ, cộng đoàn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế được chính thức thành lập với cha bề trên tiên khởi là cha Hubert Cousineau.
Một trong những viễn kiến khôn ngoan được coi như có tính quyết định cho sự ổn định và phát triển của Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam là việc các thừa sai tiên khởi của dòng khi vừa đặt chân tới Việt Nam đã bắt tay ngay vào việc đào tạo nhân sự người Việt cho nhà Dòng. Sau kỳ kinh lược của cha Bề trên giám tỉnh Pital, với quyết định “tuyển mộ ơn gọi,” ngay trong năm 1927, các thừa sai đã nhận bốn đệ tử đầu tiên và gửi các em theo học tại Tiểu Chủng viện An Ninh – Huế. Một năm sau, năm 1928, khi cộng đoàn còn ở nhờ nhà ông đốc Sắc, số đệ tử đã tăng lên 27 em. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng các đệ tử sinh, buộc các thừa sai phải nghĩ ngay tới việc xây dựng cơ sở đào tạo. Đầu năm 1929, khởi công xây dựng nhà đệ tử và công trình hoàn thành một năm sau đó. Khóa học đầu tiên khai giảng vào đầu tháng 9 năm 1930. Nhà đệ tử lúc này có 77 đệ tử sinh.
Sau khi ổn định các cơ sở vật chất, chuẩn bị chu đáo và khởi sự chương trình đào tạo, bên cạnh việc tổ chức các kỳ cấm phòng khắp nơi, các thừa sai cũng bắt đầu nghĩ tới những hoạt động tông đồ tại chỗ. Ngày 13/01/1933, nguyện đường dâng kính Mẹ Hằng Cứu Giúp được khởi công xây dựng. Ngày 24/04/1933, tu viện long trọng cung nghinh linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp từ tu viện – nơi từ năm 1929, cha Patrice Gagné đã thường xuyên tổ chức các giờ khấn Đức Mẹ, sang nguyện đường mới.
Ngày 11/5/1935, nhà nghỉ Bạch Mã được xây dựng. Sau đó là việc xây dựng hàng loạt các công trình lớn nhằm phục vụ các anh chị em lương dân về văn hóa, như thư viện, hội trường L’Aceuil, nhà đọc sách, lưu xá Nguyễn Trường Tộ…
Ngày 9/03/1945, Nhật đảo chánh Pháp. Ngày 11/03/1945, vua Bảo Đại tuyên bố độc lập. Huế, cũng như các thành phố lớn khác, đón tiếp một lượng di dân lớn. Phòng khánh tiết nhà đệ tử, hội trường L’Aceuil trở thành nơi đón tiếp người tỵ nạn. Các thừa sai Canada bị quản thúc tại phố Morin. Mọi công việc mục vụ, học tập tại nhà đệ tử đều do các cha Việt Nam đảm nhận.
Ngày 25/5/1953, cha Bề trên Tổng quyền ký văn kiện chuẩn y việc nhà Huế nhận coi sóc một giáo xứ tại Huế. Ngày 5/6/1954, một bản hợp đồng đã được ký kết giữa giáo phận Huế và cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Huế về việc giao và nhận giáo xứ mới với tên gọi giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Như vậy, từ nay bên cạnh việc đi giảng đại phúc, tĩnh tâm, đào tạo ơn gọi, tu viện Huế còn đảm trách nhiệm vụ phục vụ giáo xứ.
Năm 1959, với cộng đoàn Huế, được đánh dấu bằng một sự kiện quan trọng. Sau 25 năm tồn tại, ngôi nhà nguyện nhỏ bé được thiết kế và xây dựng năm 1933 không còn đủ chỗ cho cộng đoàn tín hữu sinh hoạt. Vì thế, nhà Dòng đã quyết định xây dựng ngôi nhà thờ mới lớn hơn với chiều dài 65,51m, rộng 22,85m, cao 28,03m, vòm tháp cao 48,75m. Lễ khởi công xây dựng thánh đường được tổ chức vào kỳ tam nhật kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, ngày 20/6/1959, cũng là dịp Giáo hội Việt Nam kỷ niệm 300 thiết lập hai giáo phận Tông tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài (1659), đồng thời cũng là năm Thánh Mẫu kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức (1859). Thánh lễ khởi công, đặt viên đá đầu tiên do đức cha Gioan B. Urrutia, giám mục giáo phận Huế chủ sự, với khoảng 15.000 người tham dự. Sau bao nhiêu vất vả lo toan, tháng 8/1962 công trình được hoàn thành. Ngày 12/8/1962, nhà thờ và bàn thờ được thánh hiến.
Nghi thức cung hiến thánh đường diễn ra hết sức trọng thể lúc 6 giờ 30 phút sáng ngày 12/8/1962, do Đức cha Phêrô Martinô Ngô Đình Thục cùng hai đức Giám mục là Gioan B. Urrutia và Đa Minh Hoàng Văn Đoàn cử hành. Tham dự nghi lễ còn có Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, Chủ tịch Quốc hội Trương Vĩnh Lễ, nhiều quan chức trong chính quyền, các ngài đại sứ Trung Hoa, Anh và nhiều lính Mỹ. Tổng thống Gioan B. Ngô Đình Diệm cũng đến chúc mừng và tham dự thánh lễ lúc 5 giờ sáng.[9]
Những năm tháng của những sự kiện gây nên cuộc “biến động miền Trung” sau đó, như cuộc đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 02-11-1963, đặc biệt biến cố Mậu Thân 1968, nhiều giáo dân đã chạy đến nương nhờ nhà Dòng và được cứu sống. Một số người bị bắt đưa đi đâu không rõ, trong đó, có sự mất tích của thượng nghị sĩ Trần Điền (1911-1968).
Ngày 26/03/1975, thành phố Huế chuyển mình sang một khúc quanh lịch sử. Những biến cố xảy đến chớp nhoáng, dồn dập. Dân chúng và các tu viện tại Huế di tản vào phía nam tổ quốc.
Sau biến cố 1975, tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Huế chỉ còn lại vỏn vẹn ba linh mục là các cha: Micae Nguyễn Đình Lành, cha Phêrô Hoàng Diệp (từ đảo Lý Sơn về năm 1974), cha Phanxicô Lê Thanh Châu và thầy Fidéli Thịnh. Không bao lâu sau, cha Phanxicô Lê Thanh Châu xin về Vĩnh Long. Nhà Huế chỉ còn lại hai cha, một làm bề trên và một làm chính xứ. Các cơ sở phục vụ cho các sinh hoạt văn hóa trước đây như nhà L’Acueil, trường Việt Hương…đều bị nhà nước tự động đến quản lý. Các sinh hoạt hầu như bị ngưng trệ.
Những năm sau đó, do những khó khăn của thời cuộc, cùng những cấm cách từ phía chính quyền cách mạng, các hoạt động mục vụ chỉ còn bó gọn trong khuôn viên nhà thờ. Trong nỗ lực vượt bậc, hai vị linh mục còn ở lại, thay nhau giúp giáo xứ duy trì những sinh hoạt mục vụ thường xuyên, như: dạy giáo lý cho mọi thành phần giáo hữu, các hội đoàn…; đồng thời, tìm ra những sáng kiến mới cho sứ vụ loan báo Tin Mừng và một trong những sáng kiến đó, là tổ chức các buổi hòa ca, dao ca, với sự cộng tác của nhiều giáo xứ bạn.
Năm 1994, nhà Huế được tăng cường nhân sự: các cha Giuse Lê Viết Phục, Anphongsô Hoàng Gia Khanh, Phaolô Trần Hữu Dũng, các thầy Micae Nguyễn Văn Thiện và Tađeô Trần Tấn Đạo lần lượt đến với cộng đoàn. Sức trẻ cùng lòng nhiệt thành tông đồ đã mang lại cho tu viện và giáo xứ một luồng gió mới. Nhiều chương trình bác ái đã được quý cha, quý thầy triển khai, như: cấp vốn mua xích lô cho giáo dân làm phương tiện kiếm sống, cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên hiếu học, tổ chức chiếu phim cho anh chị em lương giáo, mở cửa phòng ốc cho các sinh viên tới học tập…
Năm 1997, tường rào bảo vệ tu viện và nhà thờ được xây dựng. Năm 1999, thánh đường bắt đầu được trùng tu. Nhà nguyện cũ nay được biến thành chỗ cho các sinh viên tới học bài. Các hoạt động tông đồ tiếp tục diễn tiến trong sự quan phòng của Chúa. Những năm sau này, kể từ khi các kỳ Đại hội Thánh Mẫu La Vang được tái tổ chức cách quy mô, mỗi năm, nhà Huế trở thành nơi dừng chân của hàng vạn các tín hữu từ khắp nơi về hành hương linh địa.
Ngày nay, cũng như toàn thành phố Huế và nằm trong thành phố Huế, Nhà Dòng Chúa Cứu Thế Huế vẫn luôn giữ được nét cổ kính, hiền hòa của một cố đô đã từng in đậm dấu ấn của mình trong lịch sử.
Suốt dòng lịch sử gần 100 hiện diện, tồn tại và phát triển tại thành phố Huế, Dòng Chúa Cứu Thế Huế đã luôn tìm tòi những sáng kiến mới để thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Trong những sáng kiến ấy, nổi bật là các công trình văn hóa. Những công trình này chắc chắn sẽ được ghi dấu mãi trong lịch sử của thành phố Huế, của tổng giáo phận Huế, cũng như lịch sử Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam.
Sau khi ổn định các cơ sở vật chất, như: tu viện (1929), nhà đệ tử (1930), nhà nguyện (1933), nhà nghỉ Bạch Mã (1935), các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế tại Huế đã sớm nghĩ tới việc xây dựng một hệ thống sân chơi cho giới trẻ, gồm: thư viện, phòng đọc sách và một hội trường lớn, rộng đủ cho những buổi diễn thuyết, các buổi văn nghệ. Nhưng, do khó khăn về kinh phí, nên công việc này chỉ được tiến hành vào năm 1938 với một loạt các công trình được xây dựng. Trước hết là thư viện (1938), sau là hội trường L’Aceuil (1938) và cuối cùng là nhà đọc sách (1943).
Hội trường L’Acueil – công trình quan trọng nhất trong cụm công trình văn hóa, được khởi công xây dựng vào ngày 7/03/1938 và khánh thành ngày 01/5/1939. Hội trường L’Aceuil có thể chứa được khoảng 600 đến 700 người, là hội trường lớn nhất ở Huế lúc bấy giờ và được sử dụng cho các buổi diễn thuyết, hội họp, trình diễn văn nghệ. Đây cũng là nơi để các sinh viên có thể đến vui chơi, học hành, đọc sách báo, nghiên cứu, trao đổi quan điểm, và tìm hiểu đạo; nơi để tổ chức các cuộc lễ mừng, với sự tham dự của vua Bảo Đại, của các quan lại triều đình.
Lưu xá Nguyễn Trường Tộ là một sáng kiến khác để giúp các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế Huế “đến với muôn dân.”
Trong một bức thư gửi không đề ngày tháng, cha Bolduc – người phụ trách Lưu xá, cho biết: Lưu xá được thành lập tháng 4 năm 1941. Lưu xá đón tiếp các học sinh không phân biệt lương giáo, đến học các trường tại Huế, lo cho họ có điều kiện ăn ở, học hành; giúp các học sinh công giáo giữ vững đức tin và mở đường cho các học sinh lương dân đến với đạo. Phụ trách Lưu xá là một nhóm gồm có các giáo sư, bác sĩ và hai cha Dòng Chúa Cứu Thế. Năm 1942, có 21 lưu học sinh. Năm 1943, số học sinh tăng lên 44 em và năm học sau đó, số các lưu học sinh là 54 em.
Ngay từ những năm 1930, sau khi tu viện được đưa vào sử dụng, cha Patrice Gagné đã hàng tuần, vào các ngày Chúa nhật, tổ chức các buổi diễn thuyết tại ngay nhà cơm của tu viện.
Mỗi buổi diễn thuyết có hàng trăm tham dự viên. Tất cả đều được mời một cách trọng thị và thường ngôi nhà cơm của tu viện không đủ chỗ.
Các diễn giả thường là các giáo sư giỏi tại Huế lúc bấy giờ, như linh mục – nhà thơ Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, linh mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục, linh mục Gioan B. Hồ Ngọc Cẩn, linh mục Léopold Cadière – nhà văn hóa học nổi tiếng và một số linh mục Dòng Chúa Cứu Thế như cha Hubert Cousineau, cha Oliva Gignac.
Các đề tài thì đa dạng, không chỉ bó gọn trong phạm vi tôn giáo, nhưng mở rộng ra mọi lãnh vực, như khoa học, lịch sử, văn hóa, luân lý, gia đình…
Một trong những buổi thuyết trình để lại nhiều ấn tượng cho các tham dự viên được cha Patrice Gagné ghi lại là buổi diễn thuyết cho các quan triều đình, ngày 29/6/1930, do cha Nguyễn Văn Thích làm diễn giả, với đề tài: “Nếp sống luân lý hiện nay.” Tham dự viên gồm có các ông Tôn Thất Hân – nhiếp chính, ông Thái Quang Toản – bộ trưởng Kinh tế, Phạm Liệu – Bộ trưởng quốc phòng, Tôn Thất Đạm – bộ trưởng Tư pháp…số người tham dự là 200 người.[10]
Đây thực sự là một sân chơi tri thức bổ ích và hiếm hoi thời bấy giờ tại đất thần kinh, cho thấy sự năng động tông đồ của các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế.
[1] Bên cạnh việc học tiếng, các thừa sai, đặc biệt là cha Eugène Larouche đã nhận giảng dạy nhiều nơi, tại các giáo xứ, các dòng tu, và đặc biệt là tổ chức tuần đại phúc kéo dài 7 ngày tại Đà Nẵng từ ngày 1-11-1926, cho các công dân Pháp đang làm việc và sinh sống ở đó. Đó là cuộc đại phúc đầu tiên do Dòng Chúa Cứu Thế thực hiện tại Đông Dương đúng với sứ mạng mà Tòa thánh đã mong muốn khi mời gọi Dòng tới lập nhà tại Việt Nam.
[2] Thư gửi cha bề trên cả Patrice Murray, ngày 9/11/1924.
[3] x. Patrice Gagné, 50 ans aux Việt Nam, Vol V. 22.
[4] Các linh mục tới Việt Nam đợt này gồm có cha Edmon Dione, cha Charles Eugène Lavoie và thầy Eloi Trefflé. Năm 1927, có thêm ba vị nữa là các cha Pamphile Couture, Patrice Gagné và Gérard Plourde.
[5] Có rất nhiều lý do làm cho các thừa sai không chọn La Vang để xây tu viện như đề nghị của Đức Giám mục Allys và các lý do đã được nêu ra trong cuộc họp giữa cha Pital – giám tỉnh tỉnh Saint- Anne -de – Baupré, với các thừa sai, như: La Vang ở nơi heo hút, xa tỉnh lỵ, thiếu thốn mọi thứ, việc đi lại khó khăn, thiếu điện nước, vật liệu xây dựng đắt đỏ, nhất là không phù hợp với mục tiêu tông đồ của Nhà Dòng, như: phổ biến lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, giảng đại phúc và tổ chức các kỳ tĩnh tâm. Bên cạnh đó, một yếu tố khác rất quan trọng được đề cập là việc đào tạo các thừa sai cần phải được tiến hành ở nơi đô thị, không thể ở La Vang (x. 50 ans au Viet Nam, Vol V, 9-10.)
[6] x. 75 Năm Dòng Chúa Cứu Thế Tại Việt Nam, 15.
[7] Rôcô Nguyễn Tự Do, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, 76.
[8] Cũng ngày này, Trung ương dòng đã chính thức thành lập Nhà tập dòng Chúa Cứu Thế Tại Việt Nam.
[9] Rôcô Nguyễn Tự Do, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, 84.
[10] Rôcô Nguyễn Tự Do, Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, 510.