An tử là chiến thắng của sự ích kỷ chứ không phải của Lòng Thương Xót

  • Tin tức
  • Thứ Bảy, 11-06-2016 | 21:15:42

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với một nhóm các chuyên gia y tế đến từ Tây Ban Nha và châu Mỹ Latin.

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, việc chấp nhận cái chết êm ái không những không biểu lộ lòng thương xót giữa người với người, mà nó cho thấy rõ thói ích kỷ trong “nền văn hóa loại trừ” vốn loại bỏ những người đau bệnh, những người đang hấp hối và những người không đáp ứng các yêu cầu mà người ta có về cuộc sống.

Trong một nền văn hóa đang ngày càng “kỹ trị và cá nhân chủ nghĩa” với những xu hướng “lợi dụng việc nhân danh lòng thương xót để bào chữa cho việc giết chết một bệnh nhân”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh điều đó với các chuyên gia y tế đến từ Tây Ban Nha và châu Mỹ Latin hôm 9/6 vừa qua.

“Lòng thương xót đích thực không tìm cách cách ly, nhục mạ hoặc loại trừ kẻ khác, huống hồ gì là hành động giết người qua cách người ta gọi là “an tử” – Đức Thánh Cha thẳng thắn. “Hẳn quý vị biết rõ rằng đây chính là chiến thắng của sự ích kỷ của ‘thứ văn hóa loại trừ’, nó đã chối bỏ và khinh miệt những người không đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định về sức khỏe, sắc đẹp hay khả năng sử dụng”.

Xin cám ơn các bác sĩ đã hết lòng chăm sóc cho “những người đang phải chịu đau khổ về thể xác và tinh thần”! Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định điều cốt yếu của thầy thuốc với tư cách là những bác sĩ thì không chỉ phụ thuộc vào kiến thức hay thẩm quyền của họ, nhưng còn là phải làm tất cả với lương tâm và lòng thương xót đối với người bệnh.

“Lòng thương xót không có nghĩa là thương hại, mà nó có nghĩa là “cùng chịu đau khổ với ai đó” – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. “Khi các bác sĩ thông phần đau khổ với những bệnh nhân của mình” – Đức Thánh Cha nói thêm – “giá trị thiêng liêng của cuộc sống các bệnh nhân sẽ không mất đi hoặc không chìm vào quên lãng”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các chuyên gia y tế về truyền thống Kinh Thánh đối với lĩnh vực của họ. Ngài đã mời gọi họ trở nên như người Samaritanô nhân hậu, “không bỏ lại người đã bị bọn cướp đánh nhừ tử đang nằm chơ vơ bên vệ đường, nhưng thay vào đó, người Samaritanô nhân hậu kia đã bị đánh động vởi Lòng thương xót, ông đã tận tình cứu chữa và săn sóc cho anh ta”. “Truyền thống y tế Kitô giáo luôn được lấy cảm hứng từ dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu – Đức Thánh Cha nói. Đó là phương thức chúng ta cảm nhận về tình yêu Con Thiên Chúa, Đấng “đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người”.

Tuy nhiên – Đức Thánh Cha cho biết – việc chăm sóc cho người bệnh đòi hỏi một sự kiên nhẫn, và các bác sĩ không được phép rơi vào “sự cám dỗ của việc theo chức năng luận” trong việc áp dụng các giải pháp nhanh chóng nhân danh lòng thương xót “giả hình” hay chỉ nghĩ đến việc đem lại lợi nhuận cho bản thân.

“Phẩm giá của sự sống con người đang bị đe dọa; phẩm giá của ơn gọi dấn thân trong nghành y tế cũng đang bị đe dọa” – Đức Thánh Cha nói. “Qúy vị phải làm thế nào để không gì có thể ngăn cản quý vị khỏi việc ‘đặt hết cái tâm lương y như từ mẫu vào đôi tay của mình”.

Minh Tuệ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube