Vào Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu trút bỏ mọi sự hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa

Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, Benvenuto Tisi, 1481-1559 (Wikimedia)

Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ, Benvenuto Tisi, 1481-1559 (Wikimedia)

Trong ấn bản ngày 4 tháng 4 của tờ The New Yorker, biên tập viên David Remnick, đưa tin rằng vào đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình, Vladimir Putin, người tự nhận mình là một Kitô hữu Chính thống giáo, đã được một chủ ngân hàng thân tín tên là Sergei Pugachev, đưa đến nhà thờ. Đó là Chúa nhật Tha thứ, mà Chính thống giáo cử hành ngay trước khi Mùa Chay bắt đầu. Thân thuộc với Giáo hội hơn Tổng thống, ông Pugachev nói với Tổng thống Nga Putin rằng ông nên phủ phục trước vị Linh mục, như một hành động bày tỏ sự ăn năn sám hối. “Tại sao tôi phải làm vậy?”, Putin được cho là đã trả lời. “Tôi là Tổng thống Liên bang Nga. Tại sao tôi lại phải cầu xin sự tha thứ?’.

Là những con người thời hiện đại, chúng ta là những chủ thể của thế giới của mình. Khi đã lấp đầy vũ trụ với chính chúng ta, dường như không có chỗ, hoặc không có nhu cầu, dành cho Thiên Chúa. Vấn đề duy nhất là những người chia sẻ thế giới với chúng ta. Làm sao chúng ta làm chủ được thế giới mà không phải là làm chủ người khác, không phải là làm chủ chính mình?

Tổng thống Putin không đơn độc, khẳng định “theo cách của ông ấy”.

“Tôi đúng. Còn anh sai rồi. Đơn giản là như vậy”.

“Tôi cho đi và cho đi. Còn anh thì cứ chỉ nhận”.

“Tôi đã bị thúc ép đủ rồi. Hãy thử tự mình cam chịu điều đó”.

Có thể chúng ta chưa nói những điều như vậy, nhưng hầu hết chúng ta đều có thể thừa nhận đã nghĩ đến chúng. Để tranh luận, chúng ta hãy đồng ý rằng bạn đúng, bạn làm tất cả những gì đã cống hiến để cho đi và bạn đã bị thúc ép đủ lâu. Bạn có thể đã làm chủ thế giới, nhưng người khác vẫn có thể khiến bạn khốn khổ. Tại sao thế giới tràn ngập một nỗi buồn mà nó không thể kiểm soát?

Một điều gì đó còn thiếu. Chúng ta gọi đó là Thiên Chúa.

Đức tin Kittô giáo của chúng ta không bao giờ cố gắng chứng minh sự tồn tại của Thiên Chúa. Chúng ta phải chiếm hữu Thiên Chúa, ít nhất là về mặt khái niệm, để làm được điều đó. Không, đức tin của chúng ta chỉ đơn giản nói rằng nếu chúng ta trung thực nhìn vào cuộc sống, chúng ta sẽ nhận ra sự thiếu vắng. Chúng ta khao khát một thứ gì đó mà chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng, ít có thể mô tả được.

Có một nguồn mạch quan trọng, nguyên sơ mà chúng ta đã bị cắt bỏ. Đó cũng là hy vọng về một chân trời, về một lời hứa mà chúng ta có thể tiếp tục sống, lớn lên và yêu thương.

Qua sự Phục sinh của Chúa Giêsu từ cõi chết, những Kitô hữu đầu tiên đã trải qua sự kết hiệp với Thiên Chúa mà họ chưa bao giờ biết đến. Điều đó có nghĩa là gì? Niềm khao khát nhường chỗ cho niềm vui sướng. Sự vắng mặt cho đến sự hiện diện. Chính tầm nhận thức về cuộc sống đã tràn ngập hy vọng.

Chúng ta không thể phủ nhận hoặc đánh giá kinh nghiệm của họ. Chúng ở trong quá khứ, và đối với tất cả sự khéo léo của chúng ta, nó vẫn được giấu kín đối với chúng ta. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng chúng ta không cần chỉ tin tưởng vào lời của họ, Tin Mừng của họ, điều mà họ đã nỗ lực sáng tác và loan báo. Họ nói với chúng ta rằng, nếu chúng ta bắt đầu sống theo một cách khác, chúng ta sẽ nhận ra chân lý, sự hài lòng và niềm hy vọng mà họ đã tìm thấy. Vì vậy, thường trong Tân Ước, họ chỉ đơn giản tự gọi mình là ho zōntes (những người đang sống).

Trong Chương 13 của Tin Mừng theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với các môn đệ, và nói với chúng ta: “Con đã sạch”. Đó là một phép ẩn dụ được sử dụng trong tất cả các tôn giáo. Điều ngăn cản chúng ta khỏi sức mạnh của cội nguồn của chúng ta và kiện toàn tất cả hy vọng của chúng ta là một số xa lánh, một số sự thiếu vắng phải được tìm thấy.

Vào tối Thứ Năm Tuần Thánh và vào ngày tiếp theo, Chúa Giêsu tỏ lộ chính con người của mình. Ngài rửa chân cho các môn đệ. Theo tường thuật của Thánh Gioan về Bữa Tiệc Ly, hành động này tượng trưng cho món quà tự thân của Chúa Giêsu là bánh và rượu.

Nhiều Giáo phụ thời sơ khai của Giáo hội gọi việc rửa chân là một Bí tích, nhưng họ không có ý muốn nói đó là một trong bảy dấu hiệu hữu hình. Không, họ đang nghĩ đến nghĩa gốc của từ sacramentum, một điều huyền nhiệm thâm sâu. Nói cách khác, chúng ta có thể dành phần đời còn lại của mình để suy ngẫm về hành động này của Chúa Giêsu và không ngừng học hỏi từ đó.

Chúa Giêsu nói rằng chúng ta hiện đã sạch. Tại sao? Bởi vì cội nguồn của chúng ta và số phận của chúng ta đã tìm kiếm chúng ta và đã tìm thấy chúng ta. Cội nguồn của sự vô hạn đã trở thành nô lệ của chúng ta. Một sự sung mãn mà chúng ta không thể tưởng tượng được cúi xuống và rửa chân cho chúng ta. Hy vọng, thứ đã từng chạy trước chúng ta, ngoài tầm với, giờ đây trào tràn trên chúng ta.

Nhưng chúng ta cũng giống như Phêrô. Chúng ta vẫn sẽ tự cứu mình. Thiên Chúa chỉ cần bảo đảm quyền của chúng ta, sức mạnh của chúng ta, đứng về phía chúng ta. Ý chúng ta thực sự muốn nói là: Thiên Chúa chỉ cần là chính chúng ta, một cách rõ ràng.

“Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”.

Nhưng Chúa Giêsu bảo Phêrô: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13: 8).

Đó quả là một điều huyền nhiệm, một sự sâu thẳm không thể dò thấu. “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu” (Ga 13: 7). Chúng ta luôn muốn trở thành Thiên Chúa, đòi quyền được biết sự thật, đón nhận và không cho đi, dùng hết sức mạnh để đẩy lùi.

Tuy nhiên, vào tối Thứ Năm Tuần Thánh, Chúa Giêsu trút bỏ tất cả, sự hiểu biết rất rõ ràng của chúng ta về Thiên Chúa, xuống chân chúng ta và vào một cái chậu để rửa chân cho chúng ta. Sư tử dũng mãnh là Thiên Chúa trở thành chiên non. Rồi sau đó chúng ta sẽ thế nào? Đó thực sự là một câu hỏi.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube