Trong cuộc phỏng vấn mới, ĐTC Phanxicô bảo vệ quan điểm của mình về vấn đề Trung Quốc và Nga

Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành khi ngài gặp gỡ các thành viên của Mạng lưới Trường học vì Hòa bình của Ý tại Hội trường Giáo hoàng Phaolô VI ở Vatican, Thứ Hai, ngày 28 tháng 11 năm 2022 (Ảnh: AP / Andrew Medichini)

Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành khi ngài gặp gỡ các thành viên của Mạng lưới Trường học vì Hòa bình của Ý tại Hội trường Giáo hoàng Phaolô VI ở Vatican, Thứ Hai, ngày 28 tháng 11 năm 2022 (Ảnh: AP / Andrew Medichini)

RÔMA – Trong một cuộc phỏng vấn mới với tạp chí America do Dòng Tên điều hành, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bảo vệ cả cách tiếp cận có tính nhượng bộ của ngài trong việc can dự với Trung Quốc lẫn sự do dự của ngài trong việc lên án Nga về vai trò của nước này trong cuộc chiến ở Ukraine.

Khi được hỏi về thỏa thuận gây tranh cãi của Vatican với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục và sự im lặng bị cáo buộc của ngài đối với các hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Đó không phải là vấn đề về việc nói hay im lặng”.

“Đó không phải là thực tế. Thực tế là đối thoại hay không đối thoại. Và một cuộc đối thoại đến mức khả thi”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời ca ngợi Đức cố Hồng y Agostino Casaroli, người từng giữ chức vụ Quốc Vụ Khanh Vatican từ năm 1979-1990 dưới thời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Vào thời điểm đó, Đức Hồng y Casaroli là kiến trúc sư trưởng của chính sách Ostpolitik của Vatican đối với khối Cộng sản.

Cách tiếp cận của Đức Hồng y Casaroli đã bị các nhà phê bình lên án là quá háo hức thỏa hiệp, tuy nhiên nó cũng được các nhà sử học ca ngợi, những người cho rằng chiến thuật mềm mỏng này đã giúp giữ cho Giáo hội tồn tại cho đến khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Đức Hồng y Casaroli “đã làm những gì có thể, và dần dần có thể tái thiết lập hàng Giáo phẩm Công giáo ở các quốc gia đó”.

“Đối thoại là đường lối ngoại giao tốt nhất”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, và khi nói đến Trung Quốc, “tôi đã chọn con đường đối thoại. Nó chậm chạp, nó có sự thất bại, nó có thành công, nhưng tôi không thể tìm ra cách thức nào khác”.

Nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng mới giữa Trung Quốc và Tòa Thánh. Hôm thứ Bảy, Vatican đã đưa ra một lời chỉ trích công khai hiếm hoi đối với Trung Quốc vì đã bổ nhiệm một Giám mục phụ tá tại một Giáo phận không được Vatican công nhận, đồng thời cho biết rằng động thái này vi phạm các điều khoản của thỏa thuận tạm thời năm 2018 về việc bổ nhiệm Giám mục.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã bảo vệ việc rõ ràng là ngài không sẵn lòng chỉ trích trực tiếp Nga hoặc Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Khi tôi nói về Ukraine, tôi nói về một dân tộc đã phải chịu giày vò khốn khổ. Nếu có một dân tộc phải chịu giày vò khốn khổ, thì cố nhiên có một kẻ đọa đày họ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, đồng thời cũng cho biết rằng ngài nhấn mạnh sự tàn ác của chiến tranh nói chung bởi vì ngài đã nhận được rất nhiều thông tin liên quan đến việc quân đội phải chịu trách nhiệm cho những hành động tàn ác này.

Ở cấp độ chung, “những kẻ tàn ác nhất có lẽ là những người… không thuộc truyền thống của Nga, chẳng hạn như người Chechnya, người Buryati, v.v.”, Đức Thánh Cha nói, nhưng thừa nhận rằng lực lượng chịu trách nhiệm xâm lược Ukraine “là nhà nước Nga. Điều này rất rõ ràng”.

“Đôi khi tôi cố gắng không nêu rõ để không bôi nhọ và thay vào đó là lên án chung chung, mặc dù ai cũng biết tôi đang lên án. Tôi không nhất thiết phải nêu rõ tên họ”, Đức Thánh Cha nói.

Về việc từ chối trực tiếp chỉ đích danh Putin phải chịu trách nhiệm trong cuộc chiến, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài đã không làm điều đó “bởi vì điều đó là không cần thiết; ai cũng biết cả rồi”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cáo buộc những người chỉ trích muốn “bám vào một chi tiết”, ngài nói rằng: “Mọi người đều biết lập trường của tôi, với Putin hay không có Putin, mà không cần nêu tên ông ấy”.

Lập trường của Tòa Thánh “là tìm kiếm hòa bình và tìm kiếm sự am hiểu và cảm thông. Ngoại giao của Tòa Thánh đang đi theo hướng này”, Đức Thánh Cha nói, và đồng thời cũng nhắc lại sự sẵn sàng của Vatican trong việc hòa giải cuộc xung đột.

Được thực hiện vào ngày 22 tháng 11 và được xuất bản hôm thứ Hai, cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô với Tạp chí America là cuộc phỏng vấn đầu tiên mà ngài dành cho ấn phẩm này kể từ khi nhậm chức Giáo hoàng,

Hiện diện trong cuộc phỏng vấn là Cha Matt Malone SJ, Tổng biên tập sắp mãn nhiệm của ấn phẩm; Linh mục Dòng Tên Sam Sawyer SJ, người sẽ thay thế Cha Malone; Giám đốc điều hành biên tập viên Kerry Weber; Thông tín viên Vatican Gerry O’Connell; và Gloria Purvis, người dẫn chương trình “The Gloria Purvis Podcast”.

Trong cuộc trò chuyện, Đức Thánh Cha đề cập đến nhiều vấn đề khác, bao gồm sự phân cực trong Giáo hội ở Hoa Kỳ, phân biệt chủng tộc, vấn nạn phá thai và sự tin tưởng giữa giáo dân và vị Giám mục của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết“sự phân cực không mang tinh thần Công giáo”.

“Bản chất của Công giáo là cả/ lẫn”, Đức Thánh Cha nói. “Người Công giáo kết hợp điều tốt và điều không tốt”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời cho rằng khi sự phân cực xảy ra, “não trạng chia rẽ nảy sinh, khiến một số người được ưu ái và bỏ mặc những người khác lại phía sau”, trong khi cách tiếp cận của Giáo hội Công giáo “luôn dung hòa những khác biệt”.

Khi nói đến Giáo hội Hoa Kỳ, “bạn có một Giáo hội Công giáo đặc biệt đối với Hoa Kỳ—điều đó là bình thường. Nhưng bạn cũng có một số nhóm Công giáo có ý thức hệ”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Khi được hỏi về sự mất lòng tin vào Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, với một nghiên cứu cho thấy chỉ 20% tín hữu thấy Hội đồng Giám mục này “rất đáng tin cậy”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng thật “sai lầm” khi tập trung vào mối tương quan giữa các tín hữu Công giáo và Hội đồng Giám mục của họ.

“Hội đồng Giám mục không phải là Mục tử; Mục tử là vị Giám mục. Vì vậy, người ta có nguy cơ làm giảm thẩm quyền của vị Giám mục khi bạn chỉ nhìn vào Hội đồng Giám mục”, Đức Thánh Cha nói, đồng thời cho biết rằng Hội đồng Giám mục rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự hiệp nhất giữa các Giám mục, nhưng “mỗi Giám mục là một Mục tử” của đàn chiên của mình.

Đức Thánh Cha đã ca ngợi Đức Giám mục Mark Seitz Địa phận El Paso, nằm ở biên giới với Mexico, đồng thời cho biết rằng ngài không biết Đức Cha Seitz đứng ở đâu về mặt ý thức hệ, nhưng “ngài là một vị Mục tử tốt lành thánh thiện… Ngài là người nắm bắt được tất cả những mâu thuẫn của nơi đó và giúp họ thăng tiến với tư cách là một Mục tử”.

Về vấn đề phá thai, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngay cả trên bình diện khoa học, không thể chối cãi rằng thai nhi “là một con người sống”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã hạn chế gọi bào thai là một con người, đồng thời cũng cho biết rằng “điều này còn đang được tranh luận”, mà gọi phá thai là “một tội ác”, và đặt vấn đề rằng: “Có đúng không khi loại bỏ một con người để giải quyết một vấn đề? Câu hỏi thứ hai: Việc thuê một ‘sát thủ’ để giải quyết vấn đề có đúng đắn không?”.

Vấn đề với cuộc tranh luận về phá thai, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, là khi “việc giết một con người bị biến thành một vấn đề chính trị”, hoặc khi các Mục tử nói về vấn đề này bằng cách sử dụng “các phạm trù chính trị”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cập đến vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục, bao gồm sự cần thiết đối với sự minh bạch hơn khi vụ việc liên quan đến các cáo buộc chống lại một Giám mục, cũng như sự phân biệt chủng tộc, đồng thời gọi sự phân biệt chủng tộc là “một tội lỗi không thể dung thứ chống lại Thiên Chúa”.

Về việc truyền chức Linh mục cho phụ nữ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, giống như ngài đã nói trong quá khứ, rằng điều đó là không thể từ góc độ thần học, nhưng nên tạo thêm nhiều không gian hơn cho phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và hành chính.

Minh Tuệ (theo Crux)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube