Tôi tin

Lời tuyên xưng “tôi tin” trong Kinh Tin Kính như là lời diễn tả hành vi cá nhân của con người, là một sự xác quyết về chọn lựa của chính “tôi” chứ không phải của ai khác. Cái “tôi” của giới hạn, của xác thịt, của tội lỗi giờ đây được biến đổi thành cái “tôi tin”, tức là coi những gì “tôi” có thể nghe, thấy, sờ chạm được chưa phải là tất cả…

 preghiera-vedova

 

Tôi mở ra cho huyền nhiệm, cho Đấng tuyệt đối và siêu vượt

Theo Thánh Kinh và truyền thống Kitô giáo, Đức tin là nền tảng căn bản của đời sống tôn giáo nói chung và mọi Kitô hữu nói riêng.

Đức tin là “cánh cửa” (xem Cv 14, 27) dẫn con người đến sự hiệp thông với Thiên Chúa và giúp nhận ra những chân lý siêu việt mà tự bản chất giới hạn của phận làm người, ta không thể “với tới” cũng như không thể lãnh hội được. Đức tin bao hàm trong nó một sự vượt thoát, tức sự ra khỏi những nhãn giới quan năng bình thường của con người để có thể nhận biết, tiếp xúc và đụng chạm tới Đấng Vô Hình, nhờ đó ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, và hoàn tất với việc vượt qua cái chết, tiến đến sự sống đời đời, là hoa quả sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Đấng đã dùng ơn Chúa Thánh Thần mà muốn cho tất cả những ai tin nơi Người đều được thông phần vào vinh quang của Người (x. Ga 17, 22). Đức tin luôn ẩn tàng trong nó một sức mạnh vô biên mà chỉ có ai đi vào trong cái huyền nhiệm, cái sâu thẳm của đời sống kết hiệp với Chúa mới có thể nhận ra.

Lời tuyên xưng “tôi tin” trong Kinh Tin Kính như là lời diễn tả hành vi cá nhân của con người, là một sự xác quyết về chọn lựa của chính “tôi” chứ không phải của ai khác. Cái “tôi” của giới hạn, của xác thịt, của tội lỗi giờ đây được biến đổi thành cái “tôi tin,” tức là coi những gì “tôi” có thể nghe, thấy, sờ chạm được chưa phải là tất cả, và cả thế giới con người sống không chỉ dừng lại trong giới hạn của phận người nhưng vượt xa hơn nó, là một thế giới hoàn toàn siêu vượt, là nền tảng và nguyên lý của mọi hiện hữu. Do đó, “tôi tin” giờ đây không còn là một thái độ khép kín, đóng khung trong nhận thức và suy nghĩ nông cạn của lòng mình nhưng là một sự mở ra cho sự huyền nhiệm, cho Đấng tuyệt đối và siêu vượt. Như Đức Bênêđictô XVI nói, tin là nhìn nhận rằng, nơi sâu thẳm con người có một điểm nằm ngoài bình diện của các quan năng, một điểm tiếp giáp với vô hình và qua đó con người có thể đụng chạm được với Đấng Vô Hình, một đòi hỏi thiết yếu đối với chính đời sống làm người.

Do vậy, “tôi tin” là hành vi khác xa cái “tôi” bình thường mà ta có thể nghe, hiểu và đạt thấu, nhưng đó là hành vi bước vào và vượt quá khả năng thể lý bình thường của con người. “Tôi tin” là đi vào cái thực tại huyền nhiệm và siêu vượt mà không một ngôn từ hay sự tưởng tượng của con người có thể đạt thấu nếu không dấn mình thật sự vào sự sâu thẳm vô biên của Đấng là như “Ngài là”. Đó là mầu nhiệm của Đức tin.

Tin là hoán cải

Đức tin không phải là điều con người có thể tự nghĩ ra hay tự khám phá nhờ vào khuynh hướng tự nhiên của con người, nhưng là do có một sức mạnh nào đó thúc đẩy, lôi kéo và xoay chuyển cuộc đời tôi. Vì thế, Đức tin cũng bao hàm trong đó một sự biến đổi, một sự trở về thật sự, hay nói như Đức Bênêđictô XVI: “Tin là hoán cải, để nhờ đó khám phá ra rằng mình đã chạy theo ảo tưởng như thế nào khi chỉ dừng lại ở những gì là khả giác.” Đó  là “một cuộc đổi đời và chỉ có ai đổi đời, kẻ đó mới lãnh được đức tin.”

Chỉ một mình Thiên Chúa là đối tượng tối hậu của Đức tin

Công Đồng Vatican II trong Hiến chế Tín Lý Về Mạc Khải đã xác nhận rằng chính Thiên Chúa và chỉ một mình Thiên Chúa là đối tượng tối hậu của Đức tin chứ không phải bất cứ một thứ nào khác. Người là Đấng vì tình yêu đã tự mạc khải mình cho nhân loại, đã trở nên hữu hình nơi Ngôi Lời nhập thể là Đức Kitô, trong Thánh Thần để từ đó, con người có thể nhận biết và chiêm ngưỡng dung mạo của một vị Thiên Chúa là Cha, đồng thời được dự phần vào bản tính của Thiên Chúa. Nhờ vậy, trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa, đức tin trở thành như cây cầu nối giữa vĩnh cửu và thời gian, giữa hữu hình và vô hình, và vì nó giúp ta gặp được Thiên Chúa như gặp một con người, gặp Đấng Vĩnh Cửu nơi một con người hữu hạn ở giữa chúng ta.

Vì lẽ đó, Đức tin và Mạc khải như là hai mặt của một thực tại, là nơi mà Thiên Chúa, Đấng tự thông ban chính mình, đến gặp gỡ con người qua Người Con là Đức Giêsu Kitô, Đấng được coi như là “sự toàn thành của mạc khải”; và con người, nhờ sự nhận biết Đức tin, với tất cả ý thức tự do, dấn mình để gặp gỡ Thiên Chúa. Tuy nhiên, hành vi thể hiện Đức tin ấy không tự con người mà có nhưng là nhờ sự đi trước, đồng hành, thúc đẩy của chính Chúa Thánh Thần, nhằm khai mở và biến đổi nội tâm của con người, để họ có thể dấn thân toàn diện với tất cả ý chí và lý trí của mình.

“Tôi tin vào Thiên Chúa”

Nền tảng của Đức tin Kitô không hệ tại ở việc “tôi tin điều gì?” nhưng là “tôi tin vào Chúa,” Đấng mà ta kinh nghiệm được qua việc gặp gỡ một con người đích thật và sống động mang tên Giêsu. Đồng thời, qua việc chiêm ngắm và gặp gỡ ấy, chúng ta cũng được đụng chạm tới Thiên Chúa, Người là Cha và là Đấng “vô phương đạt thấu,” giờ đây đang ở sát bên ta, gần gũi với ta qua Con Người Giêsu. Cách khác, việc ta “tin vào” là hành động xác tín và tuyên xưng rằng, trong Thiên Chúa, ta đã tìm được một Ai đó thật gần gũi, một Đấng nâng đỡ chúng ta, tặng ban cho ta một tình yêu bất hoại, vượt trên mọi gặp gỡ bất cập trong kiếp nhân sinh, một tình yêu không những khao khát vĩnh cửu mà còn mang lại vĩnh cửu.

Vì vậy, có thể nói rằng, Đức tin là ân huệ mà Thiên Chúa ban cho con người theo nghĩa Người là Đấng đã đi bước trước trong việc trao ban tình yêu và tác động đến sự đón nhận của con người đối với tình yêu này. Đồng thời, cùng với việc trao ban ân huệ, Thiên Chúa cũng chờ đợi nơi con người một sự đáp trả và cộng tác với ân sủng của Người trong sự tự do hiến trao và phó thác toàn bộ đời sống mình với đầy đủ lý chí, ý chí và tình cảm để từ đó, tình yêu cứu độ xuất phát tự nơi Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần được tuôn đổ và dẫy tràn trên con người: “Bởi vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa” (Ep 2, 8).

Như vậy, khi nói “tôi tin vào” Thiên Chúa cũng có nghĩa là chúng ta đang xác tín niềm tin của mình vào một Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Chúng ta “tin vào” Thiên Chúa, Đấng là Cha yêu thương và là Đấng Tạo Thành. Chúng ta “tin vào” Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa, Đấng đã đến trong thế gian và trở thành “sarx” qua mầu nhiệm Nhập Thể để cứu độ con người trong sự chết và Phục Sinh của Ngài. Và sau hết, chúng ta “tin vào” Thánh Thần là “Thiên Chúa và là Đấng Ban Sự Sống”, Người là Đấng luôn hiện diện trong lịch sử, để kiện toàn và hướng dẫn nhân loại đi vào trong tình yêu cứu độ của Cha và Con.

“Tôi tin Hội Thánh”

Đồng thời, sau lời tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, tức Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là lời tuyên xưng “tôi tin Hội Thánh.” Khi “tin vào” Thiên Chúa Ba Ngôi thì đồng nghĩa với việc ta đặt trọn niềm tin của mình “vào trong” Chúa Ba Ngôi, nhưng việc “tin Hội Thánh” thì không đồng nghĩa với hành động đặt niềm tin “vào trong” Hội Thánh, vì chính mỗi người chúng ta cũng là một thành phần trong Hội Thánh. Sự phân biệt này muốn nói rằng “Thiên Chúa, nguồn của mọi sự, phân biệt khỏi mọi thụ tạo, và khi người tin đón nhận mọi sự cũng nhận ra rằng tất cả mọi ân huệ cao quý được ban cho Hội Thánh đều đến từ Thiên Chúa.” Vì thế, có thể nói rằng, tôi không tin vào Hội Thánh như tôi tin vào Thiên Chúa, nhưng tôi tuyên xưng rằng Hội Thánh ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong Hội Thánh, không như thể Hội Thánh chứa đựng Thiên Chúa nhưng đúng hơn vì Thiên Chúa chứa đựng Hội Thánh.

 

Giuse Đắc Thịnh, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube