Tòa Thánh và Bắc Kinh

Đức Giáo hoàng không tìm sự thỏa hiệp với Bắc Kinh, nhưng đi tìm một thực tại sâu sắc hơn nhiều: tìm gặp Thiên Chúa ở giữa dân chúng Trung Quốc.

papa-cina

Lễ tấn phong hai giám mục Trung Quốc, Giuse Tang Yuange (tại Thành Đô, Tứ Xuyên) và Gioan Baotixita Wang Xiaoxun (cho Ankang, Thiểm Tây) vào ngày 30/11 vừa qua, và một lễ tấn phong khác được cử hành, theo chương trình, vào ngày hôm nay, 2/12, tại Xichang (Tứ Xuyên) – có thể coi là những sự kiện tích cực cho Giáo Hội tại Trung Quốc.

Năm ngoái, Đức Cha Giuse Zhang Yinlin (An Dương – Hà Nam) được phong chức giám mục và cách đây vài tuần là Đức Cha Phêrô Ding Lingbin (Changzhi – Sơn Tây).

Đó là những dấu hiệu cho thấy sự hồi sinh ngày càng rõ nét hơn của Công giáo tại Trung Quốc, mặc dù cuộc tấn phong giám mục tại Thành Đô đã gặp rắc rối do chính quyền cố ý gây ra bởi sự hiện diện của một giám mục bất hợp pháp.

Các cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và chính phủ Trung Quốc chỉ mới được khởi động lại từ cách đây vài năm sau khi bị dừng đột ngột vào năm 2009.

Khi cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và chính quyền Trung Quốc được khởi động lại, báo chí quốc tế (ví dụ hãng Reuters và tờ ‘Wall Street Journal’) đã đưa ra nhiều bình luận khác nhau, nhưng tựu trung đều quan tâm đến các cuộc tiếp xúc của hai bên theo nhãn giới chính trị – ngoại giao.

Thực ra, đối với Tòa Thánh, bất kỳ thỏa thuận nào giữa hai bên cũng sẽ đều không phải là đích nhắm, mà chỉ là là phương tiện. Mục tiêu của Tòa Thánh không phải là đồng ý để đồng ý, hay lo lắng làm hài lòng chính phủ Trung Quốc. Mục tiêu của Tòa Thánh là sự chữa lành những vết thương gây đau khổ cho Giáo Hội tại Trung Quốc, những vết thương của sự chia rẽ sâu xa và rất phức tạp.

Hành trình chữa lành này nhất thiết phải thông qua một cuộc đối thoại với chính quyền, nếu không,  chắc chắn sẽ thất bại, như Đức Giáo Hoàng Ratzinger đã nói.

Nhiều người không xét đến mục tiêu chữa lành đó của Tòa Thánh khi nhận định vấn đề.

Một đại diện của Human Rights Watch gần đây đã tuyên bố rằng nếu Vatican chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào với Bắc Kinh, thì đều có nghĩa là Tòa Thánh “đánh giá thấp sáu thập niên thù địch đối với tôn giáo” và “cộng tác với một chế độ đàn áp các tôn giáo.” Kết luận sẽ là quả quyết: “Vatican không nên chấp nhận bất cứ lời đề nghị nào của Bắc Kinh cho đến khi quyền tự do tôn giáo trên toàn Trung Quốc đã được bảo đảm”.

Tự do tôn giáo chắc chắn là rất quan trọng. Nhưng đó không phải là tất cả chân trời nhắm đến.

Đang khi ấy, cộng đoàn Kitô giáo có sứ mạng thực hiện lệnh truyền của Chúa Kitô và là một công cụ thường trực của lòng thương xót và tha thứ của Ngài.

Chính vì biết rõ sự đau khổ chịu đựng của những người Công giáo Trung Quốc, Đức Giáo Hoàng muốn thay đổi tình cảnh.

Hoạt động cho sự hiệp nhất các tín hữu, Tòa Thánh theo đuổi mục tiêu của chính Giáo hội. Trong khi đó, việc tham gia vào cuộc chiến đấu cho tự do tôn giáo tại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sẽ phải có ngụ ý hành động chính trị.

Năm giám mục được tấn phong trong vòng một năm rưỡi. Một nửa trong số đó là một kết quả quan trọng của cuộc đối thoại đang diễn ra.

Nhiều người cho rằng các cuộc tiếp xúc giữa hai bên, cho đến hiện nay, là vô ích.

Nhưng cách bổ nhiệm giám mục trong thời gian gần đây cho thấy Vatican có vẻ đã được chủ động hơn một chút trong việc bổ nhiệm và tấn phong giám mục tại Trung Quốc.

Điều quan trọng là Đức Giáo hoàng có thể chọn lựa các giám mục – cho dù trong nhiều trường hợp (không chỉ ở Trung quốc hay Việt Nam), ngài vẫn tham vấn, một cách thích hợp, ý kiến của chính quyền dân sự. Nếu điều đó được thực thi ở Trung quốc, thì cơn ác mộng ly giáo sẽ có thể chấm dứt.

Thực ra, nguy cơ ly giáo không chỉ đến từ các giám mục do nhà nước chỉ định bất chấp Đức Giáo hoàng, mà còn ngay cả từ các giám mục hầm trú nữa. Gần đây, một số vị giám mục “hầm trú” đã được tấn phong trái với ý muốn của Đức Thánh Cha, và như vậy, cũng là bất hợp pháp.

Có rất nhiều khó khăn phải giải quyết, những khó khăn do lịch sử để lại. Thí dụ, hiện nay có 8 giám mục “nhà nước” không được Rôma công nhận và 30 giám mục “hầm trú” không được chính quyền Trung Quốc công nhận.

Trường hợp 8 giám mục “nhà nước”, nhiều người trông chờ sự tha thứ của Đức Thánh Cha nhân danh Lòng Thương xót. Trong Năm thánh vừa qua, Giáo hội đã nhân danh Lòng Thương xót mà xử lý nhiều vấn đề của các giáo sĩ theo Lefebvre.

Đối với 30 giám mục “hầm trú” không được chính quyền Trung Quốc công nhận, Đức Hồng y Parolin đã nhiều lần khẳng định sự gần gũi và quan tâm của Tòa Thánh bên cạnh họ.

Trong cả hai trường hợp, có nhiều tình huống cá nhân cần phải được giải quyết, và điều này cần có thời gian. Nhưng Giáo hội không thể để đám đông tín hữu cứ bơ vơ vất vưởng không có người chăn, như những người phản đối đường lối đối thoại đề nghị.

Để hiểu lập trường của Tòa Thánh, có lẽ chúng ta nên nhớ lại tâm sự của Đức Giáo hoàng Bergoglio trong cuộc phỏng vấn với ‘Civiltà Cattolica’ năm 2013. Ngài đã nói rằng ơn gọi của một nhà truyền giáo “là tìm thấy Thiên Chúa ở nơi Thiên Chúa dường như vắng mặt” và rằng để thực hiện được điều đó, cần phải đi một chặng đường dài với những con người nam nữ của đất nước mà nhà truyền giáo được gửi tới, từ ngôn ngữ, văn hoá và cảm nhận tôn giáo của họ.

Đức Giáo hoàng không tìm sự thỏa hiệp với Bắc Kinh, nhưng đi tìm một thực tại sâu sắc hơn nhiều: tìm gặp Thiên Chúa ở giữa dân chúng Trung Quốc.

Minh Tâm

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube