Thượng Hội Đồng Giám Mục: Sự đòi buộc của người Kitô hữu đối với việc chào đón những người di cư

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 19-10-2018 | 21:07:15

Vị Hồng y người Ethiopia đã đề cập đến vấn đề di cư với đầy đủ chi tiết hôm 18/10. Vị Hồng y cũng đã than phiền về cách thức những người dân châu Phi di cư đã bị đối xử ở châu Âu.

cq5dam.thumbnail.cropped.750.422-45

Thượng Hội đồng Giám mục đã lắng nghe nhiều phát biểu chia sẻ về phần thứ ba của tài liệu làm việc, Instrumentum Laboris. Tiến sĩ Paolo Ruffuni, Tổng Trưởng Bộ Truyền thông của Vatican, đã bắt đầu cuộc họp báo bằng cách cho biết rằng Thượng Hội đồng Giám mục đã quyết định viết một lá thư gửi cho các bạn trẻ và ủy ban soạn thảo đã được thiết lập.

Tiến sĩ Paolo Ruffuni đã liệt kê một số vấn đề phát sinh từ cuộc họp. Những vấn đề đó gồm tầm quan trọng của việc giúp những người trẻ đọc Tin Mừng để họ có thể tái khám phá Kinh Thánh. Tầm quan trọng của đức tin qua hành động và cộng đồng đã được nhấn mạnh cũng như sự cần thiết cần phải tái khám phá việc chay tịnh ở thế giới phương Tây. Vai trò của phụ nữ một lần nữa trở thành một chủ đề của cuộc thảo luận. Cần phải có một sự cải đổi văn hóa trong Giáo Hội khi nói đến vai trò của phụ nữ, họ cần phải có một vị trí bình đẳng trong xã hội cũng như trong Giáo Hội. Có một đề nghị rằng một Thượng Hội đồng bàn về phụ nữ nên được triệu tập, ông Ruffuni nói.

Tiến sĩ Ruffini báo cáo rằng một số đề nghị rằng nên thành lập một Hội đồng Giáo Hoàng hoặc một Thánh Bộ về Giới trẻ. Người đứng đầu cơ quan này cần phải có quyền hạn giống như bất kỳ Hội đồng hoặc Thánh Bộ nào khác. Và phụ nữ nên là người đứng đầu công việc mạo hiểm này.

Những vấn đề ảnh hưởng đến châu Phi đã được đề cập, nhất là vấn đề về sự phát triển bền vững. Việc thiếu sự phát triển bền vững dẫn đến tình trạng di cư. Giáo Hội cần phải xem xét các mô hình phát triển và đồng thời tìm ra một mô hình phù hợp, nếu không chúng ta sẽ luôn phải đối phó với những hậu quả (chẳng hạn như vấn đề di cư) và không thể giải quyết những vấn đề có tính hệ thống. Vấn đề nô lệ, vốn liên quan đến tất cả các quốc gia, cũng đã được thảo luận.

Linh mục Alexandre Awi Mello, Thư ký Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống nhận xét rằng ngài vô cùng ấn tượng với tiến trình của Thượng Hội đồng Giám mục cũng như công việc đang được thực hiện. Linh mục Mello cho biết rằng sự tham gia đông đảo từ khắp nơi trên thế giới quả là vô cùng đặc biệt.

Di dân: Lương tâm Kitô giáo của châu Âu ở đâu?

Đức Hồng y Berhaneyesus Demerew Souraphiel đến từ Ethiopia cho biết rằng việc di cư ở châu Phi ảnh hưởng chủ yếu đến giới trẻ. Ngài cho biết rằng việc buôn bán vũ khí đã không được đề cập tại Thượng Hội đồng. Quả thực hết sức đáng buồn, điều này đã dẫn đến tình trạng di cư hàng loạt do chiến tranh. Trẻ em thường bị lợi dụng trong lĩnh vực thương mại vũ khí. ĐHY Souraphiel cho biết rằng đối với nhiều bạn trẻ ở châu Phi, thành thực mà nói, đó chính là một vấn đề về sự tồn tại trước khi chúng ta lo lắng về công nghệ và nhiều thứ khác vốn đã trở thành một phần của các cuộc hội thoại tại Thượng Hội đồng Giám mục.

Đức Hồng y Souraphiel cũng đề cập đến tình trạng khai thác khoáng sản, đặc biệt là việc khai thác quặng coltan ở Congo, và về việc điều này đã di dời toàn bộ làng mạc và gia đình bởi vì tất cả mọi người đã bị trục xuất khỏi khu vực để hoạt động khai thác có thể diễn ra. Người trẻ, ĐHY Souraphiel nói, cũng chính là nạn nhân của vấn đề này.

Đức Hồng y Souraphiel cũng đã than phiền về cách thức những người dân châu Phi đã bị đối xử ở châu Âu. Ngài cho biết rằng khi người châu Âu rời đến Châu Phi thì tất cả mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Người dân châu Phi không được đối xử giống như họ. Ngài chất vấn: CỘi rễ Kitô giáo của châu Âu ở đâu? Đức Hồng y Souraphiel cho biết rằng đó chính là một giá trị Kitô giáo, một bổn phận của người Kitô hữu, để tiếp đón những người xa lạ. Phát biểu về các chính sách của chính phủ vốn không cho phép việc tiếp đón những người di cư, ĐHY Souraphiel cho biết rằng đó chính là một vấn đề vốn đi sâu vào vấn đề lương tâm Kitô giáo.

Tinh thần hiệp thông

Đó quả là một kinh nghiệm tuyệt vời về tinh thần hiệp thông, đã có một sự chú ý lắng nghe, Đức Tổng Giám mục Matteo Maria Zuppi của Ý nói. Điều này giúp chúng ta xây dựng một phương pháp tiếp cận đơn nhất và đồng thời giúp tất cả mọi người tập trung vào những ý tưởng của họ. Ngài nhấn mạnh rằng sự hiệp thông chính là chìa khóa nếu như Giáo Hội muốn thăng tiến. Đức TGM Zuppi cho biết rằng ĐTC Phanxicô là người đầu tiên nói về tinh thần hiệp thông. Nếu chúng ta muốn tránh xa chủ nghĩa giáo quyền và chủ nghĩa dân tộc, cách thức này được thực hiện bằng cách tìm kiếm sự hiệp thông. Đức TGM Zuppi cho biết rằng Giáo Hội nói với mọi người và với mọi người vì Giáo Hội muốn tiếp cận tới tất cả mọi người. Tinh thần hiệp thông, Đức TGM Zuppi nói, chính là đặc tính thực sự của Giáo Hội.

Một Giáo hội tiên tri

Nữ tu Alessandra Smerilli, giảng viên kinh tế tại Khoa Giáo dục Khoa học Giáo Hoàng phát biểu tại cuộc họp báo rằng các Giám mục đã thực sự lắng nghe chứ không phải chỉ là một sự hời hợt. Nữ tu Smerilli cho biết rằng Sơ có thể cảm nhận được một tình yêu thực sự dành cho giới trẻ. Nữ tu Smerilli chia sẻ rằng Sơ mơ về một Giáo hội tiên tri. Nữ tu Smerilli cũng chia sẻ rằng các lĩnh vực kinh tế và sinh thái cùng chia sẻ một nguồn gốc và chúng ta không thể nghe thấy tiếng kêu của những người trẻ và những người nghèo khổ nếu không lắng nghe tiếng kêu của trái đất. Nữ tu Smerilli cho biết rằng nếu chúng ta không quan tâm đến môi trường, chúng ta sẽ tạo ra tình trạng nghèo đói mới và chính những người trẻ tuổi sẽ trở thành nạn nhân của tình trạng nghèo đói này.

Nữ tu Smerilli chia sẻ rằng Sơ tin rằng nếu như toàn thể Giáo Hội đặt ‘Laudato Si’ vào hành động thì nó sẽ tạo nên một sự khác biệt thực sự trên thế giới. Nữ tu Smerilli cho biết rằng ‘Laudato Si’ đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến tình trạng nghèo đói và đau khổ của con người.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube