Thời Ân Sủng trong Đức Kitô

LỜI CHÚA Chúa Nhật V Mùa Chay, Năm C: Is 43,16-21; Tv 125; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11

Bài đọc I trích Sách Ngôn sứ Isaia (43,16-26) cho chúng ta một niềm hy vọng về một thực tại mới mà Thiên Chúa sắp thực hiện. Xét về hoàn cảnh lịch sử, Israel bấy giờ đang bị lưu đày ở Babylon. Cảnh nhà tan nước mất và phải bị đày biệt xứ khiến nhiều người Israel thất vọng. Isaia nhắc lại cho Israel về lòng nhân hậu của Đức Chúa. Thiên Chúa, với lòng thương xót của Ngài, đã mở ra một con đường giữa lòng biển để Israel tiến về phía bên kia bờ của sự tự do và ơn giải thoát (x. Xh 14; Is 43,16-17); nhờ vậy, họ đã được trở nên như một vương quốc tư tế và dân thánh thiện của Thiên Chúa (x. Xh 19,4-6).

Mặc dù Israel bây giờ đang chịu cảnh lưa đày nhục nhã [dĩ nhiên là do họ không tuân phục Thiên Chúa (x. Xh 19,5)], thì Thiên Chúa vẫn có khả năng mở ra cho họ một con đường mới: “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn. Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn vinh Ta; vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát. Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta.” (Is 43,19-21). Như vậy, nếu “nước” ở biến cố vượt qua biển đã giải thoát Israel và họ được tự do, thì “nước” ở nơi “những vùng đất khô cằn”, “ngay giữa sa mạc” sẽ trở thành nguồn sống cho mọi loài. Thiên Chúa ban ân sủng là để giải thoát và làm cho sống, chứ không phải để lên án và trừng phạt. Đây cũng chính là sứ điệp Tin Mừng hôm nay (Ga 8,1-11).

Câu chuyện “người phụ nữ ngoại tình” được tác giả Tin Mừng Gioan đặt trong bối cảnh Tuần Lễ Lều của người Dothái kéo dài trong tám ngày, tức là tuần lễ dựng lều bằng cành cây để tưởng nhớ việc con cái Israel được Thiên Chúa đưa ra khỏi Aicập và tạ ơn dịp thu hoạch mùa màng (x. Lv 23,33-36.39-43; Ds 29,12-39). Đức Giêsu cũng tham dự tuần lễ này ở Giêrusalem (x. Xh 23,14-17). Tại đây trong dịp này Người giảng dạy, chữa lành và tranh luận với các thượng tế và nhóm Phariêu (x. Ga 7,1 – 10,21).

Tin Mừng Gioan kể: “Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ” (Ga 8,2). Chi tiết “vừa tảng sáng” gợi lên cho chúng ta một điều gì đó mới mẻ và ẩn tàng một niềm hy vọng ngay ở lúc bình minh. Thật vậy, với sự hiện diện của Chúa Giêsu, ân sủng của Thiên Chúa như trào về một cách dư dả: toàn dân đến với Người để nghe Người giảng dạy!

Tuy nhiên, ân sủng này như thể bị chặn lại bởi lòng cứng tin và ghen ghét từ phía những người xem ra có thế giá: “Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: ‘Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?’ Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.” (Ga 8,3-6a).

Ở đây có một số chi tiết đáng chú ý. Tác giả Gioan nhắc đến “các kinh sư” (hoi grammateis) nghĩa là những chuyên viên về Luật. Hạn từ này chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong Tin Mừng Gioan. Có lẽ các chuyên viên này đến để “làm một phép thử” xem Đức Giêsu giảng dạy có gì “sai” so với Luật Môsê hay không. Gioan kết luận: “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (Ga 8,6a). Chi tiết thứ hai: “người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình”. Không biết chị ấy ngoại tình vào lúc ban đêm hay ở lúc “vừa tảng sáng”, nhưng rõ ràng chị “bị bắt quả tang đang ngoại tình” (Ga 8,3.4). Chi tiết này được nhắc tới hai lần để diễn tả rằng sự kiện ngoại tình của người đàn bà này là có thật và có có thể có bằng chứng. Như vậy, theo Luật Môsê, chắc chắn chị phải bị ném đá. Chi tiết thứ ba, các kinh sư và người Pharisêu nói: “Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó.” (Ga 8,5a). Hạn từ “cho chúng tôi” (hēmin) có thể hiểu “cho chúng ta”, nghĩa là cho tất cả mọi người Dothái, trong đó có cả Đức Giêsu.

Đối diện với “phép thử” này từ phía các kinh sư và người Pharisêu, Đức Giêsu giữ thái độ thinh lặng và chỉ “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất” (Ga 8,6b). Tại sao Đức Giêsu lại “cúi xuống và lấy ngón tay viết trên đất”?

Có những giải thích khác nhau về thái độ và hành động này của Đức Giêsu. 1) Đức Giêsu cảm thấy ngại ngùng khi phải đối diện với người đàn bà lăng chạ này. 2) Đức Giêsu “cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất” cốt là để “câu thời gian” nhằm tìm ra câu trả lời tốt nhất. 3) Đức Giêsu làm thế là để “kiềm chế cơn giận” của mình đối với sự cứng cỏi và giả hình của các kinh sư và người Pharisêu. 4) Đức Giêsu “cúi xuống và viết trên đất” để tỏ thái độ không muốn tranh luận với những kẻ cố tình chơi trò “gài bẫy”. 5) Hành động của Đức Giêsu mang tính ngôn sứ, như được đề cập đến ở Giêrêmia 17,13: “Lạy ĐỨC CHÚA, niềm hy vọng của Israel là Ngài, hết những ai lìa bỏ Ngài sẽ phải xấu hổ, những kẻ quay lưng lại với Ngài sẽ bị viết trên đất, vì họ đã lìa bỏ ĐỨC CHÚA là mạch nước trường sinh.

Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu thái độ và hành động của Đức Giêsu ở đây mang tính biểu tượng của một vị thầy dạy Lề Luật Thiên Chúa: ngồi [cúi xuống] và viết. Nếu các kinh sư xét như là những chuyên viên Luật, chắc chắn họ phải biết chính xác Luật Môsê đã dạy thế nào, cụ thể về trường hợp ngoại tình. Sách Lêvi 20,10 nói thế này: “Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với vợ người đồng loại, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử.” (x. Đnl 22,22-29). Nhưng tại sao ở đây chỉ có một mình người đàn bà ngoại tình, còn người đàn ông ngoại tình kia đâu? Sách Xuất hành 23,1b nói: “Đừng làm chứng gian mà tiếp tay với kẻ xấu.” “Ngươi phải lánh xa điều gian dối. Ngươi không được giết kẻ vô tội và công chính, vì Ta không cho kẻ có tội được trắng án” (Xh 23,7). Mặt khác, để cáo buộc tội ai thì cần phải có nhân chứng, ít là hai người (x. Đnl 17,6; 19,15; Ds 35,30). Trong trường hợp này, các kinh sư có thể là những nhân chứng trực tiếp. Tuy nhiên, họ là những nhân chứng gian (x. Đnl 19,15-21). Điều này được chứng tỏ khi Đức Giêsu bảo: “Ai trong các ông không có tội, thì cứ lấy đá ném chị này trước đi” (Ga 8,7b). Theo Luật Môsê, các chứng nhân sẽ là những người “tra tay ném đá” trước tiên (x. Đnl 17,7). Nhưng họ đã lần lượt bỏ đi (Ga 8,9a). Như vậy, thái độ và hành động của Đức Giêsu “cúi xuống viết trên đất” là để dạy cho các kinh sư và người Pharisêu một bài học: đừng mượn cớ Luật Thiên Chúa mà sống giả hình và gian ác; đừng từ chối ân sủng và lòng thương xót của Người!

Rồi Người phunungoaitinhlại cúi xuống viết trên đất” (Ga 8,8). Lần viết thứ hai này có lẽ kéo dài mãi cho đến khi mọi người đã bỏ đi hết, và “chỉ còn lại một mình Đức Giêsu và người phụ nữ vẫn ở giữa” (Ga 8,9). Ở đây Đức Giêsu cũng dạy cho người phụ nữ này biết cần phải sống thế nào cho phù hợp với Lề Luật Thiên Chúa: “từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11; x. 5,14). Điểm đáng chú ý, từ khi mọi người bỏ đi hết, người đàn bà không còn bị gọi là “người đàn bà ngoại tình”, nhưng đơn giản là “người phụ nữ”, nghĩa là một sự xác nhận nhân phẩm của chị, chứ không “dán mác” tội của chị trong cách xưng hô nữa.

Đoạn kết Tin Mừng thật xúc động và tràn đầy ân sủng – cuộc đối thoại giữa Đấng trao ban ân sủng và người đón nhận ân sủng: “‘Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?’ Người đàn bà đáp: ‘Thưa ông, không có ai cả.’ Đức Giêsu nói: ‘Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!’” (Ga 8,10-11).

Như thế, Đức Giêsu đến trần gian là để trao ban ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa cho con người. “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17). “Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17). Lề Luật và Ân sủng đều phát xuất từ Thiên Chúa. Nhưng chính Đức Giêsu là Đấng đến để “kiện toàn Lề Luật” Yêu Thương (x. Mt Mt 5,17) vốn đã bị con người làm cho ra méo mó.

Thiên Chúa là Đấng duy nhất có khả năng giải thoát chúng ta. “Người đàn bà ngoại tình” ở giữa một bên là sự ghen ghét và gian ác, một bên là Đấng trao ban ân sủng (Ga 8,3c). Chính Thiên Chúa nơi Đức Giêsu đã mở ra cho chị một con đường của sự sống và yêu thương. Người đàn bà ngoại tình đã được cứu. Như vậy, chắc chắn mỗi người chúng ta cũng sẽ được cứu, một khi chúng ta biết trao cho Chúa trọn niềm tin và lòng yêu mến chân thành của mình trong Đức Giêsu Kitô (x. Pl 3,9-11), bởi vì “cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (x. 2 Cr 5,17): Thời Ân sủng trong Đức Kitô!

Vincent Maria Phạm Cao Quý, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube