Thế giới sẽ ra sao nếu không có lòng thương xót của Chúa?

Người ta sẽ như thế nào nếu không nhận ra, không lãnh lấy và không thực thi lòng thương xót của Chúa?

Bài Tin Mừng Lc 7,36-50 kể chuyện Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà một người Biệt phái. Sẽ không có chuyện nếu không có sự xuất hiện đường đột của người phụ nữ hư hỏng trong thành, vốn bị coi là “hiện thân” của tội lỗi.

Chị cầm chiếc bình bạch ngọc đựng dầu thơm rất quý giá mạnh dạn đi vào nhà ông Biệt phái, vào thế giới đàn ông, thế giới của những người “đẳng cấp” có phong cách “công chính”, và lặng lẽ đứng sát bên chân Đức Giêsu. Mọi cặp mắt đổ dồn vào chị, nhưng chị không quan tâm bất cứ điều gì, trừ Đấng mà chị mến mộ tìm kiếm đang hiện diện ở đó. Đó là Đấng mà chị đặt trọn lòng tin, lòng tin tạo cho chị nghị lực vượt qua mặc cảm và sợ hãi, can đảm bước vào nơi “cấm kỵ” chí ít là với người có “tai tiếng” như chị.

Chị đến sát bên chân Đức Giêsu để… khóc.

Những giọt nước mắt “khóc cho phận mình” như trút ra từ trong tâm hồn tan nát, khiêm cung của một cuộc đời nhầy nhụa, trút lên chân của Đấng mà chị tin rằng sẽ cảm thông, đón nhận và chữa lành chị. Một thoáng bối rối cảm thấy mình bất xứng và “xúc phạm” khi để những giọt nước mắt tuôn tràn từ bờ mi chảy lã chã lên chân Đức Giêsu, chị vội lấy tóc để lau và kính cẩn “hôn chân” Đức Giêsu, như để “cám ơn” bàn chân đã đem Đấng cao trọng đến cho chị được gặp gỡ, trải bày. Rồi chị lấy dầu thơm quý ấy mà “đổ” lên chân Đức Giêsu. Chị được thỏa chí toại lòng, không còn lý do gì để dè xẻn hay để dành nữa.

Đức Giêsu không ngăn cản, không tỏ ra khó chịu. Người thinh lặng, dịu dàng và trân trọng đón nhận mọi hành vi sám hối chân thành, phát xuất từ trái tim đau khổ, tan nát, dày vò của chị đối với mình.

Ai nấy trong bàn tiệc đều có tâm trạng bức bối.

Việc Đức Giêsu không theo thói thường, thay vì xua đuổi hoặc tỏ ra khó chịu, lại để người phụ nữ tội lỗi “nổi tiếng trong thành” đụng chạm tới mình, tức là bị nhiễm uế, là như đồng hóa mình với hạng người ấy; và càng khó hiểu hơn, khi ai nấy đều coi Người như một ngôn sứ, một người của Thiên Chúa sai đến, thánh thiện đạo đức và có ơn “tiên tri”.
Đức Giêsu biết tất cả.

Một cách khéo léo và tế nhị nhưng thẳng thắn và công minh, Người dùng ví dụ hai người mắc nợ – một người nợ năm trăm quan tiền và người kia nợ năm mươi, được chủ thương xóa nợ – để hỏi người đã mời mình dùng bữa, ai mến chủ hơn!

Câu trả lời rất có lý: “Người được tha nhiều hơn”.

Mọi người đều là tội nhân, vấn đề thật hiển nhiên. Ngay cả người Biệt phái cũng phải dâng lễ đền tội, ăn chay hãm mình và làm việc bác ái để sám hối tội lỗi. Nhưng còn một vấn đề chính yếu nữa, đó là cái nhìn méo mó vì bị tác động bởi những mặc cảm tội lỗi ẩn chứa trong đáy lòng họ, khiến họ có những suy nghĩ cay đắng, khắt khe đối với những tội nhân khác. Do vậy, họ dễ “đánh đồng” bản thân con người với hành vi của nó trong quá khứ.

Ông Biệt phái này cũng vậy, vì chạy theo “nếp nghĩ” ấy, ông chỉ thấy một phía, phía những người được tha nợ, nhưng thấy mà không “nhìn” vào khía cạnh chính yếu của dụ ngôn Đức Giêsu nhắm đến, là “lòng thương xót vô hạn và nhưng không của ông chủ” đối với cả hai người mắc nợ.

Một cách đột ngột, Đức Giêsu đưa ông về với thực tại, khi Người quay lại nhìn người phụ nữ và nói với ông, như thể kêu gọi ông hãy có cái “nhìn” của Người để “nhìn” người phụ nữ tội lỗi và cách cư xử của chị, so với “cái nhìn” của ông, bày tỏ qua sự “tiếp đón” của ông đối với người.

Sự so sánh “đến từng chi tiết” của Đức Giêsu đối với hai thái độ tiếp rước của người phụ nữ và ông Biệt phái cho thấy ai là người lịch sự, trân trọng, quý mến, ai coi thường, hạ nhục, làm mất danh dự của Người: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông, nước lã ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ôliu, ông cũng không đổ trên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, Tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”.

Được tha nhiều tức là cảm nhận được sự mênh mông vô bờ của Lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, Đấng mà chị đã tin tưởng và mạnh dạn đến và xin Người “lấy lòng nhân hậu mà xót thương, mở lượng hải hà xóa tội đã phạm” (Tv 50,3), mặc cho những lời dị nghị, những ánh mắt dò xét đầy ác cảm.

Như vua Đavit xưa, nhờ nghe dụ ngôn của ngôn sứ Nathan mà sám hối, quay về với Thiên Chúa và kêu xin lòng thương xót của Người: “Một tấm lòng tan nát dày vò Ngài sẽ chẳng khinh chê”, vì chỉ có Người mới “tạo cho con một tâm hồn trong trắng và xóa bỏ hết mọi lỗi lầm” (Tv 50,12). Bây giờ, chính chị nghe được lời tha thứ dịu ngọt của Đấng là Dung nhan của Lòng thương xót của Thiên Chúa: “Tội của chị đã được tha rồi”; “lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”. Những gì chị làm, Đức Giêsu đã đón nhận với tất cả sự trân trọng, quý mến. Chính đức tin đã lôi kéo chị đến với Đức Giêsu, nơi đó, có sự gặp gỡ của hai tâm hồn, trong đó, một tâm hồn tan nát vì tội đã được chữa lành, được tái tạo, phục hồi bởi tấm lòng xót thương của Chúa…

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube