Thái độ trước Thánh Thể và lời cầu nguyện khiêm hạ

 

Dikdok, con phải nhớ Thánh Thể là sự hiện diện  thường hằng của Chúa “ở với con mọi ngày cho đến tận thế”, trong tình yêu khao khát khôn nguôi của Đấng muốn được đáp lại cũng bằng tình yêu. Con thấy đó, không thể gọi là tu viện nếu tu viện đó không có Thánh Thể, vì các tu sỹ không biết quy hướng về đâu, sống cho ai, vì ai mà quy tụ và hiện diện để làm gì. Đời sống của họ khi đó thật vô nghĩa.

Nếu con không đặt Chúa Giêsu lên trên hết mọi sự và bao trùm mọi sự trong đời con, thì làm sao có thể nói con thuộc về Chúa, sống cho Chúa và vì Chúa được? Con sẽ chẳng là dấu chỉ đường cho người ta, không có khả năng đưa người khác về với Chúa cũng như đưa Chúa đến với người khác. Việc làm của con khi đó sẽ trở nên vô nghĩa nếu con không giúp họ khám phá ra Chúa trong tâm hồn họ và để Người chúc lành cho họ.

Sư phụ thấy con luôn mở đầu giờ cầu nguyện bằng câu: “Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con tin thật Chúa đang hiện diện tại đây”. Nói thế là con chưa tin vào sự hiện diện thật của Chúa trong Thánh Thể. Đúng, Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin, tin thật Chúa đang hiện diện tại đó trong Thánh Thể. Nhưng con ơi, hãy nhớ lại khi còn bé, con được chỉ cho biết ai là cha con và con tự nhận ra ai là cha mình, mỗi khi gặp gỡ người ấy. Chẳng lẽ con đến trước mặt cha con và nói: “Ba ơi, con tin thật ba là ba của con”(?). Con hãy chú ý quan sát các bậc tiền bối trong tu viện. Con sẽ thấy các ngài ra trước Thánh Thể với một cung cách khiêm hạ của bề tôi ra trước Chúa Thượng của mình và sốt mến cầu nguyện trước Thánh Thể trong tinh thần khâm sùng huyền nhiệm, vì Chúa đang hiện diện ở đó.

Lời cầu nguyện đầu tiên con phải nói là “Lạy Chúa, xin đến giúp con. Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ”. Giúp cho con trong thân phận hèn yếu mỏng dòn phải biết có thái độ gì khi ra trước Đấng Chí Tôn, Chí Thánh. Dù con có là gì trước mặt người trần, con cũng chẳng là gì trước mặt Chúa. Đó là thái độ khiêm hạ, nhìn nhận mình mình là kẻ hèn mọn, thân mang đầy tội lỗi, đang trông chờ lòng thương xót của Chúa (Lc 18,13). Đó là thái độ Đức Giêsu ưa thích, vì Người đã nói: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14).

Khi con hạ mình trước Thánh Nhan Người, Người sẽ đến bên con, âu yếm nâng con lên “hàng nghĩa thiết” của Người.

Dikdok, con nhớ lại xem, khi Đức Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên một cách  ngoạn  mục (Lc 5, 4-11), Người đã bày tỏ quyền năng của Người qua phép lạ “cá”. Qua phép lạ này, Đức Giêsu cho các ông thấy cái logic, sự khôn ngoan hiểu biết, những giá trị con người tìm kiếm không phải lúc nào cũng chính xác và tuyệt đối, nhưng chỉ có thánh ý của Thiên Chúa, hành động của Thiên Chúa mới cho thấy giá trị trọn vẹn, đích thật nếu người ta biết quy thuận thánh ý Chúa. Khi ấy, người ta mới có thể nhận chân được con người thật của mình, thấy được những điều kém giá trị mà trước đây mình theo đuổi, để khiêm tốn thưa, “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” và có thể làm được những chuyện “không tưởng” như, từ bỏ tất cả để làm môn đệ Chúa và trở nên những “ngư phủ đánh bắt người”. Rồi khi Đấng Phục sinh hiện ra với Tôma, đáp ứng đỏi hỏi phải “xem tận mặt, phải sờ tận tay” của ông, ông đã cúi mình phủ phục để suy tôn: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con” (Ga 21,27-28)

Vì vậy, đừng cho mình hay, cho mình đúng, cho mình tài, nhưng hãy học biết khiêm tốn tuân phục thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, và trong mọi hoàn cảnh, hãy nhớ con chỉ là phàm nhân, là “kẻ tội lỗi” cần đến sự chỉ dạy, đến lòng thương xót thường hằng của Thiên Chúa.

Chỉ có sự sám hối liên lỷ mà con mới được đổi mới và luôn được đổi mới nhờ Thần Khí thánh của Thiên Chúa (Tv 50,12-13), khi ấy con sẽ nhìn mọi sự trong góc nhìn mới mẻ về sự hiện diện của Chúa trong lòng Giáo hội để nhận ra ơn Cứu Chuộc nơi Đức Kitô luôn chứa chan (Tv 129,7), để thấy “ở đâu tội lỗi đầy tràn ở đó Ơn Cứu Độ càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Tội lỗi ở đâu? Ở trong con và trong chính đời sống của con đấy Dikdok.

Do đó, con hãy suy phục Chúa Giê su Thánh Thể một cách khiêm tốn, để chính Người sẽ dùng thần lực để giúp con trấn áp sự kiêu hãnh trong con người con, mà sự kiêu ngạo chính là đền thờ của ma quỷ và sự dối trá là kinh thánh của nó. Thánh Giacôbê bảo rằng, “Hãy cảm cho thấu nỗi khốn cùng của anh em, hãy khóc lóc than van. Chớ gì tiếng cười của anh em biến thành tiếng khóc, niềm vui của anh em đổi ra nỗi buồn. Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên.” (Gcb 4, 9-10).

Dicdok. Con hãy hạ mình khi cầu nguyện, chứ đừng cầu nguyện như “đọc diễn văn”, đừng chỉ khai triển ý Chúa, ứng dụng Lời Chúa cách chung chung, mà không nhấn đến hoàn cảnh cụ thể của con, của những tình cảm thiêng liêng của bản thân con?. Sư phụ thấy lời cầu nguyện của con toàn được “tuyển lựa” từ những ý tưởng thần học uyên bác của các nhà Kinh thánh hoặc các nhà thần học trứ danh. Chẳng lẽ mỗi lần ra trước Chúa, con không dám nói thật về cõi lòng của con với những tâm tình trong sáng, đơn sơ, chân thành, và những nhu cầu thực sự của con?

Con đang nói với ai vậy, với Chúa hay với con người? Con nói để Chúa hiểu hay con đang “thuyết giảng” cho anh em con và “làm mầu, khoe mẽ” trước vị bề trên của con?

Tại sao con đóng cửa lòng với Chúa, Đấng thấu hiểu mọi ngóc ngách trong linh hồn con, cả những mảng sáng lẫn những gì còn tăm tối trong đó?. Vì con sợ điều đó là bất kính với Chúa, hoặc ngần ngại phơi bày con người thật của con ra trước Chúa và anh em, mà con không cho Chúa vào?

Dicdok.

Phải chăng trong “cõi tư riêng bí mật” đó chính là nơi cất giữ danh thơm tiếng tốt của con, thể diện của con, hoặc là chỗ con dấu nhẹm cái tôi ích kỷ, xấu xí của con mà con chỉ muốn có mình con biết?. Chầu Thánh Thể mà con ứng xử như thế Chúa “ngây ngô” không biết gì. Con nghĩ làm như thế có thể che mắt được anh em con, chưa chắc đâu con, và tưởng rằng che mắt được Chúa, chuyện hão huyền!.

Con phải nhớ rằng đời sống thiêng liêng của con sẽ không bao giờ cảm nhận được trọn vẹn niềm vui, sự bình an, sức mạnh, sự can đảm và những ơn cần thiết khác, là những gì Chúa muốn cho con, cho đến khi con học biết sự khiêm hạ, tự hủy trước Chúa, Đấng thấu hiểu mọi sự, đồng thời khiêm tốn trước anh em, những người luôn “cảm thông” với những yếu đuối của con, vì chính họ cũng thế. Đừng lo lắng việc anh em có thể coi thường con, hơn là việc biết Chúa sẽ chấp nhận con. Hãy hoàn toàn trút bỏ mọi sự của đời con, mọi “rắc rối”, mọi lý lẽ biện minh để sẵn sàng trở nên “điên rồ” vì Chúa, và vì Chúa, con có thể trở nên “ngây ngô” với anh em (1Cr 12,10).

Sư phụ biết con còn nhiều âu lo, nhưng con hãy tập biết làm đẹp lòng Chúa hơn chiều theo ý con người và lòng kiêu hãnh của con. Chúa muốn con tâm sự với Chúa, như “diện đối diện”, vì thế, con cần bước vào sự tĩnh mạc nội tâm, nơi chỉ có con với Chúa, như Đức Maria và thánh Giuse xưa, để rồi có lúc, con sẽ cất lên bài ca Magnificat hoặc lập tức trỗi dậy, dũng cảm thi hành ý Chúa.

Dicdok. Con vô nhà nguyện chi vậy?. Tới giờ ăn rồi. Mau sắp cơm đi. Sư phụ đói rồi.

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube