Sự tăng trưởng kinh tế đích thật phải bao gồm người nghèo và người bị thiệt thòi

Theo Đức Tổng Giám mục Manila, các mô hình kinh tế hiện nay vẫn còn chưa bao gồm phần lớn nhân loại; Tiêu chuẩn về sự công bằng tái phân phối, sự liên đới và sự nhưng không cần phải được đưa vào nền kinh tế. Chúng ta không phải là những chủ nhân ông của tạo thành nhưng phải là các nhà quản trị tốt.

20160524 Tagle

Đức Hồng y Tagle, Chủ tịch Caritas Quốc tế

“Phải gọi là gì cái kiểu tăng trưởng loại trừ phần lớn gia đình nhân loại và chỉ liên quan đến một phần nhỏ của gia đình ấy?” Câu hỏi tu từ này được đặt ra bởi Đức Tổng Giám mục Manila và Chủ tịch Caritas Quốc tế, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, trong một bài phát biểu tại Hội nghị quốc tế của tổ chức “Centesimus Annus pro Pontifice Foundation”. Trong bài phát biểu của mình, mang tên “Sáng kiến kinh doanh trong cuộc chiến chống đói nghèo. Các trường hợp tị nạn khẩn cấp, thách thức của chúng ta”, Đức Hồng Y đề cập đến một loạt các vấn đề, đặc biệt là vấn đề di dân và sự “tăng trưởng toàn diện”.

Đức Hồng y Tagle viện dẫn bốn vị Giáo hoàng gần đây nhất và giáo huấn xã hội của các ngài thông qua bốn văn kiện khác nhau: Đức Phaolô VI với thông điệp “Populorum Progressio”, Đức Gioan Phaolô II với thông điệp “Sollecitudo Rei Socialis”, Đức Bênêđictô XVI với thông điệp “Caritas in Veritate” và Đức Phanxicô với tông huấn “Evangelii Gaudium”. Mỗi văn kiện thể hiện một mối quan tâm ngày càng nhiều hơn về sự nghèo đói cùng cực mà hàng tỷ người đang phải chịu như là kết quả của tình trạng thất nghiệp toàn cầu, sự tiêu thụ không hợp lý các nguồn lực và sự bất bình đẳng giữa các quốc gia và các châu lục. Huấn quyền Hội thánh nhận thức rất rõ các vấn đề của sự bất công xã hội và tính cách trải rộng khắp thế giới của nó.

Đức Tổng Giám mục Tagle đã đề xuất một phương pháp tiếp cận “rộng” liên quan đến vấn đề tị nạn; cụ thể hơn, ngài giải thích, “bằng cách bỏ đi sự phân biệt giữa một người tị nạn và một người di cư bất đắc dĩ”, trường hợp của những người chạy trốn khỏi đói nghèo và thiên tai có thể được phân loại như là trường hợp di cư – còn nguy cấp là trường hợp của những người chạy trốn chiến tranh và khủng bố. Sự biến động dân cư bất đắc dĩ ấy, ngài thêm, đã dẫn đến “nạn buôn người và các hình thức nô lệ mới”, một “doanh nghiệp nhiều triệu đô la”. Vì vậy, để đáp ứng với sự nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng xã hội, nhân đạo và kinh tế đang diễn ra, cần sự thay đổi sâu sắc về lối sống. Theo hướng đó, vị Chủ tịch Caritas Quốc tế đã nói về tầm quan trọng của việc xem cuộc sống như một quà tặng, từ đó theo đuổi quan niệm về cuộc sống khác với chủ nghĩa tiêu thụ và thực dụng rất phổ biến mà ngày nay chúng ta đang phải đối diện. Theo quan niệm đó về cuộc sống, sự nhưng không và tình huynh đệ đi đôi với nhau, đó là lý do tại sao bên cạnh các tiêu chuẩn kinh tế, người ta cũng phải xem xét các tiêu chí như sự công bình tái phân phối và xã hội, đến từ sự liên đới.

“Một trong những kinh nghiệm đau lòng nhất của tôi trong tư cách một giám mục – Đức Hồng y Tagle nói – là việc cử hành tang lễ của hai trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 6. Đó là hai anh em. Các em bị chết sau khi ăn thức ăn mà cha các em đã lấy ra từ một thùng rác gần một nhà hàng”. Người cha có thói quen “đi tìm thức ăn thừa ở bất cứ nhà hàng nào khi anh không thể kiếm đủ tiền để mua thức ăn cho gia đình mình”. Vào cái đêm định mệnh ấy, hai đứa trẻ bị ngộ độc thực phẩm. “Chúng ta phải nói gì trong những trường hợp như vậy?” – Đức TGM hỏi. “Làm thế nào chúng ta có thể loan báo Tin Mừng?” Chúng ta cần phải trở lại làm “những nhà quản trị tốt” của tạo thành – ĐHY nói, và thêm rằng chúng ta không được tìm cách trở thành những chủ nhân ông của tạo thành. “Trong ‘Laudato Si’, Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi một sự hoán cải sinh thái toàn diện, trong đó hệ sinh thái môi trường được gắn kết chặt chẽ với hệ sinh thái nhân bản”.

Do đó, cả hai công lý sinh thái và liên thế hệ phải được thực hiện và các nguồn tài nguyên của trái đất cần phải được sử dụng một cách có trách nhiệm. Việc tìm kiếm thiện ích chung phải là cơ sở cho hoạt động kinh tế và phải là động lực của hoạt động đó. Nguyên tắc làm giàu phải được đi kèm với sự công bằng tái phân phối “để đạt được thiện ích chung”. Mục tiêu chính của con đường này, là bao gồm những người cho đến nay vẫn bị loại trừ khỏi quá trình tăng trưởng, nói cách khác, “những người bị gạt sang bên lề và những người nghèo”. Người nghèo – Đức Hồng y Tagle nói – bị loại ra khỏi tất cả các dự đoán kinh tế và các hình thức hoạch định kinh tế. Việc trao cho họ các dịch vụ mà họ cần lại bị coi là chuyện không tưởng.

Mặc dù người nghèo chiếm phần lớn dân số thế giới, họ thường bị xem như là một loại thiệt hại tài sản thế chấp. “Điều này xuất phát từ một thực tế là vì phần nhiều các chuyên gia, các nhà lý luận, các kênh truyền thông và các trung tâm quyền lực đều nằm ở các khu vực đô thị giàu có. Họ xa cách người nghèo và mất liên lạc với các vấn đề của người nghèo”. Sự tăng trưởng trong các doanh nghiệp nên bắt đầu với những người nghèo được đưa vào ý thức của chúng ta để khuấy động chúng ta, dạy dỗ chúng ta và thôi thúc chúng ta hành động.

Francesco Peloso

Ngọc Huỳnh chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube