Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2023: ‘Chúng ta đã học được gì từ đại dịch?’

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 26 tháng 10 năm 2022 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 26 tháng 10 năm 2022 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Trong một thông điệp gửi tới các nguyên thủ quốc gia trên toàn thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề nghị các nhà lãnh đạo suy ngẫm về những bài học có thể rút ra sau ba năm kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19.

Vào ngày 16 tháng 12, Vatican đã công bố Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình năm 2023 của Đức Thánh Cha, trong đó ngài đặt ra một loạt những câu hỏi:

“Chúng ta đã học được gì từ đại dịch? Chúng ta nên đi theo những đường hướng mới nào để cởi bỏ xiềng xích của những thói quen cũ kĩ, để chuẩn bị tốt hơn, để dám thực hiện những điều mới mẻ? Chúng ta có thể nhìn thấy những dấu hiệu nào của sự sống và hy vọng, để giúp chúng ta tiến về phía trước và cố gắng biến thế giới của chúng ta trở thành một nơi tốt đẹp hơn?”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết trong Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình rằng “chắc chắn sau khi trực tiếp trải nghiệm sự mong manh trong cuộc sống của chính chúng ta… bài học lớn nhất mà chúng ta học được từ COVID-19 là nhận ra rằng tất cả chúng ta đều cần đến nhau”.

Đức Thánh Cha cho biết thêm: “Chúng tôi cũng học được rằng sự tin tưởng mà chúng ta đặt vào sự tiến bộ, công nghệ và tác động của toàn cầu hóa không chỉ thái quá mà còn biến thành sự say mê chủ nghĩa cá nhân và sùng bái thần tượng, làm phương hại đến chính lời hứa về công lý, sự hòa hợp và hòa bình mà chúng ta đã nhiệt tâm tìm kiếm”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “trong thế giới phát triển nhanh chóng của chúng ta, các vấn đề phổ biến của sự bất bình đẳng, sự bất công, nghèo đói và gạt ra bên lề xã hội tiếp tục châm ngòi cho tình trạng bất ổn và xung đột, đồng thời tạo ra bạo lực và thậm chí là chiến tranh”.

“Chúng ta không thể tiếp tục chỉ tập trung vào việc bảo vệ bản thân; đúng hơn, đã đến lúc tất cả chúng ta cần phải nỗ lực hàn gắn xã hội và hành tinh của chúng ta, đặt nền móng cho một thế giới công bằng và hòa bình hơn, đồng thời cam kết một cách nghiêm túc trong việc theo đuổi công ích”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Ngày Thế giới Hòa bình – do Thánh Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập năm 1968 – được cử hành hàng năm vào ngày 1 tháng Giêng, Lễ Trọng Kính Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình được Văn phòng Quốc Vụ Khanh Vatican gửi đến các chính phủ trên khắp thế giới.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa bình Thế giới năm 2023, lần thứ 56, có chủ đề: “Không ai có thể được cứu một mình: Cùng nhau chống lại COVID-19, cùng nhau dấn thân trên con đường hòa bình”.

Trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bao gồm một đoạn nói về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, điều mà ngài mô tả là “một bước thụt lùi đối với toàn thể nhân loại”.

“Vào chính thời điểm mà chúng ta dám hy vọng rằng những giờ phút đen tối nhất của đại dịch COVID-19 đã qua đi, thì một thảm họa khủng khiếp mới lại giáng xuống nhân loại. Chúng ta đã chứng kiến sự tấn công dữ dội của một tai họa khác: một cuộc chiến khác, ở một mức độ nào đó giống như cuộc chiến chống lại COVID-19, nhưng được thúc đẩy bởi những quyết định đáng trách của con người… Rõ ràng, đây không phải là thời kỳ hậu COVID mà chúng ta đã hy vọng hoặc mong đợi”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng lưu ý: “Mặc dù đã tìm ra vắc-xin cho COVID-19, nhưng các giải pháp phù hợp vẫn chưa được tìm thấy cho cuộc chiến”.

Tại cuộc họp báo của Vatican ngày 16 tháng 12 trình bày Sứ điệp của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Michael Czerny đã lặp lại câu hỏi của Đức Thánh Cha: “Chúng ta đã học được gì từ COVID?”.

Vị Hồng y người Canada, người phục vụ với tư cách là Tổng Trưởng Thánh Bộ Cổ võ Sự Phát triển Con người Toàn diện của Vatican, đã đưa ra suy tư của riêng mình về cách thức đối phó với đại dịch.

Đức Hồng Y Czerny nói: “Thế giới cần một kế hoạch quốc tế được hỗ trợ tốt để đối phó với đại dịch. Điều đó hoàn toàn thiếu sót. Thay vào đó, thông tin sai lệch tràn lan, đổ lỗi cho nhau, những tuyên bố sai lệch và gieo rắc sự hoang mang đã chiếm ưu thế; trong khi những người đưa ra quyết định đã dành ưu tiên cao hơn cho các tuyên bố của những người nắm giữ bằng sáng chế thay vì nhu cầu của mọi người trên khắp thế giới”.

Minh Tuệ (theo CNA)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube