Phỏng vấn ĐTC Phanxicô: 'Đơn từ chức của tôi đã sẵn sàng trong trường hợp sức khỏe có vấn đề'

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần (Ảnh: ANSA)

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần (Ảnh: ANSA)

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo ABC tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiết lộ rằng khi bắt đầu Triều đại Giáo hoàng của mình, ngài đã trao cho Quốc Vụ Khanh Vatican lúc bấy giờ, Đức Hồng y Tarcisio Bertone, một lá thư tuyên bố ngài sẽ từ chức trong trường hợp có những trở ngại nghiêm trọng và lâu dài về sức khỏe khiến ngài không thể thi hành vai trò của mình với tư cách là Giám mục Rôma và Mục tử của Giáo hội hoàn vũ.

Vào đầu Triều đại Giáo hoàng của mình vào năm 2013 khi Đức Hồng Y Tarcisio Bertone vẫn còn là Quốc Vụ Khanh Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đệ đơn từ chức “trong trường hợp có trở ngại vì lý do sức khỏe”. Tiết lộ quyết định này, điều mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng đã thực hiện trong Triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về vấn đề này trong một cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau với nhật báo ABC tiếng Tây Ban Nha. Nội dung đầy đủ của cuộc phỏng vấn đã được xuất bản hôm Chúa nhật với các bản xem trước được đăng trước đó một ngày.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ biên tập viên của tờ báo, Julián Quirós, và phóng viên tại Vatican, Javier Martínez-Brocal, khi ngài đề cập đến nhiều chủ đề về các sự kiện hiện tại liên quan đến đời sống của Giáo hội và thế giới.

Các cuộc trò chuyện đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine, trong đó Đức Thánh Cha nói rằng ngài không nhìn thấy “sự kết thúc ngắn hạn của nó vì đây là một cuộc chiến tranh thế giới”, các trường hợp giáo sĩ lạm dụng, vai trò của phụ nữ trong Giáo triều Rôma (trong đó, Đức Thánh Cha nói “trong vòng hai năm, một phụ nữ sẽ đứng đầu một Thánh Bộ”), việc từ chức năm 2013 của Đức Bênêđictô XVI và khả năng có thể từ nhiệm của chính cá nhân ngài.

Lá thư từ chức

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về sự tồn tại của lá thư từ chức của mình, ngài chia sẻ: “Tôi đã ký đơn từ chức. Đó là khi Đức Hồng y Tarcisio Bertone còn là Quốc Vụ Khanh Vatican. Tôi đã ký đơn từ chức và nói với ngài: ‘Trong trường hợp có trở ngại về sức khỏe hoặc bất cứ điều gì, đây chính là đơn từ chức của tôi. Tôi đã dưa nó cho ngài’. Tôi không biết Đức Hồng y Bertone đã trao lá thư đó cho ai, nhưng tôi đã đưa nó cho ngài khi ngài còn là Quốc Vụ Khanh Vatican”. Hai người phỏng vấn của tờ ABC đã hỏi liệu Đức Thánh Cha có muốn bức thư này được mọi người biết đến không, và ngài trả lời: “đó là lý do tại sao tôi nói với các bạn”, đồng thời nhắc lại rằng Đức Phaolô VI cũng đã viết đơn từ chức trong trường hợp có vấn đề về sức khỏe, và Đức Piô XII có lẽ cũng đã làm như vậy. “Đây là lần đầu tiên tôi nói điều này”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết thêm. “Giờ đây có lẽ ai đó sẽ đến và đề nghị Đức Hồng y Bertone ‘đưa cho tôi bức thư đó’ (Đức Thánh Cha Phanxicô nói đùa)… chắc chắn ngài (Đức Hồng y Bertone) đã trao nó cho tân Quốc Vụ Khanh Vatican”.

Chiến tranh tại Ukraine

Cuộc phỏng vấn cũng tập trung vào cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng hơn một trăm lần. Đức Thánh Cha cũng đã tuyên bố một cách thẳng thừng: “Những sự việc đang xảy ra ở Ukraine quả thực hết sức kinh hoàng. Có một sự tàn ác khủng khiếp. Nó rất nghiêm trọng…”

Đức Thánh Cha Phanxicô không nhìn thấy cuộc chiến sắp kết thúc trong một thời gian ngắn: “Đây là một cuộc chiến tranh thế giới. Chúng ta đừng quên điều đó. Đã có một số bàn tay tham gia vào cuộc chiến. Nó mang tính toàn cầu. Tôi thiết nghĩ một cuộc chiến diễn ra khi một đế chế bắt đầu suy yếu và khi có vũ khí để sử dụng, để bán và để thử nghiệm. Đối với tôi, dường như có rất nhiều lợi ích liên quan”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng phản đối chiến tranh hơn một trăm lần, ngài nói: “Tôi làm những gì có thể. Nhưng họ không lắng nghe”, Đức Thánh Cha cho biết thêm, “Những sự đang xảy ra ở Ukraine quả thực hết sức kinh hoàng. Có một sự tàn ác khủng khiếp. Nó rất nghiêm trọng. Và đây là điều tôi liên tục chỉ trích”. Đức Thánh Cha khẳng định sự cởi mở của ngài trong việc tiếp nhận và lắng nghe mọi người: “Hiện tại Tổng thống Volodymir Zelensky đã phái một trong những cố vấn tôn giáo của ông đến với tôi lần thứ ba. Tôi tiếp xúc, tôi tiếp đón mọi người, tôi giúp đỡ mọi người…”

Ngoại giao Vatican

Việc tiếp cận của chính Đức Thánh Cha Phanxicô đi đôi với các nỗ lực ngoại giao của Tòa Thánh. Về chủ đề này, những người phỏng vấn ABC đã hỏi tại sao Vatican lại thận trọng như vậy trong việc lên tiếng chống lại các chế độ toàn trị. “Tòa Thánh luôn cố gắng bảo vệ các dân tộc…thông qua đối thoại và ngoại giao,” Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời. “Tòa thánh không bao giờ hành động một mình…Tòa thánh luôn cố gắng bảo vệ các mối quan hệ ngoại giao và cứu vãn những gì có thể cứu vãn được bằng sự kiên nhẫn và đối thoại”.

Cách tiếp cận cá nhân của chính Đức Thánh Cha Phanxicô đi đôi với các nỗ lực ngoại giao của Tòa Thánh. Về chủ đề này, những người phỏng vấn của hãng tin ABC đã hỏi tại sao Vatican lại thận trọng như vậy trong việc lên tiếng chống lại các chế độ toàn trị. “Tòa Thánh luôn nỗ lực bảo vệ các dân tộc…thông qua đối thoại và ngoại giao”, Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời. “Tòa Thánh không bao giờ hành động một mình…Tòa Thánh luôn nỗ lực bảo vệ các mối quan hệ ngoại giao và cứu vãn những gì có thể cứu vãn được bằng sự kiên nhẫn và đối thoại”.

Các trường hợp lạm dụng

Trả lời một câu hỏi về các trường hợp giáo sĩ lạm dụng tình dục, Đức Thánh Cha nói, “quả thực vô cùng đau đớn, rất đau đớn”, khi đề cập đến các cuộc gặp gỡ của ngài với các nạn nhân đã diễn ra trong Triều đại Giáo hoàng của ngài. “Đây là những người đã bị hủy hoại bởi chính những người lẽ ra phải giúp họ trưởng thành và lớn lên. Điều này rất khó. Dù chỉ có một trường hợp thôi cũng thật khủng khiếp, và một người đáng lẽ phải dẫn đưa bạn đến với Chúa lại hủy hoại bạn trên con đường này”.

Vai trò của phụ nữ

Cuộc phỏng vấn của ABC sau đó tập trung vào các chủ đề có tính chất ‘Giáo hội’ hơn, bắt đầu với vai trò lãnh đạo có thể có của phụ nữ trong Giáo triều La Mã. “Sẽ có”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói một cách chắc chắn. “Tôi đang nghĩ đến một người nào đó sẽ được bổ nhiệm vào một Thánh Bộ mà một vị trí sẽ có sẵn trong hai năm. Không có trở ngại nào đối với việc một phụ nữ lãnh đạo một Thánh Bộ mà trong đó một giáo dân có thể giữ vai trò Tổng Trưởng. Nếu đó là một Bộ có tính chất bí tích, thì đó phải được chủ trì bởi một Linh mục hoặc một Giám mục”, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích.

Các Mật nghị Hồng y trong tương lai

Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến cuộc tranh luận về ấn đề công việc của các Mật nghị Hồng y trong tương lai có thể trở nên khó khăn thế nào vì các tân Hồng y mà ngài đã bổ nhiệm không biết rõ về nhau và đến từ những nơi khác nhau và xa xôi. Đức Thánh Cha cho biết rằng đúng là có thể có những vấn đề “từ quan điểm của con người”, nhưng “chính Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong Mật nghị”. Sau đó, Đức Thánh Cha đã nhắc lại đề xuất của một Hồng y người Đức trong các cuộc họp vào tháng 8 về Tông Hiến Praedicate Evangelium “rằng trong cuộc bầu chọn tân Giáo hoàng, chỉ có các Hồng y sống ở Rôma mới được tham dự”. Sau đó, Đức Thánh Cha đã đặt câu hỏi một cách hùng biện: “Liệu đây có phải là tính phổ quát của Giáo hội không?”.

Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

Đức Benedict XVI: một con người thánh thiện, một vĩ nhân

Phát biểu về mối tương quan với người tiền nhiệm Đức nguyên Giáo hoàng Benedict XVI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả ngài là “một con người thánh thiện” và “một người có đời sống tinh thần vĩ đại”, đồng thời tiết lộ rằng ngài thường xuyên đến thăm Đức Benedict XVI và luôn cảm thấy “được khai trí” bởi cái nhìn sáng suốt của ngài.

“Đức Benedict XVI có khiếu hài hước, ngài vô cùng minh mẫn, ngài lưu giữ những ký ức, ngài nói nhỏ nhẹ nhưng theo sát cuộc trò chuyện. Tôi ngưỡng mộ sự minh mẫn của Đức Benedict XVI. Ngài quả là một vĩ nhân”.

Mặt khác, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng ngài không có ý định xác định tư cách pháp lý của một vị nguyên Giáo hoàng: “Tôi có cảm tưởng rằng Chúa Thánh Thần không quan tâm đến việc tôi giải quyết những vấn đề này”.

Giáo hội tại Đức

Liên quan Giáo hội tại Đức, đang vật lộn với Con đường Công nghị vốn đã tạo ra và vẫn tiếp tục tạo ra nhiều phản ứng khác nhau, thậm chí cả những phản ứng tiêu cực, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại bức thư “rất rõ ràng” mà ngài đã viết vào tháng 6 năm 2019: “Tôi đã đích thân viết bức thư. Tôi đã dành cả tháng trời để viết bức thư đó. Đó là một bức thư như thể muốn nói rằng: ‘Các huynh đệ hãy suy tư về điều này’”.

Chuyến viếng thăm Marseilles

Trong các cuộc trò chuyện phỏng vấn, Đức Thánh Cha đã đề cập rằng ngài có một chuyến đi được lên kế hoạch đến Marseilles để tham dự ‘Cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải’, đồng thời lưu ý rằng đó không phải là một chuyến đi đến Pháp và ưu tiên cho các chuyến Tông du của ngài là đến thăm các quốc gia nhỏ hơn của Châu Âu.

Khi được hỏi về vấn đề Catalonia, Đức Thánh Cha cho biết rằng “mỗi quốc gia cần phải tìm ra con đường lịch sử của riêng mình để giải quyết những vấn đề này. Không có giải pháp duy nhất”. Sau đó, Đức Thánh Cha trích dẫn trường hợp của Bắc Macedonia hoặc Nam Tyrol, ở Ý, với tình trạng riêng của mình. Về vai trò mà Giáo hội nên duy trì trong vấn đề này, thay vào đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: ‘Điều Giáo hội không thể làm là trở thành tiếng nói tuyên truyền cho bên này hay bên kia, mà phải đồng hành cùng người dân để họ tìm ra giải pháp dứt điểm”. Tương tự như vậy, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng: “Khi một Linh mục can thiệp vào lĩnh vực chính trị, điều đó là chẳng mấy tốt đẹp…. Linh mục là một Mục tử. Ngài phải giúp mọi người đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Đồng hành với họ. Nhưng không phải để trở thành một chính trị gia. Nếu bạn muốn trở thành một chính trị gia, hãy từ bỏ sứ vụ Linh mục và trở thành một chính trị gia”.

Tự Sắc về Opus Dei

Tóm lại, khi được hỏi về Tự Sắc tựa đề “Để bảo vệ Đoàn sủng” (Ad charisma tuendum) về Dòng Chủ Nghiệp (Opus Dei), Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết rằng tài liệu đề cập đến một lĩnh vực cần được tái xem xét và cần được giải quyết. Đó không phải là một biện pháp kỷ luật hoặc tiếp quản, như một số người đã tuyên bố. “Xin hãy nhớ cho. Tôi là một người bằng hữu của Opus Dei, tôi rất yêu quý các thành viên của Opus Dei và họ đã làm những công việc hết sức tốt đẹp trong Giáo hội. Những điều tốt đẹp mà họ làm quả thực rất đáng kể”.

(Bản dịch rút gọn từ bài báo gốc tiếng Ý)

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube