Niềm vui của sự tha thứ!

Cảm giác thật tuyệt vời khi được tha thứ phải không nào? Khi đôi vợ chồng tranh cãi về điều gì đó nhỏ nhặt hoặc ngớ ngẩn và người bắt đầu cuộc tranh cãi có thể nói, “Tôi đã sai. Tôi rất xin lỗi” – chẳng phải có một cảm giác nào đó rất đỗi tuyệt vời? Khi con cái không nghe lời và cuối cùng chúng tự thừa nhận lỗi sai đó, không cảm thấy tuyệt vời khi cha mẹ nói với chúng rằng chúng đã được tha thứ sao? Khi bạn bè tranh cãi, không cảm thấy tuyệt vời khi chúng ta hồi sinh tình bạn ấy và nói, “Tất cả điều đáng tiếc đã được lãng quên”?

shutterstock_621710960

Tha thứ là món quà tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể nhận được. Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta với tư cách là một con người, chịu đau khổ và chịu chết thay cho chúng ta trên thập tự giá là để ban cho chúng ta ân phúc hòa giải với Chúa Cha và với tha nhân. Mục đích duy nhất của Người là hàn gắn vết rạn nứt do tội lỗi của Ađam gây ra, để chúng ta được kết hợp hoàn hảo với Chúa Cha và với nhau. Người muốn tất cả chúng ta trải nghiệm cảm giác tuyệt vời khi được tha thứ – không chỉ trong chốc lát mà là vĩnh viễn.

Mỗi ngày, chúng ta hãy ca tụng Chúa Giêsu vì ơn cứu độ mà Ngài đã dành cho chúng ta bằng cái chết và sự sống lại, món quà quý giá của Ngài chính là sự sống mới trong Ngài, và cách Ngài tuôn đổ lòng thương xót trên chúng ta khi chúng ta ăn năn hối cải. Với tất cả những ân phúc này, điều gì có thể ngăn cản chúng ta hòa giải với Thiên Chúa mỗi ngày? Tại sao chúng ta lại muốn tránh cảm giác nhẹ nhõm và hạnh phúc khi “lỗi của chúng ta được xóa bỏ” và “tội của chúng ta được tha”?

Xóa bỏ gánh nặng tội lỗi.

“Bao lâu con lặng thinh không thú lỗi, thì gân cốt rã rời, cả ngày con gào thét. Vì ngày đêm con bị tay Ngài đè nặng, nên sức lực hao mòn, như bị nắng mùa hè thiêu đốt.” (Thánh Vịnh 32,3-4)

Ai mà không cảm thấy tinh thần buồn rầu và nặng trĩu khi mình phạm tội? Một cậu bé cố che giấu điều gì đó với bố mẹ đang phải vật lộn với nỗi lo lắng không biết điều gì sẽ xảy ra khi cuối cùng bị bố mẹ phát hiện. (Có thể cậu ấy đã làm vỡ chiếc bình yêu thích của mẹ mình.) Trớ trêu thay, cậu ấy đang tự trừng phạt bản thân nghiêm khắc hơn nhiều so với những gì cha mẹ cậu ấy có thể sẽ làm. Cậu bé không thể tận hưởng dù chỉ một giây phút hạnh phúc, bởi vì tội lỗi của cậu ấy có thể bị phanh phui bất cứ lúc nào.

Còn người vợ vô tâm làm tổn thương chồng để rồi nhận ra mình đã làm gì mà không thể cầu xin sự tha thứ của anh ấy thì sao? Có lẽ cô ấy không thể tha thứ cho chính mình, và rất có thể, cô ấy không tin rằng mình đáng được chồng tha thứ. Hơn nữa là, cô càng đợi lâu thì bức tường ngăn cách giữa họ càng cao.

Người viết Thánh Vịnh mô tả về gánh nặng tội lỗi một cách rất sinh động và đầy thuyết phục. Như thể ông ấy yêu cầu chúng ta tự nhìn lại bản thân mình trải qua cảm giác xương mình “hao mòn” như thế nào khi biết rằng chúng ta đã xúc phạm đến Chúa hoặc làm tổn thương một người nào đó trong anh chị em mình. Chúng ta cảm thấy bàn tay của Thiên Chúa đè nặng trên mình như thế nào? Điều gì khiến sức lực của chúng ta bị “khô héo như nắng nóng mùa hè”?

Thành thật tự trả lời những câu hỏi như thế là bước đầu tiên để ta có thể suy xét lương tâm của chính mình. Việc thừa nhận nỗi đau đớn vì hành động của chúng ta đã làm tổn hại mối quan hệ giữa ta với Thiên Chúa là cách tốt nhất để bắt đầu quá trình hòa giải và đưa ta đến một nơi mà chúng ta có thể cảm nhận được lòng thương xót của Người đang chảy tràn qua chúng ta. Hãy nhớ rằng: chừng nào chúng ta không thừa nhận tội lỗi của mình, chúng ta vẫn không thể trải nghiệm niềm vui được tha thứ và giải thoát. Chúng ta không có được niềm vui đó cho đến khi chúng ta “nói”. Và khi bắt đầu nói, chúng ta sẽ thấy mình được bao phủ trong tình yêu thương của Thiên Chúa, giống như đứa con hoang đàng chỉ kịp thốt lên vài lời trước khi được cha mình bảo bọc trong vòng tay ấm áp và tha thứ tất cả.

Tự do thông qua tha thứ.

“Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài, chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con. Con tự nhủ: “Nào ta đi thú tội với Chúa”, và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con.” (Thánh Vịnh 32,5)

Nhiều người lầm tưởng rằng người Công Giáo sẵn sàng đón nhận tội lỗi vào cuộc sống của mình, rằng đức tin của chúng ta dựa trên tội lỗi và nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa nhờ vào nỗ lực của chúng ta. Sự thật là chúng ta quan tâm đến tội lỗi bởi vì ta biết sự tự do là như thế nào khi được tha thứ. Chúng ta biết rằng một khi chúng ta có đủ can đảm để thú nhận tội lỗi của mình, ắt chúng ta sẽ được tha thứ. Tuy nhiên, đối với một số người trong chúng ta, có thể rất khó khăn để xưng thú tội của mình. Chúng ta có thể đấu tranh nhiều hơn nữa để tránh thừa nhận sự thật về bản thân. Tuy nhiên, suy cho cùng, sự thật, sự ăn năn và sự tha thứ là cách duy nhất để dẫn đến tự do thực sự.

Thực hành Bí tích Hòa Giải là cách thông thường để người Công Giáo kinh nghiệm khoảnh khắc đáng quý đó khi được tác giả Thánh Vịnh mô tả: “Con tự nhủ: “Nào ta đi thú tội với Chúa”, và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con” (Thánh Vịnh 32, 5). Nếu đã từ lâu kể từ lần cuối cùng bạn kinh nghiệm niềm vui của bí tích tuyệt đẹp này, hãy quyết tâm làm điều đó càng sớm càng tốt.

Nếu bạn đang mang nặng nề tội lỗi, thì niềm vui mà bí tích này mang lại sẽ thực sự là sự giải thoát. Đối với đứa trẻ đang cố gắng lừa dối cha mẹ mình, hẳn rằng khoảnh khắc bị phát hiện sẽ là khoảnh khắc tồi tệ. Thay vào đó, đó là khoảnh khắc của chiến thắng và tự do.

Thiên Chúa sluôn tha thứ cho chúng ta.

“Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy… Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy. (Luca 15,24.32)

Dụ ngôn về đứa con hoang đàng cho phép chúng ta chuyển trọng tâm từ nhu cầu của mình để cầu xin và nhận được sự tha thứ mà hướng đến một Thiên Chúa từ ái luôn mong chờ để tuôn đổ sự tha thứ của Ngài trên tất cả chúng ta. Rõ ràng là Cha nhân từ của chúng ta luôn sẵn lòng tha thứ bất kể chúng ta đã làm gì xúc phạm đến Ngài. Nhưng cũng rõ ràng là chúng ta có xu hướng khó chấp nhận sự tha thứ này.

Chương mười lăm của phúc âm Luca — với ba câu chuyện ngụ ngôn về những thứ bị mất (con cừu, đồng tiền, đứa con trai) — cho chúng ta thấy được niềm vui của Thiên Chúa khi Ngài tìm lại được những gì đã “mất”. Thật ra, niềm vui lớn nhất ở trên trời là mỗi khi một người thân yêu trở về nhà Cha. Và điều tuyệt vời hơn nữa, Thiên Chúa mời gọi chúng ta chia sẻ niềm vui này bất cứ khi nào anh chị em yêu cầu chúng ta tha thứ cho họ. Giây phút mãnh liệt này dành cho tất cả chúng ta là những người Công Giáo trong những buổi cầu nguyện chung, và theo cách cá nhân hơn là khi một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn thân yêu đến gặp riêng và xin chúng ta tha thứ.

Giả sử rằng cậu bé làm vỡ chiếc bình yêu thích của mẹ cuối cùng cũng thừa nhận điều đó và được thưởng một cái ôm lớn thay vì một hình phạt. Em gái của cậu ấy sẽ phản ứng như thế nào? Rất có thể, cô ấy sẽ tự nghĩ: “Mình vô tội. Mình xứng đáng hơn anh trai mình, người đã làm vỡ chiếc bình.” Đây chẳng phải là cách mà anh của đứa con hoang đàng đã nghĩ và hành động sao? Nhưng sự thật là tất cả chúng ta đều là tội nhân. Tất cả chúng ta đều cần lòng thương xót tha thứ của Chúa. Và vì vậy tất cả chúng ta nên vui mừng — như một Hội Thánh hiệp nhất với nhau — khi tất cả chúng ta cùng chia sẻ cho nhau những điều kỳ diệu của lòng thương xót tràn đầy của Thiên Chúa.

Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam

Nguồn: wau.org (The Joy of ForgivenessFR. ALFREDO HERNANDEZ)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube