Lời trăng trối của Chúa Giêsu

(Suy Niệm Lời Chúa, 24-3-2016: Ga 13: 1-15)

Đến lúc tuổi già, sức yếu  hay lúc nằm trên giường bệnh, các ông bà chúng ta thường viết di chúc để lại cho con cháu. Nội dung của các di chúc thường là những lời nhắn nhủ tâm huyết truyền lại cho con cháu về những việc cần thực hiện; chỉ dạy con cháu về cách đối nhân xử thế; những điều gì nên tránh và những gì nên áp dụng trong cuộc sống, kể cả việc phân chia tài sản cho con cháu trong gia đình. Về phần con cháu, họ đón nhận di chúc của ông bà như là những lệnh truyền. Nếu như có ai trong họ không thực hiện những điều ông bà họ truyền dạy, sẽ bị xem là kẻ bất hiếu.

Tương tự, một số nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng trong xã hội đôi khi cũng để lại những lời trăng trối cho các thế hệ sau, nhằm chia sẽ kinh nghiệm quí báu mà họ rút ra được từ cuộc sống. Tuy những lời nhắn nhủ của họ không mang tính bó buộc đối với mọi người, nhưng vẫn được nhiều người đón nhận và chia sẽ. Cụ thể, trong thời gian gần đây, nhiều người đã tỏ ra cảm kích về những tư tưởng cao đẹp từ những lời trăng trối của ông Tôn Vận Tuyền- một chính khách nổi tiếng của Đài Loan, dành cho con cái của ông là một thư riêng. Trong khi đó, những lời trăng trối được cho là của Steve Jobs đang khi ông nằm trên giường bệnh cũng được nhiều người tâm đắc, nên đã giới thiệu và chia sẽ cho nhau. Có dịp đọc qua  những lời tâm huyết mà ông Tôn Vận Tuyền đã trối lại cho các con của ông; và nghiền ngẫm các lời tâm sự của Steve Jobs, chúng ta nhận ra những lời nhắn nhủ của họ thật quý giá cho cuộc sống, càng làm cho chúng ta trân trọng cuộc sống và trân trọng những gì mình đang có; trân trọng giây phút hiện tại và nỗ lực sống một cuộc đời có ý nghĩa.

 ruachan2Trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Ga 13,1-15), Thánh Gioan cho biết, “Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến”, tức là giờ mà Người đối mặt với cuộc khổ hình, sỉ nhục và cái chết, cũng là ‘giờ Người phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha,’ Người trối lại cho các môn đệ không chỉ qua hành động cụ thể: cúi mình xuống rửa chân cho các môn đệ, mà còn căn dặn các môn đệ phải noi gương Người mà phục vụ cho nhau trong tinh thần khiêm hạ (x. Ga 13,15).

Hành động cúi xuống rửa chân cho các môn đệ mà Chúa Giêsu đã thực hiện được xem là một nghĩa cử diễn tả thương yêu mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ. Như vậy, tình thương mà Chúa Giêsu dành cho các môn đệ không phải là điều gì trừu tượng, mà được diễn tả qua hành động phục vụ cách khiêm hạ. Và chúng ta cũng có thể nhận ra rằng, việc Chúa Giêsu hiến mình chị chết trên thập giá là chóp đỉnh của tinh thần vụ phục trong tinh thần khiêm hạ, cũng là cách mà Chúa Giêsu đã biểu lộ tình thương tột cùng dành cho các môn đệ.

Tình thương Chúa Giêsu dành cho các môn đệ không hề có sự loại trừ. Dù Chúa Giêsu biết Giuđa sẽ phản bội Người, nhưng Chúa Giêsu đã rửa chân cho Giuđa. Người đã không hề ghét bỏ cũng không hể có cử chỉ nào để loại trừ anh ta, ngoài việc thức tỉnh anh ta bằng một gợi ý tế nhị nhằm tránh làm tổn thương người môn đệ này. Như Thánh Sử Gioan đã viết: “Thật vậy Người biết ai sẽ nộp Người, nên người nói: ‘không phải tất cả anh em đều sạch.’” (Ga 13,11)

Vậy, việc Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ hãy nêu gương Người mà phục vụ đồng nghĩa với việc Người truyền cho các môn đệ chớ thương yêu nhau trên đầu môi chót lưỡi, nhưng cần phải diễn tả tình thương dành cho nhau qua việc phục vụ đến độ sẳn sàng hiến mạng sống cho nhau.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giêsu! Người là Thầy và là Chúa của chúng con. Những lời và những nghĩa cử yêu thương của Người trối lại cho các môn đệ khi xưa thật là quý giá hơn mọi thứ của cải trên thế gian này. Xin Chúa giúp chúng con luôn ghi khắc những lời Chúa truyền lại và nỗ lực thi hành. Đồng thời, xin Chúa giúp chúng con luôn biết noi gương Chúa sống yêu thương và phục vụ mọi người như Chúa đã yêu thương đến độ hiến mạng sống vì chúng con.

Giacôbê Võ Minh Quang, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube