Kinh Lạy Cha trong Lc 11,1-13

 

Bài Tin Mừng Lc 11,1-13 gồm ba phần, xoay quanh chủ đề cầu nguyện: Kinh Lạy Cha (cc.2-4), dụ ngôn người bạn quấy rầy ban đêm (cc.5-8) và lời giáo huấn về sự kiên trì trong cầu nguyện (cc.9-13).

20160723 lay cha

Trong bài suy niệm này, chúng ta sẽ chú ý cách đặc biệt đến phần thứ nhất (các câu 2-4): “Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin cho danh Cha hiển thánh, Nước Cha trị đến, xin Cha cho chúng con mỗi ngày có lương thực ngày này; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa cơn thử thách.”

Mở đầu trình thuật (c.1) là sự kiện Đức Giêsu cầu nguyện.

Tác giả Luca đã trình bày Đức Giêsu như là gương mẫu cho mọi kẻ tin. Các môn đồ, khi thấy Đức Giêsu cầu nguyện như thế, thì xin Người dạy các ông cầu nguyện. Đức Giêsu đã nhận lời xin của các ông và dạy các ông Kinh Lạy Cha.

Khi Người dạy các môn đệ Kinh Lạy Cha là Người đã đưa các ông hội nhập trực tiếp vào mối tương quan của Người với Thiên Chúa đồng thời quy tụ họ thành một cộng đoàn đặc biệt và thần thiêng.

Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha…” (c.2).

Truyền thống Kinh Thánh và Do Thái đã nhận biết Thiên Chúa trong tư cách là Cha. Trong văn hoá xứ Palestina thời xưa, hạn từ “cha” không chỉ mang sắc thái của một tương quan thân tình và thâm sâu, mà còn mang sắc thái của quyền bính nữa. Thiên Chúa là Cha trong tư cách là Đấng Tạo Hoá và Đức Chúa của dân được tuyển chọn. Chính trong tư cách là Cha mà YHWH tỏ lộ tình yêu đầy lòng lân mẫn xót thương đối với Israel và sẵn sàng tha thứ mọi lỗi phạm của Israel. Nói cách khác, tư cách là Cha của Thiên Chúa luôn bao hàm vừa quyền uy vừa lòng nhân lành của Người.

Xin làm cho Danh Cha được hiển thánh”.

Động từ “hiển thánh” được đặt ở dạng thụ động quen gọi là passivum divinum, tức là có chủ thể hành động thực sự là chính Thiên Chúa. Như thế, lời cầu xin này trước hết không có nghĩa là xin cho nhân loại biết tôn kính Danh thánh của Thiên Chúa, mà là xin chính Chúa Cha hành động để Danh của Người được hiển thánh giữa nhân loại.

“Danh của Thiên Chúa” là chính Thiên Chúa vô phương đạt thấu đang cúi xuống trên nhân loại mà mạc khải cho nhân loại về chính mình Người. “Danh của Thiên Chúa” là chính Thiên Chúa đang hiện diện ở đây và lúc này vì và với con người. Sự thánh thiện là phẩm tính riêng biệt của một mình Thiên Chúa, là sự hiển lộ của phẩm chất thần linh của Người trong sự toàn vẹn viên mãn và quyền năng. Xin Thiên Chúa làm cho Danh của Người được hiển thánh, vì thế, tức là hướng tất cả hiện hữu của mình về sự khát khao mong chờ Thiên Chúa tự mạc khải về chính Người, do hành động của chính Người, trong tất cả quyền năng vô biên của Người và trong hữu thể thần linh của Người. Rõ ràng đó chính là đặt mình trong viễn tượng cánh chung triệt để.

“Xin cho Nước Cha trị đến”

Đức Giêsu không bao giờ hiểu sự can thiệp cánh chung của Thiên Chúa theo nghĩa chính trị như những người Do Thái đương thời vẫn hiểu. Sự can thiệp cánh chung là cuộc giải thoát con người hoàn toàn khỏi mãnh lực Satan và ban cho con người một con tim hoàn toàn mới. Sự can thiệp cánh chung đó chắc chắn mang bản chất phổ quát và tầm vóc vũ hoàn. Như thế, sự hiển thánh của Danh Thiên Chúa được nối kết mật thiết với biến cố Nước Thiên Chúa đến, tức là với sự can thiệp quyền năng và chung cục, nhờ đó Thiên Chúa thiết lập quyền thống trị tối thượng của Người trên nhân loại và vũ hoàn trong phúc lộc vô biên và bình an miên viễn. Lời cầu xin thứ hai “xin cho Nước Cha trị đến”, vì thế, là sự diễn tả rõ hơn cho lời cầu xin thứ nhất “xin làm cho Danh Cha được hiển thánh”.

Trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu, điều chúng ta xin ở hai lời cầu xin đầu tiên này không phải chỉ là điều thuộc về một tương lai chưa xác định, song là niềm hy vọng đặt nền tảng trên một thực tại đã có rồi trong hiện tại. Tương lai đã thực sự hiện diện trong hiện tại nơi hoạt động của Đức Giêsu. Các môn đệ cầu xin để cái biến cố – thực tại đã có đó rồi, được xảy đến; lời cầu xin ở đây quy hướng về sự hiển lộ mang tính thành toàn, viên mãn và chung cục của thực tại đó.

Sự can thiệp tối hậu của Thiên Chúa, sự thể hiện tròn đầy của sự thánh thiện và của quyền năng tối thượng của Thiên Chúa, không ập xuống trên con người theo kiểu khiến con người chỉ còn chịu đựng biến cố đó một cách thụ động. Lời cầu xin trong Kinh Lạy Cha câu thúc chính người tin, bởi lẽ không thể thành tâm khao khát và van xin cho Danh Cha được hiển thánh và Nước Cha trị đến mà đồng thời không hoán cải con người mình, ngay lúc này và theo hướng toàn diện, cho phù hợp với những đòi hỏi của Nước Thiên Chúa và vương quyền cánh chung thánh thiện của Người.

Hai lời cầu xin đầu tiên trong Kinh Lạy Cha, vì thế, không cho phép người tin chạy trốn khỏi thế giới, nhưng trái lại, buộc họ phải đi vào giữa lòng cuộc sống trong hiện tại, hoàn toàn thông hiệp với thánh ý cứu độ của Thiên Chúa và cộng tác với Thiên Chúa trong cuộc can thiệp cứu độ tối hậu của Người. Với việc dạy các môn đệ cầu nguyện bằng những lời cầu xin như thế, Đức Giêsu đồng thời đòi hỏi họ một lập trường triệt để vì Tin Mừng: “Tiên vàn anh em hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người…

Xin Cha cho chúng con mỗi ngày có bánh ngày này; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa cơn thử thách” (cc.3-4).

Sau hai lời cầu xin liên quan trực tiếp đến Thiên Chúa, đến vinh quang Thiên Chúa và đến chương trình cánh chung của Người, ba lời cầu xin kế tiếp sẽ hướng đến những nhu cầu thiết thân của con người trong cuộc sống hiện tại:

Cần phải hiểu ba lời cầu xin này trong cùng một đường hướng với hai lời cầu xin đầu tiên. Một cách rất rõ ràng, đây không phải là sự tập trung chú ý trước hết đến Thiên Chúa rồi sau đó đến những nhu cầu của cuộc sống riêng. Thực ra, trật tự các lời xin trong Kinh Lạy Cha được sắp xếp theo một tính chất đặc biệt. Sau khi đã đặt mình vào trong tương quan đúng đắn với Thiên Chúa, dưới quyền tối thượng cánh chung của Người, các môn đệ Đức Kitô thực hiện cuộc hiện sinh của mình trong lôgích của biến cố Nước Thiên Chúa đến, của biến cố Thiên Chúa tự mạc khải mình là Cha giàu lòng nhân ái, và của những đòi hỏi xuất phát từ chính biến cố cứu độ ấy. Những lời cầu xin trong phần cuối Kinh Lạy Cha rất tương hợp với cuộc sống của người môn đệ đang tiên vàn đi tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người.

– Trước tiên là lời cầu xin liên quan đến lương thực: “Xin Cha cho chúng con mỗi ngày có bánh hằng ngày” (c.3). Trong lời cầu xin này, bánh có nghĩa là lương thực nói chung, thậm chí cũng có thể hiểu theo nghĩa chỉ về các nhu cầu vật chất khác nhau của đời sống người môn đệ.

Khi cầu nguyện bằng lời cầu xin “có bánh hằng ngày” như thế này, thì rõ ràng người môn đệ không ở trong một tình cảnh chắc chắn. Anh ta không có tài sản vật chất bảo đảm cho tương lai. Anh ta, quả thực, đang ở trong tình cảnh của một người đã từ bỏ mọi sự để đi theo Đức Giêsu một cách cụ thể. Đó cũng là tình cảnh của những người đã cho đi tất cả những gì mình có vì Nước Thiên Chúa và bây giờ chỉ còn biết cậy dựa vào lời hứa của chính Đức Giêsu: “Thầy bảo anh em: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc” (Lc 12,22). Với những đồ đệ đang xin Đức Giêsu dạy cho biết phải cầu nguyện thế nào, thì lời cầu xin này là một lời cầu xin hết sức thiết thân, hiện thực và “ấn tượng”.

So với Mt, lời xin này trong Lc có một chút khác biệt. Thay vì “hôm nay” (sêmêron), Thánh Luca viết “mỗi ngày” (kath’ hêmeran). Trong Mt người đồ đệ xin bánh cần cho ngày hôm nay, đặt dưới ý thức mạnh mẽ về viễn tượng cánh chung cận kề. Trong Lc, lời cầu xin nhắm đến toàn thể cuộc hiện sinh của người tin trong lịch sử và đặt cuộc hiện sinh ấy từng lúc từng lúc dưới sự chăm lo của Thiên Chúa. Chính vì thế, ông viết “mỗi ngày”.

Một yếu tố đáng chú ý khác: “chúng con”. Người đồ đệ dâng lời nguyện xin “cho chúng con” tức là anh ta cầu nguyện trong ý thức rằng mình không đơn độc, không hiện hữu một mình. Thực tại ân huệ mà anh ta xin Thiên Chúa ban tặng là một thực tại dành cho tập thể “chúng con”, và do đó, là thực tại để sẻ chia trong tình huynh đệ.

– “Xin tha tội cho chúng con…” (c.4a). Với biến cố Đức Giêsu Kitô, thời cứu độ đã xảy đến. Trong thời cứu độ đã có đó, Thiên Chúa ban cho con người ơn tha thứ của Người. Quyền năng tha thứ siêu việt của Thiên Chúa đã thành hiện thực, đã được đổ xuống trần gian. Và ơn tha thứ ấy sẽ thành toàn trong lịch sử vào lúc Thiên Chúa hoàn thành lịch sử này trong ngày sau cùng. Ơn tha thứ thần linh đó được trải nghiệm như là sự hiệp thông mới mẻ và siêu việt với Cha, và như là sức mạnh giải thoát làm cho con người có khả năng yêu  mến, tha thứ và đón nhận người khác.

Câu “vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con” đã gây ra một số vấn đề tranh luận. Với lời này, rõ ràng Đức Giêsu nối kết ơn tha thứ cánh chung và tối hậu của Thiên Chúa với thái độ hành xử của con người. Đây là lần duy nhất, trong Kinh Lạy Cha, hành động của con người (chứ không phải hành động của Thiên Chúa) được đặt vào tầng thứ nhất và trở thành như thể điều kiện cho hành động của Thiên Chúa. Nhiều người, do đó, nghĩ rằng thoạt đầu không có câu này trong lời dạy của Chúa Giêsu. Làm thế nào dung hoà giữa một bên là sự kiện Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ rồi trong máu Đức Kitô và bên kia là sự kiện phải liên tục nài xin ơn tha thứ ấy? Thiên Chúa không tha thứ trọn vẹn sao? Rồi lại còn “vì chúng con cũng tha thứ” nữa!

Cần chú ý mối tương quan giữa “đã” và “chưa” trong mầu nhiệm cứu độ và tha thứ. Thiên Chúa quả thực đã tha thứ cho chúng ta, nhưng ơn tha thứ ấy được ban cho trong hiện tại của lịch sử. Người đồ đệ của Chúa Giêsu vẫn còn sống trong lịch sử và có nguy cơ làm cho ơn tha thứ ấy ra hư luống bằng thái độ tội lỗi và không biết tha thứ của chính mình. Người đồ đệ biết rằng mình đã được đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, nhưng vì điều kiện lịch sử, vì còn đi trong lịch sử, anh phải liên tục nài xin Thiên Chúa cho anh giữ được ơn tha thứ ấy cho đến khi được hưởng ơn tha thứ viên mãn và chung cục.

Sự tha thứ cho người khác vừa là hiệu quả vừa là điều kiện của ơn tha thứ mà Thiên Chúa ban xuống cho chúng ta. Phần thứ hai trong lời xin tha thứ (“vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”) không phải là một khẳng định kiêu căng về khả năng tha thứ của người môn đệ, nhưng là phần làm cho người môn đệ ý thức về tính cách khẩn thiết của việc thể hiện một cách cụ thể trong cuộc sống ơn huệ mà anh ta đã được lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa.

Ở đây, đáng chú ý là sự khác biệt giữa Lc và Mt. Trong khi Mt nói đến “nợ” thì Lc lại viết “tội”. Cách dùng từ này của Lc làm cho bản văn bớt “chất sêmít” hơn và phù hợp hơn với độc giả theo văn hoá Hy Lạp. Ngoài ra, Mt viết: “như chúng con cũng tha…”, còn Lc lại viết: “vì chúng con cũng tha…” để nhấn mạnh đòi buộc phải có sự tha thứ lẫn nhau như một điều kiện để được hưởng ơn tha thứ của Thiên Chúa. Trong bản văn Lc, ông viết “chúng con cũng tha” ở thời hiện tại: tác giả Tin Mừng nghĩ đến cuộc sống hàng ngày của cộng đoàn trong lịch sử và do đó, việc tha thứ mà người tin buộc phải thực hiện sẽ là việc kéo dài mãi. Tác giả Lc lại còn cẩn thận ghi “mọi (panti) người có lỗi” nhằm nhấn mạnh đòi hỏi người tin phải tha thứ cho tất cả mọi người có lỗi với mình, không trừ ai.

– Lời cầu nguyện kết thúc bằng một lời van xin tha thiết được giúp đỡ để thoát cơn thử thách, chứ không phải bằng một lời tán dương Thiên Chúa. “Và xin đừng để chúng con sa cơn thử thách” (c.4b).

Người cầu nguyện xin Thiên Chúa đừng để cho cơn thử thách quật ngã mình, chứ không phải là xin Thiên Chúa đừng để cho mình làm điều dữ. Ông cũng không xin Thiên Chúa giữ ông không phải thử thách, vì thật ra, thử thách là cần thiết để ông đạt tới sự trưởng thành của lòng tin. Ông không xin Thiên Chúa cất xa ông những đau khổ và những khốn khó của cuộc sống, vì thập giá là cần thiết cho đời sống người tin. Ông chỉ xin Thiên Chúa bảo vệ ông để Satan không áp đặt được quyền lực của nó như là tiếng nói tối hậu trên ông.

Vấn đề là thử thách được nói đến ở đây là gì? Các cách giải thích sẽ rất khác nhau giữa các nhà nghiên cứu. Có lẽ ban đầu Đức Giêsu có ý nói đến thử thách cánh chung, vì tính chất cánh chung không thể phủ nhận được của các lời rao giảng của Người, đặc biệt vì chiều kích cánh chung trong Kinh Lạy Cha mà Người dạy cho các đồ đệ để họ cầu nguyện với Thiên Chúa. Thử thách cánh chung ấy không chỉ là biến cố xa xôi, mà là thực tại bi thương đang bắt đầu với cuộc khổ nạn của chính bản thân Người và làm rúng động thật sự tất cả con người hiện sinh của các đồ đệ. Thử thách ấy cũng xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta nữa, vì thời đại cánh chung đã được khai mở rồi với biến cố Đức Giêsu Kitô. Vì thế, cơn thử thách cánh chung được nhắc đến ở cuối Kinh Lạy Cha này luôn là một thực tại mang tính thời sự đối với mọi kẻ tin. Đức Giêsu không dạy chúng ta xin Thiên Chúa cất cơn thử thách ấy đi, nhưng là xin cho chúng ta đứng vững và không bị khuất phục.

Lời Kinh Lạy Cha, như thế, kết thúc bằng việc xin Thiên Chúa ra tay cứu chúng ta. Xin bàn tay của Thiên Chúa luôn nắm lấy cuộc hiện sinh của người tin và của cộng đoàn những con người đang bước theo Chúa Kitô, để lời nói tối hậu sẽ là lời của chính Thiên Chúa…

Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube