Kiên trì cầu nguyện

Chuyện kể về những cuộc đàm đạo giữa hai thầy trò, đúng hơn là những lời giáo huấn của thầy với trò về sự cầu nguyện. Hôm nay là về đề tài CẦU NGUYỆN. Xin mời…

20160724 Chau Thanh The

Dicdok. Sư phụ thấy con “ngồi thiền” không yên là sao?

Đúng là không dễ bắt thân xác ngồi yên, mắt chăm chú, tâm an tĩnh và lòng sốt mến trước Thánh Thể.

Đúng là nhiều khi, và thường là vậy, con cảm thấy mệt mỏi, vì không thể tập trung, chán nản vì cảm thấy vô ích và không biết nói gì trước Thánh Thể. Con ngồi đó mà hồn con “phiêu diêu” đến tận cõi “cực lạc” nào khác. Ta biết, về “dạng” này, con thuộc bậc thượng thừa.

Đúng là con bị chia trí, một cách vô thức, vì nhiều điều quan trọng khác nảy sinh trong tâm trí con. Những sự bận tâm ấy len lỏi đến với con một cách nhẹ nhàng, và rồi, chúng chiếm lĩnh linh hồn con mà con không hay biết. Những lúc như vậy con bị cám dỗ bởi các ý nghĩ tiêu cực: “Cầu nguyện để làm gì và như thế nào mới đúng?”. “Có nhất thiết phải cầu nguyện nhiều lần mỗi ngày như vậy không?”. “Điều này có lợi gì?.”, “Tôi không cảm thấy gì cả! Ngày nào cũng thế này, thấy mà ớn.”…

Dicdok.

Đúng là thường khi con không nghiệm thấy có gì xảy ra cho linh hồn con khi cầu nguyện. Con có cảm giác là những lời cầu nguyện của con như “chìm vào cõi hư không”, nhưng chớ vội hoảng, con ôi. Hiệu năng của những lần cầu nguyện, dấu chứng của sức mạnh cầu nguyện sẽ đến sau đó, lúc con làm việc hay thi hành sứ vụ. Giống như những lúc con “luyện công” vậy, con không cảm thấy gì, nhưng sau đó, con sẽ nhận thấy một nội lực dồi dào từ bên trong mỗi khi con “động thủ”. Sức mạnh của những lần cầu nguyện đem lại cũng thế, nhờ đó mà con sáng suốt và khôn ngoan và con sẽ biết vận dụng lợi ích của nó sau này, khi cần đến.

Cầu nguyện là việc lâu dài, không phải chỉ một lần thay cho tất cả. Nó đòi hỏi con phải kiên trì (Lc 18, 1-8). Con sẽ biết thế nào là kiên trì, là cần thiết phải cầu nguyện, nếu những lời cầu nguyện của con liên quan tới những việc quan trọng tới vận mạng con, phải đưa ra những quyết định trong những vấn đề lớn của cuộc đời con, cũng như thấy được sự bất lực của con trước những cách thức giải quyết vấn đề. Nếu chính con, một khi đã trải nghiệm qua những điều đó, con mới có thể trợ giúp, dạy dỗ và cổ vũ việc cầu nguyện cho mọi người biết dành thì giờ để cầu nguyện, vì muôn vàn lợi ích của họ.

Dicdok.

Con biết không. Thánh Thể là tâm điểm của đời sống tín hữu, nhất là đời sống tu trì. Sự hiện diện của Thánh Thể luôn nhắc nhở con rằng con cần đến Chúa hơn là Chúa cần con và dù con có bận rộn với sứ mạng đến đâu, dù người ta cần sự trợ giúp của con đến đâu, cũng không thể thay thế cho sự cần thiết phải cầu nguyện với Thánh Thể được. Nếu con không đến với Chúa, thử hỏi con sẽ nhân danh ai để đến với tha nhân?, con có gì cho tha nhân?. Hay con đã thánh thiện rồi? Ô hô! Ai tai! Nghe đây Dicdok, muốn nên thánh, con phải cần nhờ Chúa chỉ dạy, muốn biết Chúa dạy thế nào, phải kiên trì cầu nguyện con ạ. Không có cách nào khác đâu.

Sự kiên trì ở trước Thánh Thể thật quan trọng. Đôi khi con quá kiêu căng hoặc lười biếng khi nghĩ rằng hôm ấy, Lời Chúa nói đâu đâu, con chẳng có ý tưởng, tâm tình gì đặc biệt để cầu nguyện, chẳng có ai nhờ con cầu xin… Lầm to. Nếu con không cảm nghiệm được sự hữu ích của Lời Chúa nói hôm ấy, hãy nghĩ đến những người đang cần được soi sáng, đang có nhu cầu trợ giúp mà Lời Chúa, con tưởng đang nói đâu đâu ấy, thật cần thiết cho họ. Chỉ khi nào con gạt bỏ lối suy nghĩ thiển cận này, con mới biết cách dọn cho tâm hồn mình thật tĩnh lặng, trong trạng thái chờ đợi, và khi lỗ tai tinh thần mở ra, con mới có thể nghe được tiếng Chúa dạy bảo con, cũng như cảm nhận được sự khôn ngoan và sáng suốt từ Chúa Thánh Thần đến với con.

Hãy nhớ, bất cứ khi nào con cảm thấy chán nản, hãy cứ kiên cường ra trước Thánh Thể và chỉ lập đi lập lại một câu này thôi: “Lạy Chúa Giêsu rất đáng mến yêu rất đáng được tôn thờ và tôn vinh. Này con đây.” Hãy đến với sự hiện diện của Chúa. Cứ coi là Chúa đang cần, rất thích việc con đến với Chúa, và chỉ vậy thôi. Những gì con thiếu, Người sẽ ban cho.

Dicdok.

Khi chầu Thánh Thể, mà Thánh Thể là sự hiện diện của Chúa mọi ngày cho đến tận thế, nên khi ra trước Thánh Thể, là con giúp con hiện diện trước Chúa. Vấn đề không phải là điều con làm cho Chúa, mà là điều Chúa muốn làm cho con. Con hãy ở cùng Chúa “bên ngoài”, rồi sẽ nghiệm thấy Chúa “ở trong” con. Con sẽ tin thật vào điều ấy mà không cần một biện lý thần học hoặc cần một cảm nhận của giác quan nào. Mọi người cũng sẽ nhận thấy điều đó qua sự biến đổi bản thân và đời sống con, qua hành động của con.

Nhờ kiên trì cầu nguyện như thế, con sẽ thấy có sự “khác biệt” giữa Kinh Thánh và điều Chúa dạy dỗ qua Kinh thánh. Một bên là gián tiếp và một bên là trực tiếp; một bên là nói cho tất cả và bên kia là chỉ mình con.

Đó là bài học lớn cho con, để biết rằng không phải lúc nào con cũng cần phải nói điều gì đó với Chúa, nhưng chỉ cần ở đó với Người thôi.

Dicdok. Sư phụ nói chưa hết. Con chạy đi đâu vậy…?

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube