Khuôn mẫu của người môn đệ

(Suy niệm Lời Chúa, thứ Hai Tuần Thánh, 21-03-2016)

CN11_C1Qua trình thuật về việc cô Maria xức dầu cho Đức Giêsu tại Bêtania, trong đoạn Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (Ga 12, 1-11), tác giả Gioan làm nổi bật hai hình ảnh trái ngược nhau của đời sống người môn đệ theo Chúa Kitô: hình ảnh của cô Maria, người yêu mến Đức Giêsu với một tình yêu dâng hiến không tính toán, khiến “cả nhà sực mùi thơm” (11, 3b); và hình ảnh Giuđa, người đi theo Đức Giêsu với một não trạng đầy toan tính thế tục và vì thế sẽ đi vào bóng tối của sự phản bội (11, 4-6).

Bối cảnh của trình thuật xức dầu này là ở làng Bêtania (ngôi làng nhỏ nằm về phía đông của Núi Ôliu, cách Giêsusalem chỉ chừng độ hơn 3 km), vào dịp gần Lễ Vượt Qua – chính xác theo tác giả Gioan là “sáu ngày trước Lễ Vượt Qua” (11, 1). Và khi vào làng này hẳn Đức Giêsu đã ghé thăm gia đình thân quen của ngài, là gia đình cô Mátta, Maria và Ladarô, như Ngài vẫn thường làm thế mỗi khi lên Giêsusalem (x. Lc 10, 38-42). Gia đình cô Maria vừa mới trải qua biến cố “đau thương trở thành niềm vui khôn tả” khi Đức Giêsu làm cho Ladarô đã chết bốn ngày được sống lại, mà tác giả Gioan đã trình thuật trước đó (11, 1-44); nay gia đình thân thương này lại được hân hoan đón tiếp Thầy Giêsu quay trở lại. Và “họ đã dọn bữa tối thiết đãi Ngài” (12, 2a), trước khi Đức Giêsu long trọng tiến vào thành Giêsusalem để hoàn tất “giờ” khổ nạn và vinh quang mà Chúa Cha đã định cho Ngài (11, 12-19).

Và việc xức dầu của cô Maria diễn ra trong bữa tiệc gia đình thân hữu này. Tác giả Tin Mừng thứ tư kể: “Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân cho Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm” (12, 3). Ở đây, khác với các trình thuật tương tự về việc xức dầu cho Đức Giêsu trong Tin Mừng Nhất Lãm (x. Mc 14, 3-9; Mt 26, 6-13; Lc 7, 37-50), tác giả Gioan cho thấy, qua văn mạc của câu chuyện, người xức dầu là cô Maria, chị em của Mátta và Ladarô.

Hành động xức dầu này của Maria xem ra quá lãng phí theo “cái nhìn người đời”, vì bình dầu thơm hảo hạng mà cô Maria đổ lên chân của Đức Giêsu có giá gần bằng tiền lương cả năm làm việc của một người lao động bình thường lúc đó (x. Mt 20, 2). Chính vì thế, Giuđa đã cảm thấy xót xa cho điều này nhân danh việc bác ái cho những người nghèo (12, 5). Hành động của cô Maria cũng xem ra không bình thường, bởi lẽ trong văn hoá Do Thái khi xức dầu cho một người đang sống sống để tỏ lòng tôn kính thì người ta xức lên đầu, chứ không phải xức ở chân; hơn nữa cô Maria lại lấy tóc mình mà lau chân Đức Giêsu, trong khi theo quan niệm của người Do Thái lúc bấy giờ thì một người phụ nữ đáng kính sẽ không bao giờ xoả tóc trước những người khác, chứ chưa nói là lấy tóc mình lau chân cho một người đàn ông.

Nhưng, trả lời cho sự “càm ràm” của Giuđa, Đức Giêsu đã đón nhận cử chỉ tình yêu “bất thường” này của cô Maria; đồng thời Ngài tỏ cho thấy đây là hành động có tính tiên tri quy hướng về “giờ” của Ngài: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy” (12, 7). Ở đây, Đức Giêsu, dưới cái nhìn của tác giả Gioan, đã gán cho hành động của cô Maria một ý nghĩa thần học sâu xa; nó trở thành một “dấu chỉ” quan trọng về “giờ” khổ nạn và tôn vinh sắp đến của Đức Giêsu. Và vì thế, việc làm của cô Maria là hành động xức dầu cho vị Vua Mêssia, Người Tôi Trung của Thiên Chúa, Đấng đến tỏ bày công lý yêu thương và cứu chuộc của Thiên Chúa cho thế gian, như được tiên báo qua ngôn sứ Isaia mà chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân… Cây lau bị dập, nó không đành bẻ gẫy; tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý” (Is 42, 1-3).

Trong ánh sáng này, chúng ta hiểu rõ hơn câu trả lời của Đức Giêsu cho Giuđa liên quan đến người nghèo, “Thật vậy, người nghèo thì lúc nào cũng có bên cạnh anh em; còn Thầy, anh em không có mãi đâu” (12, 8). Không phải là Đức Giêsu khuyến khích sự lơ là đối với người nghèo, nhưng Ngài muốn nhấn mạnh ở đây một trong những biến cố quan trọng bậc nhất trong lịch sử nhân loại đang đến gần, đó là cái chết (sự từ giả thế gian) của Con Thiên Chúa nhập thể. Đối với đời sống người môn đệ, đồng ý họ có nhiều việc phải chu toàn (như việc bác ái, loan báo Tin Mừng,…) nhưng luôn luôn Đức Giêsu – Đấng chịu khổ nạn, chết và Phục sinh – phải là tâm điểm của đời sống đức tin mình.

Cử chỉ biểu lộ tình yêu hiến mình và phục vụ của cô Maria cũng nói lên trọn vẹn ý nghĩa và vẻ đẹp của đời sống làm môn đệ Đức Kitô. Trong trình thuật về việc rửa chân sau đó, chúng ta sẽ thấy Đức Giêsu sẽ cúi xuống rửa chân cho các môn đệ như là một sự diễn tả tình yêu thẳm sâu của Ngài đối với họ và như là cách thế dẫn đưa họ vào trong sự sống của Thiên Chúa (13, 1-8). Và Đức Giêsu cũng mời gọi các môn đệ lặp lại hành động này để phục vụ lẫn nhau (13, 14-15). Những gì Đức Giêsu sẽ làm cho các môn đệ cũng như yêu cầu các môn đệ làm cho nhau, thì ở đây cô Maria đã làm cho Ngài (12, 3). Vì thế, độc giả nhìn thấy nơi cô Maria hình ảnh về sự tròn đầy của đời sống người môn đệ đích thực – người luôn lắng nghe lời Thầy, hiểu thấu được tâm tư, ước nguyện và dường như cả những biến cố sắp xẩy ra với Thầy, và phục vụ Thầy với một tình yêu không quản ngại “miệng lưỡi thế gian”.

Đời sống người Kitô hữu chúng ta được định nghĩa là “sequela Christi” (người bước theo Chúa Kitô). Ước gì tình yêu của chúng ta đối với Đức Giêsu, là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta, không phải là một tình yêu tính toán ẩn dấu những tham vọng trần tục như Giuđa, nhưng là một tình yêu hiến mình và quảng đại phục vụ, để cho ơn cứu độ chứa chan nơi Ngài lan toả “sực mùi thơm” khắp cùng cõi địa cầu qua muôn thế hệ. Tâm hồn người môn đệ chân chính của Chúa Kitô cũng là tâm hồn của người, giữa bao nhiêu thử thách, vẫn đầy lòng tin cậy nơi những việc kỳ diệu Chúa sẽ thực hiện cho dân Chúa, như lời của vịnh gia trong Thánh vịnh đáp ca hôm nay: “Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và đợi chờ Chúa (Tv 26, 13-14).

Giuse Phạm Đình Trí, C.Ss:R

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube