Hòa giải

Khi nói về sự hòa giải, Kinh Thánh Cựu Ước cho biết: Thiên Chúa đã khai mào sự hòa giải giữa nhân loại với Thiên Chúa bằng cách luôn tha thứ cho họ. Chính Ngài tự mặc khải là “Thiên Chúa hiền dịu và xót thương” (Xh 34, 6), Đấng sẵn lòng nguôi “cơn giận” (x. Tv 85, 4; 103, 8-12), và nói cho dân của Ngài biết về hòa bình (x. Tv 85, 9).

20170203 hoa giaiChính tội lỗi của dân Israel đã bẻ gãy giao ước Xinai. Nhưng Thiên Chúa không những không ngã lòng mà chính Ngài lại còn khởi xướng một giao ước mới và vĩnh cửu để hòa giải họ lại với Ngài (x. Gr 31, 31tt; Ed 36, 24-30). Đây chính là một cuộc hòa giải – mặc dầu không dùng đến thuật ngữ hòa giải – mà Thiên Chúa đã thực hiện với người bạn bất trung của Ngài (x. Hs 2, 16-22), với những đứa con phản loạn của Ngài (x. Ed 18, 31tt).

Tất cả những nghi thức tha tội theo phụng tự Môsê được ấn định để thanh tẩy mọi tội lỗi, sau cùng cũng chỉ là để hòa giải con người với Thiên Chúa. Tuy nhiên, thời điểm để được tha thứ mọi tội lỗi vẫn chưa được hoàn thành; vì thế, những người trung thành với Thiên Chúa đích thực vẫn phải còn chờ đợi một cái gì tốt đẹp và hoàn hảo hơn ở phía trước (x. 2Mcb 1, 5; 7, 33; 8, 29).

Sự chờ đợi và niềm hy vọng đó bây giờ được đáp ứng, khi sự hòa giải được hoàn thành cách trọn vẹn và dứt khoát nơi Đức Giêsu Kitô, “Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại” (1Tm 2, 5), và sự hòa giải này cũng chỉ là một khía cạnh trong chương trình cứu độ của Ngài.

Tự bản chất, con người không thể được hòa giải với Thiên Chúa mà con người đã xúc phạm vì tội lỗi của mình. Nhưng sở dĩ con người được hòa giải với Thiên Chúa là do chính Ngài đã có sáng kiến, đã khởi xướng nhờ Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô (x. 2Cr 5, 18). Thiên Chúa đã yêu thương con người ngay khi con người còn là “kẻ thù” của Ngài (x. Rm 5, 10), và cũng chính từ lúc này mà Thiên Chúa đã sai Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến để “chịu chết cho chúng ta” (x. Rm 5, 8).

Vì thế, từ nay Thiên Chúa không còn cầm giữ tội lỗi con người nữa, vì sự hòa giải đã đổi mới tất cả những ai biết sẵn sàng mở lòng ra đón nhận lòng xót thương mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi chính Người Con Một của mình là Đức Giêsu Kitô.

Tuy nhiên, cũng cần phải biết rằng mặc dầu Thiên Chúa là tác giả chính trong cuộc hòa giải, nhưng không phải vì thế mà con người hoàn toàn thụ động và bị buộc phải đón nhận lòng xót thương của Thiên Chúa; ân huệ và lòng xót thương của Thiên Chúa chỉ hữu hiệu đối với những ai muốn sẵn sàng mở lòng ra đón nhận bằng đức tin, chứ không phải do một sự ép buộc.

Đình Tộ, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube