Giáo hội ở Palermo đi đầu trong việc chào đón những người di cư

Các bức tường của quận Ballaro lịch sử của Palermo là minh chứng cho lịch sử quốc tế của nơi này. (Ảnh: MELANIA MESSINA/ LA CROIX)

Các bức tường của quận Ballaro lịch sử của Palermo là minh chứng cho lịch sử quốc tế của nơi này. (Ảnh: MELANIA MESSINA/ LA CROIX)

Trước chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Marseille, La Croix xem xét cách thức các tín hữu Công giáo và các Kitô hữu khác đang giúp đỡ các thành phố và quốc gia khác nhau ở khu vực Địa Trung Hải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng.

Cánh cửa vừa mở ra thì một dòng người nam nữ, những người di cư và vô gia cư, chen lấn vào Trung tâm San Carlo và Santa Rosalia, một cơ sở của Caritas trên một con đường hẹp ở khu Palermo lịch sử, thủ đô của Sicily. Như mọi ngày, những người này đến đây để tìm một giây phút nghỉ ngơi và yên tĩnh, có lẽ là thứ gì đó để ăn, hoặc đơn giản hơn là để có được một đôi tai đồng cảm. Những bức tranh tường bao phủ các tòa nhà trong khu phố này, mô tả những khuôn mặt từ khắp nơi trên thế giới. Có một tấm biển bằng tiếng Anh có nội dung: “Không biên giới”.

Palermo luôn là một thành phố của sự chào đón và hội nhập, và kể từ năm 2014, số lượng người di cư ngày càng gia tăng – gần đây nhất là từ vùng cận Sahara và Tunisia – đã đổ xô đến đây. Kiến trúc của thành phố cảng đông đúc này – sự pha trộn giữa mái vòm Moorish, những tượng đài Norman và những bức tranh khảm Byzantine – là lời nhắc nhở rằng hầu hết mọi nền văn hóa và tôn giáo đều đã đi qua đây.

Do đó, hầu như không có gì đáng ngạc nhiên khi vấn đề di cư là tâm điểm suy tư tại Phân khoa Thần học Giáo hoàng Sicily (“Thánh Sử Gioan”), liền kề với Nhà thờ Chính tòa của thành phố. Trong nhiều năm nay, các nhà thần học đã dành thời gian nghiên cứu đối với vấn đề nóng bỏng này, tìm cách cung cấp nền tảng thần học và Kinh Thánh vững chắc hơn cho hoạt động của Giáo hội trong lĩnh vực này.

Di cư có phải là một “kairos” không?

Một trong những nhà thần học đó là Cha Sergio Natoli, một Hiến sĩ Dòng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (OMI), người đã qua đời vào tháng 5 năm ngoái. Vị Linh mục truyền giáo nổi tiếng gọi cuộc di cư ồ ạt hiện nay là một ‘kairos’, vốn là “thời điểm thích hợp” mà qua đó Thiên Chúa hướng dẫn và soi sáng các tín hữu. “Chính những người di cư, với sự đa dạng về văn hóa và sự đa dạng trong cách thể hiện đức tin duy nhất của họ, đã giúp toàn thể Dân Chúa chứng tỏ rằng họ mang tính Công giáo”, Cha Natoli viết.

“Nếu chúng ta coi các hoạt động di cư là do quan phòng, thì chúng ta phải trở thành những nhà truyền giáo cởi mở với tính phổ quát”, Cha Rosario Pistone, Linh mục Dòng Đa Minh, chủ tịch phân khoa Giáo hoàng, cho biết.

Sergio Ciresi, phó Giám đốc văn phòng Caritas của Palermo, cũng đã viết một luận án về những người xa lạ trong Kinh Thánh. Vị Linh mục Tổng Giáo phận 53 tuổi nói rằng Cựu Ước và Tân Ước nhắc nhở chúng ta rằng các Kitô hữu chính là những người xa lạ và những lữ khách trên trần gian này. “Ngoài sự chào đón và bác ái dành cho tất cả mọi người, lời loan báo của Giáo hội dành cho những người đến đây là gì, đối mặt với sự đa dạng, những nhu cầu và sự vỡ mộng?”, ông Ciresi đặt câu hỏi.

Trung tâm San Carlo và Santa Rosalia, do ông điều hành và làm việc cùng với phân khoa thần học, cố gắng đưa ra câu trả lời cụ thể bằng cách xác định sứ mệnh của mình đối với những người di cư trong bốn lĩnh vực: chào đón, bảo vệ, khuyến khích và hội nhập. Lắng nghe là một ưu tiên.

“Những người di cư cần trò chuyện, kể những câu chuyện của họ, ước mơ của họ và những cú sốc họ đã trải qua”, Giovanna Conigliaro, người đứng đầu trung tâm lắng nghe, giải thích.

“Họ đã trải qua những điều khủng khiếp trong chuyến vượt Địa Trung Hải. Và trong khi họ nghĩ rằng họ sẽ tìm thấy thiên đường ở châu Âu, một ngôi nhà và một công việc, thì thực tế lại rất khác”, ông Ciresi chỉ ra.

Khôi phục phẩm giá thông qua vẻ đẹp của nghệ thuật

“Cung cấp dịch vụ là chưa đủ”, vị Linh mục tiếp tục, đồng thời lưu ý rằng những người di cư cũng được liên lạc với các gia đình ở Palermo.

Trong thời gian chờ đợi, họ tham gia các lớp học tiếng Ý và được đào tạo nghề. Ví dụ: nam giới có thể học cách trở thành người làm bánh pizza hoặc người làm vườn, trong khi phụ nữ được đào tạo để giúp đỡ những người cao niên. Cách đây 2 năm trước, Caritas đã tạo ra một “phòng thí nghiệm” ảnh do một bác sĩ tình nguyện là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư điều hành. Caritas cũng đã thiết lập quan hệ đối tác hội thảo với các bảo tàng của Palermo để giới thiệu cho người di cư về di sản nghệ thuật phong phú của thành phố và các nguồn tài nguyên nghệ thuật của nó.

“Dự án tiên phong này là một hình thức trị liệu. Nó nhằm mục đích bao gồm những người vô hình trong mắt xã hội và khôi phục lại cho họ phẩm giá đã bị tước đoạt, bằng cách cho họ tiếp xúc với vẻ đẹp của nghệ thuật, thường là dành cho một tầng lớp ưu tú nhỏ”, ông Conigliaro cho biết thêm.

 “Thông qua tính thẩm mỹ của một nền văn hóa không phải của riêng họ, chúng tôi trả lại cuộc sống cho họ”, Fabiana Fortiz, người sáng lập trung tâm, khẳng định.

Một phụ nữ người Romania tên là Tatiana khá thu mình khi đến trung tâm sau một lịch sử cá nhân đầy những khó khăn. Hội thảo nghệ thuật mà chị đã tham gia kể từ khi thành lập đã thay đổi chị. “Tôi thích những câu chuyện mà các bức tranh kể. Tôi nhận ra rằng vốn từ vựng của tôi đã phát triển kể từ đó. Giờ đây tôi có thể nói về những gì tôi nhìn thấy”, Tatiana nói.

Gabriella Sciortino, từ bộ phận học tập của Civita Sicilia, một hiệp hội quảng bá văn hóa gắn liền với dự án, cho biết kết quả của sáng kiến này đã khiến chị ngạc nhiên. “Palermo là một thành phố hỗn loạn. Tại bảo tàng của chúng tôi, những người di cư và những người vô gia cư tìm thấy sự thanh thản. Lúc đầu, họ xấu hổ và mất phương hướng. Họ không biết tìm ở đâu, nhưng dần dần họ biến nơi này thành của riêng mình”, Sciortino nói.

“Chào đón người di cư là vấn đề công lý chứ không phải lòng tốt”

Nhà nước Ý đã liên tục cung cấp tài chính và các nguồn lực khác cho Palermo trong nỗ lực giải quyết vấn đề người di cư. Nhưng kể từ khi chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc của Thủ tướng Giorgia Meloni lên nắm quyền cách đây một năm, điều kiện chính trị ở Ý đã làm phức tạp nghiêm trọng nhiệm vụ của các tổ chức.

Đã có sắc lệnh Salvini vào năm 2019, bãi bỏ biện pháp bảo vệ nhân đạo đối với những người di cư không được coi là người tị nạn. Thêm vào đó là các biện pháp ngăn chặn hoạt động cứu hộ ở Địa Trung Hải của các tổ chức phi chính phủ nhân đạo, gây ra thảm họa như vụ đắm tàu Cutro (Calabria) hồi tháng 2. Ít nhất 84 người thiệt mạng khi lực lượng bảo vệ bờ biển Ý không can thiệp nhanh chóng.

Vai trò của các Giáo hội trong môi trường này là gì?

“Tất cả chúng ta cần đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa về mối tương quan cởi mở với vấn đề di cư ở các quốc gia nằm ở tuyến đầu của những người mới đến, chẳng hạn như Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp và trước hết là Sicily”, Fra Rosario Pistone, người đứng đầu khoa thần học của Sicily tái khẳng định.

“Chào đón người di cư là một vấn đề về công lý chứ không phải lòng tốt”, Don Vitto Impellizzeri, giáo sư thần học cơ bản tại cùng tổ chức, nhấn mạnh.

Ông sẽ phát biểu tại Marseille vào ngày 19 tháng 9 trong “Cuộc gặp gỡ Địa Trung Hải” mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bế mạc vào thứ Bảy tới. “Bạn không thể là một Kitô hữu mà lại không nhìn thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa cuộc đời của Chúa Giêsu, người đã phải chạy trốn sang Ai Cập để bảo toàn sinh mạng, và những người di cư”, ông Impellizzeri nói. “Giáo Hội phải là nơi mang lại sự cứu tế cho những người chạy trốn”.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube